»

Thứ bảy, 18/01/2025, 18:30:22 PM (GMT+7)

Nâng cao ý thức và vai trò cộng đồng trong gìn giữ môi trường biển đảo

(12:56:22 PM 28/01/2020)
(Tin Môi Trường) - Môi trường biển trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là nơi tích lũy nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, trong đó có đa dạng sinh học (hệ sinh thái, thành phần loài sinh vật, nguồn gen) là một trong những nền tảng cho cuộc sống của con người. Tuy vậy, ô nhiễm môi trường biển ngày càng nghiêm trọng mà nguyên nhân chính do con người đổ rác thải ra biển, đặc biệt là rác thải nhựa đã gây ra các tác hại đối với hệ sinh thái và nguồn tài nguyên sinh vật biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người cả hiện tại và tương lai. Do đó, giữ gìn môi trường biển đảo là trách nhiệm không chỉ của mỗi cá nhân mà cả cộng đồng.

Nâng[-]cao[-]ý[-]thức[-]và[-]vai[-]trò[-]cộng[-]đồng[-]trong[-]gìn[-]giữ[-]môi[-]trường[-]biển[-]đảo

 

* Những hậu quả do ô nhiễm biển đảo 

 
Theo ước tính của Liên hợp quốc, mỗi năm con người thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có 80 triệu tấn trôi ra các đại dương; 80% rác thải nhựa đại dương trên toàn cầu có nguồn gốc hoạt động trên đất liền. Ước tính đến năm 2050 có đến 12 tỷ tấn rác thải nhựa sẽ làm ô nhiễm đại dương. Ngày 16/6/2019, nhóm các nước kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí thiết lập một khuôn khổ quốc tế giảm tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ra đại dương, một trong những mối đe dọa cấp bách nhất đối với môi trường thế giới hiện nay. Tại Australia, mỗi năm có khoảng 1 triệu con chim và hơn 100.000 động vật sống ven bờ biển bị thương hoặc bị chết do bị mắc kẹt các loại bao bì bằng nhựa, hoặc hít phải vi hạt nhựa trong quá trình kiếm ăn. Hiện các quốc gia ở Đông Nam Á đang đương đầu với vấn đề rác thải nhựa liên tục gia tăng.
 
Giáo sư Tiến sỹ Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: Tại vùng biển Việt Nam, hiện rác thải nhựa, túi nilon dùng một lần thải ra môi trường đang là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường biển – đảo gần bờ và cả xa bờ. Ô nhiễm môi trường do rác thải, rác thải nhựa không những làm mất đi vẻ đẹp vốn có của cảnh quan trên bờ và cảnh quan ven biển, mà còn là nguyên nhân tác động xấu làm suy giảm các chất khoáng của đất, tàn phá hệ sinh thái tự nhiên ven biển, hải đảo; làm nghèo kiệt các loài sinh vật sống ven biển, các rạn san hô, các bãi cỏ biển, đồng thời gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cư dân sống ven biển, kể cả khách du lịch. Rác thải nhựa dùng một lần tràn lan ra vùng ven biển và ra biển dẫn đến các loài cá, tôm... ăn phải rác thải và rồi chính con người lại ăn các hải sản đó. Điều đó dẫn đến nguy cơ con người mắc phải các bệnh tiêu hóa, hô hấp, thậm chí là ung thư…
 
Theo ước tính, mỗi một hộ gia đình Việt Nam nói chung và vùng ven biển nói riêng mỗi tháng sử dụng khoảng 1 kg túi nilon, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh số lượng có thể nhiều hơn. Do đó, để loại bỏ dần dần thói quen dùng túi nilon sử dụng một lần, cần sự ý thức của từng người dân và cả cộng đồng, nhất là những doanh nghiệp thủy hải sản, người buôn bán các chợ, cửa hàng ven biển... chuyển sang sử dụng các đồ dùng thân thiện với môi trường như làm bằng tre, mây, lá chuối, lá sen, lá bàng... 
 
Nguồn thải rác thải nhựa ở các vùng ven biển và đại dương chủ yếu đến từ đất liền đổ ra biển theo các cửa sông. Bên cạnh đó, các mảnh vụn nhựa từ các dòng hải lưu, từ bao bì thực phẩm bằng nhựa mà khách du lịch, cộng đồng dân cư sinh sống ở vùng ven biển vứt bỏ cũng trôi dạt ra biển. Ngoài ra, rác thải nhựa, kể cả các mảnh lưới đánh cá bị vứt bỏ trên các cây rừng ngập mặn, lâu ngày cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự khỏe mạnh của thực vật rừng, động vật sống trong rừng ngập mặn, làm xấu cảnh quan ven biển, làm ảnh hưởng đến rạn san hô, thảm cỏ biển.
 
Tác hại nạn ô nhiễm môi trường trên đất liền cũng như ở vùng biển của Việt Nam đang ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là sự nguy hại của rác thải nhựa đối với môi trường, sức khỏe của cộng đồng nên rất cần sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng trong phòng chống rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng. Đặc biệt là việc hưởng ứng một cách chủ động, tăng cường tuyên truyền, vận động thực hiện các chính sách của Đảng, các chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia của Chính phủ, của Bộ Tài nguyên và Môi trường về chống rác thải nhựa, túi nilon dùng một lần.
 
* Nâng cao ý thức từng người dân và cộng đồng
 
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng Nguyễn Thu Huệ cho biết: Vai trò của cộng đồng trong phòng chống rác thải nói chung và rác thải nhựa ra biển nói riêng là rất quan trọng. Những năm qua, Trung tâm đã thực hiện nhiều chương trình, dự án nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan, thực hiện các sáng kiến phát huy tri thức bản địa và kinh nghiệm quốc tế nhằm quản lý tốt hơn các hệ sinh thái biển, cải thiện đời sống cộng đồng, góp phần phát triển bền vững các vùng ven biển. Điển hình như Dự án “Con thuyền mơ ước” với mục tiêu hỗ trợ các thanh thiếu niên khó khăn vùng ven biển tiếp cận công nghệ thông tin nhằm thích ứng với kỷ nguyên số, cải thiện đời sống và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường biển do Trung tâm triển khai từ tháng 1/2017 đến tháng 1/2018. Dự án đã hoàn thành tốt việc chuẩn bị cơ sở vật chất, xác lập thể chế, huy động các bên tham gia, tổ chức vận hành các hoạt động.
 
Theo đó, sau khi hoàn thành các thủ tục cần thiết, Dự án đã sử dụng tàu Thiên Cung 01 của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cùng các trang thiết bị, máy tính làm công cụ tập huấn cho giảng viên và thanh, thiếu niên các vùng khó ven biển. Ngoài ra, Dự án đã thực hiện được 8 lớp tập huấn cho 256 thiếu niên, đưa 354 cán bộ, giáo viên tham gia hoạt động Dự án và đào tạo tập huấn giảng viên nguồn; thu hút được trên 253.000 người tiếp cận qua thông tin phát thanh, internet, mạng xã hội, báo chí truyền thông...
 
Bên cạnh đó, Chương trình Hải Đăng Xanh diễn ra từ 3/2013 – 3/2014 do Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng khởi xướng, nhằm huy động sự tham gia, trí tuệ và năng lực của thanh niên sinh viên Việt Nam để tăng cường tính bền vững, độ lan tỏa và sức mạnh cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam nói chung và các vùng ven biển nói riêng. Chương trình đã quy tụ 28 nhóm Hải Đăng Xanh (tượng trưng cho số tỉnh ven biển Việt Nam) thông qua tuyển chọn và đào tạo các kỹ năng ứng phó biến đổi khí hậu, làm việc cùng các tổ chức hoạt động vì môi trường và sự phát triển bền vững của cộng đồng. Các nhóm này cùng các cư dân tại các xã ven biển thực hiện nhiều sáng kiến hoặc mô hình ứng phó biến đổi khí hậu cụ thể, tham gia các hoạt động của chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu vùng biển đảo cả nước. 
 
Theo Giáo sư Tiến sỹ Đặng Huy Huỳnh, để nâng cao ý thức của mỗi người dân cũng như cộng đồng trong phòng chống rác thải, rác thải nhựa ra biển, cần thực hiện 7 giải pháp chính. Trước hết, cộng đồng cần hưởng ứng tích cực phong trào chống rác thải nhựa mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động tại Hà Nội ngày 9/6/2019, nhằm góp phần ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường trên đất liền, vùng ven biển do rác thải nhựa, túi nilon. 
 
Tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng ở 28 tỉnh, thành phố ven biển. Khơi dậy lòng tự hào không chỉ có các cảnh quan biển đảo đẹp, thơ mộng của mỗi vùng mà còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên đa dạng sinh vật biển, làm nền tảng phát huy sức mạnh của toàn thể nhân dân sống, mưu sinh vùng ven biển, kể cả khách du lịch. Cần kết nối với hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tập trung phát triển kinh tế, khai thác sử dụng thông minh các dạng tài nguyên biển, bảo vệ bờ biển xanh, sạch, không có rác thải, rác thải nhựa dùng một lần.
 
Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường kiểm soát, ngăn chặn những hành vi khai thác, sử dụng bừa bãi tài nguyên biển, phá hoại cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường biển bởi các công nghệ lạc hậu (đánh mìn, kích điện, các loại lưới có kích cỡ nhỏ), khai thác cạn kiện các loài sinh vật biển. Phát huy vai trò trách nhiệm của cộng đồng địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội trong việc nâng cao ý thức giữ gìn môi trường biển luôn sạch đẹp, nhất là các cộng đồng sinh sống ven biển. Thực tế là không ai giữ được biển, ven biển sạch bằng những cộng đồng sinh sống, sinh cơ lập nghiệp tại vùng ven biển, bởi họ là những người được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ các dịch vụ của hệ sinh thái biển. Cần phát huy nét văn hóa tốt đẹp của cư dân vùng biển trong ứng xử với môi trường biển; nói không với rác thải, rác thải nhựa, đồ nhựa dùng một lần để biển, cảnh quan ven biển luôn xanh – sạch – đẹp.
 
Các cơ quan quản lý địa phương có sự tham gia của cộng đồng thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc xả thải, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải ven biển và trên vùng hải đảo; khuyến khích, giúp đỡ, động viên nhân dân, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trồng nhiều cây xanh vùng ven biển, trồng rừng ngập mặn để chắn cát bay, cát nhảy, chống xói lở bờ biển. Các địa phương và các cộng đồng dân cư sinh sống ven biển, trên các đảo cần tăng cường ngăn ngừa xâm nhập rác thải nhựa bằng các giải pháp như xây dựng các quy ước, hương ước phù hợp ở từng vùng miền trong việc khai thác sử dụng vùng đất ven biển. Điều này vừa đảm bảo lợi ích của người dân vừa bảo vệ môi trường vùng biển, ven biển một cách bền vững, hướng đến môi trường biển không còn rác thải nhựa, túi nilon, theo kế hoạch hành động của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề ra.
 
Giảm thiểu rác thải nhựa bằng việc phân loại rác, thu gom, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa, tăng cường sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, khuyến khích và có cơ chế sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần (túi vải, túi bằng mây tre, lá...). Tăng cường chương trình giáo dục cho học sinh tại các bậc học, từ mầm non đến đại học, ở các vùng miền, đặc biệt vùng ven biển, hải đảo, bằng nhiều hình thức sinh động, thiết thực.
 
Cộng đồng cùng chung tay gìn giữ biển đảo Việt Nam xanh – sạch – đẹp chính là cách cứu vãn sự tồn tại và phát triển bền vững các hệ sinh thái biển, bảo tồn đa dạng sinh học, phục vụ cho sức khỏe, phồn vinh của cả cộng đồng ven biển và cả cộng đồng sống trên đất liền, góp phần thực hiện Nghị quyết số 36/NQTW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Hoàng Nam
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Nâng cao ý thức và vai trò cộng đồng trong gìn giữ môi trường biển đảo

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
 Thanh Hóa: Nước sông Mã bất ngờ đổi màu đen kịt

Thanh Hóa: Nước sông Mã bất ngờ đổi màu đen kịt

(Tin Môi Trường) - Sông Mã qua địa bàn huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) đổi màu đen kịt như sông Tô Lịch; hàng tấn cá lồng chết la liệt, nhiều người dân xót xa tháo dỡ lồng bè.

VACNE 30 năm
 Ninh Thuận: Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam

Ninh Thuận: Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam

(Tin Môi Trường) - “Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam” là một hợp phần thuộc "Dự án hỗ trợ thực nghiệm hóa công nghệ xanh tại nước ngoài năm 2024” trong khuôn khổ “Chương trình Giải pháp môi trường dẫn lối tương lai” của Viện Công nghệ Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI) - Bộ Môi trường Hàn Quốc. Công ty Cổ phần Kỹ thuật Tổng hợp Taesung – Hàn Quốc được KEITI lựa chọn là đơn vị thực hiện.

Hội BVTN&MT Việt Nam
 Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

(Tin Môi Trường) - Bộ Công Thương Việt Nam mới đây đã ban hành Bộ tài liệu hướng dẫn lập Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2020-2025 (Kế hoạch TKNL cấp tỉnh). Bộ tài liệu hướng dẫn này được soạn thảo với sự hỗ trợ của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch, sẽ giúp cho toàn bộ 63 tỉnh thành của Việt Nam thống kê việc sử dụng năng lượng và xây dựng kế hoạch hành động của địa phương nhằm triển khai các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI