»

Thứ bảy, 18/01/2025, 10:01:43 AM (GMT+7)

Ecuador: dầu hay vườn quốc gia?

(10:37:12 AM 25/08/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Thế giới đứng trước một chọn lựa khó khăn do Ecuador đặt ra: phải trả cho nước này 100 triệu USD trước tháng 12-2011, nếu không nước này sẽ bắt tay khai thác dầu khí ở vườn quốc gia Yasuní, một trung tâm dự trữ sinh quyển và đa dạng sinh học lớn vào bậc nhất hành tinh thuộc rừng Amazon.

 

Công nhân lắp đặt đường ống dẫn dầu ở rừng Amazon thuộc Ecuador. Vườn quốc gia Yasuní có thể sẽ bị “xẻ thịt” nếu Ecuador không có 100 triệu USD trước tháng 12-2011 - Ảnh: Science Photo Library

 

Đã 75 năm trôi qua kể từ khi Tập đoàn Shell khai phá tiềm năng dầu khí ở Ecuador, đến nay nước này đã khai thác được khoảng 9 tỉ thùng dầu và thu về 130 tỉ USD, chiếm khoảng 40% tổng thu của ngân sách.

 

Năm năm trước, Công ty dầu khí quốc gia Petroecuador đã phát hiện một mỏ dầu có trữ lượng lên đến gần 1 tỉ thùng ở lô 31, nằm trong vườn quốc gia Yasuní gần biên giới với Brazil. Mỏ dầu này chiếm 20% tổng trữ lượng dầu của toàn Ecuador và trị giá 7,2 tỉ USD. Việc khai thác mỏ dầu này được xem là cơ may giúp Ecuador thoát nghèo. Trớ trêu là nó sẽ lại hủy hoại môi trường tự nhiên trên phạm vi rộng.

 

“Thiên đường” hay dầu?

 

Yasuní là một trong những nơi cuối cùng trên Trái đất còn toàn vẹn vẻ nguyên sơ chưa bị con người tác động. Đây cũng là nơi sinh sống của hai bộ lạc Tagaeri và Taromenane, là hai bộ lạc chưa hề tiếp xúc với thế giới.

 

Các nhà nghiên cứu khẳng định vườn quốc gia Yasuní có nhiều loài cây, động vật và côn trùng trên mỗi hecta hơn bất cứ nơi nào trên trái đất. Tại một ô nghiên cứu ngẫu nghiên rộng 6km2, họ phát hiện 47 loài lưỡng cư và bò sát, 550 loài chim, 200 loài động vật có vú. Tại một lô nghiên cứu khác, số loài dơi và côn trùng đếm được nhiều hơn bất cứ nơi nào từng được nghiên cứu trên thế giới. Số loài cây có mặt trong 1ha rừng ở Yasuní hơn tất cả các loài cây ở Bắc Mỹ. Số loài côn trùng sống trên chỉ một cây nhiều hơn tất cả số loài côn trùng có mặt ở Mỹ. Số loài chim ở Yasuní cũng nhiều hơn tổng số loài chim có mặt ở châu Âu.

 

Alberto Acosta, cựu bộ trưởng dầu khí Ecuador và nay là giảng viên đại học, một trong những người đầu tiên biết về mỏ dầu Yasuní, thừa nhận trữ lượng dầu ở lô 31 khiến ông choáng ngợp. Ông là một trong số vài người đã đến khảo sát tận nơi và vấn đề nan giải của ông khi còn làm bộ trưởng là làm sao đánh giá đầy đủ mối quan hệ được - mất của việc khai thác dầu trong vườn quốc gia này. “Yasuní là một trong những nơi cuối cùng trên Trái đất hoàn toàn chưa bị bàn tay con người chạm đến. Đó là một thiên đường” - ông Acosta nhận định.

 

Nhưng Ecuador lại là đất nước có đến 33,1% dân số sống dưới mức nghèo đói. Việc khai thác mỏ dầu này có thể là một trong những cơ hội lớn cuối cùng để tăng ngân sách cho y tế, giáo dục, xây dựng hạ tầng và các cơ sở công nghiệp. Có điều, việc khai thác dầu sẽ thải ra 400 triệu tấn khí CO2, tác nhân chính gây biến đổi khí hậu. Toàn bộ sinh thái tự nhiên ở Yasuní sẽ bị phá hủy và Ecuador phải trả giá trước hết.

 

“Việc khai thác dầu không chóng thì chầy sẽ gây ô nhiễm, mất rừng, suy thoái văn hóa và cấu trúc xã hội. Nó đòi hỏi phải xây dựng rất nhiều cơ sở hạ tầng kèm theo bao gồm đường sá, cầu cảng, sân bay, kho bãi, đường ống dẫn và nơi chôn hàng triệu tấn chất thải ngay ở nơi đang là vườn quốc gia. Ngoài ra, cũng có phần chắc chắn là công nghiệp dầu sẽ tạo ra những vấn nạn xã hội khác như tham nhũng và bạo lực” - ông Acosta cảnh báo.

 

Kiếm đâu ra 60 triệu USD?

 

Chính quyền Ecuador đã chuẩn bị hai phương án. Kế hoạch A: để tài nguyên dầu khí ngủ yên, đổi lại Ecuador sẽ nhận được số tiền tương đương một nửa giá trị khu mỏ từ các nước giàu trên thế giới. Còn kế hoạch B: tiến vào Amazon khoan dầu lấy tiền.

 

Kết quả thăm dò cho thấy 90% người dân Ecuador ủng hộ kế hoạch A. “Nếu thế giới đóng góp một nửa giá trị của 960 triệu thùng dầu, tương đương 3,6 tỉ USD, chúng tôi đảm bảo rừng nguyên sinh sẽ được bảo vệ” - ông Acosta khẳng định. Số tiền thế giới trả cho Ecuador sẽ được dùng để đầu tư cho y tế, giáo dục, bảo vệ vườn quốc gia Yasuní và các vườn quốc gia khác.

 

Năm 2007, Liên Hiệp Quốc và lãnh đạo Ecuador đã bắt đầu cuộc đối thoại về vấn đề bảo vệ rừng Amazon. Tại cuộc họp này, một quan chức phụ trách vấn đề môi trường của Ecuador khẳng định quan điểm của nước mình là: “Rất đơn giản. Các bạn trả tiền và chúng tôi sẽ không động đến Amazon”. Năm 2010, Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc đồng ý đứng ra gây quỹ và thành lập Quỹ Yasuní Ishpingo Tambococha Tiputini (ITT) nhận đóng góp từ nhiều cá nhân, tổ chức và chính phủ để Ecuador vĩnh viễn không động đến vườn quốc gia Yasuní.

 

Trước mắt, đến tháng 12-2011, các nước phải đưa cho Ecuador 100 triệu USD để giữ nguyên trạng khu rừng nguyên sinh và đời sống của những thổ dân. Nếu không, một công ty Trung Quốc sẽ bắt tay vào khai thác dầu. Cho đến nay, hai nước Chile và Peru đã đóng góp cho ITT một số tiền tượng trưng, Tây Ban Nha góp 1 triệu euro, còn Ý cũng đã miễn nợ cho Ecuador 35 triệu euro. Khoảng 40 triệu USD đã được huy động. Tuy nhiên, ITT vẫn còn cần thêm 60 triệu USD. Dù ITT được nhiều ngôi sao và chính khách nổi tiếng như Leonardo DiCaprio, Muhammad Yunus, Rigoberta Menchú và nhiều nhân vật tên tuổi khác ủng hộ, song câu hỏi là làm sao để có được số tiền lớn trên trước hạn chót tháng 12-2011.

 

HỒNG VÂN/TT
(Theo Guardian, UNDP, Wildlife Conservation Society)

 

TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Ecuador: dầu hay vườn quốc gia?

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.

Tin Môi Trường
 Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

VACNE 30 năm
 Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

(Tin Môi Trường) - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, địa phương hiện có 648.370 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại dược liệu bản địa, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình đã được thực hiện thành công, mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi giảm nghèo.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI