Môi trường » Nước
Mối nguy từ đập của Trung Quốc
(16:25:26 PM 13/10/2015)
Lũ sông Hồng tại Lào Cai đạt đỉnh cao nhất từ đầu năm 2015 khi Trung Quốc xả nước từ thượng lưu - Ảnh: Khánh Vân
Lâu nay, giới chuyên gia và dư luận các nước láng giềng của Trung Quốc thường xuyên bày tỏ lo ngại về tác động xấu từ các con đập và cơ sở thủy điện của nước này đến vùng hạ lưu.
Xả lũ gây tác hại lớn
Đối với những con đập trên thượng nguồn sông Hồng (nằm trong địa phận tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), các nhà bảo vệ môi trường lo ngại chúng làm xáo trộn môi trường sống của cá và các loài thủy sinh quan trọng, theo AFP. Ngoài ra, nhiều chuyên gia quốc tế rất quan ngại việc Trung Quốc tiến hành xả lũ mà không cung cấp đủ thông tin cần thiết hoặc vì ý định nào đó có thể gây tác hại lớn đến các nước ở hạ nguồn.
Tổ chức phi chính phủ International Rivers có trụ sở tại Mỹ nhận định: “Cái giá thực sự của thủy điện luôn bị đánh giá thấp hoặc phớt lờ tại Trung Quốc”. Trên thượng nguồn sông Hồng, Trung Quốc đã cho xây một loạt nhà máy thủy điện lớn với sức chứa nước khổng lồ như Nhà máy thủy điện Madushan (Mã Đổ Sơn) với chiều cao thân đập là 105 m và chứa khoảng 551 triệu m3 nước, đập Nansha (Nam Sa), đập Jiasha (Kiết Sái) cùng khoảng 20 đập nước nhỏ khác.
Bên cạnh đó, hàng loạt đập nước trên sông Mê Kông do Trung Quốc xây dựng trên lãnh thổ nước này hoặc đầu tư xây dựng tại nước khác cũng bị đánh giá là có ảnh hưởng tai hại, gây ảnh hưởng lớn đối với những nước ở hạ nguồn sông Mê Kông. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Thanh Niên trước đây, Giáo sư Carl Thayer (Úc) nói: “Hệ sinh thái của hạ lưu sông Mê Kông đang phải oằn mình gánh chịu những hệ lụy do những con đập trên mang lại. Nó ngăn chặn nguồn cung cấp phù sa cho ĐBSCL tại VN, ảnh hưởng đến sự di cư của các loài cá đẻ trứng”.
Tiến sĩ Richard Cronin thuộc Trung tâm Henry L.Stimson (Mỹ) cũng cho rằng: “Các con đập thượng nguồn sẽ thay đổi dòng chảy của sông Mê Kông, đe dọa nghiêm trọng đến vựa lúa ĐBSCL và có khả năng khiến một số cụm dân cư nơi này trở thành nơi không thể cư trú được nữa”.
“Họ không nói thẳng là xả lũ”
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, thống kê chưa đầy đủ đến chiều 12.10, dù không gây thiệt hại về người nhưng lũ trên sông Hồng trong ngày 11.10 dâng cao gây ngập úng ở nhiều nơi. Cụ thể, tại các xã Quang Kim, Bản Qua và Trịnh Tường của H.Bát Xát lũ gây ngập nhiều diện tích trồng lúa, ngô của người dân. Còn ở khu vực biên giới ven sông Hồng trên tỉnh lộ 156, trong sáng 11.10 nước sông dâng cao làm ngập sâu khoảng trên 1 m khiến giao thông gián đoạn trong nhiều giờ.
Trao đổi với PV, ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, cho biết đến 15 giờ ngày 12.10 mực nước sông Hồng mới rút xuống mức 79,25 m. Theo ông Hải, nếu đúng quy trình khi có thông tin cảnh báo, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai sẽ ra bản tin, thông báo bằng văn bản. Nhưng khi nhận tin Trung Quốc xả nước với lưu lượng lớn thì không còn đủ thời gian làm bản tin, cán bộ của trung tâm phải gọi điện thông báo trực tiếp đến lãnh đạo tỉnh, cơ quan thường trực phòng chống thiên tai, các trạm đo thủy văn. Ông Hải cho biết hằng năm khoảng từ tháng 6 - 10, Trung Quốc đều chia sẻ thông tin quan trắc thủy văn trên sông Hồng cho phía VN. “Còn trong đêm 11.10, lượng nước xả phía Trung Quốc báo cho VN tăng bất thường và mình phải ngầm hiểu là họ đang phải xả lũ để cảnh báo nhanh nhất cho các khu vực bị ảnh hưởng chứ họ không nói thẳng cho mình là họ đang xả lũ”, ông Hải nói.
Theo một cán bộ công tác tại Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, lũ trên sông Hồng dâng cao đột xuất ngày 11.10 với biên độ từ 4 - 6 m là tình huống khẩn cấp, bất ngờ. Ngay sau khi có thông báo, cơ quan này phải cử người liên tục gọi điện trực tiếp đến lãnh đạo các huyện ven sông để cảnh báo, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng lực lượng và phương tiện ứng phó khi có diễn biến xấu.
“Sẽ không chỉ một lần”
GS-TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi VN, cho rằng phía Trung Quốc có thông báo trước khi xả lũ là hành động tích cực. Với lượng xả 2.500 m3/giây, nếu trong mùa mưa khi sông Hồng đang đầy nước sẽ rất nguy hiểm cho phía VN. Nhìn từ vụ việc này, cơ quan chức năng phía VN cần có cảnh báo đến người dân ven sông nhận thức về những mối nguy hiểm tương tự sẽ có trong tương lai. Khi Trung Quốc đang có các công trình thủy điện trên thượng lưu, nếu có nhu cầu sửa chữa bảo dưỡng hoặc mưa lớn họ cũng cần phải xả lũ để giữ an toàn. Nhưng họ xả thời điểm nào, lưu lượng bao nhiêu phía VN cần phải biết để có cảnh báo kịp thời cho người dân ven sông chủ động phòng tránh trước các tình huống nguy hiểm.
TS Đào Trọng Tứ, cố vấn Mạng lưới sông ngòi VN, nói sự việc này là bài học cảnh tỉnh cho VN trong câu chuyện hợp tác, trao đổi thông tin với Trung Quốc. Giống như sông Mê Kông, sông Hồng chảy qua nhiều quốc gia, trong đó 49% lưu vực nằm trên lãnh thổ Trung Quốc, lại là vùng thượng lưu nên mỗi hành động can thiệp trên con sông này có thể gây ảnh hưởng cho các quốc gia phía hạ nguồn. Ở sông Mê Kông có riêng một ủy ban hợp tác giữa các quốc gia để chia sẻ thông tin, trong đó có việc xả lũ, phòng chống thiên tai còn sông Hồng thì không có cơ quan này. Trong rất nhiều các quy định luật lệ, hiệp định quốc tế về nước, Trung Quốc không tham gia nên rất khó yêu cầu, ràng buộc về trách nhiệm quốc tế. Đơn cử như Công ước về luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho mục đích phi giao thông thủy được ký năm 1997 có đến 103 quốc gia là thành viên nhưng Trung Quốc cũng bỏ phiếu trắng, không tham gia.
Ông Tứ cũng cảnh báo, phía thượng nguồn Trung Quốc đang có 2 thủy điện lớn là Mudasan với dung tích trên 550 triệu m3 và thủy điện Nansa trên 200 triệu m3. Khi xảy ra mưa lớn, họ cũng có nhu cầu cần phải xả lũ để giữ an toàn cho công trình này. “Chắc chắn câu chuyện xả nước như vừa qua sẽ không chỉ có một lần. VN cần xúc tiến, tìm cách có được sự hợp tác chặt chẽ, thống nhất trong xử lý các tình huống rủi ro thiên tai thường niên với phía Trung Quốc trên sông Hồng, đặc biệt trong vào mùa mưa bão”, TS Tứ nói.
Lũ sông Thao dâng cao bất thường
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết do mưa lớn và ảnh hưởng trực tiếp từ lũ bất thường ở Trung Quốc đổ về khiến mực nước lũ trên sông Thao khu vực Yên Bái lên nhanh. Đến 9 giờ ngày 12.10, mực nước tại Yên Bái ở mức 30,61 m và dự báo sẽ đạt đỉnh ở mức 30,8 m sau đó mới rút với tốc độ chậm. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cảnh báo các tỉnh miền núi phía bắc tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động các biện pháp ứng phó.
Đừng để quá muộn
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), nói “chuyện Trung Quốc xã lũ ảnh hưởng đến VN không phải là chuyện bất ngờ, chúng tôi đã cảnh báo chuyện này từ rất lâu rồi” và cho rằng “giả sử họ có thông báo qua đường ngoại giao cho chúng ta biết thì chúng ta lại càng không có đủ thời gian để ứng phó”.
Ông Tuấn phân tích: “Liên tưởng đến một hệ thống đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, đặc biệt là những đập ở gần VN tôi cảm thấy rất đáng lo. Khi có một đập nào đó xả lũ thì nó sẽ tạo nên một hiệu ứng domino cho cả hệ thống 12 đập và thiệt hại là vô cùng lớn. Hệ thống thủy điện đó đe dọa tương lai của cả ĐBSCL và VN. Nước trên sông Cửu Long có đến 80% được cung cấp từ bên ngoài, nếu xây dựng thủy điện chúng ta không kiểm soát được nguồn nước lại càng không kiểm soát được rủi ro có thể xảy ra, đó là điều chắc chắn. Nếu để cho các nước thượng nguồn sông Mê Kông xây dựng hệ thống đập đó chúng ta sẽ đối diện những nguy cơ về rủi ro mà không có cách nào có thể khắc phục được. Chính vì vậy từ bây giờ nhà nước nên tìm giải pháp ngăn chặn nguy cơ đó, không để tình trạng xây dựng đập tràn lan vô tội vạ như hiện nay được. Tôi nghĩ rằng hiện nay việc Trung Quốc xả lũ gây thiệt hại cho VN là một bài học rất có giá trị để chúng ta có thể tránh những sai lầm có thể lặp lại ở ĐBSCL. Tôi vẫn tin rằng phòng bệnh hơn chữa bệnh, nếu chúng ta cứ im lặng và để hệ thống thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông hình thành thì mai mốt có lên tiếng khi phải gánh chịu rủi ro cũng là chuyện đã quá muộn”.
Không thể biết “họ làm gì ở đầu nguồn”
Cục phó Cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) Tăng Quốc Chính cho rằng theo luật Phòng chống thiên tai thì các địa phương chủ động xây dựng phương án phòng chống mưa lũ và loại hình thiên tai khác có thể xảy ra trên địa bàn, cụ thể theo các cấp độ khác nhau. Nhưng qua vụ việc Trung Quốc xả nước vừa qua, tỉnh miền núi phía bắc có sông Hồng chảy qua cần phải cảnh báo cho các địa phương có thêm phương án phòng chống lũ trong tình huống thượng nguồn xả nước. "Vấn đề khó nhất hiện nay là VN chưa có hợp tác phòng chống thiên tai với Trung Quốc, chỉ có ký kết với các nước ASEAN. Trong nhiều chuyến công tác, phía VN chủ động đề nghị chia sẻ cung cấp thông tin nhưng chưa thành công nên cũng không thể nắm được phía thượng nguồn sông Hồng đang có bao nhiêu công trình thủy điện, hồ đập lớn", ông Chính nói và cho biết thêm: qua quan sát trên các ảnh vệ tinh, VN chỉ biết có một số công trình thủy lợi, thủy điện. Còn cụ thể thông tin về các thông số kỹ thuật, chỉ tiêu tích nước, xả lũ cụ thể trong từng công trình ra sao thì không thể biết được.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Thanh Hóa: Nước sông Mã bất ngờ đổi màu đen kịt
- Cá chết nổi dày đặc hồ sinh thái Bàu Sen ở Bình Định
- Vụ gần 200 tấn cá chết: Chuyện gì xảy ra ở hồ Sông Mây?
- Thành phố Hồ Chí Minh vẫn loay hoay chống ngập
- Công bố chương trình bảo tồn nguồn nước tại 3 lưu vực sông quan trọng
- Công trình hồ chứa Sông Cái phát huy vai trò rất lớn trong quản lý tài nguyên nước tại NinhThuận
- Ngày Nước Thế giới năm 2022 có chủ đề “Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình”
- Cảnh báo từ sông Mê Kông
- Vĩnh Phúc: Ngang nhiên đổ đất, lấn chiếm hồ ở thành phố Phúc Yên
Bài viết mới:
- Hội thảo đánh giá cuối kỳ dự án giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp (23/11/2024)
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
Chất lượng không khí tại Long Xuyên (An Giang) ở mức rất có hại cho sức khỏe
(Tin Môi Trường) - Sáng 12/8, theo ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố; do Công ty Cổ phần Tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý), điểm đo tại Thư viện tỉnh An Giang, thành phố Long Xuyên có chất lượng không khí ở mức 270, rất có hại cho sức khỏe, ảnh hưởng tới sức khỏe tất cả người dân trong khu vực.
Ninh Thuận: Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam
(Tin Môi Trường) - “Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam” là một hợp phần thuộc "Dự án hỗ trợ thực nghiệm hóa công nghệ xanh tại nước ngoài năm 2024” trong khuôn khổ “Chương trình Giải pháp môi trường dẫn lối tương lai” của Viện Công nghệ Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI) - Bộ Môi trường Hàn Quốc. Công ty Cổ phần Kỹ thuật Tổng hợp Taesung – Hàn Quốc được KEITI lựa chọn là đơn vị thực hiện.
Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
(Tin Môi Trường) - Bộ Công Thương Việt Nam mới đây đã ban hành Bộ tài liệu hướng dẫn lập Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2020-2025 (Kế hoạch TKNL cấp tỉnh). Bộ tài liệu hướng dẫn này được soạn thảo với sự hỗ trợ của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch, sẽ giúp cho toàn bộ 63 tỉnh thành của Việt Nam thống kê việc sử dụng năng lượng và xây dựng kế hoạch hành động của địa phương nhằm triển khai các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế):Thực hành truyền thông giảm nhựa, xây dựng hành trình sống xanh
(Tin Môi Trường) - Theo thông tin từ Huyện đoàn A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam (do Tổ chức WWF tài trợ) đến nay đã ghi nhận nhiều kết quả: Trong tổng số 20 cơ sở du lịch (bao gồm 16 homestay và 04 điểm du lịch sinh thái cộng đồng) đã ký cam kết tham gia thực hành giảm nhựa. Qua một thời gian triển khai, nhiều mô hình đã góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của khách du lịch, nhân rộng ra các tiểu thương, người mua hàng tại hai chợ Bốt Đỏ và A Lưới,…