Phát hiện mới, đăng trên chuyên san Proceedings of the Royal Society B, có thể giải thích tại sao cá voi đầu bò lùn, tên khoa học là Caperea marginata, lại có bề ngoài quá khác biệt với những loài cá voi đang tồn tại trên bề mặt Trái đất.
“Loài cá voi đầu bò lùn được xem giống như một hóa thạch sống. Nó là kẻ sống sót cuối cùng của một chi sinh vật cổ đại đã biến mất từ lâu trên địa cầu”, theo Felix Marx, nhà cổ sinh vật học của Đại học Otago ở New Zealand.
Cá voi đầu bò lùn, với chiều dài 6,5 mét khi trưởng thành, sống ở nam bán cầu, và các chuyên gia hiếm hoi lắm mới phát hiện một đối tượng. Kết quả là giới khoa học chẳng biết gì nhiều về thói quen cũng như cấu trúc xã hội của chúng.
Phần mõm hình dáng kỳ lạ của cá voi đầu bò lùn khiến chúng trông khác hẳn những loài cá voi khác. Phân tích DNA cho thấy nó tách ra từ một nhóm cá voi tấm sừng hàm hiện đại, như cá voi xanh và cá voi lưng gù cách đây khoảng 17-25 triệu năm trước.
Tuy nhiên, mõm của Caperea marginata lại chứng tỏ chúng có quan hệ gần gũi với một họ cá voi khác, bao gồm cá voi đầu bò. Nhưng chẳng có nghiên cứu hóa thạch nào tiết lộ sự tiến hóa của cá voi đầu bò lùn.
Khi phân tích xương sọ và các mẩu hóa thạch khác của những loài sinh vật biển cổ đại, các chuyên gia cuối cùng phát hiện chúng có điểm tương đồng với một chi cá voi tuyệt chủng cách đây hai triệu năm.