»

Chủ nhật, 19/01/2025, 06:29:05 AM (GMT+7)

Cây ăn thịt chưa hề biến mất ở Việt Nam

(13:21:29 PM 17/06/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Hơn một tuần qua, không chỉ cư dân mạng mà cả giới thực vật học trong nước đều xôn xao và phản ứng trước sự kiện “tái khám phá” cây ăn thịt Nepenthes thorelii (tức cây nắp ấm Thorel) vốn đã “vắng bóng” cả trăm năm, nay mới xuất hiện lại. Sự thật thì sao?

 >> Cây ăn thịt tái xuất ở Việt Nam sau 100 năm

 

François Sockhom Mey (giữa) và nhân viên kiểm lâm tại Lò Gò - Xa Mát với “chiến lợi phẩm” trên tay là những cây nắp ấm Thorel tìm được - Ảnh tư liệu của Alastair Robinson 

 

 

Theo thông tin do TS Lưu Hồng Trường, Viện Sinh học nhiệt đới, công bố ngày 4-6-2012 trên trang web thiennhien.net: “Tính tới thời điểm này, vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát là địa điểm duy nhất có thể tìm thấy loài cây ăn thịt Nepenthes thorelii trong tự nhiên” và chỉ có ít hơn 100 cá thể. Từ đó, ông đề nghị xếp cây nắp ấm Thorel vào tình trạng “cực kỳ nguy cấp”, theo tiêu chuẩn Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế.

 

Mọc ở khắp nơi?

 

Liên tiếp trong hai ngày 11 và 12-6, nhiều tờ báo đã liên tục đưa tin về sự kiện phát hiện cây nắp ấm Thorel từng “vắng bóng” hơn 100 năm qua ở VN, thậm chí với những tựa bài “pha màu giật gân”, kiểu “Cây ăn thịt tái xuất VN sau 100 năm”... Chỉ trong bốn ngày sau đó, từ khóa “cây nắp ấm” đã tăng thêm khoảng... 20.000 kết quả liên quan (từ khoảng 2.320.000 lên 2.350.000) trên Internet, theo thông báo của Google. Riêng từ khóa “cây nắp ấm Thorel” đã đạt mức nhảy vọt tới khoảng 12.100 kết quả!

 

Tuy vậy, dư luận bắt đầu lên tiếng, từ cả các phản hồi trên mạng lẫn trong giới khoa học. Đã xuất hiện những góp ý công khai, rất đáng chú ý như: “Cây này mọc đầy ở vùng đồi thuộc các xã Lộc An, Lộc Sơn... của huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế”, “Cây này mọc đầy ở Bình Định, còn ở Cầu Dứa và Suối Lở tại Cù Mông thì muốn bao nhiêu cũng có”, “Khu rừng núi Lâm Đồng thiếu chi cây nắp ấm này”... Việc ở những địa phương ấy quả thật có loài nắp ấm Thorel, hay loài “lai Thorel”, hay vài loài nắp ấm khác hay không vẫn đang chờ các nhà thực vật học trong nước xác minh, chứ không thể dựa trên công bố của TS Lưu Hồng Trường.

 

Trên thực tế, bộ sưu tập đầu tiên về loài cây nắp ấm Thorel là công trình của bác sĩ người Pháp Clovis Thorel, từ những mẫu do ông thu thập được trong những năm 1862-1866 ở Thị Tĩnh (huyện Lò Thiêu, tỉnh Bình Dương). Vào thời đó, các mẫu nắp ấm ấy được gọi với tên Thorel 1032. Năm 1909, mô tả chính thức về loài nắp ấm Nepenthes thorelii được nhà thực vật học Paul Henri Lecomte công bố. Từ đó, loài cây ăn thịt này được chính thức gọi là nắp ấm Thorel.

 

 

Cây nắp ấm Thorel tìm được tại Lò Gò - Xa Mát - Ảnh tư liệu của Alastair Robinson 

 

 

Còn lưu nhiều mẫu

 

Đến tháng 8-2011, nhà thực vật học người Pháp gốc Campuchia François Sockhom Mey cùng một số chuyên gia đến Campuchia tìm cây nắp ấm Thorel. Sau khi không thu được kết quả nào tại các tỉnh Prey Veng và Kampong Cham ở Campuchia, họ tới Việt Nam. François đã được sự hỗ trợ của một nhóm nhà khoa học ở Viện Sinh học nhiệt đới, trong đó có TS Lưu Hồng Trường chuyên về thực vật học. Nhóm đã tới vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát ở Tây Ninh, dựa theo hình ảnh về “một loài cây giống cây nắp ấm Thorel” do TS Vũ Ngọc Long tình cờ chụp được trong một chuyến khảo sát tại đây. Và may mắn đã mỉm cười với họ tại khu Sữa Đá, giáp biên giới Việt Nam - Campuchia, họ tìm thấy cây nắp ấm Thorel! Dưới biệt danh “Sockhom”, theo François Sockhom Mey trên diễn đàn trực tuyến của Hội Cây ăn thịt quốc tế vào ngày 7-8-2011, đây là một cuộc “khám phá kỳ diệu” vì đã “tái khám phá một loài nắp ấm đã biến mất từ lâu”, sau 102 năm khi được mô tả vào năm 1909.

 

Trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ, TS Dương Đức Huyến, trưởng phòng thực vật thuộc Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Khoa học - công nghệ Việt Nam), nói: “Việc một, hai chuyên gia gặp may khi đến đúng chỗ một loài thực vật đang mọc nhưng lại chưa đi khảo sát ở rất nhiều nơi khác, hay nói rộng ra là trên cả nước, để rồi nói rằng cây nắp ấm Thorel “xuất hiện lại” là chưa có cơ sở khoa học thuyết phục. Chỉ có thể nói là gặp lại cây nắp ấm Thorel”.

 

Trong khi đó, đọc lại bài viết của TS Lưu Hồng Trường trên thiennhien.net, càng thấy “khôi hài” khi ông viết rằng các nhà nghiên cứu (gồm François Mey, Charles Clarke, Alastair Robinson và Lưu Hồng Trường) “đã nỗ lực tìm kiếm cây nắp ấm Thorel ở khu vực Đông Dương nhưng không thu được kết quả”!

 

Được biết, phòng lưu trữ mẫu thực vật thuộc Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật hiện còn lưu ba mẫu nắp ấm Thorel. Trong đó, có hai mẫu mang các số hiệu VH2620 và VH3533, do GS.TSKH Leonid Vladimirovich Averyanov, viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ), tìm thấy ở Lâm Đồng (tháng 3-1997) và ở Ninh Thuận (tháng 4-1997). Mẫu thứ ba, mang số hiệu CB-VN 173 (MO), do TS Nguyễn Văn Dư (VN) và Rattana (Campuchia) thu được tại Kampot, Campuchia (tháng 11-2007).

 

 

Việt Nam có năm loài nắp ấm

 

Cuốn Cây cỏ Việt Nam (tập 1, trang 532-533) của GS.TS Phạm Hoàng Hộ ghi rõ năm loài nắp ấm Nepenthes của Việt Nam gồm:

 

- Nepenthes annamensis Macfarl (“Bình nước Trung bộ”), phân bố: Đà Lạt, Vĩnh Linh (trang 532).

 

- Nepenthes geoffrayi H. Lec (“Bình nước Geoffray”), không nói nơi phân bố (trang 532).

 

- Nepenthes mirabilis (Lour.) Druce (“Bình nước kỳ quan”, “Trư-lung”, “Pitcher plant”), gặp ở vùng đất lầy, bình nguyên (trang 533).

 

- Nepenthes distillatoria L. (“Nắp bình cất”), mọc hoang ở Đồng Tháp (trang 533).

 

- Nepenthes thorelii H. Lec. (“Bình nước Thorel”), phân bố ở Đà Lạt, Đồng Nai, Hà Tiên. Rễ chứa antraquinol chống sốt rét (trang 533).

 

(Theo HỮU THIỆN/ TTO)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Ý kiến bạn đọc về: Cây ăn thịt chưa hề biến mất ở Việt Nam

  • hai yen (22:45:40 PM 15/10/2013)bình luận

    Loài cây nắp ấm này tôi thấy mọc rất nhiều ở khu đầm lầy gần nhà ba mẹ tôi, ở đắknuê, huyện lắk , daklak ,lúc nhỏ hay nhổ về chơi, hay mang lên lớp những tiết thực hành môn sinh học.

Gửi ý kiến bạn đọc về: Cây ăn thịt chưa hề biến mất ở Việt Nam

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
 Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI