Tài nguyên - Thiên nhiên
Ổi Bình Lộc trên đất sỏi cơm
(09:35:24 AM 16/07/2011)
Bé Võ Thị Thùy Dương (8 tuổi) phụ bà nội phân loại ổi - Ảnh: Vũ Thủy |
Vào ấp Cây Da, xã Bình Lộc, đến đâu cũng nghe người dân nói về cây ổi. “Dân ở đây sống được là nhờ cây ổi. Không có cây ổi chắc đến giờ vẫn đeo số khổ” - một người dân nói.
Khá lên nhờ ổi
Gần cuối tháng 4, những vườn chôm chôm ở Bình Lộc còn đang trổ bông. Nhưng nhà nào cũng cửa đóng then cài bởi hầu như ở đây các hộ đều trồng thêm cây ổi bom (giống ổi này ăn giòn xốp như táo). Ổi bom ra trái đều đều nên người trồng phải chăm bón, thu hái không ngơi nghỉ.
Ở Bình Lộc có những vườn ổi rộng cả vài hecta, lại có những khu vườn mà các gốc ổi khiêm nhường nép dưới những cây chôm chôm, sầu riêng, mít. Nhưng ổi không phụ lòng người, cây nào cũng lúc lỉu, đùm đề trái. Dân Bình Lộc thấy vui khi nghe giới thương lái truyền tai nhau rằng ổi Bình Lộc ngon, giòn, ngọt hơn hẳn ổi vùng khác.
Giữa vườn ổi xanh mướt, trái sum sê, ông Diệp Thanh Sơn (49 tuổi) ở ấp Cây Da đang cùng vợ bọc nilông và giấy báo cho những trái ổi non mới nhú to bằng đầu ngón chân cái. Bốn năm trồng cà phê, đã không có thu hoạch, giá cả lại xập xình, với gia đình ông đủ ăn đã là may mắn. Ông phải đi làm đá ở những mỏ đá trong vùng để kiếm thêm thu nhập.
Năm 2000, cà phê rớt giá có lúc chỉ còn 2.000 đồng/kg, ông chặt cà phê trồng chôm chôm, vốn là loại cây thương hiệu của Long Khánh. Nhưng thử nghiệm với cây chôm chôm cũng chẳng khá hơn được bao nhiêu. Có năm giá chôm chôm rớt còn 3.000-4.000 đồng/kg, ông thu về chỉ được 7 triệu đồng từ vườn chôm chôm, gia đình phải xoay xở chật vật với số thu nhập ít ỏi này.
Lúc ấy, người dân trong vùng lác đác trồng một giống ổi bom chẳng biết từ đâu nhưng có vẻ hợp đất, trái to và ngon. Tính toán thiệt hơn: cả năm bón phân, chăm bẵm cũng chỉ thu được một vụ, chưa kể giá cả lại luẩn quẩn quanh nghịch lý: được mùa rớt giá, được giá mất mùa, ông mạnh dạn đốn gần 40 gốc chôm chôm để trồng ổi. Nay với một mẫu đất trồng ổi gần 700 gốc, gia đình ông cứ cách tuần lại thu hoạch cả tấn trái, lúc rộ thì được hơn tấn. Giá ổi cũng đều đều 6.000 đồng/kg, mỗi tháng gia đình ông thu nhập gần 20 triệu đồng.
Chỉ tay ra vườn ổi xanh tốt sau nhà, ông Sơn nói: “Nhà có hai đứa con học đại học tốn kém lắm, nhưng nhờ có cây ổi nên không đến nỗi phải chạy vạy ngược xuôi”.
Anh Vòng Tùng Sáng (35 tuổi) ở ấp 1 cũng trồng tới 2ha ổi. Anh phấn khởi khoe nhà anh khá lên cũng nhờ cây ổi. Lúc giá ổi đạt, thu nhập có thể hơn 30 triệu đồng/tháng. “Đất này hợp với cây ổi hơn hẳn cây chôm chôm. Cánh thương lái bảo đến ổi miền Tây cũng không đọ nổi ổi Long Khánh” - anh Sáng nói. Ba năm trước, anh trồng xen ổi với chôm chôm. Nay ổi đã có hai năm thu hoạch mà chôm chôm cây chết cây lên, đến giờ vẫn chẳng cây nào cho trái.
Chuyện trò với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thành, phó chủ tịch UBND xã Bình Lộc, cho biết gia đình anh cũng là điển hình đi lên từ cây ổi. Như nhiều hộ dân trong xã, trước đây gia đình anh trồng đủ loại cây: cà phê, tiêu, chôm chôm mà đời sống vẫn bấp bênh. Thấy cây ổi trồng ở Bình Lộc trái đẹp lại bán được nên anh chuyển sang trồng ổi. Càng trồng càng mặn mòi với cây ổi nên đất vườn ở nhà, cây ổi ngày một lấn cây chôm chôm, cây cà phê.
Với 6 sào ổi hiện nay, kinh tế khấm khá hẳn lên, anh có điều kiện sắm vật dụng sinh hoạt, sửa sang nhà cửa khang trang và nuôi con ăn học.
Lúc ổi có giá, gia đình anh Sáng thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng - Ảnh: Vũ Thủy |
Cây của đất cằn cỗi
Ở Long Khánh, chất đất chủ yếu là đất đỏ bazan, trồng chôm chôm, sầu riêng là nhất hạng. Nhưng những khu như ấp 1, ấp 3, ấp Cây Da (xã Bình Lộc) lại như lạc lõng bởi đất sỏi cơm (thứ đất cằn cỗi pha nhiều sỏi nhỏ) nên chôm chôm, sầu riêng trồng xuống thu hoạch chẳng bằng ai. Cuốn theo cái thương hiệu chôm chôm, sầu riêng, đời sống người dân ở vùng đất sỏi cơm khó khăn chồng chất.
Khi cây ổi bom trồng trên đất sỏi cơm, ổi sần da, giòn, ngọt đặc biệt. Trái ổi trồng ở đây to như trái bưởi, nặng cả ký. Mà lạ là ở những vùng đất bazan màu mỡ quanh Bình Lộc, cây ổi trồng xuống cũng xanh tốt, sum sê nhưng trái lại ít và độ ngon kém hẳn.
“Đất ở đây “xấp dở”, không cao không thấp, không khô không ướt, trồng chôm chôm, sầu riêng không đặng, trồng cà phê lại càng thua. Chỉ có cây ổi bom là nhất” - bà Nguyễn Thị Phương Loan (46 tuổi, ngụ ấp Cây Da) đã rút ra kinh nghiệm quý báu sau bao nhiêu lần loay hoay thử đủ loại cây trồng.
Trồng cà phê, chôm chôm kỳ công từ khâu chọn giống, mua cây ươm đến khâu chăm sóc, thu hoạch, rồi lại lo giá cả thất thường. Mua cành ổi chiết với giá chỉ 2.000-3.000 đồng từ những hộ trồng trước đó, ổi trồng xuống phát triển nhanh, sáu tháng đã có thu. Đầu tư ban đầu chỉ vài triệu đồng nhưng đến nay 6 sào ổi nhà bà Loan trung bình cho hơn 5 tạ/tuần. Nhờ trồng ổi mà bà trả hết món nợ hơn 40 triệu đồng từ lúc còn trồng chôm chôm và cho ba người con học hành đến nơi đến chốn.
Không trồng nhiều như nhà bà Loan, chỉ có 2 sào đất trước đây trồng cà phê và tiêu, nhưng nhờ chuyển qua trồng ổi bom mà chỉ sau hai năm gia đình bà Lê Thị Bích Lan (54 tuổi) ở ấp Cây Da đã thoát nghèo và có của ăn của để. Đến nhà lúc cả gia đình đang ngồi phân loại số ổi hái được buổi sáng. Những trái ổi to, mỡ màng đang được gỡ bao nilông và xếp vào sọt đợi thương lái đến lấy. Ổi trong vườn nhà bà mới thay lứa trồng thứ hai.
“Dễ trồng lắm. Trồng lại mười mấy tháng là thu hoạch như cũ liền” - bà Lan vui vẻ nói. Lần trồng lại này gia đình bà chẳng phải tốn tiền mua giống, tự chiết từ những cây ổi vườn nhà. Vỏn vẹn 2 sào nhưng thu nhập hằng tháng khoảng 6-7 triệu đồng. “Nhờ ổi mà có tiền mua tới ba chiếc xe máy cho con cái đi làm, đi học. Trồng ổi thì suốt ngày lu bu ngoài vườn, hết bọc trái lại phun thuốc, cắt trái, nhưng được cái thu hoạch đều, giá cả ổn định nên ăn đứt cây chôm chôm”.
Người này trồng rồi người khác chiết cành về trồng theo, ổi bom lan rộng khắp Bình Lộc, rồi từ vườn ổi theo thương lái đi Biên Hòa tới chợ đầu mối ở TP.HCM, Bình Dương, Nha Trang... Với người dân Bình Lộc, ổi bom đúng là loại cây trời phú.
Anh Nguyễn Văn Thành, phó chủ tịch UBND xã Bình Lộc, gọi vui ổi bom là cây giảm nghèo cho người dân. Ổi bom có mặt ở Bình Lộc khoảng từ năm 2000. Từ đó đến nay xã dần chuyển đổi từ cây cà phê già cỗi và chôm chôm sang trồng ổi, nâng tổng diện tích trồng ổi từ gần 10ha ban đầu lên khoảng 60ha với năng suất bình quân khoảng 22 tấn/ha/năm. Một số bà con thuộc diện nghèo đã từ cây ổi vươn lên, từ lúc chuyển sang trồng ổi đều thoát khỏi diện nghèo.
Ổi Bình Lộc được thiên nhiên ưu ái, chăm sóc đơn giản nhưng chất lượng tốt, giòn, ngọt. Tuy ổi bom ở Bình Lộc chưa tạo được thương hiệu trên thị trường, nhưng thương hiệu truyền miệng đã lan khắp các thành phố lớn như TP.HCM, Biên Hòa, Nha Trang, thậm chí ra đến cả Hà Nội. Sắp tới, bên cạnh các tổ hợp tác chôm chôm và sầu riêng, xã sẽ thành lập thêm tổ hợp tác cây ổi bom. Người dân sẽ được hướng dẫn kỹ để tạo ra thương hiệu ổi sạch, không có dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật. |
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Thái Bình giữ nguyên diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải
- Tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sạch, đảm bảo vệ sinh
- Cần Giờ sắp trở thành khu Ramsar thế giới
- Rừng phòng hộ huyện Cần Giờ được đề cử thành khu Ramsar
- Hồ thủy điện Đồng Nai 4 tiếp tục bị xâm hại
- Hiện trạng rừng Việt Nam năm 2022
- COP 15 và tham vọng về bảo tồn đa dạng sinh học trong thập kỷ tới
- Độc đáo rừng nguyên sinh Rú Lịnh
- WWF tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong thập kỷ cơ hội của đa dạng sinh học
Bài viết mới:
- Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (19/01/2025)
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải (06/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn
(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.
Phát hiện thiếu sót tại một số nhà máy điện gió nghìn tỷ ở Cà Mau
(Tin Môi Trường) - Qua kiểm tra nhiều nhà máy điện gió đang vận hành ở Cà Mau, ngành chức năng đã phát hiện một số thiếu sót.
Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng
(Tin Môi Trường) - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, địa phương hiện có 648.370 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại dược liệu bản địa, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình đã được thực hiện thành công, mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi giảm nghèo.