Môi trường » Không khí
Đeo khẩu trang đi ngủ
(23:51:25 PM 17/06/2011) Tại Xã Thống Nhất (huyện Thường Tín, Hà Nội), trên chiều dài bãi sông hơn 1km có tới 32 lò gạch công suất lớn ngày đêm cuồn cuộn tuôn khói độc, nhiều người phải đeo khẩu trang khi đi ngủ..
Cháu Tuấn Anh đeo khẩu trang để chuẩn bị đi ngủ |
Lò thiêu khổng lồ
Nằm sát con đê sông Hồng, với chất đất phù sa nhiều đất sét đã khiến hai thôn Thượng Giáp và Giáp Long, xã Thống Nhất (trước gọi chung là xóm Bãi) là nơi lý tưởng để sản xuất và vận chuyển gạch cho cả chuỗi đô thị đang dần tiến về phía Nam Hà Nội.
Chúng tôi đến đây trong ngày tăm tối nhất... Nói tăm tối là hoàn toàn theo nghĩa đen. Ngay khi vừa chạm chân lên thềm đê, chiếc xe máy vội vàng loé đèn pha nhưng cũng không kịp, chiếc xe mất hướng lao xuống triền đê, làn sương mù (hay đúng hơn là khói) chụp lấy không gian đang đặc quánh lại.
Hôm nay lại là ngày tổng tiến công của 32 lò. Đã từ lâu, các chủ lò ở đây có mật ước với nhau để tránh sự phản đối của bà con và đối phó với sự kiểm tra của các cơ quan chức năng: Đồng loạt nổi lửa đun gạch.
Việc đốt lò đồng loạt khiến người dân, nhất là những gia đình có cháu nhỏ phải mang con đi gửi nơi khác, bận sơ tán trâu bò, lợn gà nên không thể tập trung để phản đối được. Nếu có tin báo lên các cơ quan chức năng thì theo các thủ tục zích zắc như hiện nay, lúc đoàn kiểm tra có đến hiện trường thì mọi việc cũng đã xong xuôi, vì khói bụi chỉ kinh khủng nhất khi mới đốt lò. Lúc này cả hai thôn vắng tanh như vùng đất chết, đến những con bò cũng phải vào phía bên kia đê để tránh khói.
Ba ngày sau quay lại, cảnh tượng khác lạ khiến chúng tôi giật mình: Hàng chuối xanh mơn mởn ngày nào giờ dưới ánh nắng cuối hè, những tàu chuối khô cong, thâm sì lại chỉ chờ một tia lửa nhỏ sẽ biến thành biển lửa. Các gia đình dù vừa qua cơn khiếp sợ vẫn phải ào ra vườn cắt các tàu chuối.
Tôi cứ lẩm bẩm không hiểu họ cắt lá chuối khô về làm gì, chị Nguyễn Thị Hợp lúng búng trong chiếc khẩu trang bảo: "Cứu hoả! Một tàn lửa vào thì thành tro bụi hết. Anh dập điếu thuốc đi hộ em".
Nghe tiếng trẻ khóc trong nhà, chị Hợp lệt sệt kéo đống tàu chuối như một đống rạ vào trong nhà. Thằng nhỏ tên Tuấn Anh đang quẫy đạp cào cấu hai chị gái của mình, cô chị lớn cũng lúng búng sau chiếc khẩu trang: "Mẹ! Thằng Tuấn Anh nó cứ đòi tháo khẩu trang ra (!?)". Nghe chị nói vậy, cô em thứ hai ngấm nguýt: "Chị cứ tháo ra cho nó ho như con bò nhà mình ý(!)".
Ôm lấy cậu con trai, chị Hợp quặt tay nó vào nách mình để cu cậu không thể giật khẩu trang ra khỏi miệng rồi vỗ nhẹ cho nó ngủ. Thấy tôi săm soi cái ảnh cưới trên tường như có ý dò xét, chị Hợp cùng anh chồng cười rồi giơ tay gỡ khẩu trang: "Ảnh cưới vợ chồng chúng em đấy. Bác thông cảm! Ở đây, suốt ngày đeo khẩu trang nên chẳng còn nhìn rõ ra nhân mạng nào nữa". Mấy hôm nay, khói đã bớt, hai vợ chồng mới vừa đón đám con gửi trên ông bà ngoại cách đây 10 cây số về.
Cả hai đều xác xơ vì lo mang con đi gửi rồi lại lo chạy gà, chạy vịt, chạy lợn, chạy bò. Anh chồng nhệch miệng: "Cứ bảo "nhất thuỷ nhì hoả", ở đây chúng em thấy nhất khói rồi mới đến thuỷ - hoả. Cả bầy vịt đẻ may không chết con nào nhưng ít nhất phải mất vài chục lứa trứng. Đàn gà thịt bình thường tháng sau có thể xuất nhưng sau trận khói này phải vỗ hàng tháng nữa mới mượt lông trở lại”.
Mấy hôm vừa rồi, trường mầm non của xã cũng chẳng có cháu nào dám đến học, chúng đã được bố mẹ mang đi gửi ở những nơi thân quen cách xa đây, mấy hôm nay mới lại lục tục về nhà. Mỗi đứa trẻ, kể cả cha mẹ chúng đều mang một chiếc khẩu trang to tướng trên mặt (chỉ trừ lúc ăn cơm), ngay tại vùng đất lẽ ra phải yên bình với con sông Hồng rì rào gió lượn sát cạnh nhà. Và có lẽ cũng không nơi nào như ở đây, những đứa trẻ xã Thống Nhất có cả một vùng hoài niệm với những chiếc khẩu trang và những đợt chạy loạn khi “làn sương mù” dâng lên.
Khoét chân đê để xây nhà
32 lò gạch, có lò công suất lên tới 160 vạn viên nên việc chân đê sông Hồng liên tục bị khoét đất cũng là điều dễ hiểu. Con đê bối, bảo vệ khu xóm Bãi bồi đã biến mất, bãi bồi làm chỗ tựa cho triền đê biến thành những hố sâu như vực thẳm. Năm 2006, theo tài liệu của đoàn kiểm tra đê điều tại đây, đất đào khoét đã cách chân đê 89m, trong khi theo quy hoạch phạm vi hành lang bảo vệ, tại đây phải đảm bảo 100m. Các con số này đã cũ!
Ông Hồ Đăng Lẫm - cựu chiến binh xã Thống Nhất - chỉ cho tôi xem những nơi các chủ lò gạch đã dùng máy xúc khoét các hố sâu chỉ còn cách chân đê vài chục mét. Một con đê mới bề ngang chỉ hơn 1m được đắp lấn ra ngoài mép sông để chắn nước.
Bên trong các máy xúc thi nhau múc, ủi, một con đầm rộng mênh mông sâu hoắm gần chục mét nằm giữa con đê sông Hồng và con đê mỏng manh do các chủ lò gạch mới đắp. Chỉ cần lũ lên con đê mỏng manh bên ngoài bị vỡ là cả luồng nước sẽ ập xoáy vào con đê đã bị mất chân ở bên trong và một tai hoạ không lường sẽ xảy ra.
Khu vực các lò gạch lấn dần ra sông |
Mục đích của kiểu khai thác này nhằm giữ lại số đất phù sa sau mùa lũ để mùa sau tiếp tục khai thác, hơn nữa cũng là một cách để mở rộng bãi bồi, lấn chiếm dòng chảy sông Hồng để lấy chỗ làm gạch.
Trên bờ sông vốn có một cột biển cảnh báo chỗ nước cạn của công ty vận tải đường sông, do kiểu khai thác đào sâu, lấn dòng nên cây cột bị đổ và không còn nằm tại mép nước nữa, các chủ lò mang cây cột biển báo này cắm vào một vị trí khác cách đó hàng trăm mét. Cả khu vực bãi bồi, cả con sông và cả con đê bảo vệ cho sông Hồng đã chính thức thuộc về quyền lực của các chủ lò gạch để họ tha hồ vo tròn, bóp méo.
Thiên đường cho sai phạm!
Không dưới 10 văn bản kết luận về các sai phạm trong việc quản lý các lò gạch ở xã Thống Nhất của hầu như tất cả các cơ quan liên quan. Tuy nhiên, sai phạm tại đây không hề bị xử lý, thậm chí chính quyền còn mặc nhiên thừa nhận điều này.
Trước tình hình bức xúc trên, ngày 2/6/2006, UBND huyện Thường Tín ra công văn số 172/CV - UB chỉ đạo UBND xã Thống Nhất xử lý kiên quyết các trường hợp khai thác cát, đất sản xuất gạch vi phạm Luật Bảo vệ đê điều.
Sau đó UBND xã Thống Nhất cũng ra thông báo số 08/TB - UB (ngày 3/6/2006) về việc đình chỉ các hoạt động khai thác cát, đất, sản xuất gạch vi phạm pháp luật. Tuy nhiên mọi việc chỉ nằm trên giấy tờ, các lò gạch vẫn vô tư nhả khói.
Từ năm 2007, chi cục phòng, chống lụt bão và quản lý đê điều đã có báo cáo số 161 gửi UBND tỉnh về tình hình vi phạm và chỉ đạo giải toả vi phạm pháp lệnh đê điều tại xã Thống Nhất, huyện Thường Tín. Tiếp đến Công văn số 658 về việc xử lý đào đất, chứa đất làm gạch tại các xã: Thống Nhất, Vạn Điểm trên bờ hữu sông Hồng.
Ngoài ra, tại khu vực này còn có hai chủ hộ dùng máy hút cát gây nguy hiểm cho đê, kè ven sông Hồng (Trích báo cáo của Chi cục Quản lý đê điều Hà Tây trước đây). Song song với các quyết định này, ngày 10/5/2007, UBND huyện Thường Tín lại ra quyết định 135 yêu cầu UBND xã Thống Nhất thực hiện nghiêm việc xử lý các lò gạch nhưng mọi việc vẫn không có thay đổi gì.
Chỉ đến khi việc khiếu kiện đông người, đơn thư vượt cấp xuất hiện, trong ba tháng, từ tháng 9 đến 11/2007, UBND xã Thống Nhất mới tập trung phá bỏ 45 lò gạch loại nhỏ trên địa bàn toàn xã, nhưng chỉ sau khi việc này hoàn thành được một tháng, 32 lò gạch mới với quy mô lớn gấp vài chục lần các lò gạch nhỏ vừa bị phá bỏ được gấp rút xây dựng tập trung tại bãi sông của hai thôn Thượng Giáp và Giáp Long. Vì sao như vậy? Câu hỏi này chắc chỉ có chính quyền xã Thống Nhất trả lời được!
(Theo Nông Thôn Ngày Nay)
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Đồng Xoài treo thưởng cho người tìm ra thủ phạm phát tán mùi hôi trong không khí
- Chất lượng không khí tại Long Xuyên (An Giang) ở mức rất có hại cho sức khỏe
- Giám sát việc thực hiện các giải pháp giảm thiểu bụi tại sân bay Long Thành
- Không khí ở Bắc Bộ tiếp tục bị ô nhiễm, người dân hạn chế hoạt động ngoài trời
- Hà Nội hỏa tốc yêu cầu ứng phó ô nhiễm không khí
- Nhà máy ồn, ngột ngạt khu dân cư: Không đình chỉ vì... chưa có quy định
- Chuyên gia khí hậu giải thích vì sao Hà Nội nóng 60 độ C?
- Tháng 3, chất lượng không khí miền Bắc vẫn trong giai đoạn ô nhiễm cao nhất trong năm
- Hà Nội tiếp tục lọt top 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Thanh Hóa: Nước sông Mã bất ngờ đổi màu đen kịt
(Tin Môi Trường) - Sông Mã qua địa bàn huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) đổi màu đen kịt như sông Tô Lịch; hàng tấn cá lồng chết la liệt, nhiều người dân xót xa tháo dỡ lồng bè.
Ninh Thuận: Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam
(Tin Môi Trường) - “Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam” là một hợp phần thuộc "Dự án hỗ trợ thực nghiệm hóa công nghệ xanh tại nước ngoài năm 2024” trong khuôn khổ “Chương trình Giải pháp môi trường dẫn lối tương lai” của Viện Công nghệ Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI) - Bộ Môi trường Hàn Quốc. Công ty Cổ phần Kỹ thuật Tổng hợp Taesung – Hàn Quốc được KEITI lựa chọn là đơn vị thực hiện.
Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
(Tin Môi Trường) - Bộ Công Thương Việt Nam mới đây đã ban hành Bộ tài liệu hướng dẫn lập Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2020-2025 (Kế hoạch TKNL cấp tỉnh). Bộ tài liệu hướng dẫn này được soạn thảo với sự hỗ trợ của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch, sẽ giúp cho toàn bộ 63 tỉnh thành của Việt Nam thống kê việc sử dụng năng lượng và xây dựng kế hoạch hành động của địa phương nhằm triển khai các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế):Thực hành truyền thông giảm nhựa, xây dựng hành trình sống xanh
(Tin Môi Trường) - Theo thông tin từ Huyện đoàn A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam (do Tổ chức WWF tài trợ) đến nay đã ghi nhận nhiều kết quả: Trong tổng số 20 cơ sở du lịch (bao gồm 16 homestay và 04 điểm du lịch sinh thái cộng đồng) đã ký cam kết tham gia thực hành giảm nhựa. Qua một thời gian triển khai, nhiều mô hình đã góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của khách du lịch, nhân rộng ra các tiểu thương, người mua hàng tại hai chợ Bốt Đỏ và A Lưới,…