»

Thứ bảy, 18/01/2025, 10:14:11 AM (GMT+7)

Ông Thủ Huồng

(10:15:57 AM 25/12/2012)
(Tin Môi Trường) - Người dân Nam bộ, hầu như ai cũng từng nghe qua câu ca dao Nhà Bè nước chảy chia hai/Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về. Không chỉ địa danh Nhà Bè, mà cả chùa Chúc Thọ ở Cù Lao Phố (Biên Hòa) đều gắn với những giai thoại rất thú vị về Thủ Huồng...

“Bó tre lên cất nhà bè”

 

Tương truyền ngày xưa ở Cù Lao Phố có ông Võ Thủ Hoằng, làm chức nha lại (chạy giấy tờ cho quan quân sở tại) nhưng rất giàu có nhờ chuyên cho vay nặng lãi. Đã cho vay nặng lãi thì y đâu ngại những việc làm thất đức để gia sản của mình ngày một bành trướng. Uy lực của Võ Thủ Hoằng bao trùm thiên hạ khiến người dân địa phương không dám gọi y bằng tên thật mà gọi trại là “Thủ Huồng”.

 

Một hôm Thủ Huồng nằm mơ thấy mình lạc xuống địa ngục, chứng kiến những màn tra tấn, khảo hình rất rùng rợn. Đến nơi kia, thấy giữa rừng người bị gông xiềng, đánh đập bỗng nổi lên một chiếc gông rất to, nhưng chưa có người (bị gông). Hỏi đám âm binh thì được trả lời: “Chiếc gông này là để dành cho một người có tên là Thủ Huồng, vì những điều ác đức xưa nay hắn đã làm!”. Bủn rủn chân tay, mồ hôi vã ra như tắm, Thủ Huồng hỏi: “Có cách gì thay đổi được không?”. Đáp: “Có thể được, nếu hắn bỏ điều ác, tu thân tích đức”.

 

 

 Theo[-]dấu[-]người[-]xưa:[-]Ông[-]Thủ[-]Huồng
Ba bức tượng Phật tại Cù Lao Phố - Ảnh: Tư liệu

 

 

Tỉnh dậy, Thủ Huồng thay đổi hẳn cách sống. Ông thường hay bố thí cho người nghèo và làm những việc nghĩa, mà điển hình là việc tạo nên địa danh Nhà Bè. Thuở ấy, miệt Đồng Nai - Gia Định còn rất hoang vu, dưới sông sấu lội, trên bờ cọp vây. Ở đoạn qua phà Bình Khánh bây giờ, dòng sông chia làm hai nhánh, một chảy về Nhơn Trạch (Đồng Nai), một chảy về Cần Giờ (TP.HCM). Vùng này đầm lầy nước mặn, không có ruộng (gạo), không có nước ngọt, lên bờ lấy củi thì sợ sấu ngoạm, cọp vồ. Thấy sự khốn khó của dân tình, Thủ Huồng đã cho người lấy tre kết thành một mảng bè lớn neo gần ngã ba sông, phía trên làm nhà lợp mái, trong nhà để sẵn gạo, muối, nước ngọt, củi để ai cần đều có thể lấy sử dụng, hết thứ nào ông lại cho ghe chở ra tiếp tế...

 

Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có chép: “Thuở ấy, dân cư còn thưa thớt, ghe đò hẹp nhỏ, hành khách thổi cơm, đun trà rất khổ, vì vậy có người phú hộ ở tổng Tân Chánh là Võ Thủ Hoằng kết tre lại làm bè, trên che lợp phòng ốc, sắm đủ bếp núc, gạo, củi và đồ ăn để dưới bè cho hành khách tùy ý dùng mà không bắt phải trả tiền. Sau đó khách buôn cũng kết bè nổi bán đồ ăn nhiều đến 20, 30 chiếc, nhóm thành chợ trên sông, nên mới gọi xứ ấy là Nhà Bè. Sau này đường thủy, đường bộ lưu thông, dân cư đông đúc, người qua lại đều dùng ghe nhà nên đò dọc phải dẹp bỏ... Cầu Thủ Huồng giữa Tân Vạn và chợ Đồn (Biên Hòa) tương truyền do Võ Thủ Huồng xây dựng đến nay vẫn còn”.

 

Chuyện ông Thủ Huồng làm bè tre cất nhà còn được ghi trong một cuốn sách cổ: “Phú hộ là ông Thủ Hoằng/Thương người khổ não lăng xăng trăm bề/Bó tre lên cất nhà bè/Sắp đồ thập vật ê hề làm ơn/Để mà tế cấp hành nhơn/Chẳng thèm tính thiệt, so hơn lằng xằng/Dân bèn bắt chước Thủ Hoằng/Nhà bè sắm sửa giăng giăng chất đều/Nhóm lên chợ nước dập dều/Nay còn để tiếng tục kêu Nhà Bè...” (Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, xuất bản ở Sài Gòn 1906).

 

Hàng trăm năm trôi qua, ngôi nhà “làm phước” của Thủ Huồng không còn nữa nhưng cái tên Nhà Bè thì đã ở lại với cư dân Nam bộ nói chung và miền đất Đồng Nai - Gia Định nói riêng...

 

 

Theo[-]dấu[-]người[-]xưa:[-]Ông[-]Thủ[-]Huồng[-]1
Chùa Chúc Thọ


Dựng chùa và... đầu thai

 

 

Lại nói về Thủ Huồng, sau một thời gian tự tu sửa, làm lành lánh ác: bố thí cho người nghèo, dựng nhà bè trên sông vắng... Một đêm kia ông lại nằm mơ, thấy mình trở lại thăm “chốn cũ”, thấy cái gông (dành cho mình) vẫn còn đó nhưng đã nhỏ đi nhiều phần. Tỉnh dậy, ông đem tất cả gia sản phân phát cho người nghèo đồng thời dựng trên đất Cù Lao Phố một ngôi chùa rồi lánh mình vào đó, xuất gia thờ Phật; tên gọi ngày nay là chùa Chúc Thọ, nhưng dân gian vẫn quen gọi là chùa Thủ Huồng.

 

Liên quan đến Thủ Huồng, còn có chuyện ông được đầu thai vào địa vị cực kỳ cao quý (xin nhắc, đây chỉ là những giai thoại do dân gian truyền khẩu). Dân gian đồn rằng, khi vua Đạo Quang (1782 - 1850), của nhà Thanh bên Tàu mới chào đời, người ta phát hiện trong lòng mỗi bàn tay của ngài có một chữ viết, nhưng họ chỉ đọc được chữ “Thủ” (là chữ Hán) ở một bàn tay, còn chữ ở bàn tay kia thì không đọc được, nên vẫn còn là một dấu hỏi, tồn tại nhiều năm. Đến khi vua Đạo Quang lên ngôi, có sai sứ sang bang giao với nước ta. Thấy dân bản xứ tuy cũng dùng chữ Hán nhưng lại còn có một thứ chữ “quen quen”, hỏi mới biết là chữ Nôm. Lại gợi chuyện hỏi về cái chữ “nghi án” còn nằm trong lòng bàn tay của “thiên tử”, mới biết đó là chữ “Huồng” của người nước Nam. Sứ thần cho điều tra, biết rằng ở Cù Lao Phố miền Lộc Dã, Trấn Biên của nước sở tại có một người tên là Thủ Huồng, trước là một tài phiệt, sau tu thân tích đức, dựng chùa đi tu... Tuy ông chết đã lâu nhưng hiện vẫn còn ngôi chùa mang tên ông ở nơi chôn nhau cắt rốn.

 

Sứ thần về tâu lại, vua Đạo Quang mới biết rằng “tiền kiếp” của mình vốn là... ông Thủ Huồng nào đó ở An Nam quốc. Vua bèn sai thợ chế tác 3 tượng Phật “Tam thế” bằng gỗ trầm hương, chở sang Cù Lao Phố dâng cúng ngôi chùa có “duyên nợ” với vận mệnh của mình.

 

Trước năm 1975, nhà giáo Nguyễn Tài Năng ở Phong Dinh (nay là Cần Thơ) có làm bài thơ: “Luân hồi nhân quả trả vay luôn/Đáng kể làm gương có Thủ Huồng/Cho nợ nhiều lời, Diêm chúa giận/Hốt tiền kém nghĩa, thế nhân buồn/Bắc cầu, sửa lộ, ơn ngàn ức/Vét rạch, xây chùa, đức vạn muôn/Còn có Đạo Quang, Tam-Thế-Phật/Làm giàu chánh đáng, mới vuông tròn”.

 

Ba bức tượng Phật (tương truyền của vua nhà Thanh dâng cúng) hiện vẫn còn được lưu giữ tại chùa Chúc Thọ (sau lưng Đại Giác cổ tự) thuộc ấp Nhị Bình, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai). 

Hà Đình Nguyên (TNO)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Ông Thủ Huồng

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
 Bình Định tổ chức lễ giỗ kỷ niệm 222 năm ngày mất Đô đốc Bùi Thị Xuân

Bình Định tổ chức lễ giỗ kỷ niệm 222 năm ngày mất Đô đốc Bùi Thị Xuân

(Tin Môi Trường) - Ngày 6/112/2024 (nhằm ngày mùng 6/11 năm Giáp Thìn), Bảo tàng Quang Trung đã tổ chức Lễ giỗ nhân kỷ niệm 222 năm ngày mất Đô đốc Bùi Thị Xuân (1802 – 2024) tại Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân (khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn – Bình Định) theo nghi thức giỗ truyền thống.

VACNE 30 năm
 Đà Lạt muốn nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, xây tổ hợp khách sạn, thương mại… bên dưới

Đà Lạt muốn nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, xây tổ hợp khách sạn, thương mại… bên dưới

(Tin Môi Trường) - Phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng của Đà Lạt được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng lựa chọn là phương án Hotel du Printemps của KTS. Thierry Van de Winagaert. Theo đó, Dinh Tỉnh trưởng sẽ được nâng cao 28m so với vị trí ban đầu. Phần dưới và xung quanh sẽ là tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ...

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI