Công nghệ xanh » Vật liệu xanh
Phân bón và câu chuyện môi trường
(08:06:12 AM 05/06/2016)
GS.TS Võ Tòng Xuân và chuyên gia nông nghiệp Úc tại cánh đồng xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: V.TR.
GS.TS Võ Tòng Xuân (hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ) đã tìm ra lời giải cho bài toán giảm phân bón, giảm phát thải khí nhà kính mà lợi nhuận tăng, đó là “bón phân trước khi gieo sạ”.
Nông dân tỉnh Đồng Tháp đã áp dụng giải pháp này trong hai vụ lúa liên tục. Kết quả thu được rất khả quan: giảm được 30% phân bón, lợi nhuận tăng thêm 5 triệu đồng/ha.
Nông dân không tin
Cuối năm 2015, GS.TS Võ Tòng Xuân đến gặp nông dân các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang... để vận động họ áp dụng kỹ thuật mới: bón phân trước khi gieo sạ (còn gọi là bón lót).
“Chỉ có cách giảm giá thành sản xuất thì mới tăng được lợi nhuận và tồn tại được. Tôi cam đoan giải pháp bón phân trước khi gieo sạ sẽ làm giảm chi phí sản xuất từ 30-50%” - ông Xuân nói.
Theo ông Xuân, ở VN chưa có nơi nào làm như vậy. Khi ông đưa giải pháp này đến nông dân thì họ phản ứng ngay, chỉ muốn trồng lúa theo kinh nghiệm kiểu cha truyền con nối.
Nghe ở HTX nông nghiệp An Phong ở xã Mỹ Hòa và Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp có một nhóm nông dân trẻ nhưng rất giỏi về kỹ thuật trồng lúa, ông đã lặn lội tìm đến tận nơi để làm quen.
Thấy những người này rất mê nghiên cứu và áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào đồng ruộng, ông liền đề nghị họ thử áp dụng giải pháp của mình, với cam kết: “Nếu các anh không lời nhiều hơn trước thì tôi đền”. 13 nông dân ở đây gật đầu, đưa 20ha vào áp dụng kỹ thuật mới.
Vì sao nên bón phân trước khi gieo sạ? Ông Xuân giải thích: chất đạm (N vô cơ, nông dân hay gọi là phân urê) rất cần thiết cho cây trồng, vì nó là thành phần quan trọng của nhiều phân tử sinh học như: protein, axit hạt nhân, diệp lục tố. Thiếu đạm cây sẽ vàng lá, kém phát triển. Dư đạm thì cây phát triển um tùm, nhưng chất lượng rất kém.
“Lạm dụng phân đạm không chỉ làm giảm chất lượng lúa gạo mà còn làm đất bị thoái hóa nhanh” - ông Xuân nói.
Các nghiên cứu cho thấy khi bón phân kiểu truyền thống, tức là bón trên ruộng có lúa và ngập nước, thì có hơn 60% lượng N bị bốc hơi trở lại bầu khí quyển. Cây trồng chỉ hấp thụ được 1/3. Vì thế nông dân phải bón nhiều lần rất tốn kém.
Trong khi đó, các thí nghiệm vùi phân đạm sâu xuống đất thì cây trồng sẽ hấp thụ được 2/3 nguyên tố N. Ông Xuân quyết định bón phân hỗn hợp DAP và kali trước trục làm mặt ruộng bằng phẳng, sau đó mới gieo sạ.
Ông giải thích: “Những lá đất sét có điện tích âm sẽ hút chặt các nguyên tố dinh dưỡng có điện tích dương, nên hỗn hợp phân bón không bị thất thoát. Khi cây lúa lớn lên, rễ ăn xuống đất thì gặp ngay chất dinh dưỡng có sẵn, nên sẽ phát triển tốt và ổn định” - ông Xuân nói.
Làm ruộng khỏe
mà lời nhiều
Theo hướng dẫn của GS.TS Võ Tòng Xuân, nông dân HTX An Phong tiến hành xới đất, trục nhuyễn, rồi bón 130kg DAP và 50kg kali, sau đó trục lại lần nữa để vùi phân sâu dưới đất. Xong, gieo sạ bằng phương pháp sạ hàng chỉ với 80-100kg/ha. 10 ngày sau sạ, và 22 ngày sau bón tiếp 50kg phân urê (đạm). Khi lúa được 44 ngày thì bón 50kg phân urê và 50kg kali để đón đòng. Lúa được 74 ngày thì bón 20kg phân urê nữa là xong.
Giữa tháng 5-2016, nông dân ở HTX An Phong thu hoạch lúa hè thu. Anh Nguyễn Quốc Nguyên cho biết áp dụng kỹ thuật của GS.TS Võ Tòng Xuân đã giúp anh và nông dân ở đây tiết kiệm được 50kg phân urê, 72kg phân super lân và 17kg phân kali/ha so với cách bón phân truyền thống trước đây. Quy ra tiền thì tương đương 1,1 triệu đồng.
Ngoài ra, còn giảm được 3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, nên tiết kiệm thêm 2,3 triệu đồng. Tổng chi phí đầu tư 17,4 triệu đồng/ha.
Năng suất của những nông dân áp dụng kỹ thuật này đều đạt khoảng 7,5 tấn/ha, lợi nhuận đạt 23,5 triệu đồng/ha.
Anh Nguyên phấn khởi: “Tụi tui lời nhiều hơn người khác gần 5 triệu đồng/ha. Đây cũng là số tiền tiết kiệm được từ việc giảm bón phân, phun thuốc”.
Ông Lưu Văn Tuấn ở ấp 6A, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười có 3,5ha ruộng ở khá xa nơi thử nghiệm cách bón phân trước khi sạ của GS.TS Võ Tòng Xuân. Khi biết tin ông Xuân hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân HTX An Phong, ông đến xem, ghi chép rồi về nhà áp dụng theo.
Chi phí bón phân, phun thuốc giảm tới 5 triệu đồng/ha và năng suất cũng đạt 7,5 tấn/ha, nên vụ này ông lời khá đậm.
Ông Tuấn quả quyết các vụ tới tất cả anh em, bạn bè của ông sẽ từ bỏ hẳn cách sản xuất cũ mà chuyển sang bón phân trước khi gieo sạ.
“Làm theo GS.TS Võ Tòng Xuân vừa khỏe hơn, ít tốn kém hơn mà lời nhiều hơn, ai mà không ham chứ!” - ông Tuấn nói.
Ông Huỳnh Minh Thuận, giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Đồng Tháp, cho biết qua hai vụ áp dụng cách bón phân trước khi gieo sạ tại huyện Tháp Mười đã chứng minh hiệu quả rất cao. Từ vụ tới ngành nông nghiệp sẽ nhân rộng cách làm này ra các huyện khác. Cán bộ kỹ thuật của tỉnh, huyện sẽ trực tiếp hướng dẫn nông dân làm để đạt kết quả tốt nhất.
GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết ngành nông nghiệp cần lấy mẫu đất của từng vùng phân tích để biết đất thiếu chất gì mà bổ sung cho vừa đủ. Khi đó lượng phân bón sử dụng sẽ còn ít hơn, lợi nhuận của nông dân tăng cao hơn nữa.
Bón ít phân để bảo vệ bầu khí quyển
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu Trái đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính. Sáu loại khí chủ yếu gây nên hiện tượng nhà kính bao gồm: CO2, CH4, N2O, HFCs, PFCs và SF6.
Trong đó N2O phát thải từ phân bón và các hoạt động công nghiệp. Và đây cũng là chất nguy hiểm nhất vì tuổi thọ của khí N2O trên tầng khí quyển lên tới 114 năm, trong khi khí CO2 chỉ có 100 năm.
“Cách bón phân truyền thống không chỉ lãng phí (cây lúa chỉ hấp thụ 1/3) mà còn góp phần hủy hoại môi trường. Ước tính lĩnh vực nông nghiệp chiếm tới 12,5% trong số các hoạt động có phát thải khí nhà kính. Bón phân vô cơ trước khi gieo sạ vừa giúp cây hấp thụ hết, vừa giảm lượng phân bón. Nếu được thì nên sử dụng phân hữu cơ, đó là hành động cụ thể để bảo vệ bầu khí quyển của chúng ta” - ông Xuân nói.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Những người còn theo đuổi ống hút 'xanh'
- Dùng drone xử lý mùi hôi tại bãi rác An Hiệp
- Phát triển giao thông xanh cho tương lai
- Phương pháp mới tạo vật liệu bán dẫn từ nước thải
- Đổi mới sáng tạo trong giải quyết ô nhiễm nhựa tại khu vực sông Mekong
- Người dân cần sử dụng thuốc diệt cỏ đúng cách
- Các chất HFC sẽ được quản lý, loại trừ từ năm 2024
- Phát hiện mới về loài thụ phấn cho những bông hoa đầu tiên trên Trái Đất
- Bình Định hướng đến giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Quái thú 230 triệu tuổi "lai" giữa cá sấu và chim
(Tin Môi Trường) - Vào cuối kỷ Tam Điệp, miền đất nay là bang Wyoming của nước Mỹ tồn tại một quái thú kỳ lạ với chiếc mỏ như vẹt, mình khủng long. Nó được đặt tên là Beesiiwo cooowuse, một loài mới.
Các nhà khoa học thế giới bàn về môi trường trái đất tại Quy Nhơn
(Tin Môi Trường) - Ngày 26-11, 130 nhà khoa học đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã về TP Quy Nhơn (Bình Định) tham dự hội nghị quốc tế lần thứ 4 về khoa học trái đất và môi trường.
Cảnh báo: Lừa đảo hỗ trợ cập nhật sinh trắc học
(Tin Môi Trường) - Theo ghi nhận của các chuyên gia Bkav, lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng gặp khó khăn khi cập nhật sinh trắc học trên các ứng dụng, kẻ xấu giả danh cán bộ ngân hàng vờ hỗ trợ cài đặt sinh trắc học để lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.