Công nghệ xanh » Vật liệu xanh
Trị bọ dừa bằng ong ký sinh
(14:38:35 PM 31/08/2011)
Tiến sĩ Nakamura Satoshi (trái) nghiên cứu bọ cánh cứng hại dừa ở thị xã Sông Cầu - Ảnh: M.H.N. |
“Vườn dừa ở Sông Cầu có từ rất lâu đời, là nơi có diện tích dừa lớn nhất tỉnh Phú Yên. Người dân ở 14 xã, phường, thị trấn sinh sống dưới tán dừa rợp bóng. Thị xã (TX) Sông Cầu xác định dừa là một trong những cây trồng chiến lược” - ông Lương Công Tuấn, phó chủ tịch UBND TX Sông Cầu, cho biết.
Mót từng trái dừa “đẹt”
Năm 2000, bọ cánh cứng hại dừa tấn công dữ dội, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Phú Yên đã tổ chức phòng chống bằng nhiều biện pháp như phun thuốc và sử dụng các chế phẩm sinh học. Ông Nguyễn Văn Cảm, ở xã Xuân Bình (TX Sông Cầu), nhớ lại: “Bọ cánh cứng tàn phá vườn dừa, thấy nóng mặt tôi mang bình phun thuốc leo lên trên đọt dừa xịt. Vườn dừa rộng lớn, hơn nữa lại ở cạnh nhà nên khi xịt thuốc bay vèo vèo trên mái nhà vương vãi khắp xóm hôi nồng nặc. Biết vậy mà vẫn phải làm vì dừa không ra trái chẳng khác nào “úp” nồi cơm gia đình”.
Ông Nguyễn Tấn Thi, trưởng Trạm BVTV TX Sông Cầu, nói: “Có những diện tích dừa bị bọ cánh cứng tấn công nguy hại cấp 3, cấp 4 (trên 50% diện tích lá trên cây bị hại), thậm chí nhiều diện tích dừa xơ xác tàu lá”. Theo nhiều người dân ở đây, trung bình mỗi hecta dừa có 180 cây, nếu không có bọ dừa tấn công thì mỗi cây cho 80 quả/năm. Với giá bán dao động hiện nay 15.000-17.000 đồng/quả, mỗi hecta dừa hằng năm thu trên 200 triệu đồng.
Ông Nguyễn Tâm ở phường Xuân Đài tâm sự: “Khi bị bọ cánh cứng tấn công, nhiều năm liền dừa mất mùa. Khi trái còn non hầu hết bị rơi rụng, trái nào còn sót lại “đẹt” lét. Mót bán một năm không đủ đi vài phiên chợ”.
Năm 2004, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phú Yên phối hợp với Trường đại học Nông lâm TP.HCM bắt đầu áp dụng biện pháp sinh học dùng ong ký sinh asecodes hispinarum để diệt trừ bọ cánh cứng. Tuy nhiên, biện pháp này không đạt hiệu quả.
“Chúng tôi phối hợp với các chuyên gia nghiên cứu và đặt ra nhiều câu hỏi là tại sao ong asecodes không phòng trừ triệt để bọ dừa ở Phú Yên? Do phương pháp nuôi ong ký sinh hay phương pháp thả ong ký sinh chưa phù hợp? Hay do điều kiện thời tiết không thuận tiện cho ong ký sinh asecodes phát triển?” - ông Đặng Văn Mạnh, chi cục phó Chi cục BVTV Phú Yên, phân tích.
Tiếp sau đó, năm 2007 chi cục đưa mô hình nghiên cứu mới nhất: nhân nuôi ong ký sinh tại chỗ. Bước đầu chọn ba điểm nuôi gồm các xã Xuân Bình, Xuân Thọ 2 và tại phường Xuân Yên. Ba điểm nuôi này đã đặt trong tự nhiên 10.000 mummies (xác nhộng), mỗi xác nhộng nở ra 90-100 ong ký sinh. Sau một thời gian, dừa vẫn bị bọ cánh cứng tấn công dữ dội, không chừa cây thấp lẫn cây cao.
Đứng trước nguy cơ vườn dừa Sông Cầu không chỉ bị lão hóa mà còn biệt dạng màu xanh, UBND TX Sông Cầu phát động phong trào trồng dừa phân tán để gầy lại màu xanh. Nhưng người dân thấy dừa trồng bị bệnh không chịu được bọ cánh cứng nên nản lòng. Bà Trần Thị Tuyết, xã Xuân Thọ 2, giải thích: “Dừa bị bọ tấn công thì cả tháng không màng nhìn lên đọt dừa thăm chừng, vì cứ mỗi sáng ra thấy dừa non bằng cổ tay rụng đầy sân vườn lòng buồn rũ rượi”.
Ong ký sinh tetrastichus brontispae ký sinh trên nhộng bọ dừa (chụp qua kính hiển vi) - Ảnh: M.H.N. |
Xác định ong ký sinh mới
Năm 2008, tiến sĩ Nakamura Satoshi thuộc Trung tâm Nghiên cứu khoa học, nông nghiệp quốc tế Nhật Bản (JIRCAS) bắt đầu điều tra bọ dừa ở Phú Yên. Ông nhận thấy sau khi được thả ong ký sinh, vùng dừa ở ĐBSCL cũng như Thái Lan cơ bản bọ dừa đã được khống chế, dừa đã hồi phục, ong ký sinh asecodes đã thiết lập được quần thể ổn định ở đó. Riêng ở Phú Yên bọ dừa thuộc loại “cứng đầu”.
“Loài ong ký sinh tetrastichus brontispae lần đầu tiên được JIRCAS đề xuất nhập vào Việt Nam nhân nuôi tại Đại học Nông lâm Huế và Chi cục BVTV Phú Yên, trước đó được thử nghiệm đạt hiệu quả cao với bọ dừa ở Thái Lan, Đài Loan… Đây là chương trình trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu giữa Chi cục BVTV Phú Yên và Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Nhật Bản” - ông Nguyễn Hữu Doãn, chi cục trưởng Chi cục BVTV Phú Yên, cho biết. |
Qua chuyến đi thực tế tại huyện Tuy An và TX Sông Cầu nghiên cứu tình hình bọ cánh cứng hại dừa, tiến sĩ Nakamura Satoshi nhận xét: “So với lần đầu chúng tôi đến đây, tình trạng bọ dừa gây hại có giảm. Song so với khu vực ĐBSCL và Thái Lan thì ở Phú Yên bọ dừa vẫn còn gây hại nặng. Kết quả số liệu ghi nhận được do Phú Yên có nhiệt độ quá cao và điều này đã ảnh hưởng đến sự phát triển của ong ký sinh trong các tháng mùa hè.
Biện pháp đưa ra là tiếp tục thả bổ sung ong ký sinh trong những tháng này để duy trì quần thể ong ký sinh ngoài đồng. Song có một bất lợi là chúng ta phải tốn nhiều công để nhân thả ong ký sinh này hằng tháng”.
Một phát hiện nữa của tiến sĩ Nakamura Satoshi là khi thu thập mẫu bọ dừa tại Phú Yên để gửi định danh tại Đại học Kyushu (Nhật), kết quả phân tích gen cho thấy loài bọ dừa hiện có ở Phú Yên có cấu trúc bộ gen thuộc nhóm Asian (Asian type) chứ không phải thuộc nhóm Pacific (Pacific type) như các thông tin trước đây.
Theo ông, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi bọ dừa nhóm Asian không phải là ký chủ chính của ong asecodes, mà là của ong tetrastichus brontispae (loài mới được nhập). Từ đó có thể giải thích tại sao thời gian qua ong ký sinh asecodes không có hiệu quả cao ở Phú Yên. Chính từ lý do này tiến sĩ Nakamura Satoshi đề xuất du nhập ong ký sinh tetrastichus brontispae, loài ký sinh chính của bọ dừa nhóm Asian ở Việt Nam. Đây là loài sinh vật mới chưa có ở Việt Nam và lần đầu tiên được du nhập.
Tiến sĩ Nakamura Satoshi thường xuyên sang Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật để giúp Chi cục BVTV Phú Yên và Đại học Nông lâm Huế đánh giá các đặc tính sinh học và phổ ký chủ của ong ký sinh tetrastichus brontispae. Sau một năm khảo nghiệm trong phòng, loài ong ký sinh này được thả ngoài đồng và trên diện rộng. “Hiện nay chương trình hợp tác đã hết hạn, nhưng tôi vẫn đến Phú Yên nghiên cứu đến khi nào việc phòng trừ bọ dừa đạt hiệu quả, mang lại lợi ích cho người dân mới thôi” - ông nhấn mạnh.
Đã đi khắp thế giới từ Thái Lan, Đài Loan, Tây Ban Nha, Hà Lan... nghiên cứu bọ dừa, tiến sĩ Nakamura Satoshi cho biết ở các nơi đó việc phòng trừ bọ dừa đã thành công. Riêng tại Việt Nam, chỉ còn ở Phú Yên bọ dừa chưa được khống chế. Vì thế sau khi thả ong ký sinh mới, ông sẽ quay lại Phú Yên tiếp tục theo đuổi nghiên cứu.
Theo MẠNH HOÀI NAM/TTCT
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Những người còn theo đuổi ống hút 'xanh'
- Dùng drone xử lý mùi hôi tại bãi rác An Hiệp
- Phát triển giao thông xanh cho tương lai
- Phương pháp mới tạo vật liệu bán dẫn từ nước thải
- Đổi mới sáng tạo trong giải quyết ô nhiễm nhựa tại khu vực sông Mekong
- Người dân cần sử dụng thuốc diệt cỏ đúng cách
- Các chất HFC sẽ được quản lý, loại trừ từ năm 2024
- Phát hiện mới về loài thụ phấn cho những bông hoa đầu tiên trên Trái Đất
- Bình Định hướng đến giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Quái thú 230 triệu tuổi "lai" giữa cá sấu và chim
(Tin Môi Trường) - Vào cuối kỷ Tam Điệp, miền đất nay là bang Wyoming của nước Mỹ tồn tại một quái thú kỳ lạ với chiếc mỏ như vẹt, mình khủng long. Nó được đặt tên là Beesiiwo cooowuse, một loài mới.
Các nhà khoa học thế giới bàn về môi trường trái đất tại Quy Nhơn
(Tin Môi Trường) - Ngày 26-11, 130 nhà khoa học đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã về TP Quy Nhơn (Bình Định) tham dự hội nghị quốc tế lần thứ 4 về khoa học trái đất và môi trường.
Cảnh báo: Lừa đảo hỗ trợ cập nhật sinh trắc học
(Tin Môi Trường) - Theo ghi nhận của các chuyên gia Bkav, lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng gặp khó khăn khi cập nhật sinh trắc học trên các ứng dụng, kẻ xấu giả danh cán bộ ngân hàng vờ hỗ trợ cài đặt sinh trắc học để lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.