Thứ năm, 23/01/2025, 03:30:52 AM (GMT+7)

Chưa có đồng nào nộp về quỹ phát triển rừng sau thủy điện

(14:13:18 PM 05/11/2013)
(Tin Môi Trường) - Theo quy định, đất rừng các loại được chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng thủy điện chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm trồng bù lại rừng hoặc phải nộp tiền về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng. Tuy nhiên ông Phạm Hồng Lượng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, "tới nay chưa có một doanh nghiệp nào nộp tiền về quỹ".

20.000ha rừng chuyển đổi mới trồng hoàn được gần 1.000ha rừng

 

Chưa có đồng nào về quỹ bồi hoàn rừng

 
PV: Theo báo cáo của Chính phủ, từ năm 2006 đến nay, có hơn 20.000 ha đất rừng các loại được chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng thủy điện nhưng chủ đầu tư chỉ trồng bù gần 1.000 ha. Nhìn vào con số này ông có suy nghĩ gì, thưa ông?
 
Ông Phạm Hồng Lượng: Việc chuyển đổi rừng trồng sang làm thủy điện đã được đề cập tại NĐ 23, và điều 10, NĐ 05/2008 của Chính phủ. Trong đó quy định Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng được thành lập do các địa phương trực tiếp quản lý. Song do sự chỉ đạo tại các địa phương chưa thực sự quyết liệt nên đến nay rất ít chủ đầu tư có dự án chuyển đổi mục đích để xây dựng thủy điện tự giác đi nộp tiền vào quỹ này.
 
Con số này chứng minh hai vấn đề: Một là việc phê duyệt dự án thủy điện tại địa phương có nhiều bất cập; hai là các chủ đầu tư xây dựng các dự án thủy điện không thực sự quan tâm tới việc trồng hoàn rừng.
 
Đặc biệt, việc chỉ đạo các chủ đầu tư, dự án thực hiện nhiệm vụ của mình là trồng lại rừng, hoặc lên phương án trồng lại rừng, hoặc nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tại các địa phương là không hiệu quả. 
 
Số tiền thu trồng hoàn rừng là rất nhỏ, không đáng kể. Chính vì vậy họ không có nguồn quỹ để trồng hoàn rừng, mà nguồn quỹ chủ yếu là chi trả các dịch vụ môi trường rừng.
 
Trước thực tế đó, đầu năm 2013, Bộ NN&PTNT mới ban hành Thông tư 24 hướng dẫn về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trồng bù rừng. 
 
Theo đó, địa phương nào không cân đối đủ quỹ đất khi chuyển đổi đất rừng cho doanh nghiệp làm thủy điện sẽ phải nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam để Quỹ điều tiết cho những địa phương đủ quỹ đất để trồng lại rừng. Nhưng cho đến nay thì chưa có một chủ đầu tư dự án thủy điện nào nộp tiền về Quỹ. Hay nói cách khác, Quỹ chưa có một đồng nào.
 
PV: Quy định là vậy nhưng tới nay  Quỹ vẫn “rỗng” và vẫn có chuyện 20.000ha rừng chuyển đổi mới chỉ trồng lại được gần 1.000ha, khó khăn là gì, thưa ông? 
 
Ông Phạm Hồng Lượng: Đúng vậy. Cho tới thời điểm này, chưa có một doanh nghiệp nào nộp vào quỹ theo quy định. Chỉ có một số ít địa phương doanh nghiệp thực hiện nộp tiền như Nghệ An, Kontum để phục vụ cho công tác trồng lại rừng tại địa phương nên mới có số liệu đó.  
 
Nhưng phải nói rõ, không phải địa phương họ không trồng lại rừng mà các chủ đầu tư xây dựng dự án thủy điện không nộp tiền vào quỹ nên địa phương họ không có tiền để trồng lại. Vì khi thỏa thuận, lên phương án chủ đầu tư nào cũng hứa trồng hoàn rừng nhưng khi duyệt dự án thông qua thì không một chủ đầu tư nào thực hiện trách nhiệm trồng rừng, cũng không nộp tiền về quỹ.
 
Một Khó khăn nữa là việc không xác định được ranh giới diện tích tới từng chủ rừng. Nếu không cẩn thận có thể sẽ xảy ra tình trạng kiện tụng, gây bất ổn  tại địa phương.
 
Càng không thể lấy tiền từ quỹ này đi trồng rừng của địa phương khác, mà nằm trong lưu vực nào thì phải trả cho lưu vực đó. 
 
PV: Theo ước tính của ông, số tiền các chủ đầu tư nợ đọng để trồng hoàn rừng là bao nhiêu?
 
Ông Phạm Hồng Lượng: Vừa rồi chúng tôi có gửi công văn sang Bộ Công thương, đề nghị chỉ đạo EVN, cũng như các công ty thủy điện vừa và nhỏ phải thực hiện trách nhiệm đóng góp số tiền gần 300 tỷ từ dịch vụ môi trường rừng. 
 
Còn với số tiền chuyển đổi đất rừng sang làm dự án thủy điện thì chưa có được con số chính thức. Trong hơn 20.000ha mới trồng được gần 1000ha, số tiền trồng hoàn rừng còn lại đương nhiên phải nộp về quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam nhưng chưa có tính toán con số cụ thể vì nó phụ thuộc vào các cơ quan thẩm định tại địa phương. 
 
Chưa có tiêu chí tính toán bồi hoàn rừng
 
PV: Vậy chức năng, nhiệm vụ chính của quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam hiện nay là gì, thưa ông?
 
Ông Phạm Hồng Lượng: Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trung ương được thành lập theo Quyết định 114 ngày 28/11/2008. Theo đó, Quỹ được coi là một tổ chức tài chính nhà nước có nhiệm vụ huy động các nguồn lực cho phát triển rừng. Nguồn thu gồm rất nhiều nguồn, hỗ trợ vốn nhà nước 100 tỷ, các nguồn tài trợ, các khoản đóng góp tự nguyện. 
 
Hoạt động chủ yếu của quỹ tới thời điểm này là thực hiện  ủy thác các chính sách chi trả dịch vụ rừng. 
Từ năm 2008, nguồn thu của cả hệ thống quỹ khoảng 2.300 tỷ, chi ra khoảng 65%. (Theo cơ chế, quỹ trung ương được giữ lại 5% quản lý, quỹ địa phương được giữ lại 5% quản lý, 5% dự phòng. 85% trả các chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân giao khoán phát triển rừng).
 
Tôi cũng phải khẳng định quỹ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam là tổ chức tài chính thực hiện chức năng huy động, quản lý và sử dụng hoạt động cho bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng chứ không làm nhiệm vụ thay cho các cơ quan quản lý về lâm nghiệp từ trung ương tới địa phương. 
 
Bởi vậy, việc thu và chi dựa trên những quyết định của các cơ quan có thẩm quyền về lâm nghiệp, không thể nói, địa phương không thực hiện, vi phạm lại đổ lỗi cho quỹ. Quỹ chỉ là nơi nhận tiền.
 
PV: Còn cơ chế thực hiện việc trồng rừng được tiến hành theo hình thức nào. Cơ quan nào chịu trách nhiệm thực hiện, giám sát, thưa ông?
 
Ông Phạm Hồng Lượng: Trong quản lý lâm nghiệp có hai hình thức: Nếu hệ thống theo ngành dọc thì giao theo nhiệm vụ. Nếu công việc có sự tham gia của rất nhiều bên thì mới sử dụng hình thức đấu thầu. 
 
Ví dụ, chỉ thuần túy là không có quỹ đất giao cho doanh nghiệp trồng hoàn rừng thì đương nhiên phải giao cho họ. Không thể bảo một đơn vị bên ngoài trồng trên đất của đơn vị khác. 
 
Tổng Cục lâm nghiệp chính là đơn vị chịu trách nhiệm giám sát tình hình thực hiện tại các địa phương, tuy nhiên, trách nhiệm quản lý tại địa phương là rất lớn. Nếu thuần túy chỉ là trồng lại rừng đương nhiên cơ quan quản lý lâm nghiệp sẽ thực hiện giám sát, quản lý chức năng này. 
 
Và việc giám sát được thực hiện tới khi rừng trồng hoàn phát triển thành rừng, tức là 1 năm trồng phải có 5 năm chăm sóc. Trong khoảng thời gian này, chủ đầu tư, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trong trường hợp có rủi ro.
 
PV: Vậy thưa ông, theo quy định mỗi một ha rừng chuyển đổi làm dự án thủy điện sẽ phải trồng hoàn lại bao nhiêu ha rừng và nếu quy đổi ra tiền sẽ được tính toán dựa trên cơ sở nào, thưa ông?
 
Ông Phạm Hồng Lượng: Chúng ta chưa có một quy định nào quy định cụ thể về điều khoản này. Bởi rừng là một thực thể sinh học logic nhiều loại khác nhau. Chỉ phân theo nguồn gốc đã có là rừng trồng, rừng tự nhiên. Còn với thực trạng thì có rừng nghèo, rừng giàu. Hơn ai hết với mỗi chủ đầu tư khi xây dựng dự án phải xây dựng phương án trồng bù rừng và địa phương quyết định.
 
Không thể áp dụng nơi này với nơi khác, địa phương này với địa phương khác. 
 
PV:- Như vậy là không có một tính toán nào cụ thể mà việc tính toán quy đổi ra số tiền là hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa địa phương với chủ đầu tư dự án, thưa ông?
 
Ông Phạm Hồng Lượng: Đúng. Nó thể hiện trên phương án mà doanh nghiệp và địa phương xây dựng, thỏa thuận.
 
Nhờ Quốc hội can thiệp
 
PV: Vậy Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng dựa vào đâu đề yêu cầu các chủ đầu tư nộp tiền về quỹ, thưa ông?
 
Ông Phạm Hồng Lượng: Quỹ không phải là cơ quan đứng ra thỏa thuận về mức thu mà do các cơ quan quản lý lâm nghiệp tham mưu cho địa phương, với trung ương là Bộ NN&PTNT. Quỹ chỉ thực hiện dựa trên các thỏa thuận đó của địa phương. 
 
PV: Trong trường hợp chủ đầu tư chây ì, không thực hiện, Quỹ sẽ làm gì để yêu cầu các chủ đầu tư, doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm nộp tiền về quỹ, thưa ông?
 
Ông Phạm Hồng Lượng: Chúng tôi đã có báo cáo gửi Chỉnh phủ, Ủy ban môi trường của QH nêu rõ những bất cập trong việc trồng bù rừng và chuyển đổi đất rừng. Trong đó có đề cập tới việc thực hiện trồng bù rừng tại các địa phương còn chậm trong khi đó chế tài của chúng ta chưa đủ mạnh.
 
Ví dụ, chậm nộp, không nộp cũng không có một cơ chế nào bắt họ phải phạt, hay xử lý thế nào. 
 
Hay quy định chỉ trả dịch vụ môi trường rừng, tiền chuyển đổi mục đích rừng và đất rừng nhưng lại không có cơ chế nộp vào.
 
Theo đó, Bộ NN&PTNT đã xin ý kiến Quốc hội cho phép phối hợp cùng các bộ ngành, địa phương xây dựng các quy định chế tài cụ thể xử lý những chủ đầu tư, doanh nghiệp đối với những trường hợp này.
Nếu thực hiện đúng các quy định, chủ đầu tư, doanh nghiệp phải có phương án trồng bù rừng mới được cấp phép chuyển đổi dự án đất rừng sang làm thủy điện. Trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện đúng địa phương có quyền rút giấy phép đầu tư. 
 
Đây là trách nhiệm của các địa phương, bởi hầu hết các dự án thủy điện đều do địa phương trực tiếp cấp giấy phép và địa phương phải chịu trách nhiệm.
 
PV: Xin cảm ơn ông!
Hiếu Lam (báo Đất việt)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Chưa có đồng nào nộp về quỹ phát triển rừng sau thủy điện

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
 Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
 Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

(Tin Môi Trường) - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, địa phương hiện có 648.370 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại dược liệu bản địa, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình đã được thực hiện thành công, mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi giảm nghèo.

KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI