»

Thứ bảy, 18/01/2025, 18:26:24 PM (GMT+7)

Máy phát điện chạy bằng nước?

(14:16:31 PM 06/03/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Nhiều câu hỏi cần được làm rõ xung quanh công bố của tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê và cộng sự về phát minh máy phát điện chạy bằng nước.

Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết ngày 9-3 sẽ có hội thảo để thẩm định, đánh giá công trình này.

Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê (trái) và cộng sự vận hành thử nghiệm máy phát điện chạy bằng nước - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Đầu năm 2012, TS Nguyễn Chánh Khê - phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao TP.HCM - và các cộng sự đã gây chấn động giới khoa học với việc công bố phát minh chiếc máy phát điện chạy bằng nước có công suất 2.000W có thể đáp ứng nhu cầu điện năng cho một hộ gia đình.

Ngay sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải thông tin, rất nhiều người dân bày tỏ nguyện vọng được mua chiếc máy về dùng. Trong khi đó với giới khoa học, phát minh này đã trở thành một vấn đề khoa học gây tranh cãi.

Băn khoăn về tính khả thi

Theo nhiều nhà khoa học, về lý thuyết có thể tách hydrogen từ nước rồi đốt hydrogen này tạo ra năng lượng. Tuy nhiên, quá trình này rất khó khăn và phụ thuộc chất xúc tác sử dụng. Tuy nhiên, chất xúc tác này thường có giá rất cao nên nếu tính bài toán kinh tế thì không khả thi.

PGS.TS Hoàng Dũng - trưởng ban khoa học công nghệ ĐHQG TP.HCM - cho biết có nhiều ý kiến nghi ngại và nhiều vấn đề cần TS Nguyễn Chánh Khê trình bày trước các nhà khoa học để làm rõ nguyên lý, hiệu suất của chiếc máy này bởi rất nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu ý tưởng này nhưng chưa có kết quả.

Theo ông Trịnh Quang Dũng - chủ tịch Hội đồng tư vấn năng lượng mới của các nước khu vực sông Mekong, đồng thời là trưởng phòng công nghệ điện mặt trời Viện Vật lý TP.HCM, những thông tin sơ bộ về chiếc máy phát điện này cho thấy nó hoạt động trên nguyên tắc giải phóng khí hydrogen từ nước, sau đó đốt hydrogen tạo thành điện. Ý tưởng phát điện từ việc tách hydro và cung cấp cho pin nhiên liệu không mới và rất nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu nhưng chưa nước nào thành công và mới dừng ở nghiên cứu khoa học. Trên thế giới người ta không nói phương pháp này sẽ tạo ra năng lượng giá rẻ và bao giờ có thể thương mại hóa vì chưa tính được bài toán kinh tế.

Nguyên lý này cũng tương tự như pin muối. Tuy vậy, hiệu suất thu được thấp và phải dùng biến tần để tăng hiệu suất. TS Khê chưa công bố các thông số kỹ thuật như máy phát công suất 2.000W dùng được bao lâu, dàn pin có dung lượng bao nhiêu nên rất khó để tính toán hiệu suất và giá trị kinh tế. Mặt khác, về mặt lý thuyết sản phẩm pin nào cũng gây ô nhiễm môi trường dù ít hay nhiều. Nếu sử dụng hóa chất để làm xúc tác thì chắc chắn có độc hại. Nếu công trình này là phát minh lớn, TS Khê nên công bố ra thế giới và nếu có hiệu quả kinh tế thì sáng chế này có thể thu về nhiều triệu USD. Cũng theo ông Dũng, từ ý tưởng khoa học đến thực tế rất xa vời và việc tạo ra máy phát với hiệu suất lớn để làm ra điện cũng là một thách thức.

TS Khê giới thiệu máy phát điện chạy bằng nước sáng 14-1 tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: Đức Thiện

Cần chất xúc tác

Sẽ thẩm định
TS Lê Hoài Quốc, trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao (KCNC), cho biết ngày 3-2-2012, ban quản lý KCNC đã đề nghị Trung tâm nghiên cứu triển khai KCNC yêu cầu TS Khê báo cáo cụ thể, đưa ra minh chứng về công trình này bởi việc phát ngôn công bố không tuân theo quy chế của KCNC, báo cáo này sẽ là cơ sở để ban quản lý có giải pháp xử lý, nếu thực thi sẽ hỗ trợ mạnh mẽ và ngược lại sẽ xử lý nghiêm túc. Bên cạnh đó, Ban quản lý KCNC cũng đã đặt hàng TS Khê một máy phát điện chạy bằng nước có công suất 2-5 kW để sử dụng thử nghiệm và đánh giá kết quả. Tuy nhiên, đến nay ban quản lý vẫn chưa nhận được trả lời từ TS Khê và Trung tâm nghiên cứu triển khai KCNC.
Cũng theo TS Lê Hoài Quốc, vào ngày 9-3 sẽ có một hội thảo tại Trung tâm nghiên cứu triển khai KCNC với sự tham gia của Bộ Khoa học - công nghệ, KCNC, ĐHQG TP.HCM để đánh giá thẩm định công trình này.

Theo phân tích của TS Giáp Văn Dương từ Singapore gửi về cho Khu công nghệ cao, điểm quan trọng nhất trong sáng chế “Máy phát điện chạy bằng nước” của TS Nguyễn Chánh Khê là hóa chất sử dụng trong phản ứng phân hủy nước, khi thì được mô tả là chất “phụ gia xúc tác”, khi lại là “chất khử nano”, khi là chất xúc tác nano, có vai trò khử nước thành hydro. Vậy đó là chất khử hay chất xúc tác?


Với phản ứng phân hủy nước, xét về mặt nhiệt động học là không thể tự xảy ra ở điều kiện thông thường. Do đó, bắt buộc phải dùng năng lượng bên ngoài để “cưỡng bức” cho xảy ra. Tuy nhiên, hình chụp hệ thống chiếc máy của TS Nguyễn Chánh Khê cho thấy hệ thống này không dùng bất cứ dạng năng lượng thường thấy nào như điện năng, nhiệt năng. Vậy khả năng còn lại là quang năng. Để sử dụng được quang năng, các bình chứa thường làm bằng thủy tinh, pyrex hoặc thạch anh... và trong suốt để tăng độ truyền ánh sáng. Nhưng các bình nhựa của hệ thống do TS Nguyễn Chánh Khê sáng chế là bình nhựa có màu xanh tím, có tác dụng như bộ lọc sắc, gây cản trở ánh sáng rất lớn. Vậy nếu chất xúc tác TS Nguyễn Chánh Khê sử dụng là chất xúc tác quang, việc sử dụng bình nhựa như vậy là không khoa học.

Với chỉ một chút ánh sáng còn lại có thể truyền qua thành bình nhựa, chất xúc tác này có thể làm cho “bình nước sôi sục” cho thấy nếu đúng hóa chất được sử dụng là chất xúc tác, đây là một chất xúc tác cực mạnh, chưa từng biết. Một chất xúc tác như vậy quả là một “viên đá thần” và là giấc mơ của nhân loại. Ngoài ra, một trong những vấn đề làm đau đầu người làm nghiên cứu về xúc tác là “ngộ độc xúc tác”, tức là xúc tác bị mất hoạt tính do bị các chất bẩn hoặc chính sản phẩm của phản ứng hấp phụ lên bề mặt xúc tác. Trong trường hợp này, việc dùng nước bẩn, nước muối làm nguyên liệu như tuyên bố của TS Nguyễn Chánh Khê sẽ làm ngộ độc xúc tác nhanh chóng.

Những lập luận này cho thấy hóa chất mà TS Nguyễn Chánh Khê sử dụng không thể là chất xúc tác được. Khả năng duy nhất còn lại: hóa chất được sử dụng là một chất khử, có khả năng phản ứng trực tiếp với nước để tạo khí hydro. Vậy hóa chất mà TS Nguyễn Chánh Khê sử dụng là gì? Điều này chỉ có TS Khê và cộng sự biết vì không được công khai đề cập trong bất kỳ bài báo nào. Tuy nhiên, việc dùng một hóa chất phản ứng trực tiếp với nước thường sẽ có chi phí khá đắt, chứ không thể “chỉ cần một chi phí nhỏ hơn 1.000 đồng” như TS Khê công bố.

 TS Nguyễn Chánh Khê: “Đây là bí mật công nghệ”

 
Ngày 5-3, PV đã gặp ông Nguyễn Chánh Khê tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao TP.HCM. Ông cho biết những ngày qua nhiều người không thể liên lạc được với ông vì ông bận đưa chiếc máy phát điện bằng nước đi dự triển lãm về năng lượng tái tạo tại Tokyo Big Sight Harumi (trung tâm triển lãm quốc tế ở Tokyo). Ông Khê nói:
 
- Công trình này đã được chúng tôi nghiên cứu từ rất lâu. Năm 2006, chúng tôi nghiên cứu thành công thành phần đầu tiên đạt công suất 0,1 miliwatt để thắp sáng được một đèn LED và đến cuối năm 2011 chiếc máy phát điện bằng nước đã thành công với công suất 2.000W.
Nhiên liệu chính của máy này là nước. Nước với sự tham gia của chất xúc tác nano sẽ tạo ra phản ứng nội sinh của nước và tách hydrogen. Hydrogen sẽ cung cấp cho pin nhiên liệu để tạo thành điện. Quá trình này không cần dùng bất cứ năng lượng nào từ ngoài bởi công nghệ nano chứa năng lượng nội sinh rất dồi dào và nước được sử dụng làm chất phản ứng.
 
Ngoài nước và chất xúc tác, trong máy phát điện còn có pin nhiên liệu. Pin này do chúng tôi tự chế tạo với ưu điểm công suất cao, ổn định, vật liệu tự chế, giá rẻ. Đến thời điểm này chúng tôi đã chế tạo được hai máy phát điện bằng nước với công suất 2.000W và 1.000W. Hiện chúng tôi đang chế tạo chiếc máy thứ ba.
 
* Các nhà khoa học muốn biết về loại hóa chất xúc tác sử dụng trong máy phát điện bằng nước. Ông có thể tiết lộ thêm về chất này?
 
- Đây là bí mật công nghệ, không thể chia sẻ. Nhưng chất nano xúc tác này có thể xem là chất khử hay chất gì cũng được. Vật liệu nano này dẫn điện rất cao và được chúng tôi tự chế từ nguồn sẵn có tại VN như gạo, bột năng và một số hóa chất khác một cách rất tình cờ. Loại vật liệu nano này đã được hai nhà khoa học Nga là Andrei Konstantinovich Geim và Konstantin Sergeevich Novoselov tìm ra và đoạt giải Nobel năm 2010. Nhưng họ chỉ tổng hợp được 1mg trong khi chúng tôi tổng hợp được 100 gam.
 
Chất nano xúc tác sẽ được đựng trong một ống tuýp kín với hàm lượng vài gam gắn vào ống nước và vào máy phát điện. Sau phản ứng hóa học nội sinh để tách hydrogen, chất nano xúc tác này sẽ thành chất thải nhưng không gây ô nhiễm môi trường và sẽ được các đại lý bán máy phát điện thu hồi để tái chế thành chất ban đầu.
 
* Ông có thể cho biết công trình này được thực hiện từ nguồn kinh phí nào?
 
- Để nghiên cứu thành công, tôi đã phải bỏ tiền túi vài tỉ đồng, thậm chí phải bán nhà bởi nhiều lần không xin được kinh phí từ Sở KHCN TP.HCM cũng như của Bộ KHCN.
 
* Kế hoạch sắp tới của ông là gì? Ông có dự định sản xuất đại trà máy phát điện bằng nước hay không và sản xuất ở đâu?
 
- Chúng tôi sẽ sản xuất đại trà ở VN. Sau khi chiếc máy phát điện công suất 2.400W được Nhật thẩm định và cấp phép, chúng tôi sẽ tiến hành sản xuất khoảng 200 máy bán cho Nhật. Hiện nay đã có rất nhiều doanh nghiệp trong nước tìm đến làm việc để hợp tác sản xuất. Do vậy, chúng tôi không còn phải lo lắng về bài toán tìm nhà đầu tư.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chế tạo chiếc máy có chức năng phát điện và lọc nước để đồng bào chiến sĩ Trường Sa hay người dân Cần Giờ có thể dùng.
HỒNG NHUNG (Tuổi trẻ)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Máy phát điện chạy bằng nước?

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Các nhà khoa học thế giới bàn về môi trường trái đất tại Quy Nhơn

Các nhà khoa học thế giới bàn về môi trường trái đất tại Quy Nhơn

(Tin Môi Trường) - Ngày 26-11, 130 nhà khoa học đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã về TP Quy Nhơn (Bình Định) tham dự hội nghị quốc tế lần thứ 4 về khoa học trái đất và môi trường.

Tin Môi Trường
 Những người còn theo đuổi ống hút 'xanh'

Những người còn theo đuổi ống hút 'xanh'

(Tin Môi Trường) - Một thời, các loại ống hút làm từ tre, cỏ bàng, tinh bột, giấy... được nhiều người lựa chọn theo xu hướng sống thân thiện với môi trường. Hiện nay, dù không còn là trào lưu thời thượng, các sản phẩm 'xanh' này vẫn có thị trường riêng.

VACNE 30 năm
 Cảnh báo: Lừa đảo hỗ trợ cập nhật sinh trắc học

Cảnh báo: Lừa đảo hỗ trợ cập nhật sinh trắc học

(Tin Môi Trường) - Theo ghi nhận của các chuyên gia Bkav, lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng gặp khó khăn khi cập nhật sinh trắc học trên các ứng dụng, kẻ xấu giả danh cán bộ ngân hàng vờ hỗ trợ cài đặt sinh trắc học để lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI