Nước ngày càng dâng cao, chúng tôi được người lớn đưa lên chiếc giường tre kê cao. Ngồi trên giường mà ngoài kia mưa vẫn rơi, gió vẫn quét soàn soạt qua mái nhà tranh, hàng cây trong vườn... lòng nao nao một cảm giác khó tả. Tiếng người lớn thở dài, không biết lũ năm nay có to không, có lâu ngày không…Chúng tôi chẳng mấy bận tâm đến điều này. Khi cha mẹ lội nước để cột, chèn, chống phía nhà bếp, kê cao những đồ vật trong nhà, thì chúng tôi nhảy phóc xuống nước, chạy ra vườn chặt mấy cây chuối kết thành bè bơi quanh xóm nhặt trái cây rụng, vừa ăn vừa gọi bạn đi nghịch nước.
Ngồi trên bè, nói đủ thứ chuyện dưới bầu trời xám xịt, những làn gió mang theo những hạt mưa ràn rạt quất vào người, môi đứa nào cũng tím ngắt, răng va vào nhau run cầm cập mà sao thấy vui đến lạ. Tiếng gọi hớt hải của người lớn tìm con đã đưa chúng tôi về thực tại và đứa nào đứa nấy cũng lo về nhà với tâm trạng nơm nớp sẽ bị đòn. Và có lẽ, cũng vì đã trải qua tuổi thơ như chúng tôi nơi vùng quê này, nên cha mẹ chỉ mắng, dọa chút xíu chứ không đánh đòn.
Lạnh cóng người vì nghịch nước, đói phát run, nên khi mẹ vừa mang nồi cơm đến là tất cả bầy con nhảy lên giường ngay. Bữa cơm mùa lũ quê tôi rất đạm bạc. Giữa mâm là một bát mắm cái trộn ớt xanh, một rá rau đủ thứ hái trong vườn vừa luộc còn bốc khói, một đĩa dế xào (chiến lợi phẩm của chúng tôi), một nồi cơm đất mà hai phần là sắn lát.
Ba vừa phát lệnh “ăn cơm đi” là đàn con và lấy và để những miếng cơm vào miệng với cảm giác ngon lành. Cha mẹ chỉ ăn cầm chừng nhìn con, ẩn trong đôi mắt có gì đó vừa yêu thương vừa xót xa. Khi đã hơi no, chúng tôi vừa ăn vừa đưa chân nghịch nước. Một cảm giác bâng khuâng khó tả xốn xang trong lòng, vừa mong lũ sớm rút đi để cha mẹ đỡ nhọc nhằn, vất vả, vừa cảm thấy tiêng tiếc vì thời gian được nghỉ học, nghịch nước sẽ không còn.
Bữa cơm với cái hương vị cay cay của ớt xanh, mặn mòi của mắm cái, cái bùi bùi của sắn khô, cái béo ngậy của những con dế bầu… là bữa ăn nhớ đời của chúng tôi. Giờ đã xa rồi những chén cơm mùa lũ, những ngày nghịch nước, nhưng mỗi lần nghe đài báo lũ về miền Trung, lòng tôi se lại với bao kỷ niệm một thời ấu thơ...
Nguyễn Văn Học (Thanh Niên)