(Tin Môi Trường) - Là một trong những quốc gia có sự đa dạng sinh học thuộc tốp đầu thế giới, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách trong việc bảo vệ, gìn giữ cũng như phát huy sự đa dạng sinh học. Hoạt động cứu hộ, tái thả và phục hồi loài ở Việt Nam đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, nhiều quần thể loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ vẫn đang tiếp tục bị suy giảm và cần các nỗ lực trong dài hạn để phục hồi quần thể.
Ảnh: IE
*Nỗ lực trong bảo vệ và phục hồi loài
Mới đây, Hạt Kiểm lâm liên huyện Bù Gia Mập - thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước) phối hợp với Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Bù Gia Mập) tổ chức tái thả 7 cá thể động vật nguy cấp về rừng. Các cá thể động vật được tái thả về môi trường tự nhiên tại Tiểu khu 14 và 23 của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập gồm: ba cá thể tê tê Java (tên khoa học là Manis Javanica); một cá thể khỉ đuôi lợn (Macaca Leonina); một cá thể culi nhỏ (Nyticebus Pygmaeus); một cá thể trăn gấm (Python Reticulatus) và một cá thể kỳ đà vân (Varanus Nebulosus).
Theo Hạt Kiểm lâm liên huyện Bù Gia Mập - thị xã Phước Long, những cá thể động vật trên được đơn vị tiếp nhận từ người dân địa phương tự nguyện giao nộp. Sau đó, động vật được Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Bù Gia Mập) chăm sóc ở môi trường bán hoang dã. Khi động vật đủ điều kiện tái hòa nhập với môi trường, lực lượng chức năng tổ chức tái thả về rừng.
Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã tiếp nhận một cá thể diều hoa Miến Điện thuộc nhóm nguy cấp, quý, hiếm cần được bảo tồn. Cá thể diều hoa Miến Điện do anh Phan Anh Hùng (29 tuổi, ngụ ấp Dên Dên, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú) bắt được trong khi đi cạo mủ cao su. Sau khi tiếp nhận, Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú nuôi dưỡng, chăm sóc một thời gian. Sức khỏe cá thể diều hoa Miến Điện ổn định sẽ thực hiện các thủ tục để thả cá thể này về môi trường tự nhiên theo đúng quy định.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu Dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ thuộc Chi Cục Kiểm lâm Bắc Kạn cho biết, cá thể voọc đen má trắng quý hiếm đã được lực lượng cứu hộ của Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật - Vườn Quốc gia Cúc Phương cứu hộ thành công. Cá thể này có trọng lượng khoảng 11kg. Ban Quản lý Khu Dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ đang phối hợp với Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật - Vườn Quốc gia Cúc Phương thực hiện các thủ tục chuyển giao cá thể voọc này về Trung tâm để tiến hành cứu hộ và bảo tồn theo đúng quy định của pháp luật.
Vườn Quốc gia Tràm Chim là Khu Ramsar thứ 4 Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới. Đây là một trong các vùng chim có tầm quan trọng quốc tế của Việt Nam và là nơi kiếm ăn và sinh sống của 232 loài chim, trong đó có 32 loài quý hiếm; 16 loài nằm trong sách đỏ của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN), trong đó có sếu đầu đỏ. Thời điểm sếu về nhiều nhất tại Vườn Quốc gia Tràm Chim vào năm 1988 với 1.052 cá thể sếu đầu đỏ. Đến năm 2021 còn 3 con và đến nay không ghi nhận
sự xuất hiện của sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Đây là loài chim quý hiếm bậc nhất nằm trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của Việt Nam xác định tình trạng buôn bán, tiêu thụ trái pháp luật mẫu động vật hoang dã là một trong những thách thức nghiêm trọng đối với việc bảo tồn
đa dạng sinh học. Chỉ trong 9 tháng năm 2023, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã ghi nhận 2.760 vụ việc với 8.661 vi phạm về động vật hoang dã. Cơ quan chức năng đã tịch thu hơn 2.000 cá thể động vật hoang dã còn sống và bắt giữ các đối tượng có liên quan trong 110 vụ vi phạm. Trong số 145 vụ án về động vật hoang dã được đưa ra xét xử trong giai đoạn này, hình phạt tù đã được áp dụng cho các đối tượng phạm tội của 63 vụ án. Cũng trong thời gian này, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ghi nhận được tổng mức phạt hành chính được áp dụng cho các đối tượng quảng cáo, nuôi nhốt và buôn bán động vật hoang dã trái phép là 13,4 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên chia sẻ, những hành động tưởng chừng như vô hại như sử dụng thuốc có nguồn gốc từ động vật hoang dã, đeo trang sức ngà voi, trang trí nhà cửa bằng tiêu bản động vật hoang dã, nuôi khỉ làm thú cưng, tàng trữ hay quảng cáo bán chim hoang dã trên Internet thực tế lại là mối đe dọa nghiêm trọng đến
đa dạng sinh học của đất nước. Người dân cần hiểu rõ quy định pháp luật và không buôn bán, nuôi nhốt hoặc tiêu thụ động vật hoang dã trái phép để tránh các hậu quả pháp lý đáng tiếc.
*Triển khai nhiều giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều giải pháp bảo tồn
đa dạng sinh học giúp mạng lưới Khu Bảo tồn thiên nhiên ngày càng được mở rộng. Tính đến nay, cả nước đã thành lập 178 Khu Bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 34 Vườn Quốc gia, 59 Khu Dự trữ thiên nhiên, 23 Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh, 62 Khu bảo vệ cảnh quan.
Lâm Đồng là tỉnh được đánh giá có nguồn
đa dạng sinh học cao và đặc trưng, hệ gen phong phú. Đây là nền tảng góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, nó đang chịu những thách thức lớn và nguy cơ suy thoái ngày càng thấy rõ, rất cần công tác bảo tồn có căn cơ. UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố quán triệt thực hiện “5 không”: Không săn bắt, không vận chuyển, không buôn bán, không nuôi nhốt, không sử dụng, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
Tác động của biến đổi khí hậu cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã ảnh hưởng đến
đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Hướng tới mục tiêu bảo tồn, khai thác
bền vững giá trị tài nguyên, tỉnh Đồng Tháp đã quyết liệt triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp để ngăn chặn suy giảm
đa dạng sinh học tại khu vực này. Tỉnh đã ban hành “Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn năm 2022 - 2023”. Tổng kinh phí thực hiện Đề án gần 185 tỷ đồng;
Đặc biệt, Chiến lược quốc gia về
đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chỉ rõ những nhiệm vụ cụ thể để thực hiện mục tiêu bảo tồn cấp quốc gia và đóng góp thực hiện thành công các mục tiêu toàn cầu đã được thông qua tại Khung
đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020.
Chiến lược quốc gia đặt ra mục tiêu cải thiện tình trạng quần thể của ít nhất 10 loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đến năm 2030. Để thực hiện Chiến lược, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong thời gian tới, một trong các giải pháp và hành động bảo tồn loài của Việt Nam là “Kết hợp hiệu quả công tác bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ đối với các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; từng bước tiếp cận và áp dụng các phương pháp bảo tồn tiên tiến của quốc tế phù hợp với điệu kiện thực tế của Việt Nam”. Các biện pháp bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ là những hành động được ưu tiên thực hiện đồng bộ, song song với các biện pháp giảm các mối đe dọa đối với loài.