»

Chủ nhật, 19/01/2025, 11:33:34 AM (GMT+7)

Chữa vô sinh bằng cây rừng

(22:44:48 PM 18/10/2012)
(Tin Môi Trường) - Trong khi y học hiện đại vẫn còn “vò đầu bứt tai” trước căn bệnh vô sinh, thì một “bà lang vườn” ở huyện miền núi Hướng Hoá của tỉnh Quảng Trị lại có thể chữa khỏi bệnh này chỉ bằng loại cây rừng - mà bản thân bà cũng không biết gọi tên là gì.

 Chữa[-]vô[-]sinh[-]bằng[-]cây[-]rừng

Chân dung bà Pỉ Dung - người phụ nữ tự cho rằng mình có thể chữa khỏi bệnh vô sinh ở nữ giới bằng cây thuốc dân gian.

 

 

Cũng tại huyện miền núi này, một “ông lang” khác cũng ly kỳ không kém khi có thể chữa một số bệnh liên quan đến buồng trứng phụ nữ với 4 loại cây lấy được ở rừng…

Hồ Văn Bình (30 tuổi), có vợ là Hồ Thị Păng (25 tuổi), ở thôn PgiăngXy, xã Xy, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) cưới nhau đã 10 năm. Sau khi sinh con đầu lòng, vợ anh đã tránh thai bằng thuốc tây. Sau đó vợ chồng anh “thả cửa” để sinh con thứ hai, nhưng “hì hục” mãi từ năm này sang năm khác mà vẫn không có kết quả. Được người quen mách nước, vợ chồng Bình tìm đến nhờ “bà lang” Pỉ Dung chữa trị. Chỉ sau hai tháng và chỉ mất... một triệu đồng bồi dưỡng, vợ Bình mang thai và sinh hạ một bé trai kháu khỉnh. Và tất nhiên, vợ chồng Hồ Văn Bình chỉ là một trong rất nhiều những ví dụ.

Những bài thuốc không tên

Pỉ Dung ở thôn Xi La, xã Xy, huyện Hướng Hoá, năm nay 62 tuổi, người dân tộc Vân Kiều, có tên “Việt” là Hồ Thị Tèn. Bà “luận” về bệnh vô sinh ở phụ nữ: “Phụ nữ không có con thường có triệu chứng quặn đau bụng từng cơn. Thi thoảng xuất hiện tình trạng ra khí hư ở vùng kín. Nếu không chữa trị kịp thời thì sẽ hiếm có cơ hội sinh nở, trường hợp bệnh nặng có thể dẫn đến tử vong”. Và bà kê thuốc. Đó là một loại cây mọc trong rừng sâu, có củ gần giống với cũ gừng rừng. Tạm thời bà chưa biết tên nó là chi, nên gọi là cây me. Mỗi lần có bệnh nhân, bà Pỉ Dung một mình vào rừng hái lá và đào củ, về trộn đều đun lấy nước, cho uống hằng ngày như uống nước bình thường. Khi nào nước nhạt thì thay xác cây mới. Có thể sử dụng cây me ở hai dạng tươi hoặc khô, tác dụng không thay đổi.

Liều lượng mỗi lần dùng - theo lời bà Pỉ Dung hướng dẫn - là ba chụm tay thuốc (dùng tay ước lượng thuốc) cho một ấm nước lớn. Kiên trì uống nước thuốc trong vòng hai tháng sẽ khỏi bệnh và có khả năng thụ thai như người bình thường. Tuy không thể giải thích nguyên lý tác động của thuốc, nhưng bà Pỉ Dung khẳng định chắc chắn chữa khỏi đối với những người bệnh mới xuất hiện triệu chứng. Trường hợp phụ nữ đã bị bệnh trong thời gian dài thì khả năng thụ thai thấp hơn.

Hồ Phơi (còn gọi là Vỗ Hùng) ở thôn Kỳ Nơi, xã A Túc, huyện Hướng Hoá, năm nay 80 tuổi, cũng là người Vân Kiều nổi danh với bài thuốc có thể chữa được bệnh liên quan đến buồng trứng ở phụ nữ. Tuy chưa từng trải qua trường lớp đào tạo y học chính quy nào, nhưng Hồ Phơi tỏ ra khá rành rọt về kiến thức ngành y: “Phụ nữ hư buồng trứng biểu hiện ở hơi thở có mùi thối, ra khí hư ở vùng kín. Bụng thường xuyên xuất hiện các cơn sôi và đau râm ran. Dễ nhận biết nhất là nước da người mắc bệnh bị vàng. Cơn đau chỉ kéo dài giây lát rồi tạm lắng, nên nếu không chú ý sẽ khó phát hiện ra bệnh. Nếu không được chữa trị kịp thời, về lâu về dài có thể dẫn đến tử vong do buồng trứng bị thối nát hoàn toàn. Đó là chưa kể đến một loạt hệ luỵ tiền thân trầm trọng như mất khả năng làm mẹ, biến chứng thành ung thư...”.

