Tài nguyên - Thiên nhiên
Cơn sốt "cây thần dược” chưa hạ nhiệt
(06:17:34 AM 23/12/2012)Tại các điểm bán thần dược tại Ninh Vân (Ninh Hòa, Khánh Hòa), không ít người ở các địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận đến hỏi mua thuốc. Tuy tất cả đều ra về tay không nhưng vẻ mặt ai cũng hồ hởi. Hóa ra, họ đã thỏa thuận được phương thức mua bán kín đáo. Qua mặt lực lượng chức năng
Hiện nay, người dân Ninh Vân vẫn lấy “thần dược” giả về xắt ra bán. |
Bà Hiền (thôn Đông, xã Ninh Vân) - một trong những người đầu tiên nghĩ đến chuyện buôn bán xáo tam phân giải thích: “Những ngày này, lực lượng chức năng làm căng lắm. Việc vận chuyển thuốc rất khó khăn. Tuy vậy, nếu cần, tôi vẫn có thể giúp, nhưng giá cao đấy: 1 triệu đồng/kg loại một”. Khi có người ngỏ ý mua số lượng lớn, bà Hiền cho biết phải chờ tới khuya, người nhà bà sẽ dùng xe máy vận chuyển từng kg thuốc lên thị xã Ninh Hòa, rồi đến sáng, sẽ có ô tô của em trai bà chuyển vào Nha Trang.
Bà còn dặn dò: “Không cần trực tiếp ra đây mua thuốc, chỉ cần liên lạc qua điện thoại. Báo cho tôi biết số lượng, chất lượng thuốc cần mua từ chiều hôm trước, khoảng 7h30 hôm sau, cứ đến tổ dân phố 15 Phương Mai, đường 2-4 (Nha Trang) để giao tiền, nhận thuốc. Nếu mua nhiều, tôi sẽ trực tiếp đưa thuốc đi, nếu mua ít, tôi sẽ gửi xe hoặc gửi ghe vào Nha Trang”.
Tại một số điểm bán xáo tam phân ở Ninh Vân như nhà ông Hăng, ông Trường, bà Ngà, bà Phu… cũng có lời đảm bảo tương tự.
Cây xáo tam phân con cũng bị người dân lùng sục đào về bán. |
Tại những điểm mua bán xáo tam phân, tuy số lượng dự trữ không còn nhiều như trước, nhưng cần mua bao nhiêu… cũng có. Đó là bởi người bán đã tẩu tán “thần dược” sang nhà người quen hoặc đưa đến các xã khác như: Ninh Phước, Ninh Thủy hoặc lên thị xã để đối phó với cơ quan chức năng. Theo chỉ dẫn của bà Ngà, người viết tìm đến nhà ông Sáu Em (xã Ninh Phước), là người nhà của bà này để hỏi mua thuốc.
Con trai ông Sáu Em cho biết: “Nếu các anh mua ít thì trong nhà vẫn còn vài ký, nhưng nếu mua nhiều thì phải chờ để chúng tôi chạy xe máy xuống Ninh Vân lấy thêm. Mua thuốc tại Ninh Phước thì giá 1,1 triệu đồng/kg, nếu đưa đến quốc lộ 1A thì giá 1,2 triệu đồng/kg”.
Với cách thức ban ngày thì giấu thuốc trong cốp xe máy để vận chuyển, ban đêm thì vận chuyển số lượng lớn, người mua, kẻ bán chỉ cần thỏa thuận qua điện thoại, thông báo địa điểm là xong. Hiện rất nhiều người ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… cũng lùng hỏi mua bằng được “thần dược” ở Ninh Vân. Nhiều người còn tin vào các số điện thoại rao bán thuốc trên mạng Internet và không hề biết, đa số thuốc họ mua là hàng giả.
Phơi rễ “thần dược”. |
Chia sẻ của vị lương y bất đắc dĩ
Về ông Lương Sinh, người đã cho ông Lê Hăng bài thuốc bí truyền của gia đình sử dụng cây xáo tam phân để chữa khỏi bệnh ung thư, bà Trà Thị Bông Sen - Chủ tịch UBND xã Ninh Vân cho biết, ông Sinh hiện sống tại Ninh Giang.
Ông Trịnh Xuân Thanh - Chủ tịch UBND phường Ninh Giang thì trầm giọng: “Lẽ ra phải trân trọng bài thuốc đã cứu mạng mình thì họ lại dùng nó để trục lợi, dẫn đến “bức tử” cây xáo tam phân, khiến anh Sinh rất đau khổ. Có ngày, anh Sinh bỏ cả ăn, cứ thẫn thờ nhìn người ta túa vào đồi đào khoét tìm cây xáo tam phân. Động viên mãi, anh Sinh mới lấy lại được tinh thần”.
Tới nhà ông Lương Sinh, chúng tôi bất ngờ trước gia cảnh cơ hàn của vị lương y bất đắc dĩ. Từ lúc trót trao bài thuốc cho ông Lê Hăng khiến cây xáo tam phân bị đào bới tan nát, ông Sinh tiều tụy hẳn. Ông trải lòng: “Tôi tên thật là Lương Hồng Kiệt. Bài thuốc từ cây xáo tam phân, tôi đã tường tận từ hơn 10 năm trước nhờ sự chân truyền của dòng họ (chỉ truyền cho những người đặc biệt). Cách đây gần 2 năm, đi làm công trình xây dựng ở Ninh Vân, tình cờ gặp ông Lê Hăng, biết ông bị bệnh, tôi đã kiếm thuốc chữa khỏi bệnh cho ông”.
Ông Lương Sinh chỉ cách phân biệt cây xáo tam phân thật. |
Sau đó, ông Lê Hăng đã nhờ ông Lương Sinh chỉ cho bài thuốc để cứu người. Nhưng lõm bõm học được vài bí quyết từ ân nhân, ông Lê Hăng liền về nhà, kêu người thân ráo riết đi đào cây xáo tam phân. Đồng thời, còn kể chuyện của mình cho bà Trịnh Thị Xuân Hồng (một người bà con) để bà này loan truyền thông tin. Cũng từ đây, cây “thần dược” lên cơn sốt…
Ông Sinh thở dài buồn bã: “Tôi gần như chết điếng người khi thấy người ta đối xử quá tàn nhẫn với cây xáo tam phân. Lòng tham của con người thật vô độ. Lẽ ra chỉ nên lấy phần thân, nhưng họ lại đào cả gốc lẫn rễ, lấy gì cho nó sinh sôi, lấy gì mà dùng sau này?”.
Vị lương y bất đắc dĩ còn chia sẻ thêm: “Cách sử dụng xáo tam phân mà tôi chỉ cho ông Lê Hăng chỉ là cách thông thường, áp dụng với một vài trường hợp. Thế mà giờ đây, họ lại áp dụng cho tất cả, người bệnh dễ bị sốc thuốc, rất nguy hiểm. Xáo tam phân chỉ là 1 trong 5 vị thuốc phối hợp để chữa bệnh. Nếu dùng riêng xáo tam phân, kết quả sẽ không cao”.
Bà Hiền mang thuốc vào tận TP. Nha Trang để tiếp thị (ảnh chụp sáng 21/12 tại tổ dân phố 15 Phương Mai, phường Vĩnh Thọ). |
Cấp thiết thành lập khu bảo tồn
Trong khi các ngành chức năng đang lập kế hoạch, triển khai các bước khoanh vùng bảo vệ xáo tam phân thì từng ngày, từng giờ tại nhiều khu vực ở Hòn Hèo, Đá Bàn, Dục Mỹ… cây “thần dược” vẫn đang bị người dân tìm - diệt.
Bà Đinh Thị Vân - Phó chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa lo lắng: “Từ ngày 17/12, lực lượng biên phòng, kiểm lâm, chính quyền xã đã đẩy đuổi, chốt chặn người khai thác, vận chuyển xáo tam phân. Tới đây, đội kiểm tra liên ngành sẽ kiểm tra các cơ sở mua bán cây dược liệu ở Ninh Vân. Song, để giữ được nguồn dược liệu quý, cần có phương án bảo tồn. Vấn đề này, chúng tôi sẽ nghiên cứu và sớm tham mưu UBND tỉnh”.
Ông Lê Thanh Hóa - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Ninh Hòa nhận định, giải pháp đẩy đuổi, kiểm soát phương tiện vận chuyển xáo tam phân chỉ mang tính tạm thời. “Vấn đề cấp bách hiện nay là phải khoanh vùng, bảo vệ nghiêm ngặt những khu vực còn xáo tam phân. Về lâu dài, việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Hèo để bảo vệ nguồn gen xáo tam phân cũng như các động, thực vật quý hiếm tại đây là rất cần thiết”.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Thái Bình giữ nguyên diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải
- Tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sạch, đảm bảo vệ sinh
- Cần Giờ sắp trở thành khu Ramsar thế giới
- Rừng phòng hộ huyện Cần Giờ được đề cử thành khu Ramsar
- Hồ thủy điện Đồng Nai 4 tiếp tục bị xâm hại
- Hiện trạng rừng Việt Nam năm 2022
- COP 15 và tham vọng về bảo tồn đa dạng sinh học trong thập kỷ tới
- Độc đáo rừng nguyên sinh Rú Lịnh
- WWF tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong thập kỷ cơ hội của đa dạng sinh học
Bài viết mới:
- Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (19/01/2025)
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải (06/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn
(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.
Phát hiện thiếu sót tại một số nhà máy điện gió nghìn tỷ ở Cà Mau
(Tin Môi Trường) - Qua kiểm tra nhiều nhà máy điện gió đang vận hành ở Cà Mau, ngành chức năng đã phát hiện một số thiếu sót.
Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng
(Tin Môi Trường) - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, địa phương hiện có 648.370 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại dược liệu bản địa, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình đã được thực hiện thành công, mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi giảm nghèo.