Thứ tư, 22/01/2025, 08:02:47 AM (GMT+7)

Quảng Nam: Tàn phá rừng ươi lấy hạt

(09:17:58 AM 23/06/2014)
(Tin Môi Trường) - Những cánh rừng ươi tại tỉnh Quảng Nam đang bị nhiều người tàn phá để tận thu hạt bán với giá cao

Những ngày gần đây, tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam như Nam Giang, Phước Sơn, Tiên Phước, Bắc Trà My…, hàng ngàn người đã đổ xô vào rừng hái hạt ươi về bán. Chỉ vì thu vài ký hạt ươi mà nhiều người đã đốn hạ hàng loạt cây cao cả chục mét.

Tàn phá bằng cưa máy

Có mặt tại thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My vào sáng sớm 22-6, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng trăm xe máy nối đuôi nhau chạy về khu vực thủy điện Sông Tranh 2 rồi tỏa đi khắp các hướng. Mỗi xe có 2 người, ngoài ba lô đựng thức ăn, họ còn mang theo bao tải, rựa, cưa nhỏ…




Một cây ươi rừng ở xã Trà Giác, huyện Bắc Trà, tỉnh Quảng Nam bị đốn hạ để tận thu hạt

 
Tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, đoàn người liên tục kéo đến, hàng chục xe máy dựng ngổn ngang. Rất nhiều thuyền đợi sẵn dưới bến để chở người vào rừng hái ươi. Chúng tôi ngỏ ý thuê nhưng bị một chủ thuyền từ chối vì đã có người đặt trước.

Theo những người đi hái hạt ươi, những ngày trước họ đã lùng sục quanh cánh rừng xã Trà Giác, thượng nguồn thủy điện Sông Tranh 2. Tuy nhiên, do số người khai thác quá nhiều, cây ươi ở khu vực này đã bị chặt phá hết. Vì vậy, họ phải xuống lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 thuê thuyền chở đi cả cây số, vào rừng ở các xã Trà Bui, Trà Đốc mới còn hạt ươi khai thác.

Đi ngược hướng lên khu vực rừng ươi ở xã Trà Giác, băng qua những con đường dốc dựng đứng, chúng tôi đến một cánh rừng ươi rộng lớn. Vào rừng chưa đến 100 m, chúng tôi đã thấy nhiều cây ươi bị đốn hạ. Theo lối mòn, chúng tôi bắt gặp 2 thanh niên dựng lán trại giữa rừng để khai thác hạt ươi. “Tụi em chỉ nhặt lại hạt ươi còn sót lại từ những cây do người khác hạ, chứ không đốn cây” - một người phân trần.

Hai thanh niên này cho biết quê ở huyện Tiên Phước, lên vùng Bắc Trà My hái hạt ươi được gần 1 tuần. Dẫn chúng tôi đi quanh lán trại, 2 thanh niên chỉ những gốc ươi vừa bị cưa ngang gốc, trong đó có cây một người ôm không xuể. Càng đi vào rừng, càng có nhiều cây ươi bị đốn hạ. “Tại mấy cánh rừng đang bị khai thác, nhiều người dùng cưa máy để đốn hạ cây ươi nhưng chẳng thấy lực lượng kiểm lâm đâu cả” - một thanh niên nói.

Kiểm lâm kêu khó


Theo những người đi hái ươi, cách đây khoảng nửa tháng, hạt ươi bắt đầu chín bói và có giá rất cao. Mỗi ký hạt ươi bay (chín trên cây rơi xuống đất) giá 250.000 đồng, ươi xanh 40.000-50.000 đồng. Hiện nay, ươi nhiều nên giá hạ, mỗi ký hạt ươi bay dao động 140.000-160.000 đồng, ươi khô khoảng 80.000 đồng, còn ươi xanh chỉ 20.000-30.000 đồng. Mỗi cây ươi có thể thu được vài ký đến vài chục ký hạt.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Nguyễn Tuấn Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Trà My, cho biết do số người hái hạt ươi quá đông, trong khi rừng rộng lớn, lực lượng kiểm lâm mỏng nên chỉ truy quét được vài điểm nóng. Vừa qua, Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Trà My tổ chức truy quét, đẩy đuổi được hàng chục người từ các địa phương khác đến đây khai thác ươi, thu giữ một số dụng cụ như cưa, rựa… Tuy nhiên, việc khai thác hạt ươi vẫn diễn ra phức tạp.

Ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, cho biết cây ươi có giá trị kinh tế cao, quả làm thảo dược, chế biến nước giải khát… Theo chu kỳ, khoảng 3-4 năm, cây ươi mới ra hạt. Năm nay, nhiều người từ các tỉnh xa như Phú Yên, Quảng Ngãi… cũng đến đây hái hạt ươi.

“Những ngày qua, chi cục đã có các văn bản, công điện khẩn chỉ đạo các hạt kiểm lâm tăng cường kiểm tra, giám sát việc chặt phá rừng ươi. Tuy nhiên, do rừng quá rộng nên việc kiểm soát gặp khó khăn” - ông Tuấn nói.

Nhiều người bị cây ngã đè chết

Theo người dân đi hái ươi ở huyện Bắc Trà My, đã có 2 người bị cây ngã đè chết trong lúc cưa, gồm 1 người ở xã Trà Tân và 1 người ở địa phương khác bị nạn tại xã Trà Giác. Ngoài ra, vì tranh giành lãnh địa khai thác ươi, ông Trần Xuân Hiệp (ngụ thị trấn Trà My) bị ông Trần Văn Hướng (ngụ xã Trà Giác) đâm thủng bụng tại rừng ươi ở xã Trà Giác.

Tại huyện Phước Sơn, do bị cây ươi ngã đè, ông Nguyễn Tấn Lực (SN 1963, ngụ xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) tử vong ngày 16-6 ở khe Là Mây, xã Phước Hiệp. Trước đó, trưa 11-6, tại cánh rừng ở xã Cà Dy, huyện Nam Giang, ông Kring Bên (SN 1982, ngụ xã Cà Dy) cũng tử vong do bị cây ngã đè khi đốn hạ ươi...

(Theo NLĐ)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Quảng Nam: Tàn phá rừng ươi lấy hạt

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
 Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
 Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

(Tin Môi Trường) - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, địa phương hiện có 648.370 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại dược liệu bản địa, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình đã được thực hiện thành công, mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi giảm nghèo.

KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI