Sống xanh » Giao thông xanh
Dùng Uber thay taxi là phạm luật
(09:40:00 AM 01/12/2014)
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) đã trả lời xung quanh vấn đề này.
Tài xế xe Uber Võ Thành Tâm bị phạt vi phạm hành chính khi đang chuẩn bị đón khách.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
- Tại TP.HCM và Hà Nội gần đây xuất hiện một loại hình dịch vụ taxi mới thông qua việc cài đặt phần mềm ứng dụng Uber trên smartphone để kinh doanh vận tải hành khách. Ông có thể cho biết rõ hơn về loại hình kinh doanh này?
- Đây là loại hình dịch vụ taxi mới thông qua việc cài đặt phần mềm ứng dụng Uber trên smartphone để kết nối giữa người cần di chuyển và lái xe taxi. Những xe tham gia sử dụng Uber không có phù hiệu taxi, không logo, đồng hồ tính tiền cước như những xe taxi khác. Hành khách chỉ cần dùng ứng dụng Uber để đăng ký hành trình, hệ thống sẽ tự động kết nối với một chủ xe (có đăng ký tham gia vào ứng dụng Uber). Sau đó, hệ thống sẽ hiển thị thông báo các thông tin về chi phí chuyến đi, thông tin cơ bản về chiếc xe sắp đến đón. Nếu khách hàng đồng ý thực hiện chuyến đi, chi phí sẽ trả qua thẻ thanh toán quốc tế Visa, Mastercard. Loại hình kinh doanh này có giá thấp hơn so với taxi thông thường, trong đó Uber hưởng 20% phí dịch vụ, chủ xe hưởng 80%.
Nếu thực hiện dịch vụ như vậy, sẽ tiềm ẩn rủi ro, không chỉ làm thiệt hại cho Nhà nước, các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh đầy đủ theo qui định của pháp luật mà còn đối với chính lái xe.
- Ông vừa nói tới việc tiềm ẩn các rủi ro của loại hình kinh doanh này. Theo ông những rủi ro đó là gì?
- Thực tế mối quan hệ giữa người lái xe và người điều hành Uber là thông qua mạng. Họ có thể không biết nhau và không chịu trách nhiệm về hành động của nhau. Thử đặt giả thiết khi lái xe vô tình vận chuyển hành khách có mang theo hàng quốc cấm (ma túy, hàng lậu) trên xe, nếu lực lượng chức năng phát hiện, bản thân người lái xe mặc dù vô tình nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về việc vận chuyển hàng quốc cấm đó, vì anh ta không có bằng chứng chứng minh sự vô tội của mình.
Mặt khác, ở đây rõ ràng là có sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước so với loại dịch vụ không nằm trong phạm vi quản lý (Uber). Các đơn vị kinh doanh vận tải taxi có nghĩa vụ đóng thuế và chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải như phải có người điều hành vận tải. Bên cạnh đó, phải có bộ máy và phương án kinh doanh, đảm bảo duy trì hoạt động của phương tiện và trung tâm điều hành taxi, bộ phận ATGT. Đồng thời, phải thực hiện các chế độ đối với người lao động và lái xe (khám sức khỏe định kỳ, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…). Đặc biệt, họ cũng phải có trách nhiệm về cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh trong khi dịch vụ Uber lại không đăng ký và tuân thủ các quy định trên.
Tài xế Trần Thanh Tấu (TP HCM) bị xử phạt vì sử dụng Uber kinh doanh taxi trái phép.
Giá rẻ vì trốn thuế
- Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, dịch vụ Uber không chỉ thuận tiện cho người sử dụng mà còn có giá rẻ hơn taxi nên cần khuyến khích để tạo sự cạnh tranh?
- Về bản chất, loại hình Uber có giá rẻ là vì nó đang trốn thuế, không phải đáp ứng các điều kiện khắt khe về quản lý vận tải, đầu tư vào nhiều bộ máy quản lý về ATGT, tập huấn giáo viên. Như tôi đã nói, ở đây rõ ràng là có sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước với loại dịch vụ không nằm trong phạm vi quản lý. Vì thế không thể so sánh giữa hai loại hình này.
- Vậy theo ông, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có những qui định như thế nào đối với loại hình kinh doanh này?
- Việc kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là kinh doanh có điều kiện, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp vận tải, hành khách, lái xe và các nghĩa vụ đối với Nhà nước. Trong khi đó, loại hình kinh doanh bằng phần mềm Uber chưa được quy định tại Nghị định 91, 93 và sắp tới là Nghị định 86, do vậy việc kinh doanh theo loại hình này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro như đã nêu trên. Bên cạnh đó, loại hình này sẽ gây khó khăn cho các lực lượng tuần tra, kiểm soát, thanh tra, kiểm tra và không đảm bảo an toàn cho hành khách và công tác quản lý Nhà nước, gây thất thoát nguồn thu từ thuế.
- Với những hạn chế nêu trên của loại hình này, Bộ GTVT đã có biện pháp quản lý như thế nào, thưa ông?
- Qua các kênh thông tin và kiến nghị của Hiệp hội Taxi TP.HCM, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo UBND TP.HCM chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết về tính pháp lý, tính cạnh tranh và nghĩa vụ thuế của hoạt động phần mềm ứng dụng Uber tại Việt Nam.
Với vai trò là cơ quan quản lý chuyên ngành, Bộ GTVT đã có các văn bản gửi các Bộ Công an, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, đề nghị phối hợp xử lý nội dung nêu trên.
Theo đó, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Công an tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với lái xe chở người có thu tiền nhưng không thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, cũng như các quy định khác của pháp luật Việt Nam, đồng thời có biện pháp ngăn chặn việc vi phạm pháp luật (nếu có) của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phần mềm Uber để kinh doanh.
Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra nội dung liên quan đến việc thực hiện quy định về thuế và việc thanh toán tiền của người đi xe với tổ chức, cá nhân sử dụng phần mềm Uber và đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra tính hợp pháp của hoạt động phần mềm Uber tại Việt Nam.
Cảm ơn ông!
Taxi Uber hoạt động giống như “xe dù”
Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN. Theo ông Huyện, đây thực chất là một loại xe hợp đồng trá hình, bởi nếu đã kinh doanh vận tải, bắt buộc phải đăng ký hoạt động và nộp thuế với cơ quan Nhà nước. Mỗi hãng taxi đều được áp dụng công nghệ nhưng không thể có loại phương tiện kinh doanh vận tải mà không đăng ký hoạt động với cơ quan Nhà nước. Quan điểm của Tổng cục Đường bộ VN là trước mắt sẽ cấm đã, rồi sau đó tùy trường hợp, nếu đủ điều kiện thì mới cho hoạt động. Việc kiểm tra, kiểm soát và xử phạt sẽ được thực hiện như đối với xe dù.
Khó xử phạt taxi Uber
Ngày 30/11, ông Phan Thành Danh, Phó Đội trưởng Đội 1 (Thanh tra Sở GTVT TP HCM) cho biết: “Xe Uber rất khó nhận dạng, bởi không bảng hiệu, không logo. Muốn xử lý triệt để phải có sự nghiên cứu chỉ đạo của các cấp thẩm quyền. Với năm trường hợp taxi Uber bị xử phạt vừa qua, lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính với lỗi kinh doanh vận tải bằng ôtô (taxi Uber) không đăng ký kinh doanh theo quy định”.
Theo ông Danh, lỗi của các phương tiện này là vi phạm điểm C khoản 4 Điều 28 Nghị định số 171 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo đó, phạt tiền từ ba triệu đồng đến bốn triệu đồng đối với cá nhân, từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải.
Trong khi đó, ông Lê Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho rằng, đã từng thử sử dụng dịch vụ Uber, về mặt công nghệ, không có gì đáng phê phán, nhưng nếu đơn vị này đăng ký hoạt động kinh doanh như một hãng vận tải thông thường khác, sự quản lý sẽ dễ dàng và tạo cạnh tranh lành mạnh, công bằng với các hãng vận tải taxi truyền thống. Taxi Uber hoạt động không có sự quản lý của Nhà nước, nếu có gặp rủi ro, khách hàng sẽ là người phải chịu đầu tiên.
Các nước xử lý Uber thế nào?
* Phần mềm Uber ra đời từ năm 2009 và đến nay đã xuất hiện ở một số nước trên thế giới. Tuy nhiên, các quốc gia như: Indonesia, Malaysia, Singapore, Pháp, đang xem xét dừng hoặc siết chặt hoạt động của dịch vụ vận tải hành khách sử dụng phần mềm này. Một số quốc gia khác đã cấm dịch vụ Uber như: Thái Lan, Hàn Quốc, Đức.
* Ngày 17/11/2014, Chính phủ Singapore tuyên bố sẽ có kế hoạch quản lý dịch vụ taxi được thực hiện bởi các bên thứ ba như Grab, Uber. Các công ty môi giới dịch vụ kiểu này sẽ phải nộp chi phí, và chỉ được thuê những lái xe được cấp giấy phép. Dự kiến, quy định này sẽ áp dụng vào quý II/ 2015, và các công ty điều hành cung cấp dịch vụ taxi thông qua ứng dụng điện thoại thông minh bắt buộc phải đăng kí với Cơ quan Quản lý giao thông đường bộ (LTA).
Theo đó, các công ty điều hành cung cấp dịch vụ taxi thông qua ứng dụng điện thoại thông minh phải thông báo các loại cước phí, các loại phí dịch vụ phụ trội và phí có thể phải trả thêm cho khách hàng trước khi thực hiện. Không được phép thay đổi cước phí hoặc nhận tiền bồi dưỡng của hành khách, để đảm bảo mọi người đều bình đẳng và có cơ hội tiếp cận dịch vụ taxi này như nhau...
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Đà Lạt sẽ trồng thay thế sau khi chặt hạ, di chuyển 108 cây thông ba lá
- Lấy 5,2 triệu m3 đất ở sân bay Long Thành làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
- Sân bay Long Thành nguy cơ lùi thời gian hoàn thành tới cuối 2026
- Sài Gòn sẽ có 12 tuyến đường không rác
- Chặt hạ 100.000 cây xanh dọc cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
- Đạp xe- Câu chuyện về lô trình xanh của Đan Mạch
- Đồng Nai không muốn làm tuyến quốc lộ 13 C đi qua khu dự trữ sinh quyển thế giới
- Đổ bao cát xuống sông Sài Gòn để bảo vệ vỏ hầm Thủ Thiêm
- Cà Mau: Cầu đang xây dựng bất ngờ đổ sập một nhịp xuống sông
Bài viết mới:
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
”Ly hôn xanh” ào ạt, vì đâu?
(Tin Môi Trường) - Yêu nhanh, cưới vội, ly hôn sớm gần đây xuất hiện nhiều. Thuật ngữ "ly hôn xanh" được dùng để chỉ những trường hợp ly hôn trong 5 năm đầu chung sống. Nhưng chưa cần tới 5 năm, rất nhiều cặp vợ chồng đã vội vã ly hôn chỉ sau một thời gian ngắn.
Bánh mì chấm sữa đặc -Tự hào văn hóa ẩm thực Việt
(Tin Môi Trường) - Bánh mì chấm sữa đặc Ông Thọ, món ăn gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ một lần nữa lại gây thương nhớ và trở thành món ăn “tạo cơn sốt” tại Lễ hội bánh mì 2024 được tổ chức lần 2 tại Tp.HCM vừa qua.
Điều gì làm nên môi trường làm việc xuất sắc?
(Tin Môi Trường) - Không chỉ là chế độ lương thưởng hay chính sách phúc lợi, người lao động ngày càng có nhiều mong muốn hơn về môi trường làm việc. Trong đó, các yếu tố tưởng từng là “cộng thêm” như chương trình chăm sóc sức khỏe toàn diện, cơ hội học tập và phát triển, môi trường thể nghiệm những cái mới… đang được ưu tiên hơn.
6 mẹo hay giúp bạn nhanh tìm được việc làm
(Tin Môi Trường) - Để dễ dàng tìm được việc làm, cố gắng học tập, nâng cấp bản thân và rèn luyện các kỹ năng để chinh phục nhà tuyển dụng là điều tất yếu. Tuy nhiên bên cạnh các yếu tố cơ bản đó, bạn cần có những bí quyết trước khi quyết định ứng tuyển để gia tăng cơ hội. Sau đây là một số mẹo hay bạn có thể tham khảo.