Môi trường » Bảo vệ môi trường
Kiến nghị đình chỉ Hào Dương
(08:12:50 AM 01/11/2013)
Người dân xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP HCM bức xúc trước việc xả thải của Công ty Hào Dương Ảnh: THÀNH ĐỒNG
Gần 8.000 hộ dân bị ảnh hưởng
Ngày 31-10, chúng tôi tiếp tục quay lại khu vực sông Đồng Điền, xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP HCM - nơi Công ty Hào Dương liên tục xả thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hàng trăm hộ vẫn chưa hết bức xúc, đồng loạt đề đạt nguyện vọng UBND TP HCM đóng cửa DN này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, xác nhận hiện môi trường nước và không khí ở khu vực sông Đồng Điền bị ô nhiễm rất nặng, cá tôm đã cạn kiệt. Theo ông Trường, ước tính khoảng 7.500 hộ dân của xã Long Thới và 100 hộ khác của xã Hiệp Phước bị ảnh hưởng nặng.
Ông Trường khẳng định Công ty Hào Dương thường xuyên xả nước thải trực tiếp ra sông Đồng Điền nên không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng mà không khí ở đây cũng bị ảnh hưởng, hôi thối không chịu được. Về thiệt hại kinh tế do nguồn nước ô nhiễm gây nên, ông Trường cho rằng hiện chưa xác định được.
Trước năm 2008, lãnh đạo UBND huyện Nhà Bè đã nhiều lần kiểm tra và liên tục phát hiện sai phạm ở Công ty Hào Dương. Từ năm 2009 đến nay, theo quy định của UBND TP HCM, việc quản lý DN này được bàn giao cho Hepza. “Từ đó, huyện chỉ đóng vai trò phối hợp chứ không chủ động lên kế hoạch kiểm tra DN này nữa” - ông Trường cho biết.
Do nguồn nước và không khí ô nhiễm nặng, cử tri 2 xã Hiệp Phước và Long Thới đã nhiều lần phản ánh với lãnh đạo huyện Nhà Bè. Sau đó, chính quyền địa phương này đã báo cáo lên HĐND TP HCM. “Công ty Hào Dương liên tục vi phạm. Thay vì nghiêm chỉnh chấp hành thì ngược lại, DN này vẫn cố tình tái phạm là không thể chấp nhận được. Nếu công ty không giải quyết dứt điểm việc xả nước thải ra sông, UBND TP HCM nên xét đến việc rút giấy phép hoạt động của DN này” - ông Trường đề xuất.
Chiếu cố Hào Dương?
Trong khi đó, ngày 31-10, Hepza đã có văn bản gửi Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND TP HCM báo cáo toàn bộ sai phạm từ trước đến nay của Công ty Hào Dương và đề xuất hướng xử lý.
Theo Hepza, ngày 10-7-2012, ban quản lý đã tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Công ty Hào Dương, phát hiện nước thải vượt chỉ tiêu cho phép 22,3 lần, khí thải vượt 13,7 lần, có hành vi xả nước thải ra hệ thống nước mưa. Hepza đã lập biên bản vi phạm hành chính, trình UBND TP HCM đề nghị xử phạt 340 triệu đồng.
Đến ngày 7-8-2012, Hào Dương tiếp tục vi phạm hầu hết các quy định của Hepza. Ngày 28-8-2012, Hepza có văn bản kiến nghị UBND TP HCM đình chỉ hoạt động và thanh tra toàn diện Công ty Hào Dương; đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) rút giấy phép khai thác nước sông Đồng Điền của DN này.
Ngày 4-10-2012, Hepza lại gửi văn bản chuyển Thanh tra Sở TN-MT tham mưu cho UBND TP HCM ra quyết định xử lý vi phạm đối với Hào Dương. Tuy nhiên, ngày 8-11-2012, Sở TN-MT TP HCM đã có văn bản báo cáo riêng UBND TP về việc xử lý vi phạm của Hào Dương. Theo đó, sở đề xuất không xử lý vi phạm DN này theo đề nghị của Hepza.
Đến ngày 11-1-2013, UBND TP HCM có văn bản giao Sở TN-MT chủ trì kiểm tra, rà soát lại quá trình vi phạm của Công ty Hào Dương để xử lý triệt để. Tiếp đó, Hepza kiểm tra và phát hiện DN này lại sai phạm nghiêm trọng. Trước tình hình trên, KCN Hiệp Phước và Công ty Hiệp Phước đã có văn bản đề nghị hỗ trợ xử lý nước thải cho Hào Dương. Thế nhưng, khi kiểm tra, Hepza vẫn tiếp tục phát hiện DN này vi phạm…
Trước những sai phạm nghiêm trọng, liên tục của Công ty Hào Dương, ngày 31-10, một lần nữa, Hepza kiến nghị Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND TP HCM xem xét đình chỉ ngay hoạt động sản xuất của Công ty Hào Dương theo quy định tại Điều 48 Nghị định 117.
Do “nước thải phát sinh nhiều” (?!)
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 31-10, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, ông Lê Mạnh Hà, khẳng định quan điểm của UBND TP là kiên quyết xử lý đến cùng những sai phạm của Công ty Hào Dương. UBND TP cũng đã rất nhiều lần xử phạt những sai phạm do gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của Hào Dương nhưng lần này phải có biện pháp xử lý triệt để.
Ông Lê Mạnh Hà cho biết trong tuần tới, lãnh đạo UBND TP HCM sẽ nghe các sở, ngành báo cáo toàn bộ vụ việc. Trên cơ sở đó, UBND TP sẽ đưa ra quyết định xử lý chính thức đối với DN này.
Chiều cùng ngày, lãnh đạo Sở TN-MT TP HCM cho biết vừa làm việc với đại diện Công ty Hào Dương. Theo trần tình của DN này, nguyên nhân xả thải là do KCN Hiệp Phước hiện chỉ ký hợp đồng xử lý 1.000 m3/ngày, trong khi lượng nước thải phát sinh của công ty lớn hơn.
Nhởn nhơ đầu độc môi trường Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM cho rằng trong các quy định về trường hợp rút phép đầu tư không đề cập vi phạm về môi trường. Vì thế, tại cuộc họp vào tháng 9-2012, các sở, ngành đã tham mưu cho UBND TP HCM hướng xử lý Hào Dương khả thi nhất là đình chỉ hoạt động DN này tại các lô trong KCN Hiệp Phước, theo đúng quy định tại điều 48 Nghị định 117. Việc tham mưu cho UBND TP HCM về dự thảo đình chỉ hoạt động của Hào Dương được giao cho Sở TN-MT. Thế nhưng, hiện DN này không hề bị đình chỉ, vẫn hoạt động bình thường và ngang nhiên xả thải đầu độc dòng sông Đồng Điền! |
(Theo NLĐ)
Công ty Hào Dương lại bị bắt quả tang xả chất thải chưa được xử lý ra môi trường. Số lần vi phạm tương tự của công ty này đã lên đến hàng chục. Điều đó có nghĩa rằng doanh nghiệp (DN) vi phạm đã quen với việc bị chế tài và đã thích nghi. Chẳng có gì bảo đảm rằng lần vi phạm này là sau cùng.
Bài bản ứng xử của Hào Dương khá đơn giản: Cứ lầm lũi xả thải, nếu bị bắt gặp và xử phạt thì cứ nộp phạt; nếu bị tạm đình chỉ hoạt động thì cứ tạm nghỉ. Khi chuyện lắng xuống, hết hạn đình chỉ, DN lại tiếp tục hoạt động bình thường, lúc nào có điều kiện thì lại... xả thải như không có chuyện gì xảy ra!
Thông thường, cách ứng xử đó hình thành và được duy trì trong điều kiện luật pháp không chặt chẽ, đặc biệt là thiếu quy định chế tài thật mạnh mẽ, có tính răn đe cao. Cách xử lý dễ dãi khiến DN vi phạm cảm thấy chấp nhận chế tài rốt cuộc lại ít tốn kém hơn là tôn trọng, tuân thủ luật pháp. Cũng có thể luật không thiếu và rất nghiêm khắc nhưng bộ máy kiểm tra, giám sát và xử lý “có vấn đề”...
Dù vấn đề là gì đi nữa thì lẽ ra, sau một chuỗi vi phạm có hệ thống bị phát hiện và xử lý, nó phải được đặt lên bàn của những người có trách nhiệm, được phân tích cặn kẽ và giải quyết thỏa đáng để tình trạng vi phạm tràn lan được đẩy lùi.
Chẳng hạn, những lỗ hổng của luật pháp, nếu có, phải được khắc phục. Nếu DN không sợ vi phạm vì mức phạt tiền quá nhẹ thì phải sửa luật để nâng mức phạt lên thật nặng. Ngoài ra, cần quy định thêm các chế tài mạnh hơn như đình chỉ hoạt động thời gian dài, thậm chí vĩnh viễn với DN vi phạm. Người đứng đầu DN vi phạm phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự. Nếu bộ máy kiểm tra, xử lý hoạt động không hiệu quả trong thời gian dài, cần phải rà soát để phát hiện những khâu yếu kém, tiêu cực và có biện pháp chấn chỉnh thích hợp.
Thực ra, không phải đợi đến khi Hào Dương bị bắt quả tang vi phạm pháp luật môi trường đến lần thứ 10 thì những bất cập của luật pháp hiện hành, của bộ máy bảo đảm thực thi pháp luật mới được chỉ ra. Cũng không chỉ Hào Dương là DN có thái độ coi thường luật pháp. Xã hội, công luận đã nói nhiều và báo chí cũng tốn hao biết bao giấy mực với các vụ bê bối liên quan đến bảo vệ môi trường. Cứ mỗi lần một vụ vi phạm được phanh phui thì các vấn đề hoàn thiện hệ thống luật pháp, chỉnh đốn bộ máy xử lý lại được đặt ra. Nhưng khi chuyện lắng xuống thì các vấn đề cũng được xếp lại trong tình trạng chưa được giải quyết.
Phải xác định cho đúng mức độ nghiêm trọng của vấn đề, nhất là hiện tượng lờn luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, từ đó có hành động thích hợp trước khi quá muộn. Hủy hoại môi trường cũng phải được xếp vào loại quốc nạn như tham nhũng do tác hại của nó với không gian sống, với nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng như với sự tin cậy của xã hội vào hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý.
Cần nghiêm túc đánh giá lại một cách toàn diện hệ thống luật pháp và các thể chế đang vận hành trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, từ đó có kế hoạch cải cách thích hợp. Do vậy, sự vào cuộc của Quốc hội - với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân - là tối cần thiết.
Nguyễn Ngọc Điện
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế):Thực hành truyền thông giảm nhựa, xây dựng hành trình sống xanh
- Chủ tịch tỉnh Bình Định chỉ đạo điều tra vụ chặt phá gần 6ha rừng tự nhiên
- Tổ chức WWF đề xuất lộ trình giảm túi ni-lông trong siêu thị, trung tâm thương mại tại Đà Nẵng, Phú Yên
- Đà Nẵng đề xuất chuyển 43,79 ha rừng trồng để Sun Group làm dự án khu biệt thự sinh thái
- Vi phạm khai thác khoáng sản, Công ty TNHH Phú Điền bị phạt 238 triệu đồng
- Phát động Chương trình "Rừng Xanh Lên" năm 2024 phục hồi 25 ha rừng nối giữa Hòa Bình và Sơn La.
- Lâm Đồng yêu cầu điều tra vụ đầu độc thông trên đất rừng giao cho Công ty Cổ phần Hà Phong quản lý.
- TPHCM yêu cầu các sở cung cấp hồ sơ dự án cây xanh cho Bộ Công an
- Cần hạn chế đốn hạ cây xanh khi xây dựng các công trình
Bài viết mới:
- Hòa Bình:Công nhận Cây Di sản vào Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các xã vùng cao huyện Tân Lạc (25/11/2024)
- Hội thảo đánh giá cuối kỳ dự án giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp (23/11/2024)
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
Chất lượng không khí tại Long Xuyên (An Giang) ở mức rất có hại cho sức khỏe
(Tin Môi Trường) - Sáng 12/8, theo ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố; do Công ty Cổ phần Tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý), điểm đo tại Thư viện tỉnh An Giang, thành phố Long Xuyên có chất lượng không khí ở mức 270, rất có hại cho sức khỏe, ảnh hưởng tới sức khỏe tất cả người dân trong khu vực.
Thanh Hóa: Nước sông Mã bất ngờ đổi màu đen kịt
(Tin Môi Trường) - Sông Mã qua địa bàn huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) đổi màu đen kịt như sông Tô Lịch; hàng tấn cá lồng chết la liệt, nhiều người dân xót xa tháo dỡ lồng bè.
Ninh Thuận: Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam
(Tin Môi Trường) - “Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam” là một hợp phần thuộc "Dự án hỗ trợ thực nghiệm hóa công nghệ xanh tại nước ngoài năm 2024” trong khuôn khổ “Chương trình Giải pháp môi trường dẫn lối tương lai” của Viện Công nghệ Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI) - Bộ Môi trường Hàn Quốc. Công ty Cổ phần Kỹ thuật Tổng hợp Taesung – Hàn Quốc được KEITI lựa chọn là đơn vị thực hiện.
Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
(Tin Môi Trường) - Bộ Công Thương Việt Nam mới đây đã ban hành Bộ tài liệu hướng dẫn lập Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2020-2025 (Kế hoạch TKNL cấp tỉnh). Bộ tài liệu hướng dẫn này được soạn thảo với sự hỗ trợ của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch, sẽ giúp cho toàn bộ 63 tỉnh thành của Việt Nam thống kê việc sử dụng năng lượng và xây dựng kế hoạch hành động của địa phương nhằm triển khai các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.