 

Thầy lang Hồ Phơi nổi danh với bài thuốc có thể chữa được bệnh liên quan đến buồng trứng ở phụ nữ.


Bật mí về cách chữa bệnh hư buồng trứng mà mình đang sở hữu, ông Hồ Phơi cho hay, bài thuốc gồm 4 loại rễ cây rừng. Vì lý do “bí quyết” nghề nghiệp nên ông khước từ đề nghị nêu tên các vị thuốc này. Thế nhưng, già Hồ Phơi cũng hé lộ cây thuốc thuộc giống thân leo, thường sinh sống cạnh các cây đại thụ. Đặc điểm nổi bật là cây thuốc có nhiều rễ, rễ cây lâu năm có kích thước lớn bằng cổ tay người lớn. Để tìm được những vị thuốc trên, ông Hồ Phơi cho hay phải tự cuốc bộ vào tận rừng sâu giáp đất Lào mới có. Cả đi lẫn về có khi mất tới ba bốn ngày đường.

Để chữa bệnh này, ông Hồ Phơi dùng 4 loại rễ cây nói trên chẻ nhỏ, “sao vàng hạ thổ”, rồi đun lấy nước cho người bệnh uống mỗi ngày: “Thông thường chỉ cần uống thuốc trong vòng bảy đến mười ngày sẽ cho tác dụng ngay. Uống nước thuốc liên tục như uống nước chè bình thường vậy, không phải lo lắng xảy ra bất kỳ tác dụng phụ nào. Tuy nhiên, thuốc có vị đắng nên đòi hỏi người bệnh phải kiên trì, chịu khó nuốt. Ông cha ta nói rồi, thuốc có đắng mới giết được cái bệnh”. Bằng cách này, mấy chục năm qua, ông đã chữa lành bệnh cho hàng trăm người dân trong vùng. Nhưng cũng giống như những “ông, bà lang” khác, ông Hồ Phơi không thể lý giải hoạt chất gì chứa trong 4 loại rễ cây rừng giúp chữa khỏi bệnh hư buồng trứng ở phụ nữ.

Một triệu và vài chục ngàn đồng…

Mặc dù nắm giữ bài thuốc quý chữa bệnh vô sinh ở phụ nữ “quý ngàn vàng”, nhưng bà Pỉ Dung không bao giờ lấy đó làm cơ hội kiếm tiền. “Mỗi ca chữa bệnh, mẹ chỉ lấy 1 triệu đồng, nhưng mẹ chỉ nhận tiền do chính bệnh nhân mang đến sau khi đã mang thai” - bà Pỉ Dung nói bằng ngôn ngữ bản địa. Nếu trường hợp khỏi bệnh, nhưng người ta không đến đưa tiền thuốc thang thì sao? Bà Pỉ Dung cười lộ hàm răng đen kịt: “Không sao cả, mẹ vẫn vui thôi”.

Còn ở thôn Kỳ Nơi, hàng chục năm nay ông Hồ Phơi nổi danh không chỉ mỗi bài thuốc chữa bệnh liên quan buồng trứng, mà còn biết nhiều bài thuốc dân gian khác trị  những bệnh phổ biến như: Giang mai, ho lao, sốt rét... Càng khâm phục hơn khi biết rằng, suốt bảy năm giữ chức cán bộ y tế thôn Kỳ Nơi (từ năm 1961 đến năm 1968) già Hồ Phơi đã cứu giúp không biết bao nhiêu trường hợp người bệnh thoát khỏi cái chết: “Ở trên này, do điều kiện y tế khó khăn nên dù bệnh nhẹ thôi, nếu không chữa trị kịp thời cũng dễ dẫn đến việc bệnh nhân tử vong. Hồ Phơi đã có ơn với dân bản lắm, ông là thần y của chúng tôi” - bà Hồ Tèng - người dân thôn Kỳ Nơi - nhận xét. Đặc biệt, già Hồ Phơi không bao giờ lấy tiền công chữa bệnh bất cứ dân bản nào. Đối với người khác thôn, người nơi khác đến ông Hồ Phơi cũng chỉ lấy đúng tiền công đi tìm thuốc, thường chỉ vài chục ngàn đồng.

Về nguồn gốc của những bài thuốc, bà Pỉ Dung kể, cách đây hai mươi năm, bà lấy chồng nhưng không thể có con. Nỗi thèm khát làm mẹ canh cánh từng ngày trong tâm trí người phụ nữ Vân Kiều. Không chịu đầu hàng số phận, ngày ngày bà Pỉ Dung không quản khó khăn tìm gặp tất cả các thầy thuốc trong vùng nhờ chữa bệnh. Một lần sang Lào, bà được một “ông lang” ở bên đó xem bệnh. “Bắt mạch cho mẹ xong, ông lắc đầu nói giờ tuổi tác đã cao nên chịu không chữa được, nếu gặp mặt sớm hơn thì còn có cơ hội” - bà Pỉ Dung nói. Tuy nhiên trước lúc chia tay, “ông lang” ấy đã tặng cho bà Pỉ Dung một bài thuốc quý và hướng dẫn cách dùng để giúp đỡ những phụ nữ có cảnh ngộ tương tự. Bà Pỉ Dung biết “thần dược” từ đó.

Bà Pỉ Dung kể về chuyện chữa bệnh của mình.


Bệnh nhân đầu tiên bà Pỉ Dung áp dụng bài thuốc sau khi học là Hồ Thị Xao - con dâu của mình (chồng bà Pỉ Dung có hai vợ, con dâu này lấy con trai của “vợ bé” chồng bà Pỉ Dung). Pỉ Dung kể khi mới về làm dâu, Xao không thể có thai và xuất hiện triệu chứng đau buồng trứng. Thế là bà Pỉ Dung liền lặn lội vào rừng sâu tìm “thần dược”. Chưa đầy ba tháng sau, con dâu bà Pỉ Dung đã có thai, hiện Hồ Thị Xao đã ba lần làm mẹ, sinh nở bình thường và khoẻ đến mức: “Nó sinh xong mươi ngày đã lên rẫy trỉa lúa ào ào như trâu” - bà Pỉ Dung cười ví von.

Với già Hồ Phơi, “duyên phận” đến với ông từ năm 14 tuổi. “Năm đó, bố con già có ơn với một thầy lang và được ông trả ơn bằng bài thuốc chữa buồng trứng” - ông hồi tưởng. Sau khi bố mình qua đời, ông Hồ Phơi trở thành người duy nhất ở Kỳ Nơi nắm giữ bí mật bài thuốc này. Ấy nhưng không phải vì thế mà thầy lang Hồ Phơi “bóp cổ” người bệnh. Người khác làng đến chữa bệnh tại nhà, ông chỉ lấy 100.000 đồng. Hồ Phơi nói 100.000 đồng là tiền công ông thuê xe thồ đi lấy thuốc trong rừng, bởi tuổi già không thể cuốc bộ như thời trai trẻ nữa. Mặt khác, cây thuốc chữa hư buồng trứng khó kiếm phải đi xa nên giá thành mới.. cao như vậy. Đối với các trường hợp nghèo khó, ông Hồ Phơi không những miễn phí hoàn toàn thuốc men, mà còn cho ăn ở tại gia điều trị, đến khi nào khỏi bệnh thì thôi. Ông trải lòng: “Mình đều chung con cháu Bác Hồ, ăn ở với nhau cần cái bụng tốt là quý nhất. Người vùng cao tuy thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng trọng tình nghĩa lắm”.

Việc “bà lang” Pỉ Dung hay “ông lang” Hồ Phơi chữa khỏi bệnh liên quan đến buồng trứng, vô sinh của phụ nữ, mặc dù không có cơ sở khoa học, nhưng lại được thực tế kiểm chứng suốt mấy chục năm qua. Nếu ngành y tế quan tâm vào cuộc để nghiên cứu thành phần dược lý, biết đâu lại có những gợi ý hay?    

 

Tấm gương sáng

Ông Hồ Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND xã A Túc - nhận xét: “Già Hồ Phơi là một đảng viên tốt, cựu chiến binh ưu tú luôn đi đầu trong mọi hoạt động chính trị- xã hội. Những năm qua, ông đã tham gia chữa bệnh miễn phí giúp người dân trong vùng và thực tế đã cứu chữa thành công nhiều trường hợp bị bệnh. Già Hồ Phơi xứng đáng là tấm gương sáng để con cháu noi theo học tập”.  

“Tôi chưa nghe thông tin về hai trường hợp này”

Ông Lâm Chí Đức - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) - cho biết, ông chưa nghe thông tin về trường hợp của bà Pỉ Dung ở xã Xy có thể chữa được bệnh vô sinh bằng cây rừng, nên không có nhận xét. Tương tự, ông Đức có biết ông Hồ Phơi với tư cách là cựu cán bộ y tế thôn Kỳ Nơi, chứ không có thông tin về việc ông này có thể chữa khỏi bệnh liên quan đến buồng trứng. Ông Đức cũng khẳng định là cả hai trường hợp này, ngành y tế địa phương chưa cấp phép để họ khám chữa bệnh.
Vân Sơn (Báo Lao Động)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Chữa vô sinh bằng cây rừng

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
CPECO VACNE
Tin Môi Trường
 Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành”

Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành”

(Tin Môi Trường) - Sau buổi thuyết trình tại vòng chung kết cuộc thi “Sáng tạo xanh - Sống trong lành: Giảm đốt rơm rạ ngoài trời, tăng an toàn với thuốc bảo vệ thực vật” vừa diễn ra tại trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Ban tổ chức đã chọn được một số tác giả có đề tài xuất sắc nhất.

VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI