Tài nguyên - Thiên nhiên
Bảo tồn hệ sinh thái - điểm mấu chốt cho sự phát triển bền vững biển, đảo
(10:14:19 AM 18/11/2015)Hòn Mun - Nha Trang -Ảnh: TL
* Nỗ lực khai thác đi đôi với bảo tồn
Đều đặn vào mỗi buổi sáng, anh Nguyễn Tương lại lái ghe từ giữa Khu bảo tồn biển Rạn Trào, nằm trong vịnh Vân Phong (thuộc xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) cập bờ. Chiến lợi phẩm thu được sau một đêm đánh bắt của anh Tương là 4 - 6 kg cá, tôm. Anh Tương cho biết: Từ ngày khu biển này được bảo vệ, các loại thủy sản đánh bắt được thường xuyên hơn, qua đó tạo nguồn thu nhập chính cho gia đình. Người dân ở đây bảo nhau cùng gìn giữ “miếng cơm, manh áo” của mình chứ không như trước mạnh ai nấy làm, đánh bắt tận diệt rồi tôm, cá không còn, chẳng biết làm nghề gì nữa.
Khu bảo tồn biển Rạn Trào được thành lập năm 2000, mặc dù chỉ cách bờ vài hải lí và rộng gần 90ha, trong đó vùng lõi 54ha nhưng hệ động, thực vật ở đây rất phong phú với 28 rạn san hô, tạo điều kiện cho hàng trăm loài cá, tôm trú ngụ, sinh nở. Trước đây, khi chưa có khu bảo tồn, nạn khai thác san hô sống và đánh bắt hải sản tận diệt đã khiến môi trường bị suy giảm nghiêm trọng. Mô hình đồng quản lý trong khu bảo tồn đã giúp cải thiện đáng kể hệ sinh thái biển ở đây. Chính người dân địa phương khai thác và bảo vệ vùng biển này, do đó những rạn san hô dần được khôi phục, tôm, cá cũng nhiều hơn. Theo Tiến sĩ Nguyễn Lâm Anh - Đại học Nha Trang, trên 87% người dân địa phương cho rằng lập khu bảo tồn là giải pháp hiệu quả, gần 71% người dân nghĩ rằng đồng quản lý là cách tiếp cận tốt nhất.
Cũng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ hệ sinh thái biển, năm 2001 tỉnh Khánh Hòa thành lập Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang. Từ đó đến nay, tỉnh thực hiện nhiều biện pháp bảo tồn hệ sinh thái ở vịnh biển này như: Thu gom chất thải rắn, trồng rừng ngập mặn ven đảo, lắp két chứa chất thải cho tất cả 126 tàu hoạt động du lịch trên vịnh. Việc phục hồi san hô từng bước được tiến hành, tỉnh cũng quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch. Tuy nhiên, hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang vẫn đang bị đe dọa bởi nhiều tác động tiêu cực, nhất là vấn nạn rác thải chưa thể xử lí triệt để. Trong mắt nhiều du khách, phong cảnh vịnh đẹp thế giới Nha Trang sẽ hoàn hảo hơn nếu không còn bắt gặp cảnh rác thải nổi lềnh bềnh trên mặt biển ở gần những khu nuôi trồng thủy sản.
Ông Trương Kỉnh, Trưởng ban quản lý vịnh Nha Trang cho biết, lượng rác từ đất liền đổ ra vịnh chủ yếu qua hai cửa sông Cái và sông Tắc. Đơn vị đã đề xuất trang bị tàu vớt rác trôi nổi trên biển; đối với tàu chở khách du lịch, lồng bè nuôi trồng thủy sản và cơ sở dịch vụ trên đảo phải ký hợp đồng đưa rác vào bờ. Bên cạnh đó, nước thải ra vịnh Nha Trang cũng đang là vấn đề lớn khi xung quanh vịnh còn nhiều cống xả nước thải chưa được xử lý triệt để. Rừng ngập mặn, thảm cỏ biển ven các đảo và rạn san hô cũng bị suy giảm.
Vịnh Vân Phong, Nha Trang -Ảnh: TL
* Hướng đến phát triển bền vững
Khánh Hòa có vùng biển, đảo rộng trên 47.000 km2, đường bờ biển dài 385 km. Theo ông Nguyễn Tác An - Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật Biển Việt Nam, biển Khánh Hòa là 1 trong 4 trung tâm có đa dạng sinh học biển cao nhất thế giới khi đã ghi nhận được 365 loài thuộc 64 giống san hô tạo rạn, trong rạn có hàng trăm loài cá, sinh vật biển có giá trị kinh tế và bảo tồn. Thế nhưng từ năm 1994 - 2014, độ phủ san hô sống tại 8 điểm rạn nghiên cứu đã giảm trên 31%.
Trên cơ sở khoa học, các nhà nghiên cứu, quản lý về biển, đảo đều cho rằng thời gian qua tỉnh Khánh Hòa đã tích cực triển khai chiến lược phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững. Song kinh tế biển, đảo Khánh Hòa có đạt được mục tiêu phát triển bền vững hay không phụ thuộc vào hiệu quả và tính hợp lí của việc sử dụng các đảo, vùng và vịnh biển nổi tiếng của tỉnh.
Phó Giáo sư Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, vùng bờ biển Khánh Hòa cần được phân vùng sử dụng theo không gian dựa vào hệ sinh thái, trong đó phải tôn trọng các chức năng và lợi thế, cũng như phát huy được lợi thế so sánh của mỗi hệ thống tự nhiên. Vì các vịnh, đầm và thủy vực ven bờ biển ở đây đều là những thực thể tự nhiên có hệ sinh thái độc đáo, đòi hỏi phải có phương thức khai thác, sử dụng phù hợp. Ví dụ, vịnh Cam Ranh ưu tiên cho quân cảng, vịnh Nha Trang chỉ dành cho du lịch, vịnh Vân Phong dành cho thương cảng và tạo ra liên kết giữa chúng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Công Mỹ, nguyên Trưởng ban thông tin và hợp tác quốc tế - Viện Chiến lược phát triển, cần thúc đẩy nhanh việc bảo tồn các hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập mặn, cỏ biển ven đảo. Sớm thành lập vườn quốc gia đảo Hòn Mun và các khu bảo tồn biển trong vịnh Cam Ranh, Vân Phong; xây dựng năng lực tự kiểm soát và chủ động bảo vệ môi trường của doanh nghiệp; bảo vệ và mở rộng diện tích rừng phòng hộ ven biển ở bán đảo Tuần Lễ, khu vực cửa biển ở thị xã Ninh Hòa, hai thành phố Nha Trang và Cam Ranh.
Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang Võ Sĩ Tuấn đánh giá, thực tế cho thấy vùng biển Khánh Hòa đang đương đầu với các vấn đề môi trường như: Mất mát và suy thoái hệ sinh thái, khai thác quá mức, ô nhiễm, suy thoái cảnh quan biển và trên cạn. Vì vậy, cần thiết lập vùng không khai thác trong các khu bảo tồn biển nhằm duy trì tài nguyên sinh vật và bảo tồn những loài quý hiếm, tạo cơ chế và thực thi việc doanh nghiệp, cộng đồng quản lý sử dụng tài nguyên, phát triển công nghệ nuôi biển sâu thân thiện môi trường.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Thái Bình giữ nguyên diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải
- Tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sạch, đảm bảo vệ sinh
- Cần Giờ sắp trở thành khu Ramsar thế giới
- Rừng phòng hộ huyện Cần Giờ được đề cử thành khu Ramsar
- Hồ thủy điện Đồng Nai 4 tiếp tục bị xâm hại
- Hiện trạng rừng Việt Nam năm 2022
- COP 15 và tham vọng về bảo tồn đa dạng sinh học trong thập kỷ tới
- Độc đáo rừng nguyên sinh Rú Lịnh
- WWF tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong thập kỷ cơ hội của đa dạng sinh học
Bài viết mới:
- Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (19/01/2025)
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải (06/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn
(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.
Phát hiện thiếu sót tại một số nhà máy điện gió nghìn tỷ ở Cà Mau
(Tin Môi Trường) - Qua kiểm tra nhiều nhà máy điện gió đang vận hành ở Cà Mau, ngành chức năng đã phát hiện một số thiếu sót.
Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng
(Tin Môi Trường) - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, địa phương hiện có 648.370 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại dược liệu bản địa, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình đã được thực hiện thành công, mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi giảm nghèo.