(Tin Môi Trường) - Đã nhiều lần chúng ta nghe nói đến cây Mai dương, còn gọi là Trinh nữ thân gỗ, Trinh nữ đầm lầy. Dưới góc độ Môi trường, Mai dương là một loài thực vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm, đe dọa đến sự đa dạng sinh học, hủy hoại môi trường ở nhiều nước trên thế giới, từ khu vực nhiệt đới Châu Phi đến Châu Úc và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Nó là một trong 100 loài sinh vật ngoại lai xâm lấn nguy hiểm nhất trên thế giới (IUCN, 2003).
Cây Mai dương có tên khoa học là Mimosa pigra L., phân họ Trinh nữ (Mimosoideae), họ Đậu (Fabaceae); tên đồng nghĩa là M. pellita Humb. & Bonpl. ex Willd. Tên tiếng Anh là Giant sensitive plant.
Cây này có nguồn gốc từ Trung và Nam Mỹ. Khu phân bố tự nhiên trải dài từ vùng nhiệt đới Mexicô qua Trung Mỹ kéo tới vùng nhiệt đới Nam Mỹ. Cây có thể sống trên nhiều loại đất khác nhau, kể cả đất khô cằn, đất bạc màu nghèo dinh dưỡng, đồi núi trọc, đất cát, phù sa đỏ, đất nhiều bùn,... chúng ưa sống ở vùng đầm lầy, ven bờ nước, kể cả các vùng đất ngập nước nông, đất ngập nước tạm thời hoặc theo mùa, ở những nơi nhiều ánh sáng.
Đặc điểm:
Mai dương là cây bụi, thường cao từ 1-2m, cây 5 tuổi có thể cao trên 3m. Phần thân già hóa gỗ, đường kính trung bình từ 1- 2cm (tùy tuổi cây và môi trường sống). Rải rác trên thân và lá cây có nhiều gai nhọn, cứng. Lá kép 2 lần hình lông chim, mọc so le, khi chạm vào các lá chét cũng xếp lại, nhưng chậm hơn so với cây Trinh nữ (Mimosa pudica L.). Cụm hoa là đầu hình cầu, ở nách lá, có rất nhiều hoa nhỏ màu hồng nhạt hoặc tím nhạt. Quả loại đậu dẹt, mỏng, nhiều đốt, dài 8-12cm, rộng 1,3-1,6cm, chứa 6-14 hạt, vỏ quả có lông dầy và cứng, khi khô chuyển sang màu nâu và sẽ rụng từng đốt (mỗi đốt chứa một hạt dẹt, màu nâu). Cây ra hoa và kết quả quanh năm, nhưng mùa hoa tập trung nhiều vào tháng 2-7, quả chín và rụng vào tháng 9-10.
Cây
Mai dương sinh trưởng nhanh, lan tràn cũng nhanh và phát tán rất xa nhờ vỏ quả của nó có lớp lông dày và cứng có thể bám dính vào lông, da của các loài động vật, quần áo của con người, trôi nổi theo dòng nước hoặc cùng với bùn bám vào bánh xe của các phương tiện giao thông. Hạt
Mai dương có thể nảy mầm ngay, hoặc sau 1-2 năm, có thể lâu hơn nữa nhờ có vỏ hạt cứng bảo vệ.
Hiện trạng: Cây
Mai dương xâm nhập vào Việt Nam theo cách nào và từ bao giờ thì không có ghi chép, nhưng có lẽ trước đây đã khá lâu. Cho đến nay, người ta chỉ nói về tác hại của cây
Mai dương là làm thay đổi cấu trúc thành phần loài của thảm thực vật bản địa nơi nó sống, làm giảm tính đa dạng sinh học. Về kinh tế, sự xâm lấn của cây này trên đất nông nghiệp đã gây khó khăn cho sản xuất, làm giảm năng suất cây trồng; nếu đất bị xâm lấn nặng thì không thể canh tác, biến đất nông nghiệp thành hoang hóa. Nếu cây
Mai dương xâm lấn đầm lầy sẽ gây cản trở dòng chảy của kênh mương và giao thông đường thủy, ảnh hưởng đến môi trường, làm giảm sản lượng cá và các loài thủy sản khác của vùng đất ngập nước.
Theo tài liệu, đến trước năm 1995 ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về cây Mai dương. Năm 1995-1997, Viện Bảo vệ thực vật đã điều tra hiện trạng xâm lấn của cây này ở một số nơi và nghiên cứu các biện pháp sinh học để diệt trừ Mai dương.
Đến nay, các nhà quản lý và nhà khoa học đã đề ra nhiều biện pháp diệt trừ cây Mai dương, nhưng chưa đem lại hiệu quả mong muốn. Các biện pháp thủ công cơ giới đều không cho hiệu quả lâu dài, nhưng chi phí cao, đôi khi lại kích thích cây sống sót mọc tái sinh mạnh hơn. Biện pháp sinh học chưa được ứng dụng rộng rãi, còn biện pháp hóa học thì khó áp dụng.
Sử dụng cây Mai dương:
Cây
Mai dương không đơn thuần chỉ là loài thực vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm và có hại như chúng ta thường nghĩ. Ngược lại, nó có lợi ích gì cho con người không? Nếu biết sử dụng nó như một nguồn nguyên liệu có ích cho con người, đồng thời khắc phục mặt gây hại của nó thì có tốt hơn không? Suy nghĩ theo hướng đó, chúng tôi cung cấp những thông tin sau đây để tham khảo:
-Về thành phần hóa học: Theo tài liệu nước ngoài, lá
Mai dương có chất mimosin, rễ có tannin. Ngoài ra, nó còn có hai acylat flavonol glycosid mới là myricetin và quercetin. Hàm lượng protein thô trong cây
Mai dương khá cao, chiếm 20,69% trong phần non của cây khô (tỷ lệ tươi/khô khoảng 36%).
- Về y học: Cũng theo tài liệu nước ngoài, cây
Mai dương có tác dụng an thần nhẹ và chữa sốt. Ở vùng nhiệt đới Châu Phi, cây này được dùng trị tiêu chảy, bệnh lậu và nhiễm độc máu. Có nơi lấy lá và thân cây
Mai dương sắc uống để chữa chứng đái dầm ở trẻ em. Bột lá thêm nước tạo thành bột nhão để đắp chữa sưng tấy.
Ở Indonesia và Thái Lan người ta cũng dùng cây
Mai dương để chữa sốt. Ở Úc, cây
Mai dương là nguyên liệu để chiết xuất tannin và cung cấp sinh khối để sản xuất điện.
Gần đây, có tin một Lương y ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã dùng rễ cây
Mai dương và quả Na khô tự nhiên ở trên cây (có màu đen), sắc uống để chữa bệnh gai cột sống.
- Về chăn nuôi: Ở đồng bằng sông Cửu Long, việc nuôi Dê phụ thuộc vào nguồn cỏ tự nhiên và phụ phẩm của cây trồng. Người chăn nuôi Dê đã cắt lá, hoa, thân và quả non của cây
Mai dương để bổ sung nguồn thức ăn có hàm lượng protein thô cao cho Dê. Thân cây
Mai dương già làm củi. Như vậy, về mặt môi trường, người nuôi Dê đã góp phần hạn chế sự xâm lấn gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và kinh tế - xã hội tại những nơi có cây này mọc.
- Ứng dụng khác: Nhiều nơi, người ta trồng
Mai dương làm cây chắn sóng, chống xói mòn, bảo vệ đê. Có nơi trồng cây này làm hàng rào và làm phân xanh.
Tóm lại, cây
Mai dương là một loài thực vật ngoại lai xâm hại thì đã rõ, nhưng nếu được đầu tư nghiên cứu toàn diện, biến nó thành một nguồn nguyên liệu có ích như làm thuốc chữa bệnh, hoặc làm thức ăn gia súc thì rất có lợi. Vì cây này mọc khỏe, môi trường nào cũng sống được, không cần chăm bón, lại tạo ra sinh khối nhanh. Trên cơ sở kinh nghiệm dân gian ở nhiều nước đã dùng cây
Mai dương làm thuốc, các nhà khoa học Việt Nam cũng nên quan tâm nghiên cứu biến một cây có hại, cần diệt trừ thành nguồn tài nguyên mang lại lợi ích cho con người.
TSKH. Trần Công Khánh (VACNE)