(Tin Môi Trường) - Cho rằng bảo vệ loài động vật đặc hữu của khu vực - voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) là cấp bách, TS. Hà Thăng Long - Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu voọc chà vá chân xám tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai), chuyên gia tại Trung tâm cứu hộ linh trưởng Cúc Phương - trung tâm bảo tồn linh trưởng lớn nhất Đông Nam Á, cũng đưa ra những quan điểm rộng hơn liên quan đến phát triển bền vững. Ông Long cũng là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Cambridge (Anh) về bảo tồn loài chà vá.
Chà vá tại Sơn Trà là loài chân nâu có tên khoa học là Pygathrix nemaeus. Ảnh Green Viet
Là chuyên gia trong những năm qua dành nhiều công sức và tâm huyết cho loài voọc, ông có thể đánh giá về tình hình quần thể voọc ở Việt Nam hiện nay như thế nào?
Quần thể chà vá chân xám vẫn trong xu hướng giảm. Lý do là tình trạng săn bắn ở những quần thể lớn, được bảo vệ vẫn xảy ra. Đồng thời, sinh cảnh còn bị chia cắt do các hoạt động phá rừng tự nhiên để phát triển nông nghiệp như trồng sắn ở Kon Tum, Gia Lai và trồng keo ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Vừa qua có phát hiện được một quần thể chà vá ở Kon Tum. Tuy nhiên, vẫn chưa có giải pháp bảo tồn lâu dài quần thể này.
Voọc chà vá tại Sơn Trà (Đà Nẵng) được xếp vào nhóm loài nào? Những tập tính đặc trưng của loài này là gì và số lượng quần thể hiện nay ra sao?
Chà vá tại Sơn Trà là loài chân nâu có tên khoa học là Pygathrix nemaeus. Đây cũng là một loài linh trưởng đặc hữu khu vực, chỉ tồn tại ở Lào và Việt Nam. Tình trạng quần thể của loài ngoài tự nhiên ước đoán dưới 2.000 cá thể. Theo Sách Đỏ Việt Nam, đây là loài nguy cấp bậc E, đứng
trước nguy cơ
tuyệt chủng cao.
Về tập tính, loài này sống trên tầng tán cao của rừng, ăn lá cây là chủ yếu (>80%), ngoài ra còn ăn quả, hoa và hạt. Loài sống thành gia đình khoảng 5-7 thành viên. Đây là loài động vật hoang dã rất mẫn cảm với sự thay đổi môi trường sống.
Hiện nay diện tích rừng tại bán đảo Sơn Trà, nơi cư trú cho bầy voọc chà vá dần bị thu hẹp và chịu khá nhiều tác động của con người như xây cất, làm đường... Ngoài ra, việc quy hoạch xây dựng các khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng và đón một khối lượng khách du lịch đã và sẽ gây ra những nguy cơ gì với quần thể voọc quý hiếm?
Chúng ta đang thấy môi trường sống của loài chà vá chân nâu đang bị thu hẹp và chia cắt đáng kể do các khu kinh doanh như nhà hàng, khách sạn ở phía Nam của bán đảo Sơn Trà. Hai quần thể phía Đông và phía Tây bị tách rời do mở đường và các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Vùng sống của động vật giờ đây chủ yếu ở phía Bắc và trên đỉnh. Nếu tiếp tục phát triển các hoạt động du lịch không bền vững thì quần thể tỉ lệ sinh sản tiếp tục giảm (động vật bị stress do nhiều du khách đến), nguồn gen bị suy thoái do giao phối cận huyết vì các tiểu quần thể không thể gặp nhau. Ngoài ra còn có thể kể đến việc nguồn thức ăn bị suy giảm về số lượng và chất lượng do rừng bị cắt để xây dựng và làm đường.
Môi trường sống của loài chà vá chân nâu đang bị thu hẹp và chia cắt đáng kể do các khu kinh doanh như nhà hàng, khách sạn ở phía Nam của bán đảo Sơn Trà. Ảnh Nguyễn Trường Sinh
Bảo vệ quần thể loài quý hiếm là một chuyện, cái quan trọng hơn là bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên của bán đảo này, bởi đây là “lá phổi” của Đà Nẵng. Ông có đồng tình với quan điểm này?
Tôi đồng tình. Thử làm một phép tính sẽ thấy hệ sinh thái rừng Sơn Trà có giá trị thế nào với người dân thành phố Đà Nẵng. Theo các nhà khoa học lâm nghiệp nhiệt đới Nhật Bản, mỗi ngày một hecta rừng tự nhiên hấp thụ khoảng 1 tấn khí CO2 và nhả ra môi trường 730kg khí O2 sạch. Rừng Sơn Trà có 4.500 hecta, do đó sẽ có 4.500 tấn CO2 được hấp thụ và có tới 3.285 tấn O2 sạch được bơm vào môi trường mỗi ngày. Theo các nhà khoa học Mỹ, nhu cầu tiêu thụ O2 của một người trưởng thành là 0,75kg mỗi ngày (hay 550 lít). Như vậy mỗi ngày Sơn Trà tạo ra dưỡng khí đủ cho 4.380.000 người. Đó chính là lý do vì sao du khách đến Đà Nẵng đều cảm thấy không khí trong lành và sảng khoái khi hít thở. Nên nhớ, cây hấp thụ CO2 và nhả ra O2, con người thì ngược lại. Con người cần cây và hệ sinh thái rừng hơn bất kỳ những gì khác.
Nhưng cũng có người lập luận việc khai thác và phát triển các hạng mục giải trí tại bán đảo Sơn Trà cũng là cách thu hút du lịch, tạo điều kiện cho nhiều người được chiêm ngưỡng loài động vật đặc hữu tại đây. Quan điểm của ông thế nào?
Tôi nghĩ tự nhiên cũng chịu đựng có giới hạn. Trong chuyên môn người ta gọi là ngưỡng sinh thái hay sức chống chịu của hệ sinh thái. Các hoạt động phát triển vì bất kỳ mục đích gì (an ninh quốc phòng, du lịch phát triển) đều cần phải tính toán chặt chẽ trong tương quan với ngưỡng sinh thái. Bởi vượt quá ngưỡng đó thì hệ sinh thái sẽ sụp đổ và con người là một loài trong hệ sinh thái đó sẽ gánh chịu hậu quả khôn lường. Formosa là một bài học nhãn tiền khi chúng ta không hiểu và tính toán kỹ lưỡng
trước khi hành động.
Theo ông, bảo tồn loài voọc quý hiếm ở Sơn Trà, cũng như công tác bảo tồn loài động vật này trong điều kiện hiện nay, cần chú ý điều gì?
Có bốn vấn đề phải làm ngay: đầu tiên là đánh giá lại quần thể voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà và xây dựng phương án giám sát quần thể hàng tháng. Thứ hai là quy hoạch vùng bảo vệ nghiêm ngặt loài thức ăn và các sinh cảnh sống quan trọng của loài. Thứ ba, tăng cường thực thi pháp luật và quản lý chặt chẽ hoạt động du lịch. Thứ tư, có phương án quản lý tổng hợp cho bán đảo Sơn Trà nhằm làm rõ chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan quản lý và giao về cho một cơ quan chịu trách nhiệm.
Nên nhớ, cây hấp thụ CO2 và nhả O2, con người thì ngược lại. Con người cần cây và hệ sinh thái rừng hơn bất kỳ những gì khác.-TS. Hà Thăng Long - Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu voọc chà vá chân xám tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai),