Môi trường
Những người giữ rừng
(16:07:57 PM 31/03/2012) Thanh niên xung phong tuần tra bảo vệ rừng phòng hộ Cần Giờ.
Bám chốt
“Anh Phong ơi, bão vô, nóc nhà của đội mình bay mất tiêu rồi, về gấp anh ơi”. Vừa nghe một đội viên báo qua điện thoại, anh Trần Thanh Phong (đội trưởng Đội Thanh niên) chỉ kịp dặn dò: “Hai đứa bây kiếm chỗ núp đi, chui xuống hồ để tránh bị tôn chém, cây đổ nghen”. Nói tới đây, từ văn phòng Tổng đội 1 TNXP, anh Phong điều ghe từ Chốt Cá Đao chạy về… Đó là vào năm 2009, khi một cơn bão lớn quét vào miền Tây Nam bộ và huyện Cần Giờ - TPHCM cũng nằm trong tầm ảnh hưởng của bão… Vừa cập bến, anh Phong đã thấy hai cậu đội viên của mình chui ra từ lòng hồ chứa nước ngọt cạn queo. Gió vẫn gào rú từng hồi, căn nhà mới cất của đội bay mất mái tôn, chỗ lợp lá xung quanh cũng bay mất, mấy chục cây đước xung quanh văn phòng đội đổ rạp vì gió. Đêm đó, anh Phong và những đội viên của mình phải lấy bạt để quây ngủ tránh mưa…
Cách trung tâm TP chỉ trên chục cây số mà cuộc sống của anh em cắm chốt giữ rừng rất khó khăn. Thiếu nhất là nước ngọt, là phương tiện giải trí và nỗi cô đơn mỗi khi đêm về. Nói không ai tin nhưng vào mùa khô, nước ngọt ở đây thiếu ghê lắm. Cũng như anh em nhà giàn trên biển, anh em giữ rừng tiết kiệm bằng cách tắm nước ngọt trong thùng rồi chắt lấy nước tưới cây, giặt đồ. Để có nước ngọt, anh em phải mua nước từ đất liền chở ra. Vào mùa khô, một khối nước gần 100.000 đồng.
Anh Phong bộc bạch: “Lương anh em có bao nhiêu đâu, nhân viên mới vào kể cả tiền cơm được khoảng 2,7 triệu đồng, rồi còn lo cho gia đình nữa chứ. Có điểm lạ là chưa có anh em nào cắm chốt ở đây lấy vợ mà tiếp tục bám chốt. Có mấy anh em, lập gia đình xong, vợ không cho ra rừng nữa. Cũng dễ hiểu, một tháng được về phép 4 ngày nhưng không phải ai cũng về vì ở những chốt xa, đi ghe máy về đến đất liền cũng mất khoảng 3 giờ. Đó là những anh nhà ở TP, còn mấy anh ở xa thì chịu, tết còn chưa chắc về được…”.
Anh Phong kể tiếp: “Đến ghe máy bây giờ anh em cũng phải tiết kiệm, giá dầu tăng vù vù, anh em kham không nổi. Lúc trước, để đi họp ở đội, anh em còn phải chèo ghe bằng tay từ các chốt giữ rừng về. Chèo hết 2- 3 giờ mới về đến đội, rồi còn phải chờ con nước để chèo về. Hôm nào nước ròng, thôi thì ở lại văn phòng đội uống trà với anh em… Tết nhất, anh em về theo kíp, mỗi người về 3- 4 ngày. Anh em ai chẳng có gia đình để nhớ, để mong? Nhưng công việc vậy, TNXP giữ rừng là vậy…”. Niềm vui của anh em giữ rừng là những lần kích đêm. Anh em nói vui: “Nói kích đêm cho hoành tráng chứ thực ra là đi tuần tra đêm bảo vệ rừng. Anh em chạy ghe đến điểm tập kết, neo ghe rồi đi tuần, đêm quay về ghe ngủ, hôm sau đi tuần tiếp. Một anh đi tuần 2 ngày như vậy xong về chốt, lại đến phiên đội viên khác đi”.
Nay thì anh em Đội Thanh niên đã được cất một căn nhà nhỏ mới, một bầy gà và 3 con heo mọi… Anh Phong kể vui: “Sau trận cúm gia cầm, bầy gà vịt đội nuôi để dành “ra đi” hết, chỉ còn giữ được cặp gà ri làm bạn”. Ngoài rừng, 3 chú heo mọi của đội đang thi chạy hào hứng trong tiếng cười của các đội viên. Anh em trong đội kể: Ở đây buồn muốn chết, thú vui giải trí đâu có nhiều, thôi thì nuôi chú chó, mấy con gà và heo vừa cải thiện, vừa thêm bầu bạn.
Tổ ấm giữ rừng
Chiều nhập nhoạng. Trời tối mau. Ăn cơm xong là sắp đến giờ tắt đèn. Trong ánh đèn dầu tù mù, chị Ngô Thị Ngọt với tay mở chiếc radio dò đài nghe cải lương. Ngày nào cũng vậy, chập tối, chừng khoảng 6 - 7 giờ là cả nhà chị đã lên giường… giăng mùng.
Chị Ngọt phân trần: “Hổng có điện, ngồi ở ngoài bù mắt, muỗi cắn chịu gì nổi. Muốn làm gì thì cũng phải chui vô mùng”. Mà đã chui vô mùng thì còn làm được gì ngoài chuyện nghe ca cổ, cải lương”. Tiêu chuẩn thắp sáng của gia đình chị hàng ngày là chiếc đèn neon 3 tấc, chạy bằng bình. Hai đứa con đến tuổi đi học, chị Ngọt và anh Võ Văn Phương, chồng chị, quyết định gửi về nhà bà ngoại. Anh Phương vốn là người Trà Vinh, xung phong vào TNXP. Về đóng quân tại Cần Giờ một thời gian, anh quen chị Ngọt. Khi 2 người quyết định làm đám cưới thì cũng đồng ý dọn vô rừng ở, làm nhiệm vụ giữ rừng, đóng ở Chốt Cá Mú. Thâm niên ở rừng, giữ rừng của hai vợ chồng đã được 19 năm. Hồi đầu, nhà làm bằng cây, lợp lá, mỗi lần trời mưa bão là hai vợ chồng phải chạy xuống ghe vì sợ nhà sập.
Hàng ngày, công việc của hai vợ chồng là chạy ghe đi tuần quanh khoảnh rừng rộng sơ sơ… 80,8ha được giao. Để có thêm tiền cho con ăn học, anh Phương còn đi đóng đáy bắt cá. Tùy vào con nước, mỗi tháng đóng đáy được chừng 2 lần. “Hồi xưa cá tôm còn nhiều, mỗi tháng tiền bán cá cũng được 1,5 triệu đồng. Giờ sản lượng ít đi, nhiều lắm cũng được khoảng 700.000 - 800.000 đồng thôi” - anh Phương cho biết. Hàng đêm, hai vợ chồng còn đi bắt ba khía. Một ký ba khía bán được 10.000 đồng. Gặp con nước ròng, bắt cả đêm cũng kiếm được mấy chục ngàn đồng. Đêm nào soi được ít coi như không đủ tiền dầu. “Mình cũng ráng trồng rau, nhưng rau ở đây mùa mưa thì sống, mùa nắng thì nước ngọt mình xài còn phải nhín, lấy đâu cho cây. Hồi trước tôi cũng có nuôi gà nhưng riết rồi gà cũng chết hết” - chị Ngọt bộc bạch. Sống biệt trong rừng, mỗi tháng, hai vợ chồng chỉ đi chợ chừng 2 - 3 lần vì mỗi lần chạy về đi chợ cũng mất tới 5 lít dầu. Lần nào, hai vợ chồng cũng chỉ dám mua bầu, bí, khoai - những thứ rau củ có thể để dành được lâu. Để giữ thịt cá, anh chị phải chở thêm một cây nước đá về ướp. Tết năm nào cũng vậy, đêm 30 là hai vợ chồng chạy về nhà bà ngoại thăm con, thắp nhang cho ông bà xong, đến ngày Mùng 1 là trở vô rừng.
Chốt Tắc Thuận - Đội Thanh niên cũng là mái ấm của gia đình anh Nguyễn Phước Trọng (SN 1979) cùng vợ, cô con gái 12 tuổi và cậu con trai 5 tuổi. Khi lập gia đình với một cô gái hiền lành ở xã Tam Thôn Hiệp huyện Cần Giờ vào năm 2000, anh Trọng chuyển từ Đội Gò Gia về Đội Thanh niên, đưa vợ về đây lập nghiệp, tiếp tục cắm chốt giữ rừng phòng hộ. Ở nơi xa đất liền, một bên là sông nước mênh mông, một bên là rừng bần và chà là, thu nhập của gia đình anh chủ yếu dựa vào tiền công bảo vệ rừng theo diện tích 82,5 ha được giao khoán. Trừ tiền dầu máy chạy ghe dùng trong việc đi tuần, số tiền còn khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng, chỉ tạm đủ chi trả sinh hoạt phí cho gia đình 4 miệng ăn, học phí cho con gái đang học lớp 6, mua nước sạch khi mùa khô… Nhưng chật vật nhất là đến giờ, đường dây điện vẫn chưa đến khu vực này nên khi trời chạng vạng, hầu như mọi sinh hoạt ăn - học đều dừng lại. Thắp sáng trong căn nhà 6x7m chỉ có một bóng đèn dài 3 tấc với nguồn điện bình. Mỗi tuần anh Trọng đều phải sang xã Tam Thôn Hiệp ở bên kia sông Lòng Tàu sạc bình một lần. Phương tiện giải trí duy nhất của cả gia đình là chiếc radio nhỏ chạy bằng pin nhưng tiếng cũng lúc được lúc không.
Cuối năm rồi, vợ chồng anh Trọng có được căn nhà mới. Dẫn chúng tôi thăm lại nền nhà cũ, anh Trọng khoe: “Nhà cũ bị sạt lở nên công ty tạo điều kiện xây cho gia đình căn nhà mới”. Căn nhà mới của anh Phong là nhà cao chân, nền lót gạch bông, có phòng khách, phòng ngủ, nhà vệ sinh khang trang. Trong căn nhà mới còn khá trống trải, đập vào mắt chúng tôi là tấm bảng lớn, ghi lịch trực, lịch đi tuần tra. Hai vợ chồng anh còn nắn nót đặt một nhành mai giả giữa nhà, bên trên là cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ. Dẫu cuộc sống còn khó khăn nhưng anh Trọng vẫn chưa một lần hối tiếc về quyết định bám trụ giữ rừng của mình. Mỗi ngày, dù nắng hay mưa, anh đều đặn đi tuần mười mấy kilômét để kịp thời phát hiện những trường hợp phá rừng, đào bắt địa sâm, bẫy thú. Cách 2 - 3 đêm anh lại phối hợp cùng anh em ở các chốt lân cận đi tuần đêm một chuyến. Nở nụ cười hiền, anh Trọng bộc bạch: “Đúng là còn vất vả thiệt nhưng chưa bao giờ tui có ý định bỏ rừng. Vợ chồng con cái tui đã xác định dù có thế nào đi nữa vẫn sẽ gắn bó với cuộc sống ở nơi này”.
Nói như anh Trần Thanh Phong, Đội trưởng Đội Thanh niên: “Mỗi lần nghỉ phép, về nhà với vợ con, vui thật nhưng lại thấy sao cuộc sống ồn ã quá lại không chịu nổi, lại quay về rừng, về với anh em, với màu áo xanh TNXP thân thuộc và gần gũi…”. Còn anh Võ Văn Phương thì mộc mạc: “Ở trong rừng buồn quá, nhiều lúc chỉ muốn chạy về chỗ đông người. Vậy mà mỗi năm về quê có 1 lần, mỗi lần nhiều lắm chừng 1-2 ngày mà đã thấy nhớ mấy cây tràm, cây đước”.
* Xí nghiệp Dịch vụ đô thị TNXP được giao quản lý tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 7.504,77 ha, trong đó rừng tự nhiên trên 2.471,6ha, rừng trồng hơn 4.039ha. Lực lượng chủ yếu gồm 37 cán bộ, 32 hộ giữ rừng chia làm 5 đội: Thanh Niên, Đỗ Hòa, Lôi Giang, Lý Nhơn, Gò Gia. Phương tiện được trang bị gồm 1 ca nô, 40 ghe máy, 3 xuồng máy.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Trà Vinh tích cực cải thiện chỉ số xanh cấp tỉnh
- Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2023.
- Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 2023
- Trường Sa đang được xây dựng ra sao?
- Gỡ khó chính sách, tạo hành lang pháp lý thông hành cho doanh nghiệp
- 10 sự kiện môi trường nổi bật trong nước năm 2020
- 10 sự kiện môi trường nổi bật trong nước năm 2019
- Bộ Công Thương sẽ đề xuất mở rộng khai thác bauxite ở Tây Nguyên
- 10 sự kiện môi trường nổi bật trong nước năm 2018
Bài viết mới:
- Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (19/01/2025)
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải (06/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Ninh Thuận: Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành”
- Đồng Xoài treo thưởng cho người tìm ra thủ phạm phát tán mùi hôi trong không khí
- Trà Vinh tích cực cải thiện chỉ số xanh cấp tỉnh
- Diễn đàn về quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang
- Hội nghị Ban Chấp hành VACNE 2024: Tiếp tục củng cố và phát triển bền vững tổ chức hội
- Thanh tra công tác quản lý khai thác, kinh doanh đất hiếm và quặng bô xít
- Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành”
- Ninh Thuận: Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam
- Hội nghị Ban Chấp hành VACNE 2024: Tiếp tục củng cố và phát triển bền vững tổ chức hội
- Thanh tra công tác quản lý khai thác, kinh doanh đất hiếm và quặng bô xít
- Đồng Xoài treo thưởng cho người tìm ra thủ phạm phát tán mùi hôi trong không khí
- Diễn đàn về quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang
- Trà Vinh tích cực cải thiện chỉ số xanh cấp tỉnh
- Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải
Đồng Xoài treo thưởng cho người tìm ra thủ phạm phát tán mùi hôi trong không khí
(Tin Môi Trường) - Thành phố Đồng Xoài treo thưởng tiền cho người nào tìm, cung cấp thông tin xác định thủ phạm gây ra mùi hôi thời gian qua.
Thanh Hóa: Nước sông Mã bất ngờ đổi màu đen kịt
(Tin Môi Trường) - Sông Mã qua địa bàn huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) đổi màu đen kịt như sông Tô Lịch; hàng tấn cá lồng chết la liệt, nhiều người dân xót xa tháo dỡ lồng bè.
Ninh Thuận: Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam
(Tin Môi Trường) - “Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam” là một hợp phần thuộc "Dự án hỗ trợ thực nghiệm hóa công nghệ xanh tại nước ngoài năm 2024” trong khuôn khổ “Chương trình Giải pháp môi trường dẫn lối tương lai” của Viện Công nghệ Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI) - Bộ Môi trường Hàn Quốc. Công ty Cổ phần Kỹ thuật Tổng hợp Taesung – Hàn Quốc được KEITI lựa chọn là đơn vị thực hiện.
Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
(Tin Môi Trường) - Bộ Công Thương Việt Nam mới đây đã ban hành Bộ tài liệu hướng dẫn lập Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2020-2025 (Kế hoạch TKNL cấp tỉnh). Bộ tài liệu hướng dẫn này được soạn thảo với sự hỗ trợ của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch, sẽ giúp cho toàn bộ 63 tỉnh thành của Việt Nam thống kê việc sử dụng năng lượng và xây dựng kế hoạch hành động của địa phương nhằm triển khai các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.