Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Công trường của dự án điện gió Bạc Liêu (ấp Biển Đông A – xã Vĩnh Trạch Đông - TP Bạc Liêu) nằm sát bãi bồi ven biển, khuất sau những rặng đước, rặng bần cao vút. Trên các sà lan lớn kết với nhau nằm cách bờ hơn 200m, những chiếc cẩu vươn cao hàng chục mét, sừng sững giữa biển trời tháng 10 trong vắt. Thật ấn tượng bởi nét mới của vùng biển cuối trời Nam: tự tin, chững chạc, hừng hực sinh lực. Trên bờ, công nhân đang hối hả chuyển đá ra sà lan.
“Thi công ven biển chịu ảnh hưởng thời tiết nhiều lắm. Thời điểm tốt nhất để làm trong ngày khoảng từ 4-5 giờ sáng đến 11-12 giờ trưa. Đổ cọc, móng xong còn lắp đặt, nối hệ thống điện…”, kỹ sư Huỳnh Anh Minh phụ trách kỹ thuật của dự án cho biết.
“Chỉ còn mấy tiếng nữa sẽ hoàn thành công đoạn cuối cùng để lắp tua bin. Những tua bin còn lại của giai đoạn 1 cũng đã cập cảng Phú Mỹ”, kỹ sư Minh thông báo. Trước đó, bằng đường sông, chiếc tua bin đầu tiên đã được tập kết vào vị trí, sẵn sàng cho việc lắp đặt.
Điện gió là nguồn năng lượng tái tạo mới, xanh - sạch lại không chiếm diện tích lớn như nhiệt điện hay thủy điện. Biển Nam bộ bừng tỉnh. Các nhà đầu tư còn kéo về Sóc Trăng, nhắm tới 2 xã Vĩnh Phước và Vĩnh Tân thuộc huyện Vĩnh Châu để xây dựng “cánh đồng điện gió” (Tập đoàn EAB - Đức).
Tại Duyên Hải – Trà Vinh, Công ty Trasesco cũng phối hợp với tập đoàn này thực hiện dự án năng lượng gió trên diện tích 420ha - 20 tổ máy, tổng công suất 30MW, sản xuất bình quân 75 triệu kWh/năm. Đài Phát thanh – Truyền hình Kiên Giang cũng đề xuất đầu tư nhà máy điện gió kết hợp năng lượng mặt trời, công suất 90KVA phục vụ chương trình của đài. Theo tính toán của đối tác Nord Energy (Đức), dự án có vốn đầu tư 11 tỷ đồng, thời gian sử dụng 20 năm. Nếu so với mức sử dụng điện hiện nay của nhà đài, chỉ 10 năm sẽ thu hồi vốn...
Con đê biển Bạc Liêu được cấp phối nhựa chạy dài hàng chục cây số. Chỉ thêm mấy bước chân nữa là bắt tay hàn huyên được với mấy bác nông dân xã Lạc Hòa (Vĩnh Châu - Sóc Trăng). Đường điện chạy theo đê biển, đuổi hoài theo những đầm tôm kề nhau san sát…
Đổi thay xứ biển cũng dễ nhận thấy. Ở nơi tận cùng với sóng biển phương Nam này, không hiếm những ngôi nhà cao tầng chững chạc nhìn ra biển, chợ Vĩnh Trạch Đông kề bên con lộ lớn… Ngồi trong ngôi chùa Xiêm Cán hơn 200 năm tuổi đẹp lộng lẫy, ông Năm Lưu kể: “Dân ở đây xài điện và nước máy đã gần 20 năm. Hiện toàn xã có hơn 7.000 gốc nhãn cổ. Ngoài 1 vụ lúa, dân còn trồng củ cải trắng, nhãn; cào nghêu, bắt cua giống... Mới đây, nhiều hộ dân tộc Khmer nghèo đón lễ Sene Đônta tưng bừng trong ngôi nhà mới, nhiều hộ khác đổi đời nhờ chương trình vay vốn ưu đãi, hỗ trợ hộ nghèo, sinh viên học sinh... Tối về xứ này vui lắm, vuông tôm sáng rực như phố thị. Đất xứ biển đã trở thành “đất vàng”.
“Và cũng tạo cho cấp ủy xã vững tâm hơn khi xây dựng Nghị quyết: Giảm dần tỷ lệ nông nghiệp; phát triển, nâng cao công nghiệp, dịch vụ, du lịch sinh thái…” - Chủ tịch UBND xã Trần Ngọc Chiến phấn khởi khẳng định.
VŨ THỐNG NHẤT (SGGP) |