Công nghệ xanh » Vật liệu xanh
Thứ bảy, 18/01/2025, 01:59:15 AM (GMT+7)
Những người còn theo đuổi ống hút 'xanh'
(15:32:24 PM 13/10/2024)(Tin Môi Trường) - Một thời, các loại ống hút làm từ tre, cỏ bàng, tinh bột, giấy... được nhiều người lựa chọn theo xu hướng sống thân thiện với môi trường. Hiện nay, dù không còn là trào lưu thời thượng, các sản phẩm 'xanh' này vẫn có thị trường riêng.
>> Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam >> Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông >> 4 yếu tố giúp xác định người tham khảo thích hợp >> Trà Vinh tích cực cải thiện chỉ số xanh cấp tỉnh >> Kết hợp chuyển đổi xanh, chuyển đổi số lĩnh vực môi trường để phát triển bền vững
Một cửa hàng bán ống hút xanh và các loại đồ dùng thân thiện với môi trường. Ảnh: YẾN TRINH
Khoảng năm 2018, khi thị trường có ống hút tre, chị Thái Quyên, một nhân viên văn phòng ở quận 11 (TP.HCM), tìm mua ngay một bó để dùng. Mỗi bó ống hút có thêm cây cọ nhỏ để rửa và sử dụng lại nhiều lần. Khi hết dùng được, ống hút tre có thể bỏ chung với các loại rác hữu cơ như gốc rau, vỏ trái cây vì thân tre dễ phân hủy.
Yêu môi trường từ hành động nhỏ
Mặc dù bạn bè và người thân xung quanh cho rằng "cả xã hội dùng đồ nhựa một lần, mình xài "xanh" vài cái ống hút ăn thua gì" nhưng chị Thái Quyên vẫn ưu tiên những gì tốt cho môi trường. Mẹ chị cũng đã chuyển sang dùng ống hút inox.
"Lâu dần, cách tiêu xài của tôi cũng thích nghi với xung quanh. Gần đây tôi chú trọng sự cân bằng và tránh lãng phí. Ví dụ như không quá cần thiết thì không dùng dù ống hút tre hay nhựa, khi cần thì dùng ống hút nhựa cũng không sao nhưng rửa lại để tái sử dụng, sau đó thu gom để đưa đi tái chế" - Quyên nói. Chị cũng cho rằng các nhà hàng, quán nước dùng ống hút "xanh" có giá bán đắt hơn chút cũng không sao, dù vẫn nên tiết giảm để dùng vừa đủ.
Do đặc thù công việc, anh Trần Anh Kiệt (quận 8) phải "la cà" ở nhiều quán cà phê. Anh cho biết mình gặp nhiều quán cà phê dùng ống hút tre, loại ống hút cỏ bàng thường được dùng trong các quán ăn và nhà hàng sang hơn vì giá không rẻ (so với ống hút nhựa). Ống hút giấy phổ biến hơn ở các quán tầm trung. Riêng ống hút bằng tinh bột gạo tuy thân thiện môi trường nhưng nhanh mềm khi nhúng vào nước và dễ giòn vỡ.
Từ nhiều năm trước, Ngô Mai Gia Hân (TP Thủ Đức) đã dùng qua các loại ống hút "xanh". Do học ngành liên quan đến môi trường, Hân hiểu rất rõ tác hại của đồ nhựa đến môi trường và với sức khỏe. Tuy nhiên, cô không kiên trì được lâu vì "xung quanh ai cũng dùng đồ nhựa, mình thành lạc lõng", Hân dần quên luôn chuyện phải dùng các loại sản phẩm xanh.
Ống hút tre trở thành sản phẩm thân thiện môi trường quen thuộc - Ảnh: YẾN TRINH
Hai năm nay, Hân làm việc tại một doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển bền vững, được nghe đi nghe lại những câu chuyện về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững từ mỗi cá nhân, từ những hành động tiêu dùng nhỏ nên cô dần thay đổi.
Đến nay thì: "Mỗi khi ra khỏi nhà, tôi đều mang theo ly giữ nhiệt có ống hút kim loại. Đến quán nước, tôi chủ động hỏi quán sử dụng ly thủy tinh hay nhựa, đặt thức ăn qua ứng dụng, tôi luôn chọn không sử dụng đồ nhựa", Hân nói.
Từ quan sát của mình, Hân nhận thấy nhiều bạn trẻ chọn kiểu khác để thân thiện với môi trường như dùng bình giữ nhiệt hay ly cá nhân, họ không chọn dùng ống hút kim loại, ống hút tre hay giấy vì khá bất tiện, do dễ bị biến dạng và không đủ vệ sinh.
Những dự định lớn với chiếc ống hút
Trong khi nhiều người tiêu dùng còn ngại ngần, các đơn vị cung ứng, sản xuất ống hút "xanh" đã tính toán câu chuyện xa hơn như liên kết cung ứng cho chuỗi các cửa hàng F&B, xuất khẩu. Với thị trường bán lẻ, các công ty chọn cách bán trực tiếp cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Hoàng An Khương, giám đốc Công ty TNHH The Greenmart Vietnam, chuyên cung cấp ống hút tre và cỏ bàng.
Những năm 2018 - 2019, thị trường có xu hướng thay ống hút nhựa bằng ống hút tre, công ty ông tìm về các xưởng sản xuất ở miền Bắc để nhập hàng bán qua mạng. Sau đó, ông Khương tìm thêm các sản phẩm nguồn gốc thiên nhiên khác như ống hút từ cây cỏ bàng và các vật liệu tự nhiên khác.
Hiện nay, dòng ống hút từ tre và cây cỏ bàng vẫn có thị trường riêng bởi đặc tính hoàn toàn tự nhiên, nhiều ưu điểm. "Thời gian đầu, Greenmart chủ yếu bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Gần đây, chúng tôi cung cấp ống hút "xanh" cho các chuỗi hàng quán F&B theo đuổi phong cách và mô hình bền vững, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần" - ông Khương cho biết. Nhà sản xuất hàng cho Greenmart có thể cung cấp số lượng lớn vì họ đầu tư vùng trồng nguyên liệu tập trung, không sợ bị thiếu hụt khi thị trường có nhu cầu cao.
Ống hút tre dần quen thuộc với người tiêu dùng. Ảnh: YẾN TRINH
Bà Liêu Ngọc Tuyền, người sáng lập nhãn nhiệu mây tre lá Tâm Ý Green, cho rằng nguồn cung các loại ống hút "xanh" thời điểm này đa dạng, dồi dào hơn vài năm trước.
Cơ sở của bà Tuyền kinh doanh các mặt hàng mây tre lá, trong đó có các loại ống hút thân thiện môi trường như ống tre, ống cỏ bàng, ống hút giấy. Trong đó, ống hút giấy được lựa chọn nhiều nhất bởi giá rẻ (bằng một nửa các loại khác).
Lúc mới kinh doanh, các sản phẩm thân thiện với môi trường của bà Tuyền chủ yếu bán cho khách quen. Khoảng một năm trở lại đây, bà Tuyền tuyển cộng tác viên bán hàng hưởng chiết khấu nên số lượng bán ra nhiều hơn.
Tâm Ý Green dự định sẽ bán các sản phẩm thân thiện môi trường theo gói (combo) từ 100.000 đồng gồm túi tự phân hủy, ly giấy, ống hút… cho khách hàng kiểu gia đình. Bên cạnh đó, họ cũng có kế hoạch đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để tiếp cận nhiều khách hàng hơn.
Ông Phan Tấn Phát (giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại ECO PTP, tỉnh Đồng Tháp) khẳng định ống hút thân thiện môi trường đang là xu hướng tiêu dùng và công ty ông đang có kế hoạch sản xuất số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Họ bán hàng qua các mạng xã hội nên phần lớn là bán trực tiếp cho người tiêu dùng.
Ống hút "xanh" không được chuộng vì giá cao
Trên các trang thương mại điện tử, các loại ống hút "xanh" bày bán đa dạng với nhiều mức giá. Ống hút giấy từ 14.000 đồng (25 ống), 73.000 đồng (500 ống)… Ống hút tre từ 20.000 đồng (10 ống), 135.000 đồng (100 ống) tùy kích cỡ dùng để uống cà phê, sinh tố hay trà sữa.
Ống hút gạo giá khoảng 60.000 đồng (50 chiếc), ống hút cỏ bàng khoảng 65.000 đồng (100 ống), ống hút bã mía từ 33.000 đồng (100 ống), ống hút lúa mì khoảng 30.000 đồng (100 ống). Trong khi giá các loại ống hút nhựa khá rẻ, một gói 1.000 ống chỉ từ 12.000 đến 18.000 đồng.
Tại siêu thị Co.opmart trên đường Trường Sa (quận 3), có khoảng 10 loại ống hút giấy. Giá của chúng từ khoảng 20.000 đồng với gói 50 ống, cỡ to 15 ống là 18.000 đồng. Còn tại cửa hàng ở quận Bình Thạnh thuộc một hệ thống siêu thị tiện ích, các kệ hàng có nhiều sản phẩm đa dạng nhưng hầu như không thấy sự xuất hiện của những đồ dùng thân thiện môi trường.
Nhân viên cửa hàng cho biết phần lớn khách hàng chuộng ống hút nhựa vì giá rẻ và tiện lợi hơn so với các loại ống hút kim loại, ống hút giấy, tinh bột hay tre, cỏ. Rất ít khách hàng hỏi mua các loại ống hút thân thiện môi trường nên dần dần cửa hàng không còn nhập loại này về bán.
Tiềm năng xuất khẩu
Theo ông Phan Tấn Phát (giám đốc Công ty ECO PTP), chừng 250 - 300 cây cỏ bàng, trải qua các công đoạn vệ sinh, cắt đoạn, phân loại, sấy… kết hợp thủ công và máy móc, cho ra khoảng 300 ống hút đạt chuẩn.
Nguồn nguyên liệu cho sản phẩm này - cây cỏ bàng thân rỗng, cao khoảng 1m - khá phong phú ở các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An… Nhưng công ty ông Phát khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn khách hàng trong nước và cạnh tranh với các sản phẩm thân thiện môi trường khác. Sản lượng bán ra mỗi năm tăng khoảng 15%, mỗi tháng sản xuất khoảng 500.000 ống hút, chủ yếu xuất khẩu đi châu Âu và Mỹ.
YẾN TRINH - BÌNH MINH
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Dùng drone xử lý mùi hôi tại bãi rác An Hiệp
- Phát triển giao thông xanh cho tương lai
- Phương pháp mới tạo vật liệu bán dẫn từ nước thải
- Đổi mới sáng tạo trong giải quyết ô nhiễm nhựa tại khu vực sông Mekong
- Người dân cần sử dụng thuốc diệt cỏ đúng cách
- Các chất HFC sẽ được quản lý, loại trừ từ năm 2024
- Phát hiện mới về loài thụ phấn cho những bông hoa đầu tiên trên Trái Đất
- Bình Định hướng đến giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương
- Nhà an toàn chống chịu bão, lụt: Mô hình thành công và hướng đi trong thời gian tới.
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Quái thú 230 triệu tuổi "lai" giữa cá sấu và chim
(Tin Môi Trường) - Vào cuối kỷ Tam Điệp, miền đất nay là bang Wyoming của nước Mỹ tồn tại một quái thú kỳ lạ với chiếc mỏ như vẹt, mình khủng long. Nó được đặt tên là Beesiiwo cooowuse, một loài mới.
Các nhà khoa học thế giới bàn về môi trường trái đất tại Quy Nhơn
(Tin Môi Trường) - Ngày 26-11, 130 nhà khoa học đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã về TP Quy Nhơn (Bình Định) tham dự hội nghị quốc tế lần thứ 4 về khoa học trái đất và môi trường.
Cảnh báo: Lừa đảo hỗ trợ cập nhật sinh trắc học
(Tin Môi Trường) - Theo ghi nhận của các chuyên gia Bkav, lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng gặp khó khăn khi cập nhật sinh trắc học trên các ứng dụng, kẻ xấu giả danh cán bộ ngân hàng vờ hỗ trợ cài đặt sinh trắc học để lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.