Sống khỏe » Dinh dưỡng
Có nên nhịn ăn dài ngày?
(11:04:46 AM 17/10/2015)
Một cô nhân viên văn phòng, 30 tuổi, sau khi sinh thì bị nám da mặt. “Bác sĩ Google” và nhiều người quen “phán” rằng da xấu là do chất độc tích tụ, cần thanh lọc cơ thể. Một cô khác thì mập mạp nhưng “cơ địa” có vẻ yếu, tinh thần bải hoải. Tìm hiểu một chặp cũng nhận được lời khuyên: phải thanh lọc cơ thể.
Detox, khái niệm mà dân gian thời @ thường gọi là “thanh lọc cơ thể” với nhiều nhầm lẫn, rộ lên thành một phong trào từ vài năm nay. Tuy nhiên, tác dụng của các phương pháp nhịn ăn này ra sao thì đến nay người nói tốt, kẻ nghi ngờ, chưa ngã ngũ. Nhìn dưới lăng kính của y học hiện đại việc nhịn ăn không được khuyến khích thực hiện, nếu không nói là bị các bác sĩ phản đối mạnh mẽ.
Hai tuần đầy thách thức
Có nhiều phương pháp “thanh lọc” được lưu truyền, ví dụ: Trong 10 ngày, thay vì ăn thì chỉ uống các loại nước cung cấp calo và dưỡng chất nhằm mục đích để bộ máy tiêu hóa... nghỉ ngơi. Trung bình mỗi ngày, người thực hiện uống từ 6 - 12 lít nước lọc pha cốt chanh, ớt bột và si rô lá phong (maple) mỗi khi thấy đói; uống thêm thuốc nhuận tràng trước khi đi ngủ, và uống một ly nước muối vào buổi sáng.
Nói chung, các phương pháp detox đều tránh thực phẩm thông thường như tinh bột, thịt cá, chỉ uống nước ép rau quả trong thời gian 1 - 2 tuần.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, việc thay đổi đột ngột chế độ ăn uống như vậy là không nên vì cơ thể muốn khỏe mạnh cần được cung cấp các chất dinh dưỡng cho tế bào hoạt động. Các chất dinh dưỡng bắt buộc phải đến từ nguồn thực phẩm sinh năng lượng, ví dụ từ chất bột đường, chất đạm, chất béo. Ba nhóm thực phẩm này sinh ra năng lượng giúp cơ thể hoạt động một cách hiệu quả. Theo bác sĩ Diệp, nếu chúng ta đột nhiên có kế hoạch không ăn các chất dinh dưỡng sinh năng lượng đó, lúc này, mặc dù cơ thể vẫn tồn tại được, nhưng là bằng cách sử dụng năng lượng dự trữ. Và nguồn năng lượng dự trữ này dĩ nhiên được lấy từ trong cơ thể.
Giải độc hay tích độc ?
Bác sĩ Diệp giải thích, con người dù có thực hành “thanh lọc” hay không thì vẫn phải thở, tim phải đập hoặc ít nhất là chớp mắt... Chỉ riêng các hoạt động đơn giản như vậy đều cần đến năng lượng. Nếu không được cung cấp năng lượng, các tế bào sẽ không hoạt động và cơ thể sẽ phải sử dụng nguồn năng lượng dự trữ. Điển hình là chất đạm được lấy từ các mô dự trữ ở cơ bắp, chất béo lấy từ trong gan, dưới da hoặc nội tạng còn chất bột đường tuy cơ thể không dự trữ, nhưng trong cơ có chất glucogen và từ chất này sẽ chuyển hóa ngược ra thành glucose cho tế bào hoạt động.
Khi chúng ta không ăn thì cơ thể sử dụng năng lượng từ nguồn dự trữ đó để chuyển hóa ngược. Quá trình chuyển hóa ngược sinh ra nhiều chất thải độc hại hơn so với khi ta lấy năng lượng từ nguồn thực phẩm ở bên ngoài. Và vô hình trung, chúng ta tưởng là đang thải độc cho cơ thể nhưng thật ra là cơ thể đang tự sinh ra chất độc.
Bất lợi thứ hai của việc nhịn ăn là cơ thể sẽ yếu dần do thiếu năng lượng, kèm theo đó là rối loạn chuyển hóa. Nếu cơ thể sẵn tiềm ẩn một số bệnh như rối loạn tim mạch hoặc rối loạn chuyển hóa, trong điều kiện bình thường, các bệnh này chưa bộc lộ, thực hiện nhịn ăn nhiều ngày là cơ hội “giúp” các bệnh này lộ ra. Đã có trường hợp phải đi cấp cứu.
Thêm vào đó, trong thời gian thực hành nhịn ăn, cơ thể hoạt động không hiệu quả và cảm thấy rất yếu vì thiếu năng lượng. Khi không khỏe thì dễ xảy ra tai nạn lao động, tai nạn giao thông. Việc uống nước pha giấm, pha chanh, pha muối thậm chí còn gây tác hại đến hệ thống tiêu hóa.
Nhịn ăn dài ngày khác ăn kiêng chỗ nào ?
Theo bác sĩ Diệp, phương pháp nhịn ăn dài ngày triệt để theo kiểu không ăn cái gì hay nói nôm na là nhịn đói và chỉ uống nước rau quả không có mặt tích cực nào. Bác sĩ Diệp cho rằng đây là phương pháp phản khoa học.
Một số người hiện nay nhầm lẫn giữa ăn kiêng và thanh lọc. Ví dụ một người 40 tuổi trở lên, ăn kiêng bằng cách ăn ít thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt heo, thịt gà, bò, trứng và chuyển sang ăn nhiều rau, đậu nành, nấm. Mặt khác, người đó ăn thêm một ít thực phẩm có nguồn gốc động vật giàu đạm như cá, tôm hoặc thay vì ăn da gà, heo, gan cật thì chuyển sang ăn các loại hạt để đảm bảo đủ lượng chất béo cho cơ thể, hoặc không dùng mỡ chiên xào thức ăn mà chuyển sang dầu ăn. Điều này rất tốt vì họ có chế độ ăn phù hợp với lứa tuổi. Ăn kiêng đôi khi cũng có thể bằng cách giảm khẩu phần ăn hoặc cắt giảm chất béo, giảm ăn mặn, ăn ngọt khi tuổi lớn hoặc bị thừa cân, béo phì. Cách này không gọi là detox mà là chọn một khẩu phần ăn phù hợp với lứa tuổi và tình trạng sức khỏe.
Bác sĩ Diệp giải thích thêm về chuyện nhiều người nghĩ rằng thực hiện thanh lọc sẽ đồng thời có tác dụng giảm cân: nếu áp dụng phương pháp detox như kể trên thì đúng là có thể giảm cân, vì năng lượng dung nạp ít hơn so với nhu cầu, nên cơ thể sẽ phải sử dụng năng lượng trong cơ, mỡ, gan để tạo ra năng lượng cho cơ thể hoạt động, vì vậy mới có hiện tượng cân nặng sụt. Nhưng, thật ra phần giảm xuống này là giảm nước, giảm mỡ, giảm cơ.
Muốn giảm cân một cách khoa học, người ta phải điều trị giảm lượng mỡ thừa còn cơ thì giữ nguyên. Mặc dù nhịn ăn vẫn xác định có giảm cân, nhưng việc giảm cân này đồng nghĩa với việc giảm cơ và khi mất cơ thì cơ thể chắc chắn sẽ yếu đi.
Ngoài ra, có một thực tế là sau khi nhịn ăn dài ngày, thấy cân nặng sụt như ý, nhiều người “ngủ quên trên chiến thắng” và nghĩ rằng mình đã thành công nên sau đó ăn nhiều trở lại và dĩ nhiên cân nặng sẽ tăng lên vùn vụt so với trước khi nhịn.
Bên cạnh đó sau khi detox, cơ thể sẽ xảy ra phản ứng dội, nghĩa là sau một thời gian bị bỏ đói lâu ngày, lúc ăn trở lại, cơ thể dung nạp theo kiểu chuyển hóa không bình thường nên sẽ làm tăng khối mỡ lên chứ không tăng khối cơ. Một số hệ lụy khác là người thực hành nhịn ăn dài ngày có thể bị đau dạ dày và gặp các vấn đề về đường tiêu hóa.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Vinamilk trao tặng gần 20.000 hộp sữa cho trẻ em nhân ngày hội tựu trường
- Vinamilk:Sữa "Made in Vietnam" sẵn sàng cạnh tranh về chất lượng với quốc tế
- Hành trình đoạt 3 giải thưởng danh giá quốc tế của sữa hút chân không Vinamilk
- 12 năm liên tiếp, vị trí thương hiệu sữa được chọn mua nhiều nhất không "đổi ngôi"
- “Đổi mới” và “Phát triển bền vững”-Xu hướng được ngành sữa toàn cầu nhấn mạnh
- Vì sao nước đun sôi để nguội chỉ nên dùng trong ngày?
- Tăng cường hợp tác để nâng cao hiệu quả điều trị, chăm sóc sức khỏe bằng dinh dưỡng
- Ba đơn vị lớn về dinh dưỡng và y tế bắt tay trong hợp tác chiến lược nâng cao sức khỏe cộng đồng
- Uống ca cao, quý cô thay đổi ngạc nhiên sau 8 tuần
Bài viết mới:
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
- Tổng công ty giấy Việt Nam bị xử phạt 1,89 tỷ đồng (26/10/2024)
- Bão Trà Mi tăng lên cấp 11, giật cấp 14 và đang tiến vào vùng biển nước ta (26/10/2024)
- Tổng thư ký VACNE trình bày “Bài học kinh nghiệm thực tiễn về phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường” tại Hội nghị của Liên đoàn các tổ chức kỹ thuật ASEAN (24/10/2024)
- Học sinh thích thú khám phá trang trại, nhà máy "Xanh" sản xuất ra hộp sữa Vinamilk (24/10/2024)
- Cây thị 700 năm tuổi được bảo vệ nghiêm ngặt ở Thanh Hóa (21/10/2024)
- Hội đồng Ban giám khảo vòng sơ khảo cuộc thi “Sáng tạo xanh - Sống trong lành” (21/10/2024)
- Quảng Ninh: Hai cây đầu tiên của huyện Hải Hà được công nhận Cây Di sản Việt Nam (14/10/2024)
- Ảnh "Voọc mũi hếch" giành giải nhất cuộc thi "Chim và thú hoang dã Việt Nam 2024" (14/10/2024)
Thông nước: Cây Di sản làm thuốc
(Tin Môi Trường) - Thông nước hay Thủy tùng, gọi như vậy vì cây này gần giống cây Thông, nhưng mọc ở dưới nước hay ven nước, tên khoa học là Glyptostrobus pensilis (Staunt.) K. Koch, họ Bụt mọc (Taxodiaceae).
"Kết hợp chết người" nếu dùng Viagra và thứ này cùng lúc
(Tin Môi Trường) - Viagra và một số thuốc trị rối loạn cương dương cùng thành phần có thể gây nguy hiểm khi kết hợp với một loại thuốc dùng trong bệnh động mạch vành.
Vì sao Bệnh viện Chợ Rẫy, Từ Dũ "thoát" bị xử phạt vi phạm môi trường?
(Tin Môi Trường) - Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công khai 2 kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM.