Môi trường » Nước
Nước thải bệnh viện đổ thẳng ra ngoài
(00:02:42 AM 18/06/2011)
Nước thải bệnh viện vẫn đang bị đổ thẳng vào hệ thống thoát nước chung của TP Hà Nội.
Theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì Hà Nội có đến sáu bệnh viện phải thực hiện ngay quyết định này gồm các bệnh viện: K, Việt Đức, Phụ sản Trung ương, Phụ sản Hà Nội, Đống Đa, Hai Bà Trưng - Thanh Nhàn.
Cửu vạn cũng sợ móc cống bệnh viện
Những ngày này, thời tiết Hà Nội thay đổi liên tục khiến hệ thống mương máng và cống ngầm chảy trong thành phố thường ứ đọng và bốc mùi khó chịu. Theo Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi ngày có 400.000m3 nước thải đổ vào sông Nhuệ, sông Đáy hầu hết không qua xử lý, trong đó có gần một nửa là nước thải bệnh viện.
Anh Nguyễn Lương Hùng (quê ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa) lên Hà Nội kiếm sống bằng nghề cửu vạn. Trước đây anh thường được các công nhân thuê làm công việc móc và thông các đường cống bị tắc, nhất là những cống thoát nước chảy ra từ các bệnh viện trong thành phố.
Cạnh chiếc xe này khoảng 10m, trong cùng một ngôi nhà là nhà ăn của Bệnh viện Phụ sản HN. Ảnh: V.H |
“Mình lên đây bán sức lực kiếm sống, ai thuê gì mình cũng làm, móc cống, đào mương là công việc thường xuyên của mình. Tiếp xúc mãi cũng quen, nhưng sau này mình để ý thấy các đường cống và mương máng gần bệnh viện thì ngay cả các công nhân họ cũng không làm, họ bỏ tiền ra thuê hết” - anh Hùng cho biết.
Sau gần một năm làm nhiệm vụ thay việc mấy công nhân móc cống, anh Hùng cũng biết được phần nào tác hại của thứ “nước” đó. Tuy nhiên, đó là công việc kiếm được thu nhập nhiều nhất, nên anh vẫn không thể từ chối.
Nước thải bệnh viện vốn được liệt vào danh mục chất thải đặc biệt nguy hại bởi ngoài các loại vi trùng từ máu, dịch đờm, phân của người bệnh, còn có dung dịch chứa các chất phóng xạ phát sinh trong quá trình chẩn đoán, điều trị.
Đặc biệt, các loại hóa chất điều trị ung thư và các sản phẩm chuyển hóa nếu xả thẳng ra môi trường không qua xử lý sẽ có khả năng gây quái thai, ung thư cho những người tiếp xúc với chúng như công nhân nạo vét cống thoát nước.
Theo kết quả phân tích của Trung tâm Quan trắc của Sở Tài nguyên&Môi trường Hà Nội, loại nước thải này ô nhiễm nặng về mặt hữu cơ và vi sinh. Hàm lượng vi sinh cao gấp 100 - 1.000 lần tiêu chuẩn cho phép, với nhiều loại vi khuẩn như Salmonella, tụ cầu, liên cầu, virus đường tiêu hoá, bại liệt, các loại ký sinh trùng, amip, nấm. Hàm lượng chất rắn lơ lửng cao gấp 2-3 lần tiêu chuẩn bình thường.
Nhà chứa rác Bệnh viện Phụ sản HN, bên dưới là cống ngầm dẫn nước thải chảy chung với thành phố. Ảnh: V.H |
Ở Hà Nội, tổng lượng nước thải các bệnh viện khoảng 6.000m3/ngày.
Theo Cảnh sát môi trường (Bộ Công an), 6 bệnh viện là: K, Việt Đức, Phụ sản Trung ương, Phụ sản Hà Nội, Đống Đa, Hai Bà Trưng - Thanh Nhàn đều không có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn. Tất cả nước thải trong các bệnh viện này đều được dồn vào bể phốt rồi… đổ thẳng ra hệ thống thoát nước chung của thành phố.
Sau khi hòa vào hệ thống thoát nước thải sinh hoạt, những mầm bệnh này chu du khắp nơi, xâm nhập vào các loại thủy sản, vật nuôi, cây trồng, nhất là rau thủy canh và trở lại với con người.
Mải mua sắm mà quên xử lý mầm bệnh?
Được biết, để xây dựng một hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường cho một bệnh viện nhỏ khoảng 200-300 giường bệnh thì cần mức kinh phí khoảng từ 1-1,5 tỷ đồng. Trong thiết kế cần phải có một hồ chứa rộng khoảng 100m2 với công suất xử lý 1.500m3/ngày.
Hệ thống máy xử lý gồm các khoang chứa nước đến, có bộ phận lọc rác ở phía ngoài. Nước được cho vào bồn khử mùi bằng dung dịch Clo lỏng, sau đó lọc khử vi sinh, hữu cơ. Toàn bộ các khoang chứa nước được xây kín không cho thoát mùi. Hệ thống được xả cặn hai lần/tuần.
Lý thuyết là như vậy nhưng sau bốn năm thực hiện quyết định trên của Chính phủ, mới có ba bệnh viện xây xong hệ thống xử lý nước thải, là: Bệnh viện Hai Bà Trưng-Thanh Nhàn, Bệnh viện K và Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Riêng Bệnh viện Việt Đức theo dự kiến, tháng 8 này mới hoàn thành việc thi công hệ thống xử lý nước thải.
Có mặt tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, ông Nguyễn Huy Bạo, Giám đốc Bệnh viện, cho biết: “Sau khi có quyết định của Chính phủ năm 2003, chúng tôi cũng muốn được xây dựng trạm xử lý rác thải. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện giờ chúng tôi chỉ mới xử lý được chất thải rắn bằng cách kí hợp đồng với các lò đốt và hằng ngày họ đến tận bệnh viện để lấy rác mang về xử lý.
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, ông Nguyễn Huy Bạo. Ảnh: V.H |
Hiện tại chúng tôi mới nhận được quyết định mới nhất của UBND Thành phố Hà Nội về vấn đề xử lý nước thải. Theo đó, việc xây dựng khu xử lý được giao cho cấp trên, cụ thể là Sở Y tế và UBND Thành phố Hà Nội quyết định. Muốn xây dựng trạm xử lý nước thải, đành phải chờ cấp trên xét duyệt”.
Chờ xét duyệt mà theo ông Bạo, cũng không biết rõ cụ thể là phải chờ trong bao lâu, dù xây dựng trạm xử lý nước thải cho bệnh viện này chỉ hết khoảng ba tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Bạo cho biết thêm, trong lúc chờ được duyệt xây hệ thống xử lý nước thải, thành phố đã phê duyệt dự án xây dựng thêm một tòa nhà 11 tầng (vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng) để phục vụ công tác của bệnh viện. Điều này chẳng khác gì “mua được trâu mà không sắm được thừng”!
Bà Nguyễn Thị Bích Đào, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cũng trao đổi: “Lượng nước thải của bệnh viện trước khi thải ra môi trường có được chúng tôi xử lý bằng chất CloraminB, chất này có tác dụng khử khuẩn làm giảm bớt tính độc hại. Còn về tiến trình xây dựng trạm xử lý nước thải cho riêng bệnh viện cần phải được Sở Y tế thông qua và phê duyệt”.
Cũng như Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, ở Bệnh viện Đống Đa, bà Đào vẫn không nắm rõ khi nào, bệnh viện mình được xây dựng trạm xử lý nước thải.
Cống phía sau nhà chứa rác của Bệnh viện Phụ sản HN. Ảnh: V.H |
Chính vì không có khu xử lý nước thải, trong khi quy mô các bệnh viện đều rất lớn, mỗi năm tiếp đón hàng chục nghìn lượt người bệnh nên hàng ngày, nên một lượng nước thải lớn từ các bệnh viện này vẫn chảy thẳng ra mương máng, cống ngầm của thành phố.
Chưa kể, hầu hết các bệnh viện ở Hà Nội đều có hệ thống cấp thoát nước gồm các mương rãnh nhưng do bị sụt lún nên thường xuyên gây úng ngập cục bộ, làm ô nhiễm môi trường. Các ống thoát nước bẩn có đường kính siêu nhỏ (200-500mm), hơn nữa lại bị hư hỏng nên thoát nước rất kém.
Với lý do không có kinh phí bởi phụ thuộc vào ngân sách, nhiều bệnh viện vẫn chỉ lo đầu tư mua sắm trang thiết bị và mở rộng dịch vụ khám chữa bệnh mà quên đi việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Nhiều bệnh viện và hàng chục cơ sở y tế khác trong thành phố cũng trong tình trạng báo động.
Một số nơi dù đã có hệ thống xử lý nước thải lại lơ là trong việc vận hành và bảo trì đối với hệ thống này. Đến khi hệ thống bị quá tải, xuống cấp thì lại phải ngừng hoạt động. Nước thải lại đổ thẳng vào ống cống thoát nước chung của thành phố...
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Thanh Hóa: Nước sông Mã bất ngờ đổi màu đen kịt
- Cá chết nổi dày đặc hồ sinh thái Bàu Sen ở Bình Định
- Vụ gần 200 tấn cá chết: Chuyện gì xảy ra ở hồ Sông Mây?
- Thành phố Hồ Chí Minh vẫn loay hoay chống ngập
- Công bố chương trình bảo tồn nguồn nước tại 3 lưu vực sông quan trọng
- Công trình hồ chứa Sông Cái phát huy vai trò rất lớn trong quản lý tài nguyên nước tại NinhThuận
- Ngày Nước Thế giới năm 2022 có chủ đề “Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình”
- Cảnh báo từ sông Mê Kông
- Vĩnh Phúc: Ngang nhiên đổ đất, lấn chiếm hồ ở thành phố Phúc Yên
Bài viết mới:
- Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (19/01/2025)
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
Đồng Xoài treo thưởng cho người tìm ra thủ phạm phát tán mùi hôi trong không khí
(Tin Môi Trường) - Thành phố Đồng Xoài treo thưởng tiền cho người nào tìm, cung cấp thông tin xác định thủ phạm gây ra mùi hôi thời gian qua.
Ninh Thuận: Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam
(Tin Môi Trường) - “Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam” là một hợp phần thuộc "Dự án hỗ trợ thực nghiệm hóa công nghệ xanh tại nước ngoài năm 2024” trong khuôn khổ “Chương trình Giải pháp môi trường dẫn lối tương lai” của Viện Công nghệ Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI) - Bộ Môi trường Hàn Quốc. Công ty Cổ phần Kỹ thuật Tổng hợp Taesung – Hàn Quốc được KEITI lựa chọn là đơn vị thực hiện.
Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
(Tin Môi Trường) - Bộ Công Thương Việt Nam mới đây đã ban hành Bộ tài liệu hướng dẫn lập Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2020-2025 (Kế hoạch TKNL cấp tỉnh). Bộ tài liệu hướng dẫn này được soạn thảo với sự hỗ trợ của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch, sẽ giúp cho toàn bộ 63 tỉnh thành của Việt Nam thống kê việc sử dụng năng lượng và xây dựng kế hoạch hành động của địa phương nhằm triển khai các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế):Thực hành truyền thông giảm nhựa, xây dựng hành trình sống xanh
(Tin Môi Trường) - Theo thông tin từ Huyện đoàn A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam (do Tổ chức WWF tài trợ) đến nay đã ghi nhận nhiều kết quả: Trong tổng số 20 cơ sở du lịch (bao gồm 16 homestay và 04 điểm du lịch sinh thái cộng đồng) đã ký cam kết tham gia thực hành giảm nhựa. Qua một thời gian triển khai, nhiều mô hình đã góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của khách du lịch, nhân rộng ra các tiểu thương, người mua hàng tại hai chợ Bốt Đỏ và A Lưới,…