Thứ tư, 22/01/2025, 19:17:46 PM (GMT+7)

Tăng cường hiệu lực thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường

(20:49:05 PM 02/01/2014)
(Tin Môi Trường) - Một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm trong năm 2014 được Tổng cục Môi trường xác định, đó là xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với hành vi vi phạm. Trong đó đang tập trung hoàn thiện, trình Quốc hội Khóa XIII xem xét, thông qua dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) dự kiến vào Kỳ họp thứ 7 tới.

 ( Ảnh minh họa )

 

 * Những bất cập trong quản lý 

 

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014, được tổ chức ngày 2/1, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến cho rằng: Năm 2013, Tổng cục Môi trường đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; triển khai một cách thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, qua đó đã hoàn thành tốt các mục tiêu đặt ra. 

 Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, Tổng cục đã phát hiện và phối hợp giải quyết kịp thời những vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Qua đó kiến nghị Bộ sửa đổi, bổ sung và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, từng bước đưa công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đi vào nề nếp. Việc phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng, phức tạp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đã tạo được sự đồng thuận cao trong xử lý các cơ sở vi phạm, được dư luận và xã hội đồng tình ủng hộ. 

 Cụ thể, về thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước, Tổng cục đã hoàn thành kết luận thanh tra trách nhiệm về bảo vệ môi trường của 11 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bao gồm Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Thừa Thiên-Huế, Gia Lai, Khánh Hòa, Tiền Giang, Bến Tre, Lạng Sơn, Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng. Hoàn thành kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra về bảo vệ môi trường từ năm 2010 đến năm 2012 của Bộ, đối với 6 địa phương thuộc các lưu vực sông. Nhờ đó đã phát hiện một số bất cập trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. 

 Những bất cập đó là: Vẫn còn tình trạng dự án đầu tư được các Bộ, ngành, địa phương cho phép triển khai bỏ qua quy định về đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường. Tình trạng dự án được đưa vào vận hành nhưng chưa được các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường kiểm tra, xác nhận việc hoàn thành các công trình biện pháp bảo vệ môi trường diễn ra khá phổ biến. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường chưa được tăng cường, một số địa phương còn chưa quyết liệt, hoặc xử lý "nhẹ tay" đối với doanh nghiệp vi phạm. 

 Đặc biệt, công tác cấp giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại tại các địa phương, cấp giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất chưa được chặt chẽ. Việc giám sát sau cấp phép cũng chưa được tiến hành thường xuyên. Do vậy nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng nhập chất thải dưới danh nghĩa nhập khẩu phế liệu, hoặc nhiều cơ sở không đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, kéo dài như các nhà máy sản xuất thép, giấy phế liệu... 

 Đồng thời, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải công nghiệp, chất thải rắn và khai thác khoáng sản thu được rất ít, không tương ứng với tình trạng ô nhiễm hiện nay. Việc phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường của một số tỉnh chưa đúng quy định, một số địa phương còn sử dụng kinh phí không đúng nội dung chi, phân bổ thấp hơn 1% chi ngân sách như quy định. 

 * Xử phạt nhiều vi phạm vẫn lắm 

 Phát biểu tại Hội nghị tổng kết, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang nhận xét: Tuy đã có nhiều nỗ lực lập lại trật tự kỷ cương trong công tác bảo vệ môi trường, nhưng số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đã phát hiện và đề nghị xử lý vẫn còn “quá nhỏ” so với thực tế. Tổng cục Môi trường nên tham mưu cho Bộ để phân định rõ chức năng, trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với một số Bộ, ngành. Nhất là trên lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý chất thải; quản lý chất lượng không khí, quản lý phát thải hóa chất hay phế liệu. 

 Riêng trong năm 2014, Tổng cục phải kiên quyết đề nghị đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ, nếu như các cơ sở này vẫn chưa khắc phục được triệt để. “Vì chúng ta không hy sinh môi trường cho sự phát triển kinh tế bằng mọi giá như trước đây. Trong đó việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo rà soát đưa ra khỏi quy hoạch đối với 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là một minh chứng cụ thể nhất”-Bộ trưởng nhấn mạnh. 

 Để Tổng cục Môi trường trở thành “Người gác cổng môi trường”, phải tăng cường, mở rộng sự phối hợp giữa Tổng cục với các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội triển khai có hiệu quả các Nghị quyết liên tịch về phối hợp hành động bảo vệ môi trường đã ký kết. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, các đề tài, dự án sát với yêu cầu thực tiễn về bảo vệ môi trường. Đặc biệt là đóng góp xứng đáng vào nhiệm vụ sửa Luật Bảo vệ môi trường. Đồng thời trong năm 2014, Tổng cục cần tăng cường kiểm soát ô nhiễm tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề và các lưu vực sông... 

 Trong năm 2013, Tổng cục đã hoàn thành thanh tra, kiểm tra đối với 636 cơ sở thuộc khu công nghiệp, cụm công nghiệp và cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, cảng biển, sản xuất giấy, hóa chất, quản lý chất thải nguy hại và trên các lưu vực sông thuộc địa bàn 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đã xử lý và đề nghị xử lý đối với 335 cơ sở vi phạm, với số tiền lên đến 46.680 triệu đồng. 

Trong đó có 7 đoàn thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường theo Quyết định 64 đối với 47 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên phạm vi 19 tỉnh, thành phố và lập 33 biên bản vi phạm hành chính, chuyển cấp có thẩm quyền xử phạt 14 cơ sở với tổng số tiền 5 tỷ đồng. Hoàn thành thanh tra đối với 125 cơ sở trên địa bàn 3 tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng, phát hiện nhiều vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn cho phép và quản lý không đúng quy định, dự kiến sẽ phải xử phạt với mức tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. 

 Tuy tình hình chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở đã có chuyển biến, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp cố tình vi phạm. Tập trung vào 5 nhóm hành vi vi phạm, như vi phạm các các thủ tục hành chính, chế độ báo cáo và thực hiện không đúng, không đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, cam kết bảo vệ môi trường đã được xác nhận; nhóm hành vi vi phạm về quản lý chất thải nguy hại. 

 Nhóm hành vi vi phạm khá phổ biến nữa là tự ý điều chỉnh, thay đổi thiết kế, công nghệ của công trình xử lý chất thải nhằm xả trộm chất thải không qua xử lý ra môi trường; xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho phép ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm môi trường; kê khai thiếu hoặc trốn phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại và các loại phí môi trường khác. 

 Các đoàn thanh tra của Tổng cục Môi trường cũng đã phát hiện nhiều cơ sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp xả hàng ngàn m3 nước thải chưa qua xử lý ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Đó là Công ty cổ phần Nguyên phụ liệu Dệt may Bình An thuộc Tổng Công ty Việt Thắng, Công ty TNHH Sản xuất Cơ khí và Dịch vụ Đại Phúc xả thải chưa qua xử lý trực tiếp ra ngoài môi trường; Công ty Cổ phần giấy An Hòa xả 1.500m3 nước thải chưa qua xử lý ra sông Lô. 

 Những vụ vi phạm điển hình nữa là việc chôn lấp hàng trăm tấn chất thải nguy hại không đúng quy định của Công ty TNHH Nhà nước MTV xử lý và chế biến chất thải Phú Thọ. Vụ Công ty TNHH NEW TOYO PULPPY tại Bình Dương xả nước thải chưa được xử lý vào cống thoát mưa của Khu công nghiệp VISP I. Ngoài ra có 4 Công ty luyện, cán thép từ thép phế liệu đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...Do đó, cùng với việc thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, Tổng cục Môi trường sẽ thực hiện công khai thông tin các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định, nhằm tăng cường hiệu lực và hiệu quả thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường. 
TTXVN
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Tăng cường hiệu lực thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
 Thanh Hóa: Nước sông Mã bất ngờ đổi màu đen kịt

Thanh Hóa: Nước sông Mã bất ngờ đổi màu đen kịt

(Tin Môi Trường) - Sông Mã qua địa bàn huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) đổi màu đen kịt như sông Tô Lịch; hàng tấn cá lồng chết la liệt, nhiều người dân xót xa tháo dỡ lồng bè.

VACNE 30 năm
 Ninh Thuận: Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam

Ninh Thuận: Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam

(Tin Môi Trường) - “Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam” là một hợp phần thuộc "Dự án hỗ trợ thực nghiệm hóa công nghệ xanh tại nước ngoài năm 2024” trong khuôn khổ “Chương trình Giải pháp môi trường dẫn lối tương lai” của Viện Công nghệ Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI) - Bộ Môi trường Hàn Quốc. Công ty Cổ phần Kỹ thuật Tổng hợp Taesung – Hàn Quốc được KEITI lựa chọn là đơn vị thực hiện.

Hội BVTN&MT Việt Nam
 Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

(Tin Môi Trường) - Bộ Công Thương Việt Nam mới đây đã ban hành Bộ tài liệu hướng dẫn lập Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2020-2025 (Kế hoạch TKNL cấp tỉnh). Bộ tài liệu hướng dẫn này được soạn thảo với sự hỗ trợ của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch, sẽ giúp cho toàn bộ 63 tỉnh thành của Việt Nam thống kê việc sử dụng năng lượng và xây dựng kế hoạch hành động của địa phương nhằm triển khai các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI