(Tin Môi Trường) - Ngày 18/01/2012, website Hội BVTN&MT Việt Nam (VACNE) đã đăng bài “Đào rừng về phố: sao nỡ nặng lời”, bài viết đã được nhiều độc giải truy cập. Nhân dịp Tết nguyên đán năm Tân Sửu sắp tới, TMT xin đăng lại bài viết của VACNE gần 9 năm về trước, bài viết có thể có ích cho việc trao đổi thông tin liên quan đến “đào rừng” hiện nay.
Giáp Tết Nguyên đán, chuông điện thoại văn phòng Hội BVTN&MT Việt Nam (VACNE) liên tục đổ dồn, kèm theo đó không ít lời trách cứ: sao không ngăn “dòng thác” đào rừng đang chảy từ các tỉnh vùng Tây Bắc, Đông Bắc về xuôi, biến chúng thành “hàng hot” của dân chơi thành thị ?
Một số người còn quy trách nhiệm cho chính quyền và các ngành chức năng địa phương, đã buông lỏng cho dân “băm nát” rừng đào, kèm theo sự suy diễn khá mùi mẫn: với cái đà “tàn sát” và “tận diệt thẳng tay” như hiện nay, thì chỉ ít năm nữa thôi, những cây đào rừng sẽ chỉ còn “trong nỗi nhớ...”
Trở lại đê Yên Phụ (Hà Nội) chứng kiến sẽ thấy: khoảng dăm bảy năm về trước, khi mới bắt đầu xuống phố, đào rừng chỉ dám e ấp nép mình sau những gốc đào uốn lượn tạo dáng của các làng hoa nổi tiếng như Nhật Tân, Nghi Tàm,... Nhưng bây giờ, "khách" đã vượt mặt “chủ”, hãnh diện phô thân gốc sần sùi, tạo thành “rừng” phủ khắp thân đê.
Cái rét cắt da cắt thịt của những ngày cuối năm cũng không cản được những bước chân của những người “mê” đào rừng. Một thanh niên lượn lờ cả buổi dọc khắp bờ đê bộc bạch: thưởng lãm là chính thôi mà! chẳng lẽ chỉ có các bố già sành điệu, hay thi sĩ mới biết thưởng thức hoa đào rừng, bọn em cũng rất “khoái". Các đại gia trẻ càng thích "săn" đào rừng, nhưng phải là những cây cổ thụ, độc đáo. Nếu gốc to, đẹp, lâu năm họ sẵn sàng bỏ ra cả mấy chục triệu đồng để mua cho bằng được. Còn cành lẻ thì chỉ vài trăm ngàn đến một triệu đồng, thì ai cũng có thể mua được.
Không chỉ ở Hà Nội đào rừng mới là hàng "hot" trong dịp tết, mà ngay cả các tỉnh lân cận như Nam Định, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Phòng... đào rừng cũng được đưa về và bày bán tràn lan trên các phố. Nhiều đại gia tỉnh lẻ cũng bị cuốn hút vào thú chơi đào rừng, có người còn thuê hẳn xe tải lên tận Sơn La, Điện Biên, Hà Giang để “đánh” đào cả gốc mang về xuôi.
Đáp ứng nhu cầu này, dọc theo quốc lộ 4D Sa Pa- Lào Cai, người dân đốn chặt và xếp hàng rất nhiều cành đào dọc hai dài bên đường chờ người mua. Một số bà con còn sẵn sàng cho đào cả gốc, nếu được trả giá cao. Nhiều nhất là ở khu vực xã Trung Chải, ngã ba Sâu Chua, cầu 32 xã Sa Pả, đầu thị trấn Sa Pa...
Anh Lê Đức H từ TP Vinh (Nghệ An) đánh xe tải lên Sa Pa thu gom đào rừng về thành phố Vinh để bán kiếm lời cho biết: Không chỉ nhiều cơ quan, đơn vị thích loại cây đào to để bày ở công sở, mà có rất nhiều người dân ở Vinh mê chuộng, tìm đào núi để trưng bày trong những ngày Tết. Những cây đào núi thân to, da ngoài mốc thếch có rêu bám, dáng cổ thụ, nhiều cành và nụ hoa... thường được khách chọn mua nhiều, kể cả khi bọn tui hét với giá khá đắt, nhưng họ vẫn cứ mua.
Lý giải về hiện tượng này, một tay chuyên buôn hoa đào rừng khẳng định: Hoa đào rừng đẹp và tươi lâu hơn hẳn những cây đào trồng ở vùng xuôi, nhất là những cây thân to, da mốc meo… Chỉ tay vào một cây đào già, anh ta chia sẻ: Nếu không phải là dân chơi, thì người ta sẽ chỉ thấy cây đào này, chẳng khác gì cành củi khô, nhưng từ sáng đến giờ rất nhiều người đã trả giá hơn 5 triệu đồng, mà em không bán. Vì hoa đào rừng có vẻ đẹp rất riêng, rất tự nhiên của nó. Không chỉ vì vẻ đẹp của hoa, sự mộc mạc của cành, sự thẫm biếc của lá, mà thân, cành đào càng mốc, càng nhiều rêu càng có giá. Bởi vậy, những cây đào rừng có tuổi thọ cao, thân xù xì, dáng vươn tự nhiên …được nhiều người ưa chuộng nhất. Người chơi đào bây giờ không thích những cành đào uốn lượn, khum khum như “hình cái nơm” lật ngửa, những cây đào thế, “kiểu hoành”, “dáng trực”, “Phụ tử tương phùng”, hay “Ngũ long chầu nguyệt”do bàn tay con người can thiệp vào. Mà họ thích những cành đào mang dáng dấp tự nhiên: có cành bổng, cành la, có hoa có nụ, có thân thô mộc phủ rêu, còn tươi nguyên hơi thở của núi rừng... Còn ông Nguyễn Trọng Th (Hai Bà Trưng – Hà Nội) trả lời: tôi “kết” đào rừng, cũng như các tay chơi xe cổ mà thôi. Bỏ ra hai hay ba chục triệu đồng để có một cành đào rừng ưng ý, là “chuyện nhỏ” so với cả tỷ đồng (mà ông mới khoe) vừa bán được chiếc xe “nguyên bản”.
Tay buôn đào giảng giải: chỉ có hai loại đào, là đào mốc và đào phai. Đào mốc là giống đào của người Mông, nụ mập và thưa, hoa hồng nhạt cánh dày. Chúng thường mọc trong rừng sâu, trên các núi đá và khe suối, thân và cành sần sùi, thô ráp. Nhiều cây còn có lớp rêu phủ, một cây đào mốc có thể lên tới hàng chục triệu đồng. Còn loại đào phai, thân và cành chắc khỏe, nụ nhiều, hoa nở có màu phớt hồng, nhưng thường nhiều, nên giá rẻ hơn so với đào mốc.
Thế mới biết, các cụ dạy quá đúng: Cái gì ít, sẽ thành quý hiếm. Và đào rừng cũng vậy, không thoát ra ngoài quy luật ấy. Nó đang là “cái cớ”để tạo sự đua tranh, giành giật; thậm chí còn cho là “thước đo” giá trị, khẳng định vị thế của một số người. Hình như loài người đang lợi dụng nó để tạo ra những cái mới, dù ai cũng biết rằng nó “quá cũ” vì đã tồn tại trước con người cả triệu triệu năm.
Trả lời nghi vấn: “thảm họa môi trường” do đào rừng ở Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang…đang bị khai thác quá mức và xắp “chui vào trong Sách đỏ” rồi, …, ông Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng: trước một sự kiện việc mới, phải nghiêm túc lắng nghe dư luận xã hội, song chớ nên vội vàng kết luận khi chưa có cơ sở khoa học vững chắc. Điều đầu tiên có thể khẳng định rõ là khó có thể có rừng đào. Bởi các nhà sinh học cho biết: loài cây này không có khả năng cạnh tranh sinh tồn với các loại cây dại khác để mọc thành rừng.
Ngay trong Bách khoa thư mở Wikipedia đã chỉ rõ: Cây đào (danh pháp khoa học: Prunus persica) là một loài cây được trồng để lấy quả hay hoa. Vì thế “đào rừng” chỉ là một khái niệm mang nội dung về vị trí địa lý, dành cho những cây đào được trồng ở vùng núi phía Bắc nước ta. Có thể ai đó đã bắt gặp những vườn đào hoang ở vùng cao, nhưng không phải là đào rừng. Vì trước đó nơi đây đã từng là một bản làng (hoặc một vài hộ dân) đã bỏ đi nơi khác. Các nhà sinh học cho biết: Prunus persica là một loài cây thân gỗ nhỏ, cao từ 5–10 m (chia thành hai loại "hột rời" và "hột dính", có cùi thịt trắng hay vàng, thường có vị chua kèm theo vị ngọt. Lá của nó có hình mũi mác dài 7–15 cm và rộng 2–3 cm, hoa màu hồng và thường nở vào đầu mùa xuân, quả hạch thơm ngon và lớp vỏ có lông tơ mềm như nhung. Sở dĩ nó mang tên khoa học persica , bởi người châu Âu cho rằng đào có nguồn gốc ở khu vực Ba Tư (Persia). Nhưng các nhà thực vật học ngày nay đều đồng thuận khẳng định: nó có nguồn gốc từ Trung Quốc và các quốc gia xung quanh (trong đó có Việt Nam). Sau đó mới được con người đưa tới Ba tư theo con đường tơ lụa vào khoảng thế kỷ thứ II trước Công nguyên. Cũng như cây na, cây đào có khả năng tái sinh cành rất mạnh, khi được chặt tỉa thường xuyên và chăm sóc tốt.
Nếu đúng như vậy, thì sức hút hoa đào về xuôi không phải là thảm họa như chúng ta lầm tưởng. Mà trái lại, nó đang mở ra cơ hội xóa đói giảm nghèo cho đồng bào, cũng như bảo vệ rừng cho vùng núi phía Bắc nước ta. Chưa ai thống kê được: có bao nhiêu phần trăm, trong số nhiều tỷ đồng thu được mỗi năm, từ nguồn lợi hoa đào rừng còn lại với bà con vùng núi. Nhưng chắc chắn là không nhỏ và con số này sẽ nhanh chóng lớn lên, khi được chính quyền địa phương, các ngành chức năng và các nhà khoa học giúp sức. Từ việc quy hoạch, kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc … tới việc chặt hạ, tạo thương phẩm.
Khi giá trị của những cành đào được thay thế cho những bó củi, những ruộng lúa nương hay những vạt rừng trồng sắn, thì sức ép tàn phá rừng đầu nguồn chắc chắn sẽ giảm nhanh. Và hơn thế nữa, biết đâu đấy, những vườn đào ở vùng núi sẽ thay những Nhật Tân, Nghi Tàm, ... đáp ứng được nhu cầu hoa đào tết của hàng chục triệu người dân miền xuôi.