»

Thứ bảy, 18/01/2025, 10:02:22 AM (GMT+7)

Tại sao mưa lũ khó lường từ Á sang Âu?

(14:30:00 PM 04/08/2021)
(Tin Môi Trường) - Mùa hè năm 2021, Trái đất chứng kiến mưa lũ xảy ra với sức tàn phá kỳ lạ, gây nên những tổn thương không ngờ. Đây là lời nhắc nhở rất rõ ràng rằng thời tiết toàn cầu đang ngày càng khắc nghiệt hơn.

 Tại[-]sao[-]mưa[-]lũ[-]khó[-]lường[-]từ[-]Á[-]sang[-]Âu?

Thị trấn Erftstadt (Đức) nhìn từ trên cao ngày 16-7. Ảnh: Reuters
 
Sau đợt nắng nóng chết người ở Mỹ và Canada hồi đầu tháng 7, tin tức thế giới tiếp tục sôi sục về những trận “đại hồng thủy”. 
 
Tính đến ngày 23-7, ít nhất 56 người ở tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc đã thiệt mạng sau nhiều ngày mưa như trút nước... Cách đó hàng ngàn kilômet, lũ lụt nghiêm trọng quét qua Tây Âu hồi giữa tháng đã cướp đi ít nhất 205 sinh mạng. Trong đó, Đức là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất với ít nhất 173 người chết, kế đến là Bỉ với 32 người...
 
Các nhà khoa học chỉ mới bắt đầu tìm hiểu những nguyên nhân thật sự đã gây ra thảm họa, giữa một mạng lưới chằng chịt các yếu tố về khí hậu thủy văn và xã hội. Dẫu vậy, họ đang hướng về một “nghi phạm” chẳng hề xa lạ: biến đổi khí hậu.

Trái đất bất thường
 
Bốn ngày trước khi lũ lụt chết người nhấn chìm miền tây nước Đức và một số vùng của Bỉ hôm 16-7, một hệ thống cảnh báo lũ lụt toàn châu Âu đã dự báo rằng sẽ có mưa cực lớn. Các nhà nghiên cứu “đã tự hoan hô một cách ngu ngốc rằng [họ] có thể đưa ra dự báo sớm đến thế...” - Hannah Cloke, chuyên gia thủy văn và dự báo lũ lụt tại ĐH Reading (Anh) kể trên tạp chí Science.
 
Dù các nhà nghiên cứu cho rằng cảnh báo sớm của họ “thực sự hữu ích”, những gì diễn ra sau đó vẫn cứ là cảnh hoang tàn và chết chóc. “Chúng ta không nên chứng kiến ngần ấy người phải chết vì lũ lụt vào năm 2021. Chuyện này đáng lẽ không nên để xảy ra” - giáo sư Cloke nói.
 
Quả là rất khó tin một thảm họa như thế có thể xảy ra ở những quốc gia giàu có và sở hữu khoa học kỹ thuật hiện đại bậc nhất thế giới. Nhưng những sự kiện thời tiết khó lường không phải bây giờ mới có.
 
Từ năm 2010, thế giới đã bắt đầu sử dụng thuật ngữ “global weirding”, hiểu nôm na là “sự bất thường toàn cầu”, như một sự thay thế dễ hiểu hơn cho “global warming” - “sự ấm lên toàn cầu”. Thuật ngữ này do nhà môi trường học người Mỹ Hunter Lovins đặt ra, sau được nhà báo Thomas Friedman của The New York Times phổ biến.
 
Mối liên hệ giữa “ấm lên” và “bất thường” sẽ làm sáng tỏ phần nào quá trình hình thành nên những sự kiện mưa lũ cực đoan gần đây. Trong trường hợp của Đức cũng như cả châu Âu, mưa bão chậm rãi quét qua lục địa, cùng lượng mưa cao bất thường đổ xuống một khu vực nhỏ khiến các con sông và hệ thống nước thải bị quá tải.
 
Chính hai đặc tính “chậm” và “cao” của mưa bão này đã dẫn đến sự khó lường, bất ổn của hiện tượng khiến tình hình trở nên tồi tệ.
 
Bão di chuyển chậm
 
Mưa bão kéo dài gần đây có thể liên quan đến sự thay đổi của jet stream (luồng khí quyển hẹp). Đây là những cơn gió ở trên cao, vòng quanh Bắc bán cầu từ Tây sang Đông. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng biến đổi khí hậu có thể khiến jet stream di chuyển chậm lại, bằng cách giảm sự chênh lệch nhiệt độ giữa phần phía bắc và phía nam của Bắc bán cầu.
 
Có thể tưởng tượng rằng các cơn gió này bị “giằng co” về hai phía, như cách ví von trong một nghiên cứu xuất bản đầu năm nay trên Climate Change. Kết quả là jet stream di chuyển chậm hơn trong những tháng mùa hè, khiến những trận mưa như trút nước cũng di chuyển từ từ qua các khu vực dễ bị ngập lụt, để lại những vùng lũ nặng nề.
 
Ở miền tây nước Đức, từ ngày 13-7, bão lớn đã trút xuống lượng mưa lên tới 150mm trong 24 giờ, nước cuốn trôi nhà cửa cùng ôtô, gây ra những trận lở đất nghiêm trọng. Ngày 18-7, trong một chuyến thăm, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thốt lên: “Tiếng Đức hầu như không thể diễn tả nổi cảnh tan hoang này”. Cùng ngày hôm đó, thêm nhiều trận lũ quét tấn công vào Bavaria nằm ở miền nam nước này.
 
Cơn bão này đã gần như... đứng yên (lại một điều bất thường nữa), theo Hayley Fowler - nhà thủy văn học thuộc ĐH Newcastle (Anh), trong một phỏng vấn của The New York Times. Fowler cùng các đồng nghiệp vừa công bố một nghiên cứu vào tháng trước trên Geophysical Research Letters, cảnh báo rằng những cơn bão như vậy có thể xảy ra thường xuyên hơn ở châu Âu vào năm 2100, cụ thể là phổ biến gấp 14 lần so với hồi đầu thế kỷ này.
 
Các jet stream di chuyển chậm cũng có thể lý giải cho hiện tượng nắng nóng và hạn hán đang trở nên dai dẳng hơn, bao gồm cả cái nóng khắc nghiệt ở vùng Bắc cực của Nga cách đây nhiều tuần. Chẳng ai ngờ cháy rừng lan rộng đang làm nghẹt thở cả thành phố Yakutsk của nước này, vốn được biết đến là một trong những thành phố mùa đông lạnh nhất hành tinh! Như vậy, mưa bão ở châu Âu chỉ là một mảnh của bức tranh thời tiết bất thường ở Bắc bán cầu mùa hè năm nay.
 
Lượng mưa cực lớn
 
Ở Đức và sau đó là Trung Quốc, có một điểm chung là lũ lụt kinh hoàng xảy ra sau một khoảng thời gian mưa lớn bất thường. Đặc tính này cũng có thể được giải thích bằng hiện tượng ấm lên toàn cầu.
 
Khí hậu ấm hơn có thể mang đến lượng mưa lớn hơn, bởi vì không khí ấm hơn có thể giữ nhiều hơi nước hơn (thêm khoảng 7% hơi nước mỗi khi nhiệt độ tăng thêm 1oC). Trong khi đó, theo một phân tích đang được các nhà khoa học tại NASA thực hiện, nhiệt độ toàn cầu trung bình trên Trái đất đã tăng hơn 1oC một chút kể từ năm 1880, khi con người bắt đầu thải những lượng lớn khí nhà kính vào bầu khí quyển.
 
Đây là một phần lý do tại sao lũ lụt ở Trung Quốc và mới đây là Ấn Độ lại có sức tàn phá khủng khiếp. Trong trường hợp của tỉnh Hà Nam, lượng mưa trút xuống trong 3 ngày liên tục gần bằng lượng mưa trung bình của cả một năm, khiến truyền thông địa phương phải gọi đây là “sự kiện thời tiết ngàn năm có một”.
 
Thủ phủ của tỉnh này, Trịnh Châu - cơ sở sản xuất iPhone lớn nhất thế giới và cũng là một trung tâm sản xuất thực phẩm quan trọng - đạt lượng mưa kỷ lục 200mm chỉ trong vòng một giờ, hôm 20-7. Lượng mưa lần này đã phá vỡ mọi kỷ lục giờ và kỷ lục ngày trong 70 năm thu thập dữ liệu. Nó cũng cao gấp đôi mức được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) phân loại là mưa rất to (trên 100mm/24h).
 
Nhưng như thế chưa là gì so với việc các khu vực thuộc bờ biển phía tây Ấn Độ đã nhận được lượng mưa lên tới 594mm trong 24h tính từ ngày 21-7. Trận mưa lớn nhất trong 4 thập niên trở lại đây đã khiến ít nhất 149 người ở bang Maharashtra thiệt mạng, tính đến ngày 26-7. Mặc dù mưa gắn với gió mùa là hiện tượng thường xuyên xảy ra ở Ấn Độ, nhưng bầu không khí ấm hơn đang kéo theo những trận mưa cực lớn.
 
Trước những gì đã và đang diễn ra trên thế giới, một câu hỏi đặt ra cho các nhà khoa học là mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên một cơn bão là bao nhiêu? Bởi đằng sau mỗi thảm họa lũ lụt còn có những yếu tố khác cộng hưởng và giao thoa, vốn có thể phức tạp hóa các phân tích liên quan đến biến đổi khí hậu.

Tại[-]sao[-]mưa[-]lũ[-]khó[-]lường[-]từ[-]Á[-]sang[-]Âu? 

Tính chuyện tương lai
 
Nếu tạm gọi những cơn bão kéo dài và mưa lớn bất thường là “chuyện trên trời”, thì “người dưới đất” cũng không hoàn toàn vô can khi để xảy ra những hậu quả khủng khiếp. Bao nhiêu trách nhiệm thuộc về khâu đô thị hóa, khi làm thay đổi khả năng thoát nước của đất và dòng chảy tự nhiên của sông ngòi?
 
Và ngay cả khi đã tính xong chuyện sống chung với lũ, chúng ta vẫn phải chuẩn bị nhiều hơn nữa. Chẳng hạn như tại Đức, sau nhiều trận lũ lụt nghiêm trọng trong quá khứ, các vùng đệm đã được củng cố dọc theo các con sông lớn của Đức như sông Rhine hoặc sông Elbe. Tuy nhiên, lượng nước mưa cực lớn vừa qua đã biến các nhánh sông nhỏ trở thành những dòng nước lũ đáng sợ. “Chúng tôi đã và đang tập trung rất nhiều vào các con sông lớn... Vẫn còn nhiều việc phải làm với các dòng nước nhỏ hơn” - William Veerbeek, một chuyên gia quản lý lũ lụt đô thị tại Viện Giáo dục nước IHE Delft nói với Science.
 
Nhưng chỉ một mình các giải pháp công trình, như tăng cường khả năng chống lũ của các tòa nhà, nâng bờ sông và cải thiện hệ thống thoát nước, dù hoàn hảo đến đâu vẫn chưa đủ để bảo vệ người dân. Đi kèm phải là việc phát triển các hệ thống cảnh báo sớm.
 
Sau thảm họa gần đây, hệ thống cảnh báo bị chỉ trích nặng nề tại Đức vì không cho người dân đủ thời gian để phản ứng. Còn tại Hà Nam, Trung Quốc, người dân cho rằng dự báo thời tiết dường như không chính xác và hệ thống cảnh báo thiên tai thì khó hiểu. “Sau này tôi được biết Cục Khí tượng Hà Nam đã phát báo động đỏ trước khi thảm họa xảy ra nhưng không ai có thể truy cập nó bằng Internet hoặc họ không chú ý, vì có rất nhiều báo động được phân loại là thư rác” - một người dân Trịnh Châu nói với The Guardian.
 
Mỗi quốc gia cần có những đổi thay thật sự đáng kể trong hiện tại, để có thể thay đổi số phận của mình trong một tương lai nhiều bất ổn khí hậu. Việc tái cấu trúc đô thị, đầu tư vào nghiên cứu khí hậu hay chuyển hướng sang kinh tế xanh có thể tốn kém hàng tỉ đôla. Nhưng hình ảnh người dân vật lộn với nước ngập ngang ngực trong toa tàu điện ngầm ở Trịnh Châu hay cảnh tượng sự giàu có của Erftstadt biến mất trong nước lũ đã gợi ra cái giá phải trả nếu ta không hành động. ■

 

LÊ MY (TTCT)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Tại sao mưa lũ khó lường từ Á sang Âu?

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Động đất có độ lớn 3.8 tại Kon Plông, Kon Tum

Động đất có độ lớn 3.8 tại Kon Plông, Kon Tum

(Tin Môi Trường) - Theo Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chiều 8/12, một trận động đất có độ lớn 3.8 đã xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; không gây thiệt hại về người và tài sản.

Tin Môi Trường
 Khôi phục tầng ozone, giảm thiểu biến đổi khí hậu

Khôi phục tầng ozone, giảm thiểu biến đổi khí hậu

(Tin Môi Trường) - Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone được tổ chức vào ngày 16/9 hằng năm nhằm tăng cường sự hiểu biết Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone, nâng cao nhận thức, truyền tải các thông điệp bảo vệ tầng ozone tới cộng đồng.

VACNE 30 năm
 Dự báo chỉ số cực đại bức xạ tia cực tím và tiềm năng nhiệt ngày 28/6/2023

Dự báo chỉ số cực đại bức xạ tia cực tím và tiềm năng nhiệt ngày 28/6/2023

(Tin Môi Trường) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 28/6/2023, hầu hết các tỉnh thành trên cả nước đều có chỉ số UV ở mức nguy cơ gây hại cao đến rất cao (6.6 - 9.7), riêng thủ đô Hà Nội và Cần Thơ ở ngưỡng cao (6.2 - 7.4).

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI