Đập Xiaowan - một trong những con đập nổi tiếng nhất trên dòng sông Mekong - ở địa phận của Trung Quốc - Ảnh: International River
Những con đập bậc thang ở Trung Quốc
“Ở Trung Quốc, con sông này tên là Lan Thương. Ở Lào, đây là sông Mekong. Còn chúng tôi là Trung Quốc, chúng ta có thể hợp tác xa hơn”, đại biểu Zhong Young từ đoàn Trung Quốc đã trả lời như vậy trước câu hỏi của ông Apichai, một câu hỏi bị nhiều người cho là “không đi vào trọng tâm”.
Đó cũng là câu hỏi mà suốt nhiều năm qua MRC vấp phải, mỗi khi phải xử lý các vấn đề trên dòng sông này.
Một con sông chảy qua 6 quốc gia, nhưng MRC chỉ là nơi có 4 quốc gia tham dự. Một nửa dòng sông - ở thượng nguồn - chảy qua Trung Quốc - đã có 6 con đập lớn thành hình và nhiều con đập khác đang trong quá trình xây dựng.
Mặc dù ông Zhong Young nói: “Nhiều người cho rằng Trung Quốc sử dụng nước như một vũ khí, nhưng chúng tôi còn tìm kiếm cơ hội và sẵn sàng hợp tác với các nước khác”, nhưng những ai quan tâm tới dòng sông Mekong đều không khỏi lo ngại những con đập thượng nguồn của Trung Quốc sẽ là mối đe dọa tiềm ẩn với tất cả các quốc gia đang sống dọc theo dòng sông Mekong.
40 triệu ngư dân dọc con sông đang là những người hằng ngày đi câu, đánh bắt cá để có thu nhập. Thậm chí ở nhiều vùng, món dinh dưỡng duy nhất mà những cư dân này có được chính là nguồn cá từ sông Mekong.
Ame Trandem, một chuyên gia từ tổ chức Sông ngòi Thế giới nói: “Không thể nào nói Trung Quốc không có tác động gì lên dòng sông. Có một năm, chỉ trong một mùa khô, Lào bị 2 lần lũ liên tiếp. Trung Quốc không chia sẻ thông tin gì với các nước liên quan”.
Những con đập khổng lồ của Trung Quốc khiến các quốc gia hạ nguồn rùng mình, khi Trung Quốc đang nắm trong tay phần lớn nguồn nước trên sông. Khi vấp phải sự chỉ trích, Trung Quốc lại xuất hiện ở các hội nghị quốc tế và dẫn chứng về việc họ sẵn sàng chia sẻ thông tin, hợp tác.
Tuy nhiên, khi nghe đến đó, nhà nghiên cứu Apichai bình luận về điều mà Trung Quốc gọi là chia sẻ: “Họ chỉ cung cấp thông tin của hai trạm quan trắc. Đó là chia sẻ sao? Dòng sông Mekong ở địa phận Trung Quốc dài 2.000 km, người ta phải có hàng trăm trạm quan trắc trên đường đi đó! Và họ cũng chỉ chia sẻ hai thông tin đó trong mùa mưa, không phải trong mùa hạn hán, trong khi thông tin mùa khô rất quan trọng”.
Suốt 19 năm từ khi ký hiệp định sông Mekong năm 1995, Trung Quốc luôn xuất hiện trong vai trò của người quan sát hoặc có đi xa hơn là phát biểu nói về sự đóng góp và hợp tác của Trung Quốc trên dòng sông này. Phần lớn nội dung là để thuyết phục người tham dự vì sao họ phải tiếp tục xây đập.
Trong bài phát biểu tại hội nghị lần này, Trung Quốc bày tỏ: “Cư dân địa phương (ở gần các con đập TQ - người viết) không tiếp cận được với nhu cầu cơ bản về lương thực và ăn mặc. Vùng này cực kỳ giàu tài nguyên thủy điện nhưng lại rất nghèo tài nguyên khác. Vì thế, phát triển nguồn năng lượng thủy điện đã trở thành con đường duy nhất giúp người dân địa phương sống sót và phát triển”.
Đó là lý lẽ để các con đập khổng lồ mới liên tục xếp hàng xuất hiện trên thượng nguồn dòng Mekong, bất chấp 40 triệu cư dân bên dưới đang thấp thỏm vì một dòng nước lên xuống thất thường và nguồn cá đang dần bị hủy diệt.
Khi PV Thanh Niên Online hỏi, liệu có đảm bảo nào từ MRC và Trung Quốc khi mùa mưa đến và các hồ thủy điện bị đầy nước thì họ sẽ không xả lũ xuống hạ nguồn, ông Hans Guttman, CEO của Ủy ban sông Mekong, cho biết: “Tôi không nghĩ là chính phủ Trung Quốc muốn mở cửa đập cho nước xuống hạ nguồn hay thấy họ có ý định nào làm việc đó, điều đó cũng sẽ ảnh hưởng đến chính họ và các cơ sở hạ tầng trên dòng sông trong chính Trung Quốc. Tất nhiên, trong trường hợp xảy ra các thảm họa khủng khiếp như vỡ đập hay các tình huống khẩn cấp, để cứu các con đập, họ có thể xả lượng nước lớn xuống hạ nguồn. Đó là điều mà các nhà ra quyết định ở Trung Quốc sẽ phải làm nếu có tình huống đó xảy ra. Chúng ta hy vọng điều đó sẽ không xảy ra”.
Nghĩa là nếu thực sự có lúc nguy cấp đó xảy ra, phải chăng các quốc gia hạ nguồn sẽ “lãnh đủ”? Không có một cam kết nào trong việc xây dựng niềm tin đi đôi với trách nhiệm sống chung với nhau trên một dòng sông cả.
Đập Guoduo, một con đập nằm ở sông Lan Thương - thuộc dòng Mekong trên địa phận Trung Quốc - Ảnh: International River
Lào với những con đập mới
Ame Trandem nói: “Chưa có dự án nào Lào đi nhanh như vậy. Lào chỉ gửi thông tin nói sẽ xây dựng Don Sahong, và sẽ khởi công vào tháng 12 năm nay”. Trong khi cả dòng sông Mekong nghẹt thở trước con đập bất ngờ thì Lào đã rục rịch xây sẵn các con đường và cầu, lót đường cho công trường xây dựng mới này.
|
Lần này, đã có “kinh nghiệm” từ Xayaburi, Lào đã không để phí một giây phút nào, vừa ra thông báo là chuẩn bị ngay phương án xây dựng và đưa máy móc đến dòng Hou Sahong. Lào cũng gọi tên con đập này là “không nằm trên dòng chính” để tránh khỏi việc vượt qua các bước tham vấn từ MRC và các nước trong vùng.
Ông Graeme Boyd, kỹ sư của Mega First Corporation Berhad (tập đoàn xây dựng Don Sahong), đã phát biểu trên tờ Vientiane Times: “Sự thật là Hou Sahong chỉ là một trong rất nhiều dòng chảy trên sông Mekong. Nó chỉ chứa 15% lượng nước chảy qua của dòng Mekong, trong khi đó dòng chính phải chứa 100% lượng nước chảy. Thật sự, dự án Don Sahong không thể được coi như dòng chính vì nó không trải dài cả con sông Mekong”.
Cần nói thêm, trong đánh giá về nghề cá của MRC năm 1994, dòng chảy này cùng với thác Khone đã được gọi là “một khu vực sinh thái độc đáo, một mô hình thu nhỏ của toàn bộ hạ lưu sông Mekong... nơi như vậy rất hiếm trong tự nhiên, nên cần phải có mọi nỗ lực để bảo vệ thác Khone khỏi các ảnh hưởng từ phát triển”. Trong đó, Hou Sahong (nơi sẽ xây thủy điện Don Sahong) là dòng chảy quan trọng nhất. Từ đây, hàng trăm loài cá ở sông Mekong di cư lên xuống Lào - Campuchia trong mùa sinh sản.
Một số tư vấn kỹ thuật nói rằng họ có thể làm dòng chảy nhân tạo để dụ cá đi lên, thay thế cho Hou Sahong sẽ bị chặn làm đập thủy điện. Tuy nhiên, để làm được điều đó, người ta sẽ phải dùng vô số công sức phá hủy đá ngầm, móc phù sa trên dòng Hou Sahong để nước có thể tách dòng chảy về hai dòng nhánh hai bên.
“Nhưng kết quả là cá có đi theo các dòng ấy không thì chẳng ai biết cả!”, Ame Trandem nói trước thềm hội nghị thượng đỉnh Sông Mekong. Ngoài ra, từ thủy điện Pak Mun ở Thái, những mô hình như thang cá, đường đi cho cá đều chưa bao giờ cho thấy một thành công nào có thể cứu được nguồn cá khỏi ảnh hưởng từ thủy điện và các con đập.
Mekong là dòng sông mang vẻ đẹp đặc biệt và kỳ vĩ, xuất hiện trong những tấm ảnh trên thế giới với cá hô to hơn cả người từ Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long ngập lúa chín, với cá heo nước ngọt ở Kratíe, cá da trơn khổng lồ và hàng trăm loài cá độc đáo khác.
Dòng sông chứa trong mình câu chuyện của hơn 40 triệu con người đang sống dựa vào nguồn cá và nguồn nước để trồng lúa. Liệu số phận của những cư dân ở đồng bằng sông Cửu Long hay dòng Tonlé Sap sẽ ra sao trước tương lai đầy khó khăn như thế?