»

Thứ bảy, 18/01/2025, 08:53:52 AM (GMT+7)

Điện gió - nguồn năng lượng mới ở ĐBSCL sắp ra đời Tin mới nhất

(22:30:28 PM 24/10/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) -Không còn lâu nữa, ngay bãi biển này sẽ diễn ra lễ khánh thành tua bin đầu tiên của dự án điện gió tiên phong trên đất đồng bằng. Cả dải phù sa châu thổ lại được đánh thức bởi tiềm năng biển, với thế mạnh mới. Đất chín Rồng đâu chỉ là vựa lúa, biển Nam bộ không chỉ có cá tôm.

  • Biển xanh và năng lượng sạch

 

 

Tỉnh ủy Bạc Liêu vừa mở ra định hướng mới, rất táo bạo: Bên cạnh Nhà máy điện gió, tỉnh còn quyết tâm thực hiện tiếp công trình Nhà máy điện mặt trời 250MW và Nhà máy điện Bạc Liêu I ở cửa biển Cái Cùng thuộc huyện Đông Hải (3 giai đoạn, từ 2011 đến 2025) với tổng công suất 3.600MW khi hoàn thành. Một trung tâm năng lượng ĐBSCL trong tương lai.

 

Công trường của dự án điện gió Bạc Liêu (ấp Biển Đông A – xã Vĩnh Trạch Đông - TP Bạc Liêu) nằm sát bãi bồi ven biển, khuất sau những rặng đước, rặng bần cao vút. Trên các sà lan lớn kết với nhau nằm cách bờ hơn 200m, những chiếc cẩu vươn cao hàng chục mét, sừng sững giữa biển trời tháng 10 trong vắt. Thật ấn tượng bởi nét mới của vùng biển cuối trời Nam: tự tin, chững chạc, hừng hực sinh lực. Trên bờ, công nhân đang hối hả chuyển đá ra sà lan.

 

“Thi công ven biển chịu ảnh hưởng thời tiết nhiều lắm. Thời điểm tốt nhất để làm trong ngày khoảng từ 4-5 giờ sáng đến 11-12 giờ trưa. Đổ cọc, móng xong còn lắp đặt, nối hệ thống điện…”, kỹ sư Huỳnh Anh Minh phụ trách kỹ thuật của dự án cho biết.

 

“Chỉ còn mấy tiếng nữa sẽ hoàn thành công đoạn cuối cùng để lắp tua bin. Những tua bin còn lại của giai đoạn 1 cũng đã cập cảng Phú Mỹ”, kỹ sư Minh thông báo. Trước đó, bằng đường sông, chiếc tua bin đầu tiên đã được tập kết vào vị trí, sẵn sàng cho việc lắp đặt. 



Thế là, hơn một năm sau ngày khởi công (9-9-2010), tua bin đầu tiên đã hoàn thành. Đánh dấu sự kiện trọng đại này, Phó Văn phòng Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Huy Thái phấn khởi: Đây là công trình hướng đến chào mừng 15 năm tái lập tỉnh và 300 năm thành lập Bạc Liêu. Tỉnh cũng đang quyết liệt triển khai những tuyến đường đấu nối với khu dự án tuyến đê biển Vĩnh Châu và đường vào nội ô… 



Từ đầu năm 2010 đến nay, Bạc Liêu đã khởi công nhiều dự án, công trình trọng điểm, tạo bước đột phá mới. Trong đó, công trình mang tính động lực chính là dự án điện gió (rộng 500ha – đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng). Theo các chuyên gia của Tập đoàn GE - Mỹ, đơn vị vừa cung cấp 10 tua bin gió đầu tiên cho dự án, các tua bin này có rotor cánh quạt dài đến 82,5m, phù hợp với chế độ gió cấp 3 tại biển Bạc Liêu và được sử dụng rộng rãi nhất trong ngành công nghiệp điện gió với hơn 16.000 chiếc trên toàn thế giới. Theo tiến độ, sau khi hoàn thành tua bin đầu tiên, đến cuối năm 2011 sẽ có thêm 3 tua bin nữa. Năm 2012 thêm 10 tua bin. Cuối năm 2013 sẽ hoàn thành số còn lại cùng một số hạng mục phụ (trạm biến áp, mạch đấu nối…). 



Cả Bạc Liêu xôn xao. “Nhớ mãi Bạc Liêu với bài Dạ cổ/ Điện gió vươn ra biển Đông như đội quân hiệp sĩ…” (Bạc Liêu vùng đất mến thương), Thiếu tướng, Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu Đỗ Việt Thắng cảm hứng về sự đổi thay của quê hương mình như vậy. Không mừng sao được khi Bạc Liêu sẽ là địa phương đầu tiên của cả châu thổ Cửu Long “xài” năng lượng xanh - sạch, một dự án điện gió lớn nhất khu vực tính đến thời điểm hiện nay. 

 

Công trường lắp đặt tua bin điện gió Bạc Liêu.

 

Điện gió là nguồn năng lượng tái tạo mới, xanh - sạch lại không chiếm diện tích lớn như nhiệt điện hay thủy điện. Biển Nam bộ bừng tỉnh. Các nhà đầu tư còn kéo về Sóc Trăng, nhắm tới 2 xã Vĩnh Phước và Vĩnh Tân thuộc huyện Vĩnh Châu để xây dựng “cánh đồng điện gió” (Tập đoàn EAB - Đức).

 

Tại Duyên Hải – Trà Vinh, Công ty Trasesco cũng phối hợp với tập đoàn này thực hiện dự án năng lượng gió trên diện tích 420ha - 20 tổ máy, tổng công suất 30MW, sản xuất bình quân 75 triệu kWh/năm. Đài Phát thanh – Truyền hình Kiên Giang cũng đề xuất đầu tư nhà máy điện gió kết hợp năng lượng mặt trời, công suất 90KVA phục vụ chương trình của đài. Theo tính toán của đối tác Nord Energy (Đức), dự án có vốn đầu tư 11 tỷ đồng, thời gian sử dụng 20 năm. Nếu so với mức sử dụng điện hiện nay của nhà đài, chỉ 10 năm sẽ thu hồi vốn...

 

  • Đô thị mới xứ biển

Con đê biển Bạc Liêu được cấp phối nhựa chạy dài hàng chục cây số. Chỉ thêm mấy bước chân nữa là bắt tay hàn huyên được với mấy bác nông dân xã Lạc Hòa (Vĩnh Châu - Sóc Trăng). Đường điện chạy theo đê biển, đuổi hoài theo những đầm tôm kề nhau san sát…

 

“Vĩnh Trạch Đông ngày trước nghèo lắm. Nghề biển trồi sụt, dân vác xẻng đi đào đất mướn tứ xứ mưu sinh. Nay họ không phải ly hương nữa nhờ nghề nuôi tôm phát triển, nay lại thêm nhà máy điện gió. Dân biển ít toan tính, vẫn đậm đà tình làng nghĩa xóm lại hào sảng, thích kết bạn…” - nhà văn Phan Trung Nghĩa, Trưởng phòng VHNT Báo Bạc Liêu, tâm sự.

 

Đổi thay xứ biển cũng dễ nhận thấy. Ở nơi tận cùng với sóng biển phương Nam này, không hiếm những ngôi nhà cao tầng chững chạc nhìn ra biển, chợ Vĩnh Trạch Đông kề bên con lộ lớn… Ngồi trong ngôi chùa Xiêm Cán hơn 200 năm tuổi đẹp lộng lẫy, ông Năm Lưu kể: “Dân ở đây xài điện và nước máy đã gần 20 năm. Hiện toàn xã có hơn 7.000 gốc nhãn cổ. Ngoài 1 vụ lúa, dân còn trồng củ cải trắng, nhãn; cào nghêu, bắt cua giống... Mới đây, nhiều hộ dân tộc Khmer nghèo đón lễ Sene Đônta tưng bừng trong ngôi nhà mới, nhiều hộ khác đổi đời nhờ chương trình vay vốn ưu đãi, hỗ trợ hộ nghèo, sinh viên học sinh... Tối về xứ này vui lắm, vuông tôm sáng rực như phố thị. Đất xứ biển đã trở thành “đất vàng”.



Dọc biển Đông hàng cây số, kéo dài từ phường Nhà Mát qua Vĩnh Trạch Đông đến ranh giới tỉnh Sóc Trăng là những tua bin gió với cánh quạt khổng lồ xếp hàng thẳng tắp quay vù vù. Ngoài khơi xa chiều về tàu ghe oằn nặng cá tôm chạy về bến, rồi những cánh đồng lúa trải vàng bên mái chùa cổ kính, những vườn nhãn trĩu quả cùng đầm, vuông tôm chạy dài ngút mắt… Công trình điện gió đã là một sản phẩm du lịch đáng giá cho đất biển Bạc Liêu và kéo theo nhiều dịch vụ mới cho khu đô thị mới.

 

“Và cũng tạo cho cấp ủy xã vững tâm hơn khi xây dựng Nghị quyết: Giảm dần tỷ lệ nông nghiệp; phát triển, nâng cao công nghiệp, dịch vụ, du lịch sinh thái…” - Chủ tịch UBND xã Trần Ngọc Chiến phấn khởi khẳng định.

 

Lễ khánh thành tua bin số 1 trong 66 tua bin của Dự án điện gió Bạc Liêu công suất 99MW dự kiến diễn ra vào ngày 8-11 tại Nhà máy Điện gió Bạc Liêu (ấp Biển Đông A – xã Vĩnh Trạch Đông – TP Bạc Liêu). Đây là dự án điện gió đầu tiên và lớn nhất tại ĐBSCL tính đến nay. 

Dự án đã được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc bổ sung vào danh mục các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VI (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 – 2015, có xét đến năm 2025).

VŨ THỐNG NHẤT (SGGP)

TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Điện gió - nguồn năng lượng mới ở ĐBSCL sắp ra đời

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.

Tin Môi Trường
 Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

VACNE 30 năm
 Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

(Tin Môi Trường) - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, địa phương hiện có 648.370 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại dược liệu bản địa, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình đã được thực hiện thành công, mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi giảm nghèo.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI