Chủ nhật, 19/01/2025, 23:07:41 PM (GMT+7)

Rừng ngập mặn – vành đai xanh an toàn cho người dân vùng biển

(12:56:28 PM 26/12/2015)
(Tin Môi Trường) - Gần 20 năm qua, dự án trồng rừng ngập mặn do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố đã góp phần giảm thiểu rủi ro, mang no ấm về với cộng đồng dân cư ven biển. Hiệu quả mà dự án mang lại không nhỏ và điều đáng nói là giờ đây, người dân các vùng ven biển đã bỏ được thói quen phá rừng làm ao đầm, lấy củi đốt, thay vào đó họ tích cực trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ngập mặn.

Rừng[-]ngập[-]mặn[-]–[-]vành[-]đai[-]xanh[-]an[-]toàn[-]cho[-]người[-]dân[-]vùng[-]biển[-]-Ảnh:[-]TL

Rừng ngập mặn – vành đai xanh an toàn cho người dân vùng biển -Ảnh: TL


Những ngày cuối năm 2015, khi đợt gió mùa đông bắc dồn dập tràn về, chúng tôi có dịp về xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, nơi từ lâu đã trở thành một trong những điểm sáng trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn của tỉnh Thanh Hóa cũng như của cả nước.


Con đường ra biển gập ghềnh, mưa bụi cùng cái rét căm căm không ngăn được những ánh nhìn ấm áp dành cho những rặng phi lao xanh rì, tít tắp chạy sát chân đê như nối liền với những ruộng màu xanh mướt. Đứng trên đê, phóng tầm mắt ra xa, màu xanh của rừng bần, đước và xú vẹt uốn lượn theo cửa biển như vành đai mềm bảo vệ an toàn cho cuộc sống, sản xuất của người dân nơi đây.


Cùng chúng tôi thăm thực địa vùng rừng ngập mặn, ông Đặng Quang Trung, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đa Lộc cho biết: Đa Lộc triển khai chương trình dự án trồng rừng ngập mặn của Hội Chữ thập đỏ trong các năm từ 1998-2002. Những năm đầu, việc trồng, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn một phần do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, cây con bị Hà gây hại cộng với việc một số người dân đã phá rừng lấy củi hoặc làm đầm nuôi thủy sản… Diện tích rừng còn sống được (sau hai cơn bão năm 2005 và 2007) đến nay là 89 ha; song là xã đã duy trì được tổ 5 người trực tiếp làm nhiệm vụ chăm sóc, quản lý rừng và thành lập được đội tình nguyện 25 người tham gia hoạt động tuyên truyền bảo vệ rừng. Giờ đây không chỉ 89 ha rừng của dự án Chữ thập đỏ triển khai mà 452 ha rừng ngập mặn của toàn xã được trồng từ nhiều dự án, chương trình khác tại Đa Lộc đều được quản lý, chăm sóc cẩn thận nên phát triển tốt. Rừng ngập mặn đã được phủ dài gần hết 5 km đê biển bao quanh xã, như lá chắn mềm giúp người dân yên tâm phát triển sản xuất.


Ông Trần Thanh Duy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Lộc tự hào: Đến tận bây giờ, người dân trong xã vẫn truyền nhau câu chuyện thần kỳ về hiệu quả của những cánh rừng ngập mặn trước cơn bão khủng khiếp năm 2005, mà Đa Lộc là một trong những xã thuộc vùng tâm bão. Khi đó, bão lớn đổ về, hầu như khu vực đường ven biển chưa có rừng ngập mặn bảo vệ đều bị phá hủy; rất nhiều nhà cửa, ruộng đồng ngập chìm trong nước, thiệt hại nặng nề. Lạ kỳ thay, khoảng 1,5 km đường cùng các công trình dân sinh trong khu vực đã có rừng bảo vệ gần như không hề hấn gì, vẫn hiên ngang trước gió bão. Thấy được hiệu quả đó, người dân trong xã giờ đây luôn tích cực, tình nguyện tham gia các phong trào, cuộc vận động trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.


Xoa hai bàn tay vào nhau cho đỡ lạnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Tiếp hào hứng, Thanh Hóa được hỗ trợ triển khai trồng rừng ngập mặn từ năm 1997, đến nay không chỉ Đa Lộc, hầu hết các xã được thực hiện dự án trồng rừng ngập mặn theo chương trình chữ thập đỏ đều có được hiệu quả tốt. Cùng với các chương trình, dự án trồng rừng ngập mặn do các đơn vị, tổ chức quốc tế hỗ trợ thực hiện, dự án do Hội Chữ thập đỏ triển khai tại Thanh Hóa đã xây dựng các mô hình hoạt động điển hình như: Thành lập, tập huấn hỗ trợ trang thiết bị cho Đội ứng phó nhanh cộng đồng; diễn tập phòng chống thiên tai cấp xã, thôn; xây dựng góc giảm nhẹ rủi ro, thiên tai trong trường học; cập nhật báo cáo, kế hoạch chuyển đổi giảm thiểu rủi ro thiên tai hàng năm…


Được hỏi về hiệu quả dự án, ông Đoàn Văn Thái, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chia sẻ: Dự án trồng rừng ngập mặn được triển khai gần 20 năm qua đã góp phần đáng kể vào việc thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển đến năm 2020 của Hội trong lĩnh vực phòng ngừa và ứng phó thảm họa; góp phần nâng cao khả năng tổ chức hoạt động giảm thiểu rủi ro, năng lực tự phục hồi do tác động của biến đổi khí hậu của các cấp Hội và cộng đồng dễ bị tổn thương; giảm thiểu số người chết, bị thương, giảm thiệt hại về kinh tế và sinh kế do thảm họa gây ra; tăng cường khả năng ứng phó, phục hồi sau thảm họa.


Số liệu gần đây nhất của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho thấy, riêng Dự án “Trồng rừng ngập mặn – Giảm thiểu rủi ro thảm họa” giai đoạn 2011 – 2015 được Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản tài trợ triển khai trên 205 xã thuộc 10 tỉnh ven biển và miền núi tại Việt Nam đã tổ chức chăm sóc, bảo vệ trên 9.000 ha rừng ngập mặn, trên 700 ha tre và phi lao; trồng mới 107,6 ha rừng ngập mặn và 25,6 ha rừng phòng hộ; củng cố, kiện toàn và lập kế hoạch hoạt động lại cho 97 đội bảo vệ rừng; tập huấn kỹ năng quản lý, bảo vệ rừng và trang bị các thiết bị cơ bản về chăm sóc, bảo vệ rừng cho 1.415 thành viên đội bảo vệ rừng. Bên cạnh việc thành lập đội ứng phó thảm họa cấp cộng đồng tại 76 xã, dự án còn cung cấp thiết bị bảo hộ cơ bản trong hoạt động này cho 21 xã; xây dựng 78 tiểu công trình giảm thiểu rủi ro thảm họa; đánh giá tình trạng và khả năng dễ bị tổn thương tại 97 xã thuộc 57 huyện. Dự án nâng cao năng lực cho 365 cán bộ Hội về lập kế hoạch, quản lý dự án và quản lý tài chính, gây quỹ, quản lý tình nguyện viên…; tổ chức 124 lớp tập huấn nâng cao năng lực về quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng và biến đổi khí hậu cho hơn 3.000 cán bộ chính quyền và người dân địa phương, trên 13.000 giáo viên và học sinh của 124 xã. Đến nay, số người hưởng lợi từ dự án lên tới gần 10,8 triệu người.


Chứng kiến tận mắt những kết quả mà Dự án mang lại tại tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản Yoshihara Otsuka vui vẻ: Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam thực hiện nhiều chương trình, hoạt động, trong đó trồng rừng ngập mặn là dự án có quy mô lớn nhất. Giai đoạn 2011-2015 khép lại, Hội đang xem xét việc hỗ trợ Việt Nam tiếp tục triển khai dự án trong giai đoạn tới; hy vọng mô hình hiệu quả của dự án này tiếp tục được nhân rộng không chỉ tại Việt Nam, mà còn tại một số nước chịu ảnh hưởng nặng của thiên tai trong khu vực cũng như trên thế giới.


Tạm biệt Đa Lộc, tạm biệt Xứ Thanh, chúng tôi mang theo màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng ngập mặn và hy vọng những vành đai xanh bảo vệ an toàn cho cộng đồng dân cư vùng biển sẽ tiếp tục vững vàng trước gió bão, giữ cho những xóm làng vùng chân sóng thêm trù phú.

Mỹ Bình
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Rừng ngập mặn – vành đai xanh an toàn cho người dân vùng biển

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
 Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
 Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

(Tin Môi Trường) - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, địa phương hiện có 648.370 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại dược liệu bản địa, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình đã được thực hiện thành công, mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi giảm nghèo.

KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI