»

Thứ sáu, 22/11/2024, 16:47:49 PM (GMT+7)

Cả ngàn người đổ xô vào rừng đãi quặng

(16:32:45 PM 27/10/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) -Hơn ba tháng nay, cả ngàn người đổ về khu vực rừng đầu nguồn thuộc thôn Ngã Hai, xã Khánh Phú (H.Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) tranh nhau bới suối, đào rừng để đãi một loại quặng chưa được xác định.

 

Khai thác quặng tại khu vực rừng đầu nguồn Khánh Vĩnh  - Ảnh: VĂN KỲ

 

Tại khu vực này, đập vào mắt chúng tôi là một con suối cạn tự nhiên rộng chừng 10m, dài hơn 3km đã bị đào bới tan nát, cây rừng bị xới bật gốc. Dọc theo con suối là hơn 20 lán trại được dựng tạm bằng cây rừng, che bạt cùng với những đồ dùng của dân đãi quặng quăng lăn lóc.

Giành từng đoạn suối

Chủ lán trại tên Dũng cho biết quê ở tận Bắc Giang, nghe người quen ở Khánh Vĩnh báo tin có bãi quặng rất “ngon” nên đã rủ thêm khoảng 30 người vào đây làm được hơn một tuần nay. Cả nhóm làm thuê cho một người tên Bính ở thị trấn Khánh Vĩnh, do mưa gió thất thường nên chưa thỏa thuận được tiền công. “Mùa này ngày nào cũng mưa nên chỉ làm được chút buổi sáng, nước suối đục ngầu vẫn phải dùng để tắm rửa, nấu cơm ăn, nước mưa hứng được không đủ cho anh em uống” - ông Dũng kể.

Ở một lán trại khác, ông Trần Vũ Tuấn (ngụ xã Suối Cát, H.Cam Lâm, Khánh Hòa) cho biết nhóm của ông phát hiện “mỏ” quặng này đầu tiên và đã “khai thác” hơn ba tháng nay. Sau đó thông tin lộ ra, rất đông người từ các tỉnh Bắc Giang, Lâm Đồng, Quảng Nam, Bình Dương... và người dân Khánh Vĩnh kéo nhau lên đây đào đãi quặng.

Chúng tôi đi khắp bãi quặng rộng chừng 2ha thấy chỗ nào cũng đã có người xí phần. Những người xí phần dùng sơn viết tên nhóm mình lên các tảng đá: “Tý”, “Bảy Hường”... Ông Nguyễn Mộng Hùng (ngụ xã Suối Cát) kể ở đây nhóm nào cũng cố tranh giành lãnh địa để đãi quặng. Nhóm của ông có 20 người phải giành kịch liệt mới được một đoạn suối dài 50m. “Ở đây phức tạp không khác gì các bãi vàng mà bọn tôi từng làm, có đủ cả hàng nóng, hàng nguội” - ông Hùng nói.

Gần đó, một nhóm năm người đang đào đãi quặng. Họ phải dùng xà beng nạy từng tảng đá lớn dọc hai bên suối rồi dùng tay hoặc xẻng xúc đất và đá vụn vào mâm mà đãi. “Vì quặng nặng hơn đá nên nó sẽ lắng xuống, khi nào còn nguyên một chất màu đen thì mang lên dùng lửa sấy khô, rồi sàng cho bay sạch cát là được. Chả biết là quặng gì nhưng rất cứng và nặng, một lon sữa dùng tay gạt ngang miệng cân lên được 1,2kg. Bán tại chỗ được khoảng 200.000 đồng/kg, còn mang xuống thị trấn Khánh Vĩnh thì có giá 220.000-280.000 đồng/kg tùy chất lượng quặng” - ông Hùng nói.

Theo Công an H.Khánh Vĩnh, quặng được vận chuyển từ rừng đầu nguồn xuống thị trấn Khánh Vĩnh bán cho hai đầu nậu chính là Trần Hường và một người tên Tý với giá khoảng 280.000 đồng/kg. Gần đây có thêm một số người từ Lâm Đồng đi ôtô đến xã Khánh Thành (H.Khánh Vĩnh) để mua quặng với giá 330.000 đồng/kg.

Ba đợt truy quét

Ông Trịnh Bá Tiên, bí thư Đảng ủy xã Khánh Phú, kể: “Từ tin báo của người dân, ngày 25/9, chúng tôi cho công an phục kích và bắt được hai đối tượng dùng xe gắn máy chở hai bao quặng chạy về hướng H.Diên Khánh, mỗi bao nặng 42kg”. Bước đầu họ khai nhận mang đi bán cho ông Nguyễn Văn Hải, trú tại xã Cam Đức, H.Cam Lâm với giá 200.000 đồng/kg. Sau vụ việc này, UBND H.Khánh Vĩnh đã họp bàn tìm cách ngăn chặn tình trạng nhiều nhóm người ồ ạt lên rừng đầu nguồn phá rừng, tàn phá môi trường thiên nhiên để khai thác quặng.

Ngày 27/9, UBND H.Khánh Vĩnh đã tổ chức một đội công tác gồm lực lượng công an, bộ đội... băng rừng, mang theo lương thực, nước uống lên bãi quặng để ngăn chặn việc đào rừng đãi quặng trái phép. Đội công tác đóng quân năm ngày, tịch thu nhiều dụng cụ như mâm đãi quặng, xà beng, xẻng và nhiều vật dụng cá nhân khác.

Tiếp đó, ngày 11/10, đội công tác đợt hai gồm 30 người lại tiếp tục xuyên rừng vào bãi quặng. Chiếc xe chở đoàn công tác xuất phát từ UBND xã Khánh Phú chỉ chạy được khoảng 5km là phải dừng lại vì con đường dài hơn 12km băng qua cánh rừng bạt ngàn đã bị xe chở quặng cày nát. Nước suối cả khu vực này chuyển sang màu vàng đục vì bị ô nhiễm do khai thác quặng.

Sau đợt truy quét lần hai, số người kéo lên rừng đầu nguồn khai thác quặng ngày càng đông hơn, ước tính thời điểm hiện tại có hơn 1.000 người cùng khai thác. “Khi lực lượng kiểm tra ăn ngủ tại rừng thì các đối tượng lẩn đi chỗ khác, nhưng vừa rút về thì họ lại ra bãi quặng làm tiếp” - thượng úy Mai Hồng Quang, Công an H.Khánh Vĩnh, bức xúc.

Công an H.Khánh Vĩnh nhận định việc khai thác quặng trái phép sẽ làm thất thoát tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại rừng đầu nguồn nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc tập trung đông người từ các tỉnh khác đến đây gây phức tạp về an ninh trật tự cho cả khu vực. Ngày 26/10, ông Nguyễn Văn Trạnh - chủ tịch UBND H.Khánh Vĩnh - cho biết thường vụ Huyện ủy Khánh Vĩnh vừa tổ chức cuộc họp nghe công an và huyện đội báo cáo tình hình và bàn phương án truy quét lần thứ ba tại rừng đầu nguồn xã Khánh Phú.

Theo ông Trạnh, lực lượng công an và huyện đội của huyện quá mỏng nên chỉ có thể lên càn quét rồi rút về chứ không thể bám rừng nhiều ngày được.

 

 

Bán quặng ra nước ngoài

Ông Bùi Văn Phúc, người có kinh nghiệm hơn 20 năm khai thác quặng, đang khai thác quặng tại xã Khánh Phú, cho biết: “Tôi sang Lào, Campuchia và đi nhiều tỉnh ở nước ta khai thác vàng, các loại quặng khác nên tôi biết đây không phải là thiếc, mà là loại quặng rất quý. Nước ngoài gọi loại quặng này là platin. Đây là loại quặng rất cứng và có khả năng chịu nhiệt cao, thường được sử dụng mạ các vật đòi hỏi mài nhiều, nhiệt độ cao như mũi khoan đá hoặc khoan sắt, nòng súng, nòng pittông và trục quay của các loại xe hoặc máy bay...”.

Còn ông Trần Hường, một người mua quặng, kể ông thường đi mua quặng của dân khai thác rồi bán lại cho một người tên Toàn từ Đà Lạt tới. Theo ông Hường, mỗi ngày ông Toàn thu gom được hơn 1 tấn quặng tại đây rồi chở về Đà Lạt, sau đó xuất sang Trung Quốc. Chính ông cũng không hiểu tại sao giá quặng lại cao như vậy. Ông chỉ nghe nói bán sang Trung Quốc để họ làm đồ điện tử, điện thoại di động, thiết bị máy bay, ôtô...

Theo Phòng Tài nguyên - môi trường H.Khánh Vĩnh, hiện mẫu quặng đã được gửi vào TP.HCM để xác định nhưng chưa nhận được kết quả. “Chúng tôi khẩn trương cử đoàn công tác đến hiện trường để xác minh hiện trạng, mức độ tàn phá môi trường và có mẫu quặng gửi vào TP.HCM để xác định đó là loại quặng gì” - ông Lê Mộng Điệp, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Khánh Hòa, nói.

Ngày 24/10, báo Tuổi Trẻ đã gửi mẫu quặng đến Trung tâm phân tích - thí nghiệm thuộc Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam để đơn vị này phân tích, xác định đây là loại quặng gì. Trung tâm sẽ tiến hành hai phương pháp phân tích quang phổ bán định lượng và phân tích trọng sa thiên nhiên toàn phần để xác định các thành phần khoáng vật, các nguyên tố vi lượng có trong quặng. Dự kiến ngày 31/10 sẽ có kết quả phân tích đầy đủ loại quặng này.

V.KỲ - H.NHUNG

 

VĂN KỲ (Tuổi trẻ)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Cả ngàn người đổ xô vào rừng đãi quặng

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
 Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

VACNE 30 năm
 Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam

Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam

(Tin Môi Trường) - Sáng 17/11/2024, các cấp chính quyền, đoàn thể và cộng đồng thôn An Phú, xã Hoà Phú (huyện Ứng Hoà – Tp. Hà Nội) đã long trọng tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân và lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho cây Đa và cây Nhội cổ thụ được trồng trong khuôn viên Đình làng cách đây hơn 300 năm.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI