»

Thứ bảy, 18/01/2025, 10:55:00 AM (GMT+7)

Người giữ nhịp paranưng

(21:13:53 PM 22/08/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-“Như nắng buông trên dòng Tiền Giang/ Như gió reo trên dòng Hậu Giang/ Như lời thương nhớ ai mà giọng hát xa vời/ Pa ra pa ra nưng, ôi tiếng trống ru lòng tôi...” - lời ca khúc Tiếng trống paranưng của nhạc sĩ Trần Tiến khiến nhiều người ngỡ rằng trống paranưng xuất xứ ở đất Hậu Giang, Tiền Giang.

Còn tác giả cho biết: “Tôi viết bài hát ấy từ cảm xúc trước một cô gái tuyệt đẹp ở vùng An Giang. Còn cái trống ấy từ đâu ra tôi cũng không rõ”. Vậy trống paranưng có nguồn gốc ở miền đất nào?

 

 

Ông Thiên Sanh Thềm đẽo trống từ một gốc cà chít - Ảnh: Vĩnh Nguyên

 

Từ câu hỏi ấy, chúng tôi đi tìm quê hương của trống paranưng và đã tìm ra nơi xuất phát của tiếng trống ấy: vùng đất Ninh Thuận, Bình Thuận mà người Chăm gọi là Panduranga. Thật may vẫn còn lại một xưởng chế tác trống paranưng cuối cùng.

 

 

Xưởng trống Paranưng cuối cùng

 

 

“Ông Thiên Sanh Thềm là người Chăm hiếm hoi còn giữ được cả nghề làm và vỗ trống. Nếu không có ông Thềm, nhiều năm qua chúng tôi sẽ gặp khó khăn trong việc tìm được những đôi trống ghinăng và paranưng ưng ý để biểu diễn”

 

NSƯT ĐÀNG NĂNG ĐỨC
(phó trưởng Đoàn
Ca múa nhạc dân gian Chăm Ninh Thuận)

 

Xưởng làm trống ấy của ông Thiên Sanh Thềm, 68 tuổi, ở làng Hữu Đức (hay paley Hamu Tanran), xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). Tháng 7, vùng Panduranga nắng cháy da, khi chúng tôi tìm đến làng Hữu Đức, người làng chỉ về dãy núi Bàu Vuông, ở đó ông Thềm đang xua bò cày 2 mẫu lúa nương.

 

Ông Thềm quệt mồ hôi: “Mới làm xong hai cặp trống paranưng để tháng 8 đi festival biển ở tỉnh, giờ rảnh phải tranh thủ làm ruộng”. Vậy là xưởng trống cuối cùng của miền Panduranga này giúp người Chăm mỗi năm có thêm nhiều cặp trống mới, nhưng chủ nhân của nó dù một đời làm trống vẫn phải trông vào 2 mẫu rẫy trên núi Bàu Vuông để nuôi sống gia đình.

 

Dong cộ bò, ông Thềm đưa chúng tôi về lại xưởng trống. Đó là một mảnh sân gạch, nơi gần 50 năm rồi ông Thềm đã cho ra đời hàng ngàn đôi trống paranưng, trống ghinăng cho người Chăm từ miền Panduranga đến tận đất Hậu Giang, Tiền Giang xa xôi. Ông Thềm chậm rãi: “Tui không phải là người làm trống Chăm hay nhất, cũng không phải là duy nhất. Còn có ông Phú Sạng nhà dưới chân tháp Pôrômê, ông Lai Lầu ở gần tháp Hòa Lai biết làm trống. Nhưng hai ông đó già rồi không còn mấy sức để làm trống nữa. Mình cũng già nhưng chưa bỏ được nghề vì người Chăm mình giờ đâu còn mấy đôi trống nữa”.

 

Học nghề làm trống từ thân phụ là nghệ nhân Thiên Sanh Tào từ năm 16 tuổi, ông Thềm bảo dấu chân hai cha con ông đã in khắp vùng núi rừng Panduranga để tìm được những khúc cà chít, lim xanh vừa mắt đem về đẽo trống. Sai cháu vác trong chái bếp ra một khúc lõi gỗ cà chít, ông Thềm giảng giải: “Gỗ làm trống chỉ được chọn phần lõi, đẽo xong phải đổ cát vào phơi thêm bảy ngày bảy đêm thì trống vỗ mới ưng bụng”.

 

Nhưng đó chưa phải là công đoạn công phu nhất, hồi chưa đóng cửa rừng cứ mỗi bận làm trống cha con ông Thềm lại vào rừng săn cho được con mang đực, lột lấy tấm da trên bả vai con mang để bịt trống. Giờ không còn tìm được con mang nữa thì phải tìm con dê đực có sừng năm phân hoặc con dê cái đẻ đúng bảy lứa. Bởi thế từ khi hạ khúc cà chít, lim xanh xuống mảnh sân gạch để cúng Pô Giàng xin được đẽo trống đến lúc hoàn thành, mỗi đôi trống paranưng hay ghinăng phải mất một tháng trời.

 

Chính ông Thềm cũng không giải thích được vì sao phải tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt như vậy khi làm trống. Nhưng mấy đời làm trống của dòng họ ông đều làm như thế: “Hồi xưa có đứa không nghe lời, bày ra cách làm trống khác nhưng vỗ lên người Chăm mình không ưng bụng phải vứt luôn cả trống”.

 

 

 

Ông Thiên Sanh Thềm đang thẩm âm một chiếc trống paranưng vừa làm xong - Ảnh: Vĩnh Nguyên

 

 

Giữ nhịp trống Chăm

 

 

Theo NSƯT Đàng Năng Đức, phó trưởng Đoàn Ca múa nhạc dân gian Chăm Ninh Thuận, trống paranưng và tất cả nhạc cụ Chăm khác đều do người Chăm Bàlamôn (Ấn Độ giáo) ở vùng Panduranga sáng tạo. Do đó trống Paranưng trong bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến dù được vỗ lên ở miền Tiền Giang, Hậu Giang nhưng có xuất xứ từ vùng Panduranga. Cùng với kèn saranai, đàn kanhi và trống ghinăng, trống paranưng góp mặt trong tất cả làn điệu âm nhạc Chăm. Trống paranưng tượng trưng cho thân người, còn đôi ghinăng tượng trưng cho hai chân, hai dùi trống là hai cánh tay; kèn saranai có bảy lỗ tượng trưng cho hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi và miệng, tạo thành dàn nhạc Chăm truyền thống. Với người Chăm, trống paranưng vừa góp mặt trong mùa tết Rija Nưga hay Katê; trong ngày tang lễ hay lễ nhập Kud, vừa có thể tạo nên những điệu theimai mừng đôi lứa trong ngày cưới.

Không chỉ làm trống, ông Thềm còn là một thầy vỗ có hạng, tiếng tăm vượt xa khỏi Hamu Tanran, từng được mời đi biểu diễn khắp nơi trong nước và còn ra Viện Âm nhạc Hà Nội dạy trống Chăm. Nhưng ông Thềm bảo không có tiếng trống paranưng nào làm ông thích bằng tiếng trống được ông vỗ ngay tại làng Hữu Đức hay trên tháp Chàm trong những ngày cúng quẩy, những ngày tết Katê (tết giữa năm) hay Rija Nưga (tết đầu năm).

 

Nỗi khắc khoải với trống Chăm, với quê nhà giục ông Thềm bắt cả năm con trai phải học cho bằng được cách đẽo trống, quấn tang trống. “Đứa nào lười lắm tới năm 16 tuổi cũng phải thuộc cho được phân nửa trong 72 điệu trống Chăm, từ Chăprông, Thongkhla đến Chắza, Pìjìn... để vỗ cho dòng tộc Chăm nghe vào những dịp lễ, tết” theo lời ông. Nhờ vậy con lớn của ông là Thiên Sanh Minh nay là thành viên Đoàn Ca múa nhạc dân gian Chăm Ninh Thuận, còn con út Thiên Sanh Vũ, 21 tuổi, là thành viên Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Quảng Nam. Cả hai chuyên chơi nhạc cụ dân gian Chăm.

 

Đã có con nối nghiệp nhưng chừng đó chưa làm ông Thềm yên lòng vì người Chăm giờ không còn nhiều người biết vỗ trống. Nên từ nhiều năm nay, mảnh sân gạch nhà ông sáng là xưởng làm trống, chiều thành lớp dạy vỗ trống cho đám trẻ ở khắp các làng. Em nào ham vỗ trống đến xin học cha con ông Thềm nhận hết.

 

Chỉ cậu học trò Đổng Thanh Hưng, 14 tuổi, đang học lớp 8, ông Thềm bảo: “Nó làm học trò của tui cũng sắp mười năm, giờ đã có thể thay tui đi vỗ trống lễ rồi”. Ngoài Hưng, từ mảnh sân gạch ấy đã có thêm 20 thanh niên Chăm “ra nghề”, mang trống đi vỗ khắp miền Panduranga.

 

Được chế tác suốt một tháng nhưng mỗi chiếc trống paranưng từ xưởng ông Thềm chỉ bán với giá gần 2 triệu đồng. Ông bảo làm xong trống có người đến đem đi là mừng rồi dù đôi khi lỗ cả vốn lẫn công. Rời mảnh sân gạch nhà ông, tiếng trống Chăm lại có cơ hội được cất lên, điều đó đủ làm ông quên cái lưng đã còng vì phải cúi xuống cả ngày đẽo trống.

 

Một đời đẽo trống, bữa cơm nhà ông Thềm vẫn đói no theo mùa màng trên dãy Bàu Vuông. Rừng già ngày càng xa paley, ông Thềm giờ chỉ còn đủ sức quẩn quanh mé rẫy kiếm thêm vài cây tre, cây gân bò về làm vành, tang trống. Những thân lim xanh, cà chít làm thân trống ông phải đặt dân đi rừng tìm giúp vì ông không còn sức vượt rừng xa được nữa. “Trống Chăm còn thì nhạc Chăm mới còn, mình không làm thì con mình làm, cái xưởng trống làm sao bỏ được” - ông Thềm nói như tự hứa với chính mình.

 

 

 

“Tôi cũng tưởng trống Paranưng ở miền Hậu Giang, Tiền Giang”

 

Đó là tâm sự của nhạc sĩ Trần Tiến khi được hỏi về xuất xứ của chiếc trống paranưng trong bài hát của ông. Tiếng trống paranưng được nhạc sĩ sáng tác trong một lần cùng với ca sĩ Ngọc Tân về cù lao Châu Giang, An Giang, nằm giữa đôi dòng Tiền Giang và Hậu Giang, khoảng năm 1984.

 

Lần ấy, hai người đã gặp một cô gái theo đạo Hồi đang ngồi dệt vải với chiếc khăn mat’ra che mặt, cô gái ấy tên là Atiza. Khi Atiza gỡ chiếc khăn ra, nhạc sĩ Trần Tiến và ca sĩ Ngọc Tân đều ngỡ ngàng vì nhan sắc tuyệt đẹp của cô. “Vì có vợ rồi nên tôi “nhường” cho Ngọc Tân trò chuyện với cô gái ấy” - nhạc sĩ Trần Tiến nhớ lại.

 

Theo VIỄN SỰ - SƠN LÂM/TTCT
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Người giữ nhịp paranưng

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
CPECO VACNE
 Tác phẩm mới: "Chia sẻ từ trái tim"

Tác phẩm mới: "Chia sẻ từ trái tim"

(Tin Môi Trường) - "Chia sẻ từ trái tim" là cuốn sách gồm 50 bài giảng nhân quả của thầy Thích Pháp Hòa với mong muốn giúp cho con người chuyển hóa nỗi khổ đau và xây dựng lối sống tỉnh thức.

Tin Môi Trường
 Đổi nhựa lấy quà, và sau đó?

Đổi nhựa lấy quà, và sau đó?

(Tin Môi Trường) - Những chương trình trao đổi đồ nhựa lấy quà được thực hiện ở nhiều cộng đồng hay sự kiện liên quan đến môi trường để khuyến khích người dân thu gom nhựa cho tái chế.

VACNE 30 năm
 Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa

(Tin Môi Trường) - Chương trình Đô thị giảm nhựa được thực hiện ở cấp toàn cầu với 42 đô thị tham gia, trong đó tại Việt Nam có 9 đô thị đã ký cam kết, ban hành kế hoạch và đang tích cực triển khai kế hoạch hành động. Đây là một nỗ lực lớn của chương trình này tại Việt Nam, để đạt được những kết quả bước đầu này, Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng, Chính phủ Việt Nam nói chung ghi nhận sự hỗ trợ, đồng hành hỗ trợ của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đến Chính phủ Việt Nam, cộng đồng cư dân các địa phương trong cả nước.

Hội BVTN&MT Việt Nam
 Hoạt động làm sạch biển huyện đảo Phú Quý

Hoạt động làm sạch biển huyện đảo Phú Quý

(Tin Môi Trường) - Ngày 03/8/2024, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Huyện Đoàn Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) tổ chức ra quân làm sạch rác thải nhựa tại bãi biển và trồng rừng phòng hộ tại khu vực ven biển Lạch Xanh, huyện đảo Phú Quý. Hoạt động với sự tham gia của gần 150 cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang các đơn vị và người dân địa phương.

KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI