Thứ bảy, 18/01/2025, 23:00:59 PM (GMT+7)

Khai thác titan ở Việt Nam: Cần những giải pháp mang tính lâu dài

(09:17:10 AM 26/07/2013)
(Tin Môi Trường) - Nước ta là một trong những nước có dự báo tài nguyên titan có trữ lượng lớn, chiếm khoảng 5% tổng trữ lượng titan thế giới, đứng sau Canada, Mỹ, Na Uy, Ấn Độ và Australia. Cùng với sự hội nhập của đất nước, các ngành công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ tạo ra nhu cầu về khoáng chất công nghiệp - đặc biệt những sản phẩm từ quặng titan đang có tốc độ tăng trưởng rõ rệt. Tuy nhiên việc quy hoạch, quản lý nguồn tài nguyên quý giá này còn nhiều bất cập.

 Kỳ vọng của nền công nghiệp

 

Từ năm 1990, ở Việt Nam bắt đầu hình thành công nghiệp khai thác, tuyển quặng titan với sản lượng ngày càng tăng. Từ khoảng 10.000 tấn (năm 1990) lên 177.000 tấn (năm 2000) và khoảng 508.000 tấn (năm 2008) chỉ tính riêng các đơn vị thuộc Hiệp hội Titan Việt Nam. Cùng với ilmenit còn thu được các sản phẩm đi kèm khác như rutil, zircon, monazit. Gần 20 năm qua, riêng các đơn vị trong Hiệp hội Titan Việt Nam đã sản xuất và tiêu thụ tổng cộng 3.858.874 tấn quặng tinh các loại. Trừ một số ít quặng tinh ilmenit và zircon được sử dụng trong nước còn lại phần lớn quặng tinh các loại được xuất khẩu chung, ngoài một số đơn vị có quy mô sản xuất trung bình, còn lại đa số là sản xuất quy mô nhỏ, công nghệ khai thác, tuyển đơn giản nên chất lượng quặng tinh và thực thu kim loại chưa cao. Hầu hết chưa có chế biến sâu quặng tinh ilmenit. Chỉ từ sau khi Chính phủ ra lệnh cấm xuất khẩu quặng tinh thì một số đơn vị mới có chuyển động trong việc chế biến ilmenit thành titan hoàn nguyên và xỉ titan.

 

Theo Kỹ sư Trương Đức Chính, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Việt Nam có nguồn tài nguyên titan đáng kể bao gồm cả quặng sa khoáng và quặng gốc. Quặng titan gốc tập trung chủ yếu ở khu vực Thái Nguyên (mỏ Cây Châm và các vùng xung quanh). Trữ lượng xác định và tài nguyên dự báo quặng titan gốc được đánh giá khoảng 7,8 triệu tấn, trong đó trữ lượng đã xác định là 4,83 triệu tấn.

 

Quặng titan sa khoáng bờ biển phân bố chủ yếu ở vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó tập trung ở các tỉnh: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Bình Thuận vớí trữ lượng đã xác định khoảng 9,2 triệu tấn. Tổng trữ lượng titan đã xác định khoảng 14 triệu tấn (chiếm 41%) và tài nguyên dự báo khoảng 20,5 triệu tấn (chiếm 59%). Xét về quy mô tài nguyên titan, Việt Nam hiện nay đứng vào hàng thứ 11 các nước có trữ lượng titan lớn nhất của thế giới.

 

Tuy nhiên, theo dự báo mới nhất, Việt Nam có trữ lượng khoảng 658 triệu tấn, trong đó, trữ lượng có thể quy hoạch khoảng 440 triệu tấn. Khu vực Nam Trung bộ từ Ninh Thuận đến Bắc Bà Rịa - Vũng Tàu vừa phát hiện nguồn tài nguyên titan trong tầng cát đỏ, sa khoáng titan chiếm đến 83%, qua đánh giá sơ bộ khoảng trên 200 triệu tấn khoáng vật nặng. Như vậy, sau khi có kết quả điều tra khảo sát và thăm dò, rất có thể vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng các nước có trữ lượng quặng titan trên thế giới sẽ tăng nhiều bậc.

 


Khai thác titan tại mỏ Suối Nhum (Bình Thuận)


Titan đang “chảy máu”

 

Thời gian qua, do nhu cầu quặng tinh titan thế giới tăng cao nên số lượng doanh nghiệp tham gia khai thác, tuyển thô quặng titan tăng khá nhiều. Điều đáng nói, những đơn vị này không đủ tiềm lực chuyên môn. Vì vậy, tình trạng khai thác bừa bãi diễn ra, làm thất thoát tài nguyên, hủy hoại môi trường, xuất lậu quặng thô, gây thiệt hại kinh tế đất nước. Chỉ riêng khu vực miền Trung, đã có trên 40 đơn vị tổ chức khai thác ở 38 khu mỏ, 18 xưởng tuyển tinh quặng ra đời với hơn 2 triệu tấn quặng được khai thác.

 

Khai thác titan ở một số địa phương như: Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… đã gây ảnh hưởng lớn tới môi trường. Dọc các bãi biển miền Trung, công trường khai thác titan mọc lên như nấm. Người dân có thể lấy titan trên nền cát đen một cách dễ dàng, chỉ cần bóc lớp cát vài mét là đã lộ quặng và có thể khai thác đến độ sâu 10-16m. Tại tỉnh Hà Tĩnh, sa khoáng còn nằm ở vị trí nông hơn, cách mặt đất cát chỉ 2-4 m.

 

Bên cạnh đó, Theo Cục Thẩm định đánh giá tác động môi trường (Bộ TN&MT), hậu quả là đã làm cho đất, nước ngầm một số khu vực nhiễm mặn, nhiều hécta đất cát ven biển bị đào xới; rừng phi lao phòng hộ chắn gió, cát đã bị tàn phá, cảnh quan ven biển bị suy thoái nặng nề; nguồn nước ngọt trong cồn cát ven biển bị ô nhiễm và nhiễm mặn; đường giao thông nông thôn bị xuống cấp nghiêm trọng do vận chuyển quặng…

 

Chưa hết, trong quá trình khai thác, các đơn vị đã xả thải sau khai thác qua khu vực giáp biển mà không hoàn thổ sau khai thác; khai thác quá độ sâu, phạm vi cho phép đã làm thay đổi địa hình, mất cảnh quan môi trường, gây sạt lở bồi lấp, có nguy cơ xảy ra hiện tượng hoang mạc hóa. Sức khỏe của người dân vì thế cũng bị ảnh hưởng do ô nhiễm phóng xạ trong quá trình khai thác titan.

 

Điều đáng nói, phần lớn titan bán ra thị trường chủ yếu là quặng chưa qua chế biến, do đó Nhà nước chỉ thu được khoản thuế tài nguyên ít ỏi. Không chỉ thế, lợi nhuận cao từ việc bán titan đã khiến người dân đua nhau khai thác thủ công, buôn bán tràn lan. Chảy máu tài nguyên và việc Nhà nước thất thu là bài toán không dễ giải của các nhà quản lý.

 

Đẩy mạnh các dự án chế biến sâu

 

Để quản lý, khai thác, chế biến và sử dụng hợp lý khoáng sản titan, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều văn bản chỉ đạo ngành, địa phương và doanh nghiệp thực hiện tốt quy định luật pháp. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 104/2007/QĐ-TTg ngày 13-7-2007 về “Phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn 2007-2015, định hướng đến năm 2025”. Bộ Công Thương đã quy định phẩm cấp chất lượng khoáng sản trong giai đoạn chưa có chế biến sâu, đồng thời hạn chế, tiến tới dừng xuất tinh quặng ilmenite và chỉ đạo quyết liệt đầu tư các dự án chế biến sâu.

 

Theo đó, các vùng thuộc khu vực hoạt động khoáng sản titan gồm Thái Nguyên, vùng Thanh Hóa - Hà Tĩnh, vùng Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế, vùng Bình Định - Phú Yên và vùng Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2020, sẽ hình thành ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan với các sản phẩm chính là xỉ titan, gigment, titan xốp, titan kim loại. Đồng thời sẽ xây dựng phát triển tỉnh Bình Thuận trở thành trung tâm công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan với quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu. Đây được coi là những động thái nhằm phát triển ngành công nghiệp titan một cách bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Theo Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim, nếu sản xuất được xỉ titan hoặc rutil nhân tạo, giá trị sản phẩm tăng 2,5-3,5 lần; nếu sản xuất được titan pigment, giá trị tăng 10-15 lần; nếu sản xuất được titan kim loại, giá trị tăng ít nhất 80 lần; nếu sản xuất được zircon siêu mịn (từ zircon 65%) giá trị tăng 3-4 lần.

 

Về chế biến sâu, hiện tại mới có 2 nhà máy sản xuất ilmenite hoàn nguyên công suất 20.000 tấn/năm và 5 nhà máy luyện xỉ đã sản xuất giai đoạn 1, công suất 84.000 tấn/năm. Các dự án rutil nhân tạo và titan pigment đến nay vẫn chưa thực hiện được. Có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là không có đối tác chuyển giao công nghệ, đặc biệt, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế nên một số dự án chế biến sâu không thực hiện được hoặc phải dừng.

 

Đánh giá về sự phát triển lâu dài của việc khai thác, chế biến và xuất khẩu titan ở Việt Nam, các chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng, tài nguyên quặng sa khoáng titan ở Việt Nam rất lớn, đảm bảo đủ cơ sở để xây dựng các khu công nghiệp khai thác, chế biến hiện đại, phát triển ổn định lâu dài. Với số liệu quặng titan mới được phát hiện lớn gần gấp 7 lần so với trữ lượng hiện có thì việc tổ chức khai thác, chế biến sâu sao cho có hiệu quả, với quy mô thích hợp, tránh được những tiêu cực như trong thời gian qua là yêu cầu bức thiết nhằm đảm bảo công nghiệp titan của Việt Nam phát triển bền vững.

Theo Petrotimes
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Khai thác titan ở Việt Nam: Cần những giải pháp mang tính lâu dài

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
 Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
 Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

(Tin Môi Trường) - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, địa phương hiện có 648.370 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại dược liệu bản địa, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình đã được thực hiện thành công, mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi giảm nghèo.

KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI