(Tin Môi Trường) - Quà báo hiếu cha mẹ từ lâu đã là một nét văn hóa ý nghĩa của người Việt mà mỗi người làm con đều mong muốn thực hiện mỗi khi muốn thể hiện sự quan tâm tới cha mẹ mình. Vì thế những món quà báo hiếu cha mẹ luôn được lựa chọn kỹ lưỡng để làm sao thể hiện được thành ý của người tặng.
Có người quan tâm đến giá trị món quà, những người khác lại để tâm đến màu sắc, ý nghĩa của vật phẩm đem tặng nhưng có lẽ đa số tập trung vào mục đích sử dụng của món quà. Tặng những món quà với mong muốn cầu chúc sức khỏe cho người được tặng đang là một xu hướng thịnh hành được nhiều người lựa chọn trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, tình hình bệnh tật đặc biệt là các căn bệnh hiểm nghèo đang gia tăng và vấn đề sống sạch – sống xanh đang cũng là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội.
Một người bạn mới khoe mua được 1kg cao hổ cốt “xịn” về biếu các cụ, mẹ bạn đã bị bệnh xương khớp kinh niên nhiều năm nay. Là bác sỹ y học cổ truyền ngót ngét hàng chục năm, “món quà tết” này bỗng làm tôi phải suy nghĩ nhiều. Mạn phép bàn thêm về “thần dược” này trong những dòng dưới đây.
Vậy cao hổ cốt là gì?
Cao hổ cốt là sản phẩm được nấu từ xương hổ và xương một số loài động vật khác như xương dê (dương cốt- sơn dương cốt), xương hưou nai, xương rùa (mai rùa- quy bản), xương khỉ (hầu cốt).., một số thảo dược như: cẩu tích (kim mao cẩu tích), cốt toái bổ, thiên niên kiện, thuốc phiện( nha phiến)....tùy vào kinh nghiệm, sở thích, mục tiêu của người sử dụng. Theo y học cổ truyền, cao xương hổ có vị mặn, tính ấm, quy vào kinh thận, kinh can vì thế có công dụng trục phòng hàn, bồi dưỡng gân cốt.
Ảnh: Cao hổ cốt (nguồn: TRAFFIC)
Về thành phần hóa học, cao hổ cốt chủ yếu chứa calcium phosphate, calcium carbonate, magiesium phosphate, protein, chất keo để thủy phân cho các axít amin, mỡ về cơ bản giống như các loại cao xương động vật khác. Thành phần đạm toàn phần trong cao hổ cốt là 14,93 đến 16,66, tương đương cao gấu, cao khỉ, cao ban long, tỉ lệ axít amin cũng tương tự. Như vậy, thành phần của cao hổ cốt cũng giống như một số loại cao xương khác.
Sản phẩm chủ yếu được dùng tại Trung Quốc, Việt Nam và một số nước châu Á.
Cao hổ cốt có phải là “thần dược xương khớp” hay “cứu cánh phòng the”?
Trước tiên cần khẳng định rằng gần như không có các nghiên cứu về công dụng thực tế của cao hổ cốt trên thế giới. Việc sử dụng hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm, lời đồn hoặc như một xu thế nhằm khẳng định sự giàu có, làm quà biếu thể hiện sự kính trọng, có giá trị kinh tế cao. Cũng đã có nghiên cứu chỉ ra rằng cao hổ cốt có thành phần Protein cao gấp nhiều lần các loại cao khác nhưng chúng ta nên hiểu bản chất đó là một số loại Protein trong đó chủ yếu là Gelatin, khi thủy phân mới tạo ra các axít amine và khi đó cơ thể mới hấp thu được, nhưng bản chất Gelatine lại là một loại Protein rất khó thủy phân.
Dưới góc nhìn của y học cổ truyền, các bài thuốc có sử dụng sản phẩm từ động vật như cao hổ không có tác dụng như lâu nay người ta vẫn đồn đoán. Cao hổ cốt như đã nói ở trên bản chất chủ yếu là calcium (canxi) mà canxi để vào xương phụ thuộc vào 3 vấn đề. Để hấp thụ được canxi, bác sĩ phải kê đến 3 loại thuốc. Nếu chỉ dùng cao hổ cốt mà xương hấp thụ được canxi thì hơi khó khăn, do đó, hiệu quả rất thấp so với số tiền bỏ ra.
Cũng giống như chữa đau nhức xương khớp, tác dụng với người có chất lượng tình dục kém cũng tùy từng cơ địa. Chưa có bằng chứng khoa học hoặc một người sử dụng nào công khai về tác dụng này của cao hổ cốt.
Những rủi ro mà người sử dụng có thể gặp khi sử dụng cao hổ cốt
Các bệnh đau nhức xương khớp mạn tính đều có một quá trình hình thành trong thời gian dài trước đó. Cao hổ cốt không phải thần dược nên dù có dùng cao hổ cốt thì thời gian điều trị không thể nhanh chóng trong ít ngày. Giá cao hổ hiện nay khá đắt vì vậy vài gam cao hổ cốt cũng chỉ đủ dùng cho 15-20 ngày điều trị. Tác dụng của mỗi loại thuốc đều có thể thay đổi tùy theo cơ địa từng người, chứ không phải ai dùng cũng khỏi. Nếu dùng cao hổ cốt kéo dài hàng tháng thì chi phí bỏ ra là quá lớn. Nhiều người đã dùng cao hổ cốt thật cũng cho rằng tác dụng chữa đau nhức xương khớp của cao hổ cốt không thần diệu như đồn thổi.
Bên cạnh đó, rất khó tìm được cao hổ cốt xịn trên thị trường mà có nguy cơ mua phải cao gấu, cao khỉ và tệ hơn là trâu bò. Nguy hiểm nhất, nhiều cơ sở còn trộn một số thuốc tây dạng chống viêm, giảm đau mạnh để lừa những người đang bị hành hạ bởi chứng đau khớp. Việc vô ý sử dụng các thuốc kháng viêm, giảm đau kéo dài có thể dẫn đến xuất huyết dạ dày, loãng xương, nghiêm trọng hơn là bị hội chứng hội chứng Cushing do dùng thuốc kháng viêm Corticosteroid quá liều: mặt tròn như mặt trăng, rạn da, rậm lông, loãng xương, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn sinh dục, trầm cảm....
Quan trọng hơn cả việc sử dụng cao hổ cốt và các sản phẩm, chế phẩm từ hổ là hành vi vi phạm pháp luật.
Trong khi đó, trong đông y có rất nhiều vị thuốc chuyên dùng để chữa các bệnh đau nhức xương khớp rất hiệu quả như đỗ trọng, tục đoạn, cốt toái bổ, thiên niên kiện, cẩu tích… Các vị thuốc này giá cả bình dân và có thể dùng thay thế cao hổ cốt. Không ưa chuộng Đông Y, người bệnh có thể tìm đến các giải pháp Tây Y hiện đại và các sản phẩm chức năng hỗ trợ khác.
Tôi tin rằng những người hành nghề y học cổ truyền sẽ không sử dụng “cao hổ cốt” trong việc kê đơn, bốc thuốc cho bệnh nhân. Và vì những lý do trên, tất cả chúng ta hãy dừng việc sử dụng các loài động vật hoang dã quý, hiếm nói chung và cao hổ cốt nói riêng để tránh tiền mất tật mang. Cũng đừng mua các sản phẩm này làm quá biếu để rồi vô tình làm mất đi những giá trị truyền thống và văn hóa tốt đẹp của món quà Tết. Thay vào đó hãy sáng suốt lựa chọn những món quà Tết “xanh-sạch” nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của toàn xã hội.
Và cuối cùng, hãy chấm dứt việc mua, bán, tặng/cho và sử dụng các sản phẩm, chế phẩm từ động vật hoang dã và cao hổ cốt để góp phần bảo vệ đa dạng sinh học cũng như sự phát triển bền vững của đất nước.