Chủ nhật, 24/11/2024, 03:29:04 AM (GMT+7)

Bảo tồn đa dạng sinh học-cơ sở phát triển bền vững đất nước

(19:44:49 PM 03/05/2015)
(Tin Môi Trường) - Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có đa dạng sinh học cao của thế giới, với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu. Đa dạng sinh học ở Việt Nam có ý nghĩa to lớn, các hệ sinh thái với nguồn tài nguyên sinh vật phong phú đã mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế.

Đặc biệt là trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, duy trì nguồn gen tạo giống vật nuôi, cây trồng; cung cấp vật liệu cho xây dựng và các nguồn dược liệu, thực phẩm…Ngoài ra, các hệ sinh thái còn đóng vai trò quan trọng trong điều tiết khí hậu và bảo vệ môi trường.

 

Các khu DTSQ có giá trị đa dạng sinh học cao- Ảnh : TL



Bài I: Hiện trạng đa dạng sinh học


Xuất phát từ địa hình và khí hậu nhiệt đới gió mùa của nước ta, đã tạo ra sự đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên, trong đó hệ sinh thái rừng bao gồm rừng thường xanh đất thấp, rừng bán thường xanh, rừng khộp lá rụng, rừng thảo nguyên, rừng đầm lầy nước ngọt, rừng trên núi đá vôi, rừng ngập mặn…Ngoài hệ sinh thái rừng, Việt Nam cũng có nhiều hệ sinh thái khác rất đa dạng như đồng cỏ, các vùng đất ngập nước nội địa, đụn cát, bãi triều, cửa sông, thảm cỏ biển và rạn san hô, vùng biển sâu.

Ý nghĩa toàn cầu

Theo báo cáo của Cục Bảo tồn đa dạng sinh học-Tổng cục Môi trường: Việt Nam là nơi sinh sống của khoảng 7.500 loài chủng vi sinh vật; khoảng 20.000 loài thực vật bậc cao trên cạn và dưới nước; khoảng 10.500 loài động vật trên cạn gồm 1.000 loài động vật không xương sống ở dưới đất; 7.700 loài côn trùng, gần 500 loài bò sát-ếnh nhái, 850 loài chim và 312 loài thú. Dưới biển có khoảng 1.000 loài cá; ở nước ngọt có trên 7.000 loài động vật không xương sống, khoảng 2.500 loài cá và xấp xỉ 50 loài rắn biển, rùa biển, thú biển. Các nhà khoa học cho rằng số loài sinh vật đã biết ở Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với số loài đang sống trong thiên nhiên, nên chắc chắn còn nhiều loài sinh vật hoang dã khác chưa được biết tới.

Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Trong số 238 vùng sinh thái ưu tiên toàn cầu được Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) ghi nhận, Việt Nam đã có 6 vùng gồm rừng ẩm trên dãy Trường Sơn, rừng khô Đông Dương, vùng hạ lưu sông Mê Công, rừng ẩm á nhiệt đới Bắc Đông Dương, rừng ẩm Đông Nam Trung Quốc-Hải Nam và sông suối Tây Giang (sông Bằng-Kỳ Cùng). Một số lượng đáng kể các khu bảo tồn của Việt Nam đã được thế giới hoặc khu vực công nhận. Đó là 4 khu Ramsar, 8 khu Dự trữ sinh quyển, 2 khu Di sản thiên nhiên thế giới và 4 khu Di sản ASEAN.

Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế cũng đã xác định Việt Nam có 63 vùng chim quan trọng, chiếm khoảng 5% tổng diện tích đất liền của cả nước. Trong đó 4 tỉnh có 19 vùng chim quan trọng là Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai và Quảng Bình.

Những nguy cơ gây suy giảm và suy thoái

Phân tích về những nguyên nhân trực tiếp gây suy giảm, suy thoái đa dạng sinh học của Việt Nam hiện nay, Tiến sĩ Phạm Anh Cường, Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học nhấn mạnh, đó là nguyên nhân khai thác trái phép và quá mức tài nguyên sinh vật; hệ sinh thái và nơi cư trú của loài bị chia cắt và suy thoái; nguyên nhân ô nhiễm môi trường; sự du nhập các loài ngoại lai xâm hại và do biến đổi khí hậu ngày một hiện hữu.

Cụ thể như việc khai thác trái phép các loài động vật hoang dã phục vụ nhu cầu sinh sống, giải trí hoặc thương mại đã đẩy nhiều loài động vật của Việt Nam đến bờ vực tuyệt chủng trong tự nhiên, gây sức ép nghiêm trọng lên các quần thể khác. Chỉ tính riêng trong năm 2010, Cục Kiểm lâm đã thu giữ trên 34.000 tấn gồm 13.000 cá thể động vật hoang dã bị buôn bán trái phép.

Tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, tình trạng khai thác tận diệt các cây thuốc quý để xuất lậu qua biên giới khá phổ biến. Sự khai thác quá mức các loài thực vật không chỉ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, mà còn gây tiêu cực đến sinh kế của người dân vùng nông thôn, khi cuộc sống của họ phụ thuộc chủ yếu vào các sản phẩm lâm nghiệp.

Dân số tăng và mức độ tiêu dùng tăng, cùng với quản lý đánh bắt kém hiệu quả cũng dẫn tới khai thác thủy sản quá mức đang làm suy giảm tổng lượng đánh bắt. Cách thức khai thác mang tính hủy diệt như dùng chất nổ, chất độc và sốc điện tràn lan, khó kiểm soát đang là mối đe dọa cao đối với hơn 80% diện tích thảm cỏ biển và rạn san hô của nước ta.

Tại Việt Nam, rừng vẫn còn là môi trường sống chủ yếu của phần lớn các loài động, thực vật bị đe dọa trên toàn cầu. Tuy vậy, các khu rừng của nước ta đã bị chặt phá vì mục đích thương mại và phi thương mại trong nhiều thập kỷ, dẫn đến suy giảm mạnh về diện tích và chất lượng, trong đó còn rất ít rừng nguyên sinh. Hàng năm Cục Kiểm lâm thu giữ hàng chục ngàn m3 gỗ tròn và gỗ xẻ quý hiếm. Có trường hợp lâm tặc ngang nhiên khai thác trái phép rừng gỗ nghiến ngay tại vùng lõi của Vườn Quốc gia, gây nhức nhối cho xã hội.

Cùng với đó là chuyển đổi đất rừng thành đất trồng cây công nghiệp. Riêng vùng Tây Nguyên trong năm 2008 đã phá bỏ 150.000 ha rừng khộp thành đất trồng cao su. Còn ở vùng ven biển thì nhiều khu rừng ngập mặn, đầm phá, bãi triều bị cải tạo thành nơi nuôi tôm, nuôi ngao và hải sản khác. Kể từ năm 1943 đến năm 2005, có ít nhất 220.000 ha rừng ngập mặn biến mất một phần do chiến tranh, nhưng phần lớn là do hoạt động chặt phá để nuôi trồng thủy sản.

Theo kịch bản do Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu-Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu nước biển dâng cao từ 75 cm đến 1 m, sẽ có 78 trong tổng số 286 “Sinh cảnh sống tự nhiên trọng yếu”, 46 khu bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam sẽ bị tác động nghiêm trọng. Nhiều loài động, thực vật hoang dã phải chịu áp lực ngày càng tăng do phải thay đổi nơi cư trú, nguồn thức ăn bị thay đổi và thiên tai diễn ra thường xuyên hơn. Một số loài thực vật và động vật có xương sống có thể sẽ bị tuyệt chủng trong thế kỷ tới, do tác động của hiện tượng này.

Văn Hào
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Bảo tồn đa dạng sinh học-cơ sở phát triển bền vững đất nước

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
 Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
 Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam

Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam

(Tin Môi Trường) - Sáng 17/11/2024, các cấp chính quyền, đoàn thể và cộng đồng thôn An Phú, xã Hoà Phú (huyện Ứng Hoà – Tp. Hà Nội) đã long trọng tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân và lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho cây Đa và cây Nhội cổ thụ được trồng trong khuôn viên Đình làng cách đây hơn 300 năm.

KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI