(Tin Môi Trường) - Vườn quốc gia Côn Đảo được đánh giá là một trong những hòn đảo còn giữ được môi trường tự nhiên nguyên sơ nhất Việt Nam với sự đa dạng sinh học biển được chú trọng bảo tồn và phát triển bền vững. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như các vi phạm về môi trường và buôn bán động vật quý hiếm tại Côn Đảo đang gia tăng.
Ảnh: TL
* Nguồn rác “bủa vây” Côn Đảo - xử lý triệt để vi phạm
Theo báo cáo của Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo, ô nhiễm môi trường biển ở các đảo thuộc Vườn chủ yếu từ các nguồn: chất thải rắn từ đất liền do các cửa sông đưa ra; ô nhiễm do hoạt động khai thác thủy sản xả các loại chất thải như dầu mỡ cặn, túi ni lông... Hàng năm, lượng rác thải trôi nổi trên biển dạt vào các đảo nhỏ thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo với số lượng lớn, nhất là vào mùa gió Đông Bắc đã gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường tại các đảo nhỏ, gây khó khăn trong công tác thu gom, xử lý rác triệt để, kịp thời. Số lượng các nguồn gây ô nhiễm, suy thoái môi trường biển có xu hướng gia tăng so với các năm trước.
Bí thư huyện ủy Côn Đảo Nguyễn Hoàng Tùng chia sẻ: Hiện nay, giao thông đường hàng không, đường thủy được cải thiện giúp lượng du khách trong và ngoài nước đến Côn Đảo ngày càng tăng. Sự phát triển du lịch kéo theo nhu cầu sinh hoạt, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí dẫn đến tình trạng gia tăng các hoạt động khai thác trái phép tài nguyên tại chỗ để làm sản phẩm du lịch, gây áp lực lớn, đe dọa phá vỡ cân bằng môi trường sinh thái,
suy giảm tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học, đặc biệt là đa dạng sinh học biển.
Mặt khác, thực trạng tàu đánh cá chuyên dụng, công suất lớn trong và ngoài tỉnh khai thác thủy sản tại khu vực biển Côn Đảo ngày càng tăng. Nhiều trường hợp xâm nhập vào khu bảo tồn biển để neo đậu trái phép và khai thác với các hình thức tận diệt diễn ra cả ngày và đêm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái, gây
suy giảm nguồn lợi thủy sản và ô nhiễm môi trường biển.
Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo Nguyễn Văn Trà cho biết: Đến nay, tình trạng lấn chiếm rừng ngoài Vườn vẫn diễn ra, việc xử lý chưa dứt điểm. Điều kiện kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo đang phát triển, áp lực từ người dân khai thác tài nguyên thiên nhiên để thu lợi trái phép, ngư dân đánh bắt thủy sản vào lưu trú, tránh gió bão, khách du lịch đến Côn Đảo ngày càng gia tăng gây áp lực cho công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học của Côn Đảo. Tình trạng khai thác các loài thủy sinh quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ, tuy nhiên việc lén lút trộm cắp, săn bắt, giết, mua bán thịt, trứng rùa vẫn diễn ra trên địa bàn.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Hạt thu giữ khoảng 4.050 mét câu giăng và 1.000 mét lưới ba lớp, 1 giàn lưới bẫy chim, 4 bẫy sóc, 3 bẫy heo rừng không có người nhận. Hạt cũng đã gia hạn 1 trường hợp khai thác thủy sản trong phân khu phát triển, hợp phần bảo tồn biển Vườn quốc gia Côn Đảo. Giám sát Công ty Hà Đô thi công đường Tây Bắc và kiểm tra xe vận chuyển gỗ từ đường Tây Bắc về tập kết tại bãi Ban Quản lý công trình công cộng phát hiện, lập hồ sơ ban đầu 1 vụ vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, bàn giao hồ sơ và tang vật vi phạm cho Đồn Biên phòng Côn Đảo xử lý theo thẩm quyền.
Hạt Kiểm lâm cũng có văn bản báo cáo Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Côn Đảo và đề nghị xử lý đối tượng vi phạm trên địa bàn. Điển hình như việc kiểm tra phát hiện tại nhà ông Võ Ngọc Trung, trú đường Huỳnh Thúc Kháng tàng trữ trong tủ cấp đông hơn 80 kg thịt và nội tạng, 4,5 kg trứng non, 60 quả trứng, 2 chân bơi trước và 5 chân bơi sau nghi là thịt và trứng của loài Vích (loài động vật hoang dã nguy, cấp, quý, hiếm cần ưu tiên bảo vệ theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ). Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Côn Đảo đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra làm rõ.
* Tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường
Phó Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo Trần Đình Huệ cho biết: Hàng năm Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài nguy cấp, quý, hiếm và bảo vệ môi trường cho du khách và người dân trên địa bàn huyện.
6 tháng đầu năm 2019, các trạm, tổ kiểm lâm của Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo đã chủ động tuyên truyền bằng hình ảnh, áp phích, tuyên truyền trực tiếp bằng lời nói và phát tờ rơi cho 18.176 lượt người, trong đó có 17.446 lượt khách du lịch, 486 ngư dân, còn lại là người dân địa phương và đối tượng khác.
Ngoài ra, Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo phối hợp với Viện Hải Dương học Nha Trang hoàn thiện Dự án lựa chọn mô hình ứng dụng phục hồi san hô cứng tại khu Ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo theo ý kiến của Hội đồng tuyển chọn dự án Sở Khoa học và Công nghệ, trình thẩm định, phê duyệt; triển khai Dự án di dời, cứu hộ trứng và rùa con để phục hồi quần thể rùa biển tại Côn Đảo giai đoạn 2017-2020 trước tác động của nhiệt độ tăng, triều cường, nước biển dâng do biến đổi khí hậu; phối hợp với Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) tuyên truyền, triển lãm về bảo vệ động vật hoang dã, rùa biển và tập huấn tình nguyện viên bảo vệ Rùa biển; phối hợp Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) tại Việt Nam tổ chức 3 đợt cho 41 tình nguyện viên tham gia công tác bảo tồn rùa biển và vệ sinh bãi biển tại các đảo.
Để bảo vệ môi trường, Vườn đã lắp đặt phao neo, phao ranh giới với số lượng 53 phao tại các điểm san hô có sinh cảnh đẹp, đa dạng sinh học cao, phục vụ tàu thuyền du lịch neo đậu, lặn xem san hô. Anh Nguyễn Văn Vững, chuyên viên Phòng Bảo tồn biển và Đất ngập nước của Vườn quốc gia Côn Đảo cho biết: Việc lắp đặt hệ thống phao này nhằm xác định rõ các phân khu chức năng của Khu bảo tồn biển Vườn Quốc gia Côn Đảo, phục vụ việc quản lý khu bảo tồn; thuận lợi cho việc tuần tra, kiểm tra và xử lý các vụ vi phạm pháp luật trong hợp phần bảo tồn biển Vườn quốc gia Côn Đảo, hạn chế đến mức thấp nhất việc đánh bắt trái phép trong các phân khu chức năng; để tàu thuyền neo đậu phục vụ cho khách tham quan du lịch và công tác nghiên cứu khoa học, không thả neo trực tiếp xuống đáy biển nhằm bảo vệ tốt hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và các sinh vật biển khác trong khu vực;
Ngoài ra, các chuyên viên của Vườn còn thực hiện quan trắc môi trường nước biển định kỳ 2 lần/tháng, gồm các chỉ tiêu: Nhiệt độ, độ pH và độ mặn để theo dõi diễn biến các hệ sinh thái biển; tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải tại các đảo nhỏ với hơn 854 m3 rác với 452 lượt người tham gia.
Cũng từ đầu năm 2019 đến nay, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo phối hợp với nhiều đơn vị khảo sát, kiểm tra, tiếp nhận, bảo tồn và bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên rừng, biển, động vật quý hiếm. Cụ thể, xác định hiện trạng đặc điểm rừng khu vực Hòn Tài, Bãi Dương, Bãi Đầm Trầu Nhỏ, bãi Đá Cuội; điều tra, khảo sát nguồn giống cây rừng; khảo sát hiện trạng sử dụng đất các khu dân cư để triển khai cắm mốc ranh giới đất rừng phòng hộ; kiểm tra, tiếp nhận, bàn giao 1 cá thể Trai Tai tượng vảy và di dời bảo tồn chuyển vị tại khu vực 11 cá thể; kiểm kê rừng tại Ông Đụng, Sở Rẫy, Đá Trắng; điều tra khảo sát cây thuốc Nam khu vực núi Chúa; khảo sát tuyến Ra Đa – Ông Câu, thu phí tham quan, tuyên truyền, hướng dẫn khách đến tham quan Vườn quốc gia Côn Đảo, xử lý rác thải trôi biển…
Ông Trần Đình Huệ cho biết: Thời gian tới, Vườn quốc gia Côn Đảo tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về bảo vệ tài nguyên thiên thiên, bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư, lực lượng vũ trang, ngư dân và khách tham quan du lịch trên địa bàn huyện; tăng cường công tác kiểm tra và kịp thời xử lý nghiêm các vụ vi phạm xâm hại đến tài nguyên thiên nhiên và môi trường trong khu vực Vườn quốc gia Côn Đảo.
Đối với vấn đề xử lý rác thải, từ nguồn kinh phí thu gom vận chuyển rác được UBND tỉnh cấp hàng năm, Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo tiếp tục xây dựng Kế hoạch vận động phương tiện, các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang và các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn huyện tham gia thực hiện thu gom, xử lý rác tại các đảo nhỏ thuộc Vườn.
Bí thư huyện ủy Côn Đảo Nguyễn Hoàng Tùng nhận định: Để ngăn chặn tình trạng
suy giảm tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học, tạo thuận lợi cho công tác quản lý và bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, đơn vị trên địa bàn huyện Côn Đảo trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các đối tượng vi phạm để góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên đa dạng sinh học của Côn Đảo.