Cộng đồng » Cửa sổ tâm hồn
Nhẹ như mây trắng về trời
(21:59:42 PM 28/07/2011)
Trời của miền Trung mùa này phả nắng nóng rát. Nắng làm tan chảy ý niệm ngồi trước màn hình máy vi tính để "google" những thứ cần thiết cho sự gia tăng hiểu biết về tất cả. Đi về phía đất nắng để cúi mình trước các tượng đài về ý chí, lòng quả cảm, tinh thần đồng đội. Đi về phía đất nắng để lặng người rơi những giọt nước mắt khi tai ta nghe bức thư của một anh lính chiến trường gửi người vợ trẻ, cha mẹ già khi biết trước sự hy sinh nhẹ tựa lông hồng. Đi về phía đất của đạn bom, xác pháo trong chiến tranh vệ quốc để thấy sức trẻ hôm nay đang tiếp bước từ tiền nhân để xây dựng đất nước là một tiếng gọi của lương tri.
Bức ảnh tỏa sáng nụ cười hồn nhiên anh lính 14 tuổi tham gia chiến đấu trong 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị đã nằm gọn trong bộ nhớ của chiếc Iphone của một học sinh lớp 8. Một sự so sánh nghiễm nhiên đến: cùng độ tuổi nhưng một người cầm súng, một người mải mê cầm bút và hí hoáy với tiện ích công nghệ. Một sự kế tiếp đầy lạc quan cho một quốc gia đi qua hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, vượt qua đói nghèo để đi vào quỹ đạo phát triển, hội nhập.
Sự ác liệt của chiến tranh in dấu trên những bức ảnh, di vật còn lại từ chiến trường, hiển thị trên con số của thương vong và con số tổng kết của các loại vũ khí. Nhưng ý chí để chiến thắng sự ác liệt lại nằm ở đôi mắt, nụ cười, ở nơi thẳm sâu trái tim những người cầm súng. Tuổi trẻ của họ đã thuộc về sự sinh ly tử biệt cho chính nghĩa của một dân tộc. Vì thế, rưng rưng đã chạm khắc bia đá: "Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ, Đáy sông còn đó bạn tôi nằm, Có tuổi hai mươi thành sóng nước, Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm..."(thơ của cựu binh Lê Bá Dương).
Ảnh: Dân Trí |
Con trẻ trên dòng Thạch Hãn ngày nay biết chèo đò cho du khách thả hoa đăng viếng thăm một thế hệ thanh xuân đã nằm lại dưới lòng sông bất tử. Ngọn đèn sáng lên, lênh đênh trên sông để những ai biết được trong cõi tâm linh có điều quý giá- lòng tri ân. Bao nhiêu ngọn cỏ xanh nơi Thành cổ Quảng Trị có che lấp đi được máu xương người lính của hơn một vạn người lính nằm xuống ngày ấy đã góp phần vào thắng lợi của Hiệp định Paris 1973, góp cho mùa xuân đại thắng 1975? Sự bình yên, non xanh Thành cổ hôm nay mang theo một thành ý từ tâm như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết: "Những người chết không phải vì để trở thành anh hùng mà chính là để đằng sau họ những người khác được tiếp tục sống trong tự do và hòa bình, chết cho nhân loại sống còn và thức tỉnh".
Những bà mẹ già di chuyển tấm lưng còng còm cõi để vào Thành cổ thắp một nén nhang cho người thân của mình. Họ chăm đắm đôi mắt tìm kiếm những kỉ vật gần gũi để rồi lặng lẽ khóc chồng, khóc con...Xa đường, sức mọn về thăm Thành cổ, họ bước đi như đang hội ngộ với người đã khuất.
Tiếng chuông vọng vang ở nơi người lính nằm lại trên Đường 9, Trường Sơn đã thiêng liêng dẫn lối cho bao người tìm lại đồng đội, tìm lại người thân. Nén tâm hương là cách bày tỏ cụ thể nhất (và cũng nhỏ bé nhất) tấm lòng của người hành hương về với mảnh đất còn đó những cái tên và cả những người chưa biết tên đã ngã xuống vì Tổ quốc!
Có ai không tìm thêm nghĩa của từ "Hy sinh" khi đặt chân lên nơi mà hàng vạn người đã được quy tập? Có ai soi lại mình khi một lần nào đó trong cuộc sống mình đã trở nên nhỏ bé, thậm chí đến mức hèn mọn? Một phần của sự "thức tỉnh" có phải là ở đây?
Mười mái tóc dài đã làm nên huyền thoại tại ngã ba Đồng Lộc. Khu tưởng niệm 10 cô gái trong một sáng yên lành có thêm tiếng chim hót, gió lay nhẹ cây lá và thơ. Người ta đọc thơ để trân trọng cảm xúc của người làm thơ nhưng cũng trân trọng hơn nữa mười cái tên đã đi vào niềm rung cảm. Thơ gọi tên các chị về đoàn tụ trong nước mắt: "Tiểu đội đã xếp một hàng ngang/ Cúc ơi em ở đâu không về tập hợp?/Chín bạn đã quây quần đủ hết/Nhỏ-Xuân-Hà-Hường-Hợi-Rạng-Xuân-Xanh/A trưởng Võ Thị Tần điểm danh/Chỉ thiếu mình em (Chín bỏ làm mười răng được!)...("Cúc ơi" của nhà thơ Yến Thanh).
Đã không chín bỏ làm mười. Mạch ngầm của đất đã yên ủi các chị, tưởng nhớ của người đời đã sống cùng các chị. Người ta đã tinh tế đem cây bồ kết trồng bên cạnh mười mái tóc dài để bồi đắp một đức tin cho hậu thế, rằng: tuổi thanh xuân của các chị đã hóa thành một phần của sự sống.
Dải đất nào cũng nhiều trầm tích lịch sử. Có những thứ phù sa đang bồi đắp đâu đó trong mỗi con người tâm niệm mỗi chuyến về nguồn cội là mỗi chuyến đi nhắc nhở lương tâm. Bao nhiêu chuyến đi đó, phải nhẹ như mây trắng bay về trời!
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Tác phẩm mới: "Chia sẻ từ trái tim"
- Tiễn biệt GS.TS Võ Tòng Xuân - Một con người của tình thương và công việc
- Dẫn lối cho người sống xanh
- "Đủ duyên ta lại tương phùng"
- Vầng trăng soi những phận người
- Nét riêng ngày Tết miền Trung
- Hãy "Gieo hạt mầm tử tế" và nuôi dưỡng "Những chồi non hi vọng"
- "Vượt qua dông bão" bạn sẽ nhìn thấy "Nắng ấm sau mưa"
- "Lẽ sống" - cuốn sách kinh điển truyền cảm hứng cho hàng triệu người
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Đổi nhựa lấy quà, và sau đó?
(Tin Môi Trường) - Những chương trình trao đổi đồ nhựa lấy quà được thực hiện ở nhiều cộng đồng hay sự kiện liên quan đến môi trường để khuyến khích người dân thu gom nhựa cho tái chế.
Nông dân hồ hởi với tín chỉ carbon
(Tin Môi Trường) - Không chỉ trồng cây lấy lương thực, hoa trái, người nông dân ngày nay còn thu hoạch được cả tín chỉ carbon.
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa
(Tin Môi Trường) - Chương trình Đô thị giảm nhựa được thực hiện ở cấp toàn cầu với 42 đô thị tham gia, trong đó tại Việt Nam có 9 đô thị đã ký cam kết, ban hành kế hoạch và đang tích cực triển khai kế hoạch hành động. Đây là một nỗ lực lớn của chương trình này tại Việt Nam, để đạt được những kết quả bước đầu này, Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng, Chính phủ Việt Nam nói chung ghi nhận sự hỗ trợ, đồng hành hỗ trợ của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đến Chính phủ Việt Nam, cộng đồng cư dân các địa phương trong cả nước.
Hoạt động làm sạch biển huyện đảo Phú Quý
(Tin Môi Trường) - Ngày 03/8/2024, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Huyện Đoàn Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) tổ chức ra quân làm sạch rác thải nhựa tại bãi biển và trồng rừng phòng hộ tại khu vực ven biển Lạch Xanh, huyện đảo Phú Quý. Hoạt động với sự tham gia của gần 150 cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang các đơn vị và người dân địa phương.