»

Chủ nhật, 19/01/2025, 17:17:05 PM (GMT+7)

Nhuệ Giang chết dần giữa lòng Hà Nội

(00:00:27 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Mỗi ngày Sông Nhuệ hứng 20 tấn chất tẩy rửa và 500.000 m3 nước thải từ 30 làng nghề, hàng chục bệnh viện, nhà máy trải dài từ Hà Nội đến Hà Nam. Dòng sông đỏ nặng phù sa ngày nào nay nhuốm màu của hóa chất, rác thải và nước thải...

Mỗi ngày Sông Nhuệ hứng 20 tấn chất tẩy rửa và 500.000 m3 nước thải từ 30 làng nghề, hàng chục bệnh viện, nhà máy trải dài từ Hà Nội đến Hà Nam. Dòng sông đỏ nặng phù sa ngày nào nay nhuốm màu của hóa chất, rác thải và nước thải...

 

Bài 1: Con sông xanh xanh nay thành sông 'chết'

Một đoạn của Sông Nhuệ đen đặc bởi chất thải. Ảnh : PV

Nhuệ Giang là tên của con sông thơ mộng trải qua nhiều làng mạc trù phú của Hà Nội, Hà Nam. Gần mười năm trước, người ta đã đưa ra ý tưởng hình thành những khu du lịch sinh thái, du lịch làng nghề ven Sông Nhuệ Giang xanh biếc in bóng tre làng rồi sẽ nhộn nhịp trên bến dưới thuyền. 

 

Tiếc thay, những ý tưởng tốt đẹp đó chưa thành hiện thực, còn dòng sông đang bị giết chết dần bởi chính sự thờ ơ, vô cảm và thậm chí là sự tàn nhẫn của con người.

 

Dòng sông đỏ nặng hóa chất

 

Sông Nhuệ có chức năng phục vụ tưới tiêu cho vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của miền Bắc là Hà Nội, Hà Tây (trước đây), Hà Nam có điểm đầu là cống Liên Mạc (huyện Từ Liêm).

 

Do Sông Nhuệ được bắt nguồn từ Sông Hồng nên con sông này cũng chở nặng phù sa mang trù mật đến bao làng mạc. Sông Nhuệ có trục chính dài 74 km và một số nhánh sông Nhuệ dài 40km. Tuy nhiên, con sông đỏ nặng phù sa ngày nào nay nhuốm màu của hóa chất, rác thải và nước thải.

 

Lần theo chỉ dẫn của một người bản địa, chúng tôi đến cầu Dương Nội bắc qua kênh La Khê ( tên gọi khác là Sông La Khê là một nhánh của Sông Nhuệ) thuộc xã Dương Nội, thành phố Hà Đông.

 

Về phía hạ lưu cây cầu đoạn chảy từ Sông Nhuệ ra Sông Đáy ( dài khoảng 6km), dù sau cơn mưa cuối tháng 9 nhưng nước kênh vẫn vẩn màu đỏ, thi thoảng lại có cuộn nước xanh lơ lửng trôi.

 

Trên bãi bùn khi nước rút hở ra những vệt màu còn láng một lớp màng mỏng nhiều màu. Quan sát kỹ hơn, thì nước có màu lạ nhuộm dòng sông có nguồn gốc từ nhiều xưởng nhuộm mọc sát ngay mép sông phía hạ lưu cầu.

 

Bên trong những dãy nhà xưởng xây tạm dọc sông này, than đá, vải chất thành đống. Bên cạnh đó là hàng loạt can nhựa 20 lít đựng hoá chất cũng được xếp ngổn ngang.Thấy có người lạ, một số người tỏ ra cảnh giác và ném những cái nhìn đầy nghi vấn về phía chúng tôi...

 

Ngày 1/10, theo chân ông Ngô Thanh Sơn, trưởng phòng quản lý nước và công trình, thuộc công ty thủy lợi Sông Nhuệ, chúng tôi mới quay trở lại đoạn sông trên.

 

Men theo con sông bị lấp nham nhở bởi rác rưởi và xỉ than, thượng lưu kênh La Khê (nơi cách Sông Nhuệ 3,5km) hiển hiện những chuyện khó tin. Ghi nhận đầu tiên là khúc sông được nhuộm màu vàng nổi bật trên màu nước đen quánh.

 

Dò theo vệt nước, hóa ra thứ nước vàng đó được một xưởng nhuộm, in thải ra sông qua một cái ống nhựa. Nước chảy lâu ngày tạo thành một cái hủm ven sông rồi lách qua rãnh hào xả vào dòng sông tạo nên màu  vàng. Xung quanh cái hủm nhỏ, cây cỏ chết rạc.

 

Mùi nước bốc lên gai người. Đang mải mê chụp ảnh cái hủm lợm người này, ông Sơn  kéo chúng tôi đi tiếp, miệng sốt sắng: “Sông đỏ như máu kia kìa, chết thật! Không thấy đội tuần đê báo cáo”. Cách đó chỉ vài chục mét, khúc sông đen được phủ một lớp màu đỏ như máu.

 

Dưới dòng nước đen sền sệt những cuộn nước đỏ sủi tăm vẩn lên thứ màu đa sắc. Dòng hóa chất đỏ ngầu đó cũng chảy trực tiếp từ một xưởng sản xuất nằm cạnh con sông.

 

Nước chảy đến đâu, hầu như không có sự sống đến đó. Khoảng rộng của dải bùn từ mép nước lên bờ sông dường như cây cối chết rụi, còn chỏng chơ những thân cây dại. Trên dòng sông,  vệt nước đỏ rộng cả trăm mét vuông đang lởn vởn trôi...

 

Cảnh tượng hãi hùng hơn tiếp tục diễn ra. Cách đó không xa một thác nước nóng nhân tạo đổ ra sông. Nước nóng cộng hóa chất, đổ róc rách từ độ cao khoảng 3m xuống sông. Dòng nước được chảy trên một nền là đống giẻ te tua và rác.

 

Nước đến đâu, hơi bốc nghi ngút đến đó. Và tất nhiên là mùi nước khó tả cũng tỏa vào không khí. Nhiều anh em trong đoàn phải bịt mũi vì thứ khí thải ngửi phải đã thấy nôn nao người... Chúng tôi quyết định quay lại vì không thể ở lâu hơn.

 

Thật khó tưởng tượng khi các họng nước thải này lại xả ngay trước cửa trạm bơm La Khê nơi bơm nước tưới cho trên 10.000 ha ruộng và rau màu của các huyện Thanh Oai, một phần của huyện Ứng Hoà, Phú Xuyên. Phần nước còn lại của Sông La Khê tiếp tục đổ ra Sông Đáy về xuôi tưới mát cho ruộng vườn.

 

Xẻ thịt dòng sông

 

Chúng tôi ngược về Hà Đông rồi đi theo Sông Nhuệ đến chân cầu Tó. Thay vì những sắc màu hỗn hợp tại sông nhánh  La Khê, khúc Sông Nhuệ khi đi qua cầu Tó được thảm một màu đen thăm thẳm. Thứ nước đen bốc mùi hôi thối nồng nặc.

 

Ngay chân cầu Tó ( khu vực xã Hữu Hoà và xã Tả Thanh Oai của huyện Thanh Trì), một đống rác cả chục mét khối cao ngất được chất lên từ đáy sông đến sát mép cầu. Trong đống rác hổ đốn bốc mùi ngùn ngụt dưới cái ngắt nắng sau mưa, chúng tôi vẫn đủ nhận ra nào là lông gà, lông vịt, chuột chết, vỏ dưa và nhiều thứ bẩn thỉu không thể kể hết...

 

Đống rác được hình thành do thói quen đổ rác ra sông của người dân sống bên cạnh dòng sông và hơn thế, nó còn là nơi xả rác của cái chợ quê gần cầu Tó. Chưa hết, gần dòng nước đen ngòm đó là hàng loạt ngôi nhà kiên cố được gia cố bằng kè mọc lên sát dòng sông.

 

Tình trạng dòng sông bị xâm chiếm diễn ra khá phổ biến. Anh Sơn cho biết, chỉ tính riêng khu vực sông Nhuệ đi qua địa phận thành phố Hà Đông, huyện Thanh Trì có hàng chục vụ vi phạm lấn chiếm dòng chảy. Các loại vi phạm thường là xây dựng công trình nhà ở, kho tàng, nhà xưởng, công trình phụ trên sông.

 

Số khác thì lấn chiếm hành lang sông để trồng rau, cây lưu niên. Một trong những vi phạm làm cản trở dòng chảy đó là hiện tượng trồng rau muống trên lòng sông.  Theo thống kê của công ty thủy lợi Sông Nhuệ hàng năm, công ty phải tiến hành giải tỏa hàng trăm ngàn mét vuông rau muống.

 

Ngược Sông Nhuệ về phía thượng lưu- khu vực huyện Từ Liêm, tại nhiều đoạn, đất hành lang sông đã bị cắt xẻ làm nhà, làm vườn, quây tường bao. Sau cơn sốt đất đầu những năm 2000, hàng ngàn mét vuông đất hành lang sông Nhuệ đã bị lấn chiếm biến thành đất ở, đất vườn.

 

Tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép trong hành lang sông Nhuệ vẫn tiếp tục diễn ra cho đến thời điểm hiện tại đặc biệt là tại địa bàn thị trấn Phú Diễn. Bà Trần Thị Tuyết Hạnh, phó giám đốc công ty thuỷ lợi Sông Nhuệ, nói tình trạng lấn chiếm vi phạm hành lang Sông Nhuệ diễn ra trên chiều dài 30-40 km ( sông chính dài 74km).

 

Tại nhiều điểm, Sông Nhuệ bị co thắt từ 20m đến 30m. Thống kê mới đây của công ty thủy lợi Sông Nhuệ cho thấy, có đến 4.000 vụ vi phạm liên quan đến Sông Nhuệ. Nếu so sánh với tổng chiều dài cả trục chính và nhánh thì mỗi km Sông Nhuệ đang có 30-40 vụ vi phạm.

 

Vậy công ty có hướng xử lý như thế nào? Bà Hạnh bức xúc, nhiệm vụ của công ty chỉ là thống kê vi phạm và kiến nghị các cấp chính quyền xử lý. Tuy nhiên, ngay cả lập biên bản vi phạm, công ty cũng gặp nhiều khó khăn.

 

Nhiều sai phạm, công ty phát hiện nhưng đến khi lập được biên bản công trình đã hoàn thiện và việc xử lý khó khăn gấp nhiều lần. Việc ngăn ngừa và xử lý dường như trông đợi vào sự ra tay của chính quyền các địa phương...

(Theo Tiền Phong)

TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Nhuệ Giang chết dần giữa lòng Hà Nội

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
 Ninh Thuận: Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam

Ninh Thuận: Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam

(Tin Môi Trường) - “Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam” là một hợp phần thuộc "Dự án hỗ trợ thực nghiệm hóa công nghệ xanh tại nước ngoài năm 2024” trong khuôn khổ “Chương trình Giải pháp môi trường dẫn lối tương lai” của Viện Công nghệ Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI) - Bộ Môi trường Hàn Quốc. Công ty Cổ phần Kỹ thuật Tổng hợp Taesung – Hàn Quốc được KEITI lựa chọn là đơn vị thực hiện.

VACNE 30 năm
 Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

(Tin Môi Trường) - Bộ Công Thương Việt Nam mới đây đã ban hành Bộ tài liệu hướng dẫn lập Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2020-2025 (Kế hoạch TKNL cấp tỉnh). Bộ tài liệu hướng dẫn này được soạn thảo với sự hỗ trợ của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch, sẽ giúp cho toàn bộ 63 tỉnh thành của Việt Nam thống kê việc sử dụng năng lượng và xây dựng kế hoạch hành động của địa phương nhằm triển khai các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Hội BVTN&MT Việt Nam
 Huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế):Thực hành truyền thông giảm nhựa, xây dựng hành trình sống xanh

Huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế):Thực hành truyền thông giảm nhựa, xây dựng hành trình sống xanh

(Tin Môi Trường) - Theo thông tin từ Huyện đoàn A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam (do Tổ chức WWF tài trợ) đến nay đã ghi nhận nhiều kết quả: Trong tổng số 20 cơ sở du lịch (bao gồm 16 homestay và 04 điểm du lịch sinh thái cộng đồng) đã ký cam kết tham gia thực hành giảm nhựa. Qua một thời gian triển khai, nhiều mô hình đã góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của khách du lịch, nhân rộng ra các tiểu thương, người mua hàng tại hai chợ Bốt Đỏ và A Lưới,…

KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI