»

Thứ hai, 20/01/2025, 09:11:11 AM (GMT+7)

Bảo tồn voi: ì ạch

(08:09:57 AM 29/02/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 773/QĐ-TTg về khẩn trương triển khai kế hoạch hành động bảo tồn voi, thực hiện tại Nghệ An, Đắk Lắk và Đồng Nai. Tuy nhiên, đến nay mọi thứ vẫn chưa đâu vào đâu

>> Voi có nguy cơ tuyệt chủng

 Nguyên nhân chậm trễ được Bộ NN-PTNT nêu là vì các địa phương chưa được bố trí kinh phí thực hiện. Do đó, bộ vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng gia hạn kế hoạch bảo tồn voi đến năm 2020 với tên gọi “Kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi Việt Nam”.

Quá chậm và thụ động

Theo ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, tại tỉnh Đồng Nai, voi sinh sống ở 3 khu vực gần nhau: Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, Vườn Quốc gia Cát Tiên và Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp La Ngà. “Tình trạng của đàn voi rất nguy cấp, nếu dự án bảo tồn voi của Bộ NN-PTNT kéo dài đến năm 2020 thì e rằng voi đợi không nổi!” - ông Mùi lo lắng.
Chính vì thế, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt dự án xây dựng hàng rào điện nhằm hạn chế xung đột giữa voi và người trên địa bàn Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai. Theo đó, xây 20 km hàng rào điện cố định và 10 km hàng rào điện di động với tổng kinh phí 9 tỉ đồng. Năm nay, UBND tỉnh đã ghi vốn cho dự án 3 tỉ đồng, bắt đầu thực hiện từ tháng 2-2012, dự kiến đến cuối năm 2013 sẽ hoàn thành.
Rất nhiều voi ở Đắk Lắk bị kẻ gian cắt trộm đuôi đem bán. Ảnh: Cao Nguyên
Tuy nhiên, ông Trần Thế Liên, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn Thiên nhiên (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT), cho biết Nghệ An và Đắk Lắk đều đã xây dựng kế hoạch và được bố trí vốn cho dự án bảo tồn voi trước năm 2010 (Đắk Lắk 66 tỉ đồng, Nghệ An 14 tỉ đồng). Còn Đồng Nai thì đến cuối năm 2011 mới gửi dự án cho Bộ NN-PTNT thẩm định.
Khi đó đã hết thời hạn thực hiện kế hoạch nên không tìm được nguồn vốn bố trí cho Đồng Nai (dự kiến khoảng 35 tỉ đồng). dù vậy, theo ông Liên, tuy chưa được bố trí vốn cho dự án cụ thể nhưng các địa phương nói trên vẫn có nguồn vốn từ kế hoạch bảo vệ phát triển rừng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hằng năm, trong đó có hạng mục bảo tồn voi, để sử dụng trước.

Loay hoay, lúng túng

Tỉnh Đắk Lắk cũng được yêu cầu bảo tồn voi khẩn cấp theo Quyết định 733/2006/QĐ-TTg. Tuy nhiên, quyết định này bị những người có trách nhiệm ở tỉnh Đắk Lắk “hiểu nhầm” thành dự án phát triển du lịch nên giao cho Sở Thương mại và Du lịch (trước đây) triển khai. Do sở này không có chuyên môn về bảo tồn động vật hoang dã nên sau một thời gian lúng túng, kế hoạch khẩn lại quay về… điểm xuất phát! Trước thực trạng số lượng voi suy giảm nhanh chóng, đến ngày 26-10-2010, Dự án bảo tồn voi Đắk Lắk giai đoạn 2010-2015 mới được UBND tỉnh phê duyệt.
Khai thác du lịch quá mức là nguyên nhân khiến voi không thể sinh sản
Kế hoạch xây dựng trụ sở làm việc, bệnh viện cho voi trên diện tích 200 ha tại Vườn Quốc gia Yok Đôn cũng đã được UBND tỉnh Đắk Lắk đề xuất nhưng không được Bộ NN-PTNT đồng ý vì nằm trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Yok Đôn. Hiện Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk và UBND tỉnh Đắk Lắk đang tiến hành khảo sát nhằm xin 200 ha tại khu vực vành đai Vườn Quốc gia Yok Đôn để xây dựng trung tâm bảo tồn voi.

Như vậy, sau hơn một năm dự án bảo tồn voi Đắk Lắk được phê duyệt, đến nay cơ quan chức năng vẫn còn loay hoay tìm vị trí xây dựng.

Ngoài ra, để bảo tồn voi hoang dã, vấn đề sống còn là duy trì môi trường sống của chúng, song tỉnh Đắk Lắk chưa thể hiện rõ quyết tâm làm điều này. Trong hàng trăm ngàn hécta rừng ở Buôn Đôn và Ea Súp, chỉ có Vườn Quốc gia Yok Đôn và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Buôn Đôn ít bị tác động, còn lại đều là rừng sản xuất của các công ty lâm nghiệp Ea H’Mơ, Ya Lốp - khu vực sinh sống của nhiều voi rừng. Tuy vậy, phương án chuyển đổi các công ty lâm nghiệp sang bảo tồn voi hoặc tiếp tục khai thác đến nay vẫn chưa ngã ngũ.

Thiếu tiền

Một nguyên nhân chính dẫn đến việc dự án triển khai chậm đó là do thiếu kinh phí. Dự án bảo tồn voi Đắk Lắk có kinh phí 61 tỉ đồng, hoạt động trong vòng 5 năm nhưng hiện mới chỉ giải ngân được 350 triệu đồng. Số tiền này mới chỉ đủ trả lương cho CB-NV.

Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, nói: “Nếu có kinh phí thì chúng tôi bắt tay ngay vào việc xây dựng 2 trạm giám sát voi ở huyện Buôn Đôn và Lắk. Mỗi trạm sẽ biên chế 5 người, có nhiệm vụ giám sát, thống kê các dữ liệu của voi để làm cơ sở khi đưa voi vào trung tâm bảo tồn”.

Dù vậy, có trung tâm bảo tồn voi nhưng nếu thiếu chính sách tốt cho các chủ voi thì khó có thể đưa voi vào trung tâm. Hiện nay, hầu hết số voi nhà của Đắk Lắk đều được đưa vào phục vụ các khu du lịch. Mỗi ngày, mỗi chủ voi thu về gần 1 triệu đồng, nếu đưa voi vào chăn thả tập trung thì các chủ voi sẽ thất thu. Theo ông Luân, đây thực sự là vấn đề nan giải. Với tình hình kinh phí eo hẹp như vậy, chưa biết làm thế nào có đủ tiền trả cho các chủ voi để “thu hồi” và đưa voi vào trung tâm bảo tồn!

 Nhiều nước bảo tồn voi thành công

Nhiều quốc gia châu Á đã triển khai chương trình bảo tồn voi từ rất sớm và đạt được nhiều kết quả. Ở Indonesia, 6 trung tâm huấn luyện được thành lập từ năm 1985, về sau đổi tên thành trung tâm bảo tồn voi, hiện đang tạo điều kiện sống tốt cho 350 con voi nhà. Tại Sri Lanka, khoảng 4.000 - 5.000 con voi hoang dã được bảo vệ tốt nhờ chính sách kiên trì giữ khu rừng và hệ thống vườn quốc gia. Dự án bảo tồn voi của Ấn Độ cũng rất thành công với việc thành lập 25 trung tâm bảo tồn, bảo vệ môi trường sống và phục hồi cách thức di trú truyền thống của các đàn voi hoang dã. Đặc biệt, tại Thái Lan, ngoài kết quả bảo tồn, gần đây, họ đã nghiên cứu sinh sản nhân tạo thành công, qua đó mở ra khả năng mới cho bảo tồn voi bền vững…

Thu Sương - Cao Nguyên (NLD)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Bảo tồn voi: ì ạch

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
 Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

(Tin Môi Trường) - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, địa phương hiện có 648.370 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại dược liệu bản địa, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình đã được thực hiện thành công, mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi giảm nghèo.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI