Thứ ba, 21/01/2025, 12:19:07 PM (GMT+7)

Đất trồng lúa mất dần

(07:47:31 AM 29/02/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Tháng 11-2011, Quốc hội đã thông qua nghị quyết phải giữ cho được 3,8 triệu hecta đất lúa từ nay đến năm 2020. Tuy nhiên, các nhà khoa học và cả chính quyền địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long đều lo ngại khó thực hiện được chủ trương này.

 


Nông dân trồng hoa màu trong khu công nghiệp An Hiệp (Sóc Trăng)


Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa lớn nhất nước với khoảng 1,8 triệu hecta, cung cấp tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu hằng năm. Thế nhưng những năm gần đây diện tích đất trồng lúa cứ mất dần.

Trồng lúa trong khu công nghiệp

 

"Hiệu quả kinh tế là yếu tố quyết định sự lựa chọn của dân, dù trong quy hoạch địa phương có định hướng đất đó làm gì. Vì vậy, vấn đề là phải làm sao cho lợi nhuận từ trồng lúa cao hơn các loại cây trồng khác thì có bắt dân trồng cây khác họ cũng không làm"

Ông Nguyễn Văn Dương 
(phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp)

Chuyện ngược đời này đang xảy ra phổ biến ở nhiều tỉnh ĐBSCL. Do các tỉnh đua nhau thành lập khu công nghiệp (KCN), nhưng nhiều khu làm xong không có ai vào đầu tư nên phải bỏ hoang. Nông dân thấy vậy đã xin thuê lại để trồng lúa, trồng màu.

 

KCN Sông Hậu ở huyện Châu Thành (Hậu Giang) đã đền bù, giải tỏa được khoảng 340ha từ năm 2007. Hiện KCN này chỉ mới được san lấp mặt bằng một phần, phần đất còn lại cỏ mọc um tùm.

Ông Nguyễn Văn Đúng (ấp Phú Hưng, xã Đông Phú, huyện Châu Thành) nói gia đình ông đã nhận đền bù và giao đất cho Nhà nước làm KCN. Thế nhưng chờ hoài không thấy xây dựng nhà máy gì nên ông và nhiều người khác trở lại “trưng dụng” hàng chục hecta đất để trồng lúa và hoa màu. Dù vậy hiện nơi này vẫn còn đất hoang khá nhiều.

Ông Hà Văn Tuấn (xã Phú Tân) cho biết bản thân ông cũng muốn vào làm nhưng vì cỏ mọc cao tới đầu người, khai phá rất tốn kém nên ông không vô. “Trong KCN này muốn bao nhiêu đất trồng lúa cũng có, chỉ sợ không có tiền khai phá thôi” - ông Tuấn nói thêm.

Cũng khoảng năm 2007 tỉnh Sóc Trăng đã giải tỏa khoảng 180ha đất lúa năng suất cao ở thành phố Sóc Trăng để làm KCN An Hiệp. Dù đã được đầu tư khá hoàn chỉnh về hạ tầng, nhưng sau hơn năm năm triển khai vẫn còn 2/3 diện tích đất bỏ hoang nên người dân ở đây xin thuê đất đó để... sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Phước, người thuê đất trong KCN An Hiệp để mở trang trại, cho biết đã thuê đất trồng khoai lang, ớt, củ cải, dưa hấu, lúa trong KCN này từ hai năm trước. Lý do, theo ông Phước, đất tốt mà bỏ hoang thì phí quá!

Chỉ tay về phía cánh đồng khoai vừa thu hoạch, ông Phước khoe: “Hiện giờ tui khai khẩn được khoảng 100ha trong KCN này rồi. Năm đầu làm chỉ có 60ha trồng khoai lang tím, lời chừng 300 triệu đồng. Hiện diện tích trồng củ cải, dưa hấu, thanh long chưa thu hoạch hết nên chưa biết lãi bao nhiêu nữa”.

Theo ông Phước, cái lợi lớn nhất trong việc “khẩn hoang” đất ở KCN An Hiệp là chính quyền không bị mang tiếng, còn nông dân trong vùng bị giải tỏa trước đây có thể kiếm sống được nhờ làm thuê lại cho trang trại của ông. Trung bình mỗi ngày khoảng 100 lao động làm ở trang trại của ông, thu nhập bình quân 100.000 đồng/người.

Khó cản người dân

 

Dự kiến hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa

Trong năm năm trở lại đây, theo thống kê của các tỉnh thuộc vùng trọng điểm lúa ở ĐBSCL như Sóc Trăng, Đồng Tháp, Tiền Giang..., diện tích đất trồng lúa bị giảm trên dưới 1.000ha/năm. Tỉnh Sóc Trăng chỉ từ năm 2007-2010 đã mất tới 8.000ha. Đồng Tháp trong thời gian từ 2008-2010 cũng bị “bốc hơi” 3.000ha.

Bộ NN&PTNT vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, nhằm đảm bảo việc giữ và ổn định quỹ đất trồng lúa đến năm 2020 là 3,8 triệu hecta. Theo đó, dự kiến hộ nông dân sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước và 100.000 đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa khác. Ngoài ra còn hỗ trợ thiệt hại về phân bón và thuốc trừ sâu cho sản xuất lúa khi gặp thiên tai, dịch bệnh.

Đất trồng lúa “bốc hơi” nhanh không chỉ do các địa phương đua nhau quy hoạch KCN mà còn do người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất. Theo ông Hồ Quang Cua, phó giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, do không có chế tài trong việc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên trong 10 năm qua đã có khoảng 250.000ha đất lúa màu mỡ trong vùng ven biển ĐBSCL bị chuyển sang nuôi tôm.

 

Ông Cua lo ngại: “Tới đây các địa phương đẩy mạnh thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới nên chắc chắn sẽ có nhiều diện tích đất trồng lúa bị mất để làm đường giao thông, xây dựng nghĩa trang nhân dân, cụm tuyến dân cư, thậm chí là xây dựng khu - cụm công nghiệp. Một phần lớn đất lúa đã và sẽ chuyển sang trồng cây ăn trái dọc tuyến đường Nam sông Hậu cũng sẽ làm cho diện tích đất lúa của tỉnh bị thu hẹp”.

Tại tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh cho biết năm 2011-2012 có hơn 1.000ha đất lúa “biến mất”, chủ yếu do nông dân tự chuyển sang trồng cây ăn trái và do làm đường giao thông... Theo ông Lê Hữu Hải, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy, năm 2000 lũ lớn làm chết gần hết 15.000ha cây ăn trái, nên sau đó huyện quy hoạch hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái khoảng 20.000ha, tức sẽ chuyển 5.000ha đất lúa sang trồng cây ăn trái. Đến nay mục tiêu này sắp hoàn thành.

“Tuy nhiên thực tế không ít người dân trong vùng quy hoạch chuyên canh cây lúa ở phía bắc quốc lộ 1A tự ý chuyển sang vườn. Dù không nhiều nhưng cũng làm cho diện tích lúa mất dần”, ông Hải nói.

Ông Nguyễn Văn Dương, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nói mặc dù tỉnh rất quan tâm giữ đất lúa nhưng không thể ngăn được tình trạng người dân chuyển đổi mục đích. Chỉ ở những vùng ngập sâu, nhiễm phèn nặng thì nông dân không chuyển đổi đất trồng lúa sang các mô hình khác được. Còn ở những vùng ven sông, đất cồn... người dân chuyển đất lúa sang trồng màu hoặc cây ăn trái thì địa phương cũng bó tay.

Ông Nguyễn Văn Sánh, viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển ĐBSCL, cho biết có một nghịch lý là thời gian qua tỉnh nào chỉ trồng lúa thì bị xem là tỉnh nghèo. Nông dân của tỉnh đó đương nhiên cũng nghèo theo. Còn tỉnh nào “công nghiệp hóa” thì sẽ mau giàu hơn. Vì thế các địa phương đua nhau quy hoạch mở khu - cụm công nghiệp. Không chỉ vậy, người trồng lúa không thể khá giả bằng người trồng cây ăn trái hoặc nuôi trồng thủy sản nên khó mà ép họ phải làm lúa mãi được.

Ông Nguyễn Phú Son (Trường ĐH Cần Thơ) cảnh báo: “Nếu giảm diện tích đất trồng lúa sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp ở nông thôn gia tăng. Khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn sẽ càng xa, áp lực tăng dân số cơ học, tệ nạn xã hội... ở các thành phố cũng sẽ tăng”.

 

 

 
“Mất 1ha đất trồng lúa tôi cũng tiếc”

 

Về việc giữ đất trồng lúa, tiến sĩ Lê Văn Bảnh - viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL - cho rằng:

- Quốc hội có nghị quyết giữ 3,8 triệu hecta đất trồng lúa là điều rất đáng mừng. Đối với người làm khoa học về cây lúa, tôi thấy giữ được đất lúa là điều đáng quý đối với nông dân và đất nước. Bởi vì bây giờ nông dân chuyển đất trồng lúa sang cây ăn trái hay nuôi trồng thủy sản, mai mốt lỡ xảy ra thiếu ăn thì quay trở lại trồng lúa cũng không được.

* Ông nghĩ gì khi đất trồng lúa ở ĐBSCL cứ teo tóp dần?

- Vừa rồi họp HĐND thành phố Cần Thơ, nghe thành phố quy hoạch hơn 1.000ha đất cho công nghiệp, đô thị, tôi cảm thấy lo. Rồi mới đây nghe một số tỉnh cũng “trích ra” trên dưới 1.000ha đất nông nghiệp cho công nghiệp, giao thông, đô thị... tôi càng lo hơn. Với đà này ĐBSCL sẽ rất khó giữ được 1,85 triệu hecta đất trồng lúa như hiện nay. Mà đất ở ĐBSCL thì màu mỡ, trồng lúa đạt năng suất rất cao. Mất 1ha đất trồng lúa tôi cũng tiếc chứ nói chi là mất hàng ngàn hecta.

* Có thể giữ được đất trồng lúa ở ĐBSCL? Giữ bằng cách nào, theo ông?

- Tôi cho rằng không thể giữ 100% diện tích như hiện có được, nhưng đừng để mất quá nhiều thì có thể. Tôi cho rằng có hai việc cần làm ngay để giữ đất lúa. Một là, chính quyền địa phương phải quy hoạch vùng trồng lúa và phải quản lý chặt, không để vùng đất lúa bị xâm phạm. Hai là, Chính phủ phải có chính sách đặc thù cho nông dân trồng lúa, vì hiện nay người trồng lúa có thu nhập thấp nhất so với trồng cây khác. Chính sách hỗ trợ đó phải đảm bảo nông dân an tâm sống với nghề trồng lúa. Nếu không thì họ lén chuyển sang vườn hoặc nuôi thủy sản thì “bó tay”.

Thanh Tú- Vân Trường (Tuổi trẻ)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Đất trồng lúa mất dần

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
 Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
 Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

(Tin Môi Trường) - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, địa phương hiện có 648.370 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại dược liệu bản địa, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình đã được thực hiện thành công, mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi giảm nghèo.

KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI