Thứ năm, 31/10/2024, 08:24:27 AM (GMT+7)

“Vàng tặc” băm nát núi rừng

(09:02:35 AM 03/08/2013)
(Tin Môi Trường) - Mặc dù việc khai thác vàng sa khoáng ở vùng Bắc Tây Nguyên thời gian qua đã tạm thời lắng xuống, nhưng hậu quả để lại vẫn chưa thể khắc phục được. Để tìm vàng, người ta đã sử dụng máy múc, máy ủi, máy khoan và các phương tiện khác thực hiện việc hút cát, đào hầm, xẻ núi… khiến nhiều vùng đất phù sa màu mỡ trở thành những bãi hoang hóa, những dòng sông, suối bị vẩn đục…

 Người dân mất đất sản xuất

 

Vùng đất ven suối Đắk Mỹ, thôn Đắk Đoát, xã Đắk Pét, huyện biên giới Đắk Glei (tỉnh Kon Tum) trước đây vốn là vùng đất phù sa màu mỡ. Hàng chục ha đất ở đây trong thời gian dài là “cần câu cơm” nuôi sống người dân trong vùng. Nhưng từ khi Cty TNHH Kim Sơn Thủy tiến hành khai thác vàng sa khoáng thì vùng đất này trở thành một bãi hoang tàn, chỉ toàn đá sỏi. Tuy thế, người dân vẫn hi vọng, sau khi việc khai thác vàng chấm dứt thì họ sớm được canh tác trở lại trên vùng đất của mình. Ấy vậy mà, hơn một năm đã trôi qua, kể từ khi Cty TNHH Kim Sơn Thủy kết thúc việc khai thác, người dân địa phương vẫn chưa thể nào canh tác được trên vùng đất ven suối Đắk Mỹ.


Sông, suối ở tỉnh Kon Tum đục ngầu do khai thác vàng sa khoáng (Ảnh: Trung Đức/Đại đoàn kết)

Ngồi trông chừng con bò ốm yếu đang tìm gặm những ngọn cỏ hiếm hoi trên vùng đất trơ đá sỏi ven suối Đắk Mỹ, anh A Minh – người dân thôn Đắk Đoát ngao ngán cho biết: “Trước đây, kinh tế gia đình không đến nỗi nào, nhờ mấy sào đất trồng ngô và lúa trên vùng đất này. Nhưng nay, đất đai như vậy thì còn trồng trọt gì được nữa. Không còn kế sinh nhai, vợ chồng tôi đành vay tiền mua con bò cái này, hi vọng nó đẻ cho vài con bò con, bán lấy tiền lo cho gia đình. Tính toán là vậy, nhưng tôi cũng không biết có được hay không nữa, bởi vì tìm cỏ cho bò ăn cũng không dễ. Không biết cuộc sống của gia đình rồi sẽ như thế nào đây!”.

Theo anh A Minh, người dân thôn Đắk Đoát từng thu hoạch hàng chục tấn lúa, ngô mỗi năm từ khu đất này. Thế nhưng, sau khi Cty TNHH Kim Sơn Thủy tiến hành khai thác vàng sa khoáng thì 17ha đất này trở nên hoang tàn. Cty hứa sau khi khai thác xong sẽ hoàn thổ trả lại mặt bằng để bà con trồng trọt. Nhưng nay, Cty đã bỏ đi nơi khác khiến người dân lâm vào cảnh khốn khổ.

Không chỉ khu vực suối Đắk Mỹ mà hàng chục ha đất ven suối Đắk Pét (xã Đắk Pét) và ven suối Đắk Blô (xã Đắk Blô) thuộc huyện Đắk Glei (tỉnh Kon Tum) cũng đang trong tình trạng này. Từ khi Cty Thép Đông Á khai thác vàng xong đến nay đã nửa năm, nhưng hàng chục ha đất canh tác ven suối Đắk Blô của người dân địa phương vẫn chưa thể tái sản xuất. Không có đất sản xuất, đời sống của họ trở nên khốn khó. Từ việc chủ động canh tác trên đất của mình, nhiều hộ gia đình phải dắt díu nhau đi làm thuê, cuốc mướn để trang trải cuộc sống.

Ông A Yên, sống tại xã Đắk Blô bức xúc: “Cuộc sống của cả gia đình tôi lâu nay phụ thuộc vào việc trồng lúa, trồng ngô trên 4 đám ruộng nằm ven suối, nhưng giờ đây chỉ trơ toàn đá, sỏi. Thiếu đất sản xuất, gia đình tôi rất khó khăn”.

Chịu ảnh hưởng của “cơn bão vàng” còn có người dân xã Đắk Tờ Re, huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum). Vấn nạn khai thác vàng trái phép diễn ra từ nhiều năm qua trên địa bàn xã, đã làm cho ruộng rẫy bị cày xới, các dòng sông bị băm nát, gây ô nhiễm môi trường. Dọc theo suối Đắk Tờ Re đoạn chảy qua các thôn 1, 2, 3, hầu như đã không còn ruộng lúa, phần thì “vàng tặc” mua để khai thác, phần thì bị bồi lấp do khai thác vàng. Có mặt tại khu vực này, chúng tôi thật sự xót xa khi bắt gặp bên đường những đám lúa nước, các rẫy sắn bị xới tung. Lòng suối bị “móc ruột” với hàng chục hố sâu hoắm, bên cạnh là những đống đất, đá cao ngất ngưởng, khiến nước suối Đắk Tờ Re không còn trong trẻo như xưa. Theo người dân địa phương, toàn bộ khu vực này vốn là một thung lũng hoang sơ, có con suối chảy qua cung cấp nước tưới phục vụ nông nghiệp và nước sinh hoạt cho các hộ dân của các thôn 1, 2, 3. Tuy nhiên, bây giờ thung lũng này không còn nguyên dạng.

Tương tự, dòng sông Đắk Bla chảy qua thôn 8, xã Đắk Tờ Ve bao đời nay luôn xanh ngắt quanh năm, nhưng từ khi “vàng tặc” từ các tỉnh khác đến, thi nhau đào khoét thì dòng nước trở nên đục ngầu, lòng sông để lại những hố sâu rất nguy hiểm. Không biết rồi đây, khi nước lũ về thì ruộng, vườn của người dân nằm dọc bờ sông sẽ ra sao, khi sông Đắk Bla đã thay đổi dòng chảy…

Tuy không “nóng” như ở Kon Tum, nhưng việc khai thác vàng ở tỉnh Gia Lai cũng “kịp” để lại một số hệ lụy đến môi trường và đời sống của người dân. “Vàng tặc” đi rồi, những bờ sông con suối, đất đai màu mỡ tại những bãi vàng ở xã Đắk Sơ Mei (huyện Đắk Đoa); xã Hà Tây (huyện Chư Pah); xã Ya Hội (huyện Đắk Pơ) và huyện Kong Chro… oằn mình chịu trận, kéo theo đó là cảnh ngộ khốn khổ của người dân địa phương. Điển hình là con suối Đắk Pơ Tơng đoạn chảy qua địa bàn xã Hà Tây, huyện Chư Pah (Gia Lai), nơi người dân địa phương thường sử dụng nguồn nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Thời gian qua, con suối này đã hứng chịu sức “công phá” không thương tiếc từ những con tàu đào, đãi vàng sa khoáng công suất lớn làm cho bờ suối bị xói lở nghiêm trọng, dòng nước đục ngầu… khiến người dân không thể sử dụng được nữa.

Chúng tôi gặp bà Rơ Lan Híp, người dân xã Hà Tây (huyện Chư Pah) khi đang múc những giọt nước mưa cuối cùng trong lu để nấu bữa trưa cho gia đình, bà thở dài: “Lâu nay gia đình mình vẫn quen dùng nước suối tắm giặt, nấu nướng rồi. Bây giờ nước vẩn đục quá nên không dùng được nữa. Mình phải hứng nước mưa, hoặc đi vài cây số xin nước giếng ở gia đình người quen về nấu nướng. Hi vọng dòng suối sớm trở lại trong lành như ngày xưa để việc sinh hoạt của bà con mình không khổ nữa”. Điều đáng nói là, sự việc diễn ra trong thời gian dài nhưng chính quyền địa phương hầu như chưa có biện pháp ngăn chặn khả thi.

Cơ quan chức năng nói gì?

Trở lại khu vực ven suối thuộc địa bàn xã Đắk Blô, huyện Đắk Glei (Kon Tum), qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hơn 180ha đất ở đây đã được UBND tỉnh Kon Tum cấp giấy phép cho Cty Thép Đông Á khai thác vàng sa khoáng có thời hạn trong 5 năm, kể từ ngày 31/8/2011. Chưa hết thời hạn, Cty đã hoàn tất việc khai thác và khẳng định đã hoàn thổ theo đúng quy định. Thế nhưng, theo quan sát của chúng tôi, phần lớn diện tích đất mà Cty Thép Đông Á khẳng định đã hoàn thổ hết đều trong tình trạng cát, sỏi, đá nằm ngổn ngang. Trong khi đó, theo lãnh đạo xã Đắk Blô, trong số 42ha đất Cty Thép Đông Á đã khai thác vàng sa khoáng hiện chỉ có 22ha Cty hoàn thổ đạt yêu cầu, nhưng phía Cty chưa bàn giao lại cho chính quyền địa phương.


Trẻ em cũng tham gia vào “đội quân” khai thác vàng sa khoáng trái phép ở xã Đắk Pét, huyện Đắk Glei, Kon Tum (Ảnh: Trung Đức/Đại đoàn kết)

Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Xuân Lộc – Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei cho biết: “Trong quá trình thực hiện trách nhiệm của các nhà đầu tư, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp chậm thực hiện những gì đã cam kết với địa phương. Từ khi các doanh nghiệp đến thăm dò và khai thác vàng sa khoáng trên địa bàn huyện, người dân chưa được hưởng lợi bao nhiêu nhưng đã phải gánh chịu nhiều hệ lụy như: mất đất sản xuất, gia tăng tình trạng phá rừng làm nương rẫy trái pháp luật…”

Đó là hệ lụy của từ việc khai thác vàng sa khoáng được cấp phép, còn với tình trạng khai thác vàng trái phép là một bài toán nan giải đối với chính quyền địa phương. Chẳng hạn, việc khai thác vàng trái phép tại xã Đắk Tờ Ve, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) đã có từ nhiều năm nay. Mặc dù người dân và các phương tiện truyền thông đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo; chính quyền huyện, xã nhiều lần tổ chức tuyên truyền người dân không bán đất cho “vàng tặc”, và thường xuyên truy quét, thu hồi, phá hủy một số phương tiện, máy móc liên quan đến việc khai thác vàng, nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn dứt điểm vấn nạn này. Hay việc “vàng tặc” đục khoét con suối Đắk Pơ Tơng đoạn chảy qua địa bàn xã Hà Tây, huyện Chư Pah (tỉnh Gia Lai) đã quá rõ ràng và diễn ra trong một thời gian khá dài, song cách xử lý của chính quyền địa phương vẫn như “đá ném ao bèo”.

Trước thắc mắc của PV về tình trạng trên, lãnh đạo UBND xã Hà Tây (huyện Chư Pah) cho biết: “Chính quyền xã đã cho lực lượng truy quét nhưng rồi đâu lại vào đấy, “vàng tặc” vẫn lộng hành trước sự bất lực của chính quyền xã.

Hệ lụy của việc khai thác vàng trái phép cũng như được cấp phép đã quá rõ. Nếu chính quyền và ngành chức năng địa phương ở tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum không sớm có phương án giải quyết dứt điểm tình trạng nói trên, thì hệ lụy tiêu cực kéo theo trong tương lai là khó có thể lường trước.

TRUNG ĐỨC (Theo Đại Đoàn Kết)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: “Vàng tặc” băm nát núi rừng

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
 Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
 Cây thị 700 năm tuổi được bảo vệ nghiêm ngặt ở Thanh Hóa

Cây thị 700 năm tuổi được bảo vệ nghiêm ngặt ở Thanh Hóa

(Tin Môi Trường) - Trong khuôn viên Hạt Kiểm lâm huyện Như Xuân (Thanh Hóa) có cây thị cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Cây có tuổi đời hàng trăm năm, ra quả trĩu cành...

KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI