»

Thứ tư, 22/01/2025, 00:09:42 AM (GMT+7)

Cái chết của một dòng sông

(08:19:36 AM 28/03/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Hàng chục năm nay, con sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng nề bởi nước thải công nghiệp và sinh hoạt. Những xóm chài trên sông dần biến mất. Nước sông đã đầu độc những cánh đồng và làm điêu đứng cuộc sống những người sống dọc hai bên bờ.

Theo kết quả phân tích, đánh giá số liệu chất lượng nước sông tiến hành năm 2008 và 2009, cho thấy, nước sông Nhuệ không đạt tiêu chuẩn nước tưới tiêu sử dụng cho nông nghiệp. Vậy mà, đây vẫn là nguồn nước chính sử dụng cho các cánh đồng lúa dọc lưu vực của con sông. Rất nhiều chỉ số ô nhiễm đều vượt tiêu chuẩn vài lần, thậm chí có thời điểm vượt cả vài chục lần. Đất bị ô nhiễm. Năng suất lúa đã giảm rõ rệt. Những cánh đồng hoang hóa, xác xơ.

Con sông Nhuệ đen đặc, ngập ngụa rác, thoi thóp và oằn mình gánh chịu rác và nước thải ngày đêm rỉ rả thải ra bởi các làng nghề, các xí nghiệp, các khu dân cư dọc hai bên bờ. Lòng sông bị thu hẹp từng ngày bởi các hành vi lấn chiếm. Nước sông sánh đen lại và bốc mùi hôi nồng nặc. Trước kia, nước sông Nhuệ vẫn được dùng để sinh hoạt, còn bây giờ, người ta không dám động tay vào nó nữa.

 

Xóm chài Lê Lợi chỉ còn lác đác vài chiếc thuyền neo đậu. Ảnh: Hạ Phong.

 

Diện tích ruộng lúa ở Xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội) ở ngoại thành Hà Nội vẫn còn khá lớn. Nằm gần với phía thượng nguồn con sông Nhuệ, những cánh đồng ở đây xưa kia nổi tiếng màu mỡ. Nhìn những mặt kênh mương dẫn từ sông vào ruộng một dòng đen sánh, những đám bọt trắng bẩn cao hàng mét tại các trạm bơm, dễ hiểu tại sao nhiều năm nay đất ngày càng bị ô nhiễm nặng, hủy hoại việc sản xuất trên những cánh đồng này. Trên mặt các ruộng lúa luôn thường trực một lớp bùn đen. Sâu bệnh ngày càng nhiều. Cây lúa èo uột, năng suất giảm đến quá nửa. Trong khi năng suất lúa bình quân của cả nước từ 2,5 đến 3 tạ mỗi sào thì năng suất lúa trên các ruộng tốt ở đây cũng chỉ chưa đầy 1 tạ một sào.

 

Nhà bà Nguyễn Thị Lan có gần 2 mẫu ruộng ở làng Nhân Hòa, xã Tả Thanh Oai. Trước kia, khi nước con sông còn sạch, mỗi sào, ruộng nhà bà đều cho thu hoạch từ 2 tạ đến 2 tạ rưỡi lúa. Nhiều năm nay, năng suất chỉ còn được vài chục cân, may ra, lúa tốt thì được 1 tạ một sào. Bà Lan than thở: “Dân bây giờ bỏ ruộng hoang hết. Nước bẩn, trồng lúa chẳng được bao nhiêu, có khi lỗ. Vụ vừa rồi, gần 2 mẫu mà chỉ được gần 2 tấn lúa. Tính ra chưa được 1 tạ mỗi sào. Chán lắm”.

 

Cô Xuyến cũng có hơn 4 sào ruộng ở làng Nhân Hòa. Vất vả chăm sóc nửa năm trời nhưng cô chỉ gặt về được vài chục cân lúa. Ruộng nhà cô Diệp có diện tích hơn 3 sào thì ngắt về được một ôm cổ bông. Chán nản, cô bỏ ruộng hoang đã mấy năm nay.

 

Nước bẩn, đất ô nhiễm, sâu bệnh nhiều, chất lượng lúa cũng giảm. Bà Lan bảo: “Có khi lúa gặt về lép kẹp, đen sì, đắng ngắt, vứt cho gà, gà cũng chẳng buồn ăn. Trước kia, lúc dòng sông còn sạch, muốn ăn con cua, con ốc, xuống sông mò nhiều lắm. Bây giờ thì chúng chết hết rồi”. Bà Lan vừa đi thăm lúa về, gặp chúng tôi, vừa than thở, bà vừa tháo ủng, tháo găng tay, chỉ những vết lở loét do nước ăn để chứng minh cho mức độ ô nhiễm của dòng nước tưới.

 

Nước sông Nhuệ bây giờ, trở thành nỗi ám ảnh đối với cuộc sống của người dân hai bên bờ sông. Tại cửa Thanh Ấm, nơi sông Nhuệ đổ nước vào sông Đáy, ông Nguyễn Văn Kiên - chủ tịch UBND xã Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội), cho biết: Mỗi lần mở cửa cống, bọt cao hàng mét, lan trắng cả khúc sông dài hàng mấy trăm mét. Có đợt, cá chết hàng loạt, trắng cả khúc sông.


Bức tử xóm chài

 

Từ thượng nguồn, xuôi dòng về điểm cuối cùng, nơi con sông Nhuệ đổ nước vào sông Đáy, người ta sẽ gặp xóm chài Lê Lợi nằm giữa thành phố Phủ Lý (Hà Nam) đã gần 100 năm. Không có ruộng, cả xóm dựa vào con sông và chủ yếu sống bằng nghề chài lưới. Ngày xưa, nghề chài nuôi sống được cả gia đình, bây giờ, nước ô nhiễm từ thượng nguồn xối về, cá chết, xóm chài phải rục rịch kéo nhau lên bờ đi làm thuê, tập tành buôn bán lo cho cuộc mưu sinh.

 

Nước[-]sông[-]Nhuệ[-]đen[-]ngòm,[-]bọt[-]chứa[-]đầy[-]hóa[-]chất
Nước sông Nhuệ đen ngòm, bọt chứa đầy hóa chất nhưng vẫn được bơm vào các ruộng hai bên bờ. Ảnh: Hạ Phong.

 

Chị Nguyễn Thị Lương và chồng làm nghề chài lưới từ thuở bé. Giờ đây, cả hai vợ chồng tất bật dưới sông cả ngày mà không đủ nuôi cho hai đứa con ăn học với những chi phí tằn tiện hằng ngày. Chị Lương bỏ lưới lên bờ bán than. Thỉnh thoảng mưa gió, chị lại phụ chồng đánh lưới, buông câu kiếm thêm đồng ra, đồng vào. Nghề chài lưới trở nên chật vật.

 

“Hồi trước mỗi ngày một thuyền cũng được chục cân cá. Từ ngày nước sông ô nhiễm, được 2 cân, 3 cân đã khó lắm mà còn khó bán vì mang tiếng cá ô nhiễm, không ai mua”, chị Lương tâm sự.

 

Cả xóm chài quanh năm ngụp lặn cá cua nhưng chẳng ai ăn cá do chính mình bắt. Chị Lương bảo: "Cá bắt lên mềm oặt, hôi, không ăn được, phải mang đi chợ xa mới bán được, mà bán cũng rẻ. Mỗi lần nước ô nhiễm từ thượng nguồn xả về mạnh, cá ngoi lên ven bờ sông chết trắng mà chẳng ai buồn vớt vì bán cũng chẳng có ai mua".

 

Ông Bùi Quốc Doanh đã gần 70 tuổi từng là một lão ngư nổi tiếng của xóm chài Lê Lợi. Nhưng bây giờ ông cũng không còn thả lưới, buông câu nữa. Chỉ có hai cậu con trai út không nghề nghiệp nên vẫn phải theo nghiệp chài. Ông bảo, ở xóm này, chẳng phải ai cũng có được cái “phúc lớn” như thằng con cả của ông. Nó lấy vợ ở huyện khác, xin được hơn mẫu ruộng, chẳng còn lo hạt gạo, hạt thóc. Cả xóm chài bây giờ chỉ còn một phần ba lao động làm nghề chài thôi, thế mà vẫn không đủ cá để bắt, dù là cá ô nhiễm.

 

Trước kia, gần 80 hộ dân sống hoàn toàn dưới ở dưới thuyền, neo đậu vào ven con sông Nhuệ. Nước sông ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng, hôi thối, không thể tiếp tục ở mãi được dưới sông. Mùa cạn, nước ô nhiễm còn lơ lửng ở phía thượng nguồn Hà Nội. Tới mùa lũ, tất tần tật độc hại đều chảy hết về đây. Dân xóm chài cứ tần ngần mà nhìn nhau. Họ chỉ còn biết chèo thuyền đi xa hàng chục cây số để buông lưới.

 

Sông Nhuệ đang bị bức tử, ai cũng biết. Hàng chục cuộc hội thảo đã được mở ra để bàn về cách cứu con sông này. Mỗi ngày, rác sinh hoạt, nước thải công nghiệp chưa qua xử lí từ các làng nghề, các xí nghiệp vẫn trực tiếp đổ ra sông. Lối hành xử thiếu văn hóa đối với môi trường đã kéo theo biết bao nhiêu hệ lụy, tạo ra những bi kịch cho chính những cư dân sống dọc hai bên bờ. Cái vòng luẩn quẩn giữa việc phát triển và gây ô nhiễm môi trường là bài toán đầy nghịch lí, tuy không dễ trả lời nhưng nó đang ngày càng đặt ra cấp bách hơn!

 

Cuộc sống vẫn thế, cứ trôi qua bao nhiêu năm nay. Những lời kêu cứu của dòng sông đang ngắc ngoải, của những cư dân sống bám vào con sông dường như vẫn rơi vào vô vọng.

Hạ Phong/ Vnexpress
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Cái chết của một dòng sông

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
 Ninh Thuận: Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam

Ninh Thuận: Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam

(Tin Môi Trường) - “Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam” là một hợp phần thuộc "Dự án hỗ trợ thực nghiệm hóa công nghệ xanh tại nước ngoài năm 2024” trong khuôn khổ “Chương trình Giải pháp môi trường dẫn lối tương lai” của Viện Công nghệ Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI) - Bộ Môi trường Hàn Quốc. Công ty Cổ phần Kỹ thuật Tổng hợp Taesung – Hàn Quốc được KEITI lựa chọn là đơn vị thực hiện.

VACNE 30 năm
 Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

(Tin Môi Trường) - Bộ Công Thương Việt Nam mới đây đã ban hành Bộ tài liệu hướng dẫn lập Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2020-2025 (Kế hoạch TKNL cấp tỉnh). Bộ tài liệu hướng dẫn này được soạn thảo với sự hỗ trợ của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch, sẽ giúp cho toàn bộ 63 tỉnh thành của Việt Nam thống kê việc sử dụng năng lượng và xây dựng kế hoạch hành động của địa phương nhằm triển khai các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Hội BVTN&MT Việt Nam
 Huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế):Thực hành truyền thông giảm nhựa, xây dựng hành trình sống xanh

Huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế):Thực hành truyền thông giảm nhựa, xây dựng hành trình sống xanh

(Tin Môi Trường) - Theo thông tin từ Huyện đoàn A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam (do Tổ chức WWF tài trợ) đến nay đã ghi nhận nhiều kết quả: Trong tổng số 20 cơ sở du lịch (bao gồm 16 homestay và 04 điểm du lịch sinh thái cộng đồng) đã ký cam kết tham gia thực hành giảm nhựa. Qua một thời gian triển khai, nhiều mô hình đã góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của khách du lịch, nhân rộng ra các tiểu thương, người mua hàng tại hai chợ Bốt Đỏ và A Lưới,…

KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI