(Tin Môi Trường) - Đến trưa 27-8, nhiều khu vực tại TP.HCM vẫn còn ngập sau cơn mưa chiều tối hôm trước, trong đó một số tầng hầm nước còn ứ đọng bên trong.
Người dân dùng ván chắn, không cho nước chảy vào nhà ở đường Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh) tối 26-8 - Ảnh: Lê Phan
Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM, cơn mưa chiều tối 26-8 có lượng mưa lớn nhất từ đầu năm đến nay là 159mm (tại trạm Phước Long, Q.9), làm ngập 31 tuyến đường.
Sẽ nâng đường sắt ở nơi bị ngập
Một số cơ sở trên đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận) buộc phải đóng cửa, nghỉ kinh doanh để khắc phục sự cố về điện, hút nước ra ngoài và dọn dẹp bùn đất tràn vào hầm sau vụ ngập.
Trước đó do ảnh hưởng của cơn mưa lớn chiều tối 26-8, khoảng 10 căn nhà có hầm để xe tại khu vực đường Phan Xích Long bị nước tràn vào ngập hơn 1m. Có nhà do hầm sâu, nước dâng hơn 2m nhấn chìm cả xe hơi, xe máy
bên trong.
Ông Võ Văn Mỹ, nhân viên bảo vệ tại một quán kem trên đường Phan Xích Long,
cho biết: “Khu vực này chưa có tiền lệ bị ngập như vậy nên quán không có phương án đề phòng. Mọi người chỉ kịp dắt một vài chiếc xe ra ngoài, sau đó nước dâng quá nhanh nhấn chìm tất cả. Lúc này hệ thống điện chưa được ngắt nên tất cả bất lực đứng nhìn, không ai dám vào bên trong”.
Theo nhiều người dân, khi thấy nhà ngập không biết gọi ai, chỉ biết nhìn nước cuồn cuộn tràn vào.
Ngập không chỉ làm rối loạn đường bộ và khu vực sân bay, mà các đơn vị đường sắt cũng phải hối hả chống ngập.
Theo ông Nguyễn Đình Đảng - phó giám đốc Công ty cổ phần Quản lý đường sắt Sài Gòn, trận mưa gây ngập ba điểm trên tuyến đường sắt qua các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp. Các điểm ngập kể trên sâu hơn 0,5m, ba đoàn tàu đi và về ga Sài Gòn phải tạm dừng chờ nước rút từ 16g48 đến 19g20 cùng ngày.
Theo ông Đảng, hiện có một số cây cầu bắc qua đường sắt có cao độ thấp, dẫn đến việc khó nâng đường sắt lên để chống ngập. Sắp tới, ngành đường sắt
sẽ triển khai dự án nâng đường sắt lên khoảng nửa mét tại hai điểm ngập ở Bình Thạnh và Gò Vấp.
“Trận mưa cực đoan”
Về vấn đề ứng cứu tại các điểm ngập nặng, ông Nguyễn Quốc Thái - giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM -
cho biết mỗi năm công ty đều tính toán dự kiến các điểm ngập sau mưa rồi lên mô hình để chuẩn bị, bố trí xe và máy hút nước. Ngoài ra, công ty bố trí người tại các điểm ngập vớt rác, mở miệng hố ga
cho nước rút nhanh.
“Trong trường hợp mưa lớn trên diện rộng, công ty phải bố trí người ở các điểm ngập nặng, người dân gọi cũng rất khó đến ngay được do lực lượng không đủ” - ông
Thái nói.
Theo ông Đỗ Tấn Long - trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước (Trung tâm chống ngập), cơn mưa tối 26-8 có lượng mưa quá lớn, lại xảy ra trong thời gian ngắn, vượt khả năng chịu đựng của hệ thống cống.
“Đây có thể được xem là trận mưa cực đoan từ đầu mùa mưa đến nay. Trung tâm phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức ứng cứu, bơm, hút nước chống ngập tại nhiều khu vực. Riêng lực lượng của Trung tâm chống ngập đã huy động hơn 550 người với 43 máy bơm công suất 168-500m3/giờ, 25 xe hút nước từ 6-8m3/xe... để tổ chức ứng cứu tại nhiều khu vực” - ông Long
cho biết.
“Bản đồ” ngập:
còn 49 điểm
Trận mưa chiều tối 26-8 gây ngập sáu lưu vực: Tân Hóa - Lò Gốm, Bắc TP, Tây TP, Đông TP, Bắc Nhiêu Lộc, Tham Lương. Tại lưu vực Nhiêu Lộc, các tuyến đường ngập gồm Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận), Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh).
Trong đó đường Phan Xích Long ngập do mưa lớn trên diện rộng, nước từ tuyến cống hộp ở khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và đường Phan Đăng Lưu, Phùng Văn Cung dồn về.
Trung tâm chống ngập
cho biết giải pháp giải quyết ngập tuyến đường này là vớt rác các miệng thu nước, đồng thời hoàn thiện dự án cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè, vận hành trạm bơm 48m3/giây.
Tại các đường Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh, Ung Văn Khiêm, quốc lộ 13 ngập do hệ thống cống cũ, quá tải, không đảm bảo tiêu thoát nước. Trung tâm chống ngập
cho hay
đang thi công dự án Nguyễn Xí - Ung Văn Khiêm - quốc lộ 13, dự kiến hết năm 2016 mới hoàn thành.
Trung tâm chống ngập
cho biết hiện ở TP.HCM còn 49 điểm ngập do mưa và triều cường. Trong năm 2016 xác định
sẽ xóa 10 điểm ngập như: Nguyễn Văn Quá (Q.12), Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân), Đỗ Xuân Hợp (Q.9), Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm, quốc lộ 13 (Q.Bình Thạnh), Mai Hắc Đế, Lê Thành Phương (Q.8)...
Đối với các dự án chống ngập do triều, ngoài các dự án trạm kiểm soát Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bình Triệu, Bình Lợi, Rạch Lăng... thì các dự án cống kiểm soát triều như: Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô... hiện chỉ mới khởi công, dự kiến sau hai năm
sẽ hoàn thành.
Riêng các dự án xây dựng 103 hồ điều tiết chống ngập hiện chưa dự án nào được thực hiện.
Có dự báo được những cơn mưa to?
Theo chuyên gia dự báo thời tiết Lê Thị Xuân Lan, hiện Nam bộ bị ảnh hưởng bởi gió mùa tây nam với cường độ trung bình, đặc điểm thời tiết giai đoạn này là sáng nắng chiều mưa.
Với câu hỏi trận mưa lên tới 159mm liệu có gì bất thường, bà Lan
cho rằng trong mùa mưa ở Nam bộ thời gian gần đây thường có 2-3 trận mưa trên 100mm, thậm chí từng xuất hiện những trận mưa từ 180mm đến gần 200mm.
Do đó trận mưa tối 26-8 đạt mức 159mm là chuyện thường xảy ra (từ đầu mùa mưa tới nay chưa xuất hiện những trận mưa trên 100mm).
Liệu có thể dự báo trước những trận mưa to để người dân biết mà tính toán việc của mình cũng như phục vụ công tác chống ngập? Theo bà Lan, để dự báo dạng mưa như vậy cần căn cứ vào ảnh mây vệ tinh, rađa và có xuất hiện các hình thế thời tiết đặc biệt như dải hội tụ nhiệt đới, các nhiễu động trên cao không...
Tuy nhiên, việc dự báo chỉ dừng lại ở cảnh báo khả năng xuất hiện mưa chứ khó định thời gian, vị trí và lượng mưa cụ thể
cho từng vùng. Việc này còn phụ thuộc nhiều vào hướng gió, khả năng phân tích từ những khối mây dông.
Phải xem lại hệ thống thoát nước của sân bay Tân Sơn Nhất
Theo Cục Hàng không, cơn mưa lớn chiều 26-8 đã làm nhiều chuyến bay của các hãng hàng không đến Tân Sơn Nhất phải chuyển đến sân bay lân cận, nhiều chuyến bay đã phải bay vòng qua Thái Lan và Campuchia để đậu.
Cụ thể, Vietnam Airlines có 22 chuyến bay bị chậm giờ, 6 chuyến phải hạ cánh ở sân bay lân cận. Jetstar Pacific có 4 chuyến bay bị chậm, 2 chuyến bay hủy, 4 chuyến chuyển hướng đến sân bay khác. VietJet có 18 chuyến bay chậm, 4 chuyến bay chuyển hướng đến các sân bay khác. Vasco có 1 chuyến bay bị chậm.
“Hôm qua là một ngày tồi tệ
cho khách đi máy bay về Tân Sơn Nhất. Đây cũng là sự kiện gây thiệt hại lớn
cho các hãng hàng không” - một đại diện Hãng hàng không VietJet nói.
Theo một chuyên gia ngành hàng không, cần phải xem xét lại công tác thoát nước của sân bay Tân Sơn Nhất.
“Đây lại là hồi chuông cảnh báo
cho an toàn hàng không ở sân bay Tân Sơn Nhất sau vụ tắc nghẽn do quá tải. Cần phải làm rõ hệ thống thoát nước của sân bay này đến đâu để xử lý” - vị này nói.
Trong khi đó, một đại diện sân bay Tân Sơn Nhất khẳng định trận mưa chiều 26-8 khiến sân đỗ máy bay bị ngập, còn đường lăn không bị ngập.
“Hôm qua cả thành phố bị ngập, đến đường Phan Xích Long cao như vậy nước vẫn ngập tràn vào nhà dân nên sân bay cũng không thể tránh khỏi. Nước ngập khoảng 45 phút thì rút” - đại diện sân bay Tân Sơn Nhất nói.
Cũng theo vị này, trước mùa mưa này sân bay Tân Sơn Nhất đã nạo vét hệ thống kênh mương thoát nước, nhưng do TP.HCM bị ngập cục bộ nên nước tràn vào sân bay?!
Cảng vụ Hàng không miền Nam
cho biết từ 18g-18g30 ngày 26-8 mưa lớn nên các bãi đỗ từ 51 đến 56, 10 đến 14, 24 và 25 ngập nước 30-50cm. Ngày 27-8, sân bay Tân Sơn Nhất đã hoạt động bình thường trở lại.