(Tin Môi Trường) - Trong bối cảnh lượng nước sạch ngày càng thiếu hụt trên trái đất và cả ở Việt Nam, khái niệm “nước ảo” là một bản cáo trạng dành cho lối sống tiêu thụ, cảnh báo nền văn minh vật chất của nhân loại. Sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng cần phải được tính toán kỹ nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước của Việt Nam cũng như các nước khác. Do đó, khái niệm “nước ảo” cần được áp dụng và quy định phù hợp trong các bộ luật.
Ảnh minh hoạ: IE
* “Nước ảo” là gì?
Với việc đề xuất ra khái niệm “nước ảo”, Giải thưởng Stockhom 2008 đã được trao cho Giáo sư John Anthony Allan, trên cơ sở nghiên cứu tại vùng khô hạn châu Phi. Tuy vậy, trong thời gian 2002 - 2005, một nhóm nghiên cứu ở Hà Lan đã hoàn thiện phương pháp tính toán “nước ảo” và nhờ đó, lý thuyết “nước ảo” trở nên phổ biến trên toàn cầu.
Theo đó, "nước ảo” là lượng nước thật cần để sản xuất ra lương thực, thực phẩm và hàng hóa khác. Lượng “nước ảo” là một lượng khổng lồ không thể hình dung nổi. “Nước ảo” đề cập tới sự tiêu tốn nước của mỗi đơn vị hàng hóa được sản xuất còn “dấu chân nước” lại được xét đến ở khía cạnh người tiêu dùng. “Dấu chân nước” của một quốc gia hay một khu vực được xác định bởi thể tích nước cần cho sản xuất hàng hóa hay dịch vụ mà người dân nước đó, khu vực đó tiêu thụ, bao gồm cả lượng nước được sử dụng từ nguồn nước nội địa. Nước dùng để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sẽ tính vào “dấu chân nước” của quốc gia nhập khẩu mặt hàng đó.
Các quốc gia đang phát triển có mức tiêu thụ thấp và chủ yếu dựa vào nguồn “nước ảo” nội địa. Các quốc gia phát triển sử dụng nước trội hơn hẳn như Mỹ, Canada cao gấp tới 3,5 lần lượng nước tiêu thụ bình quân ở Trung Quốc. Việt Nam là nước đang phát triển nhưng tiêu thụ “nước ảo” còn nhiều hơn Nhật Bản, là bằng chứng cho việc dùng nước không hiệu quả của Việt Nam.
Giáo sư Anthony làm rõ việc nhập khẩu “nước ảo”, thông qua lương thực và hàng hóa như là một nguồn nước thay thế để giảm bớt sức ép trên các tài nguyên nước quá hạn chế ở Trung Đông, cũng như ở các vùng khan hiếm nước khác. Thay vì dùng nguồn nước hạn chế của sông Jourdan, Israel đã nhập “nước ảo” qua việc nhập bột mì của Mỹ hay gạo của Thái Lan. Nhiều thế kỷ nay, lưu vực sông Thames (Anh) phải nhập một lượng “nước ảo” rất lớn thông qua lương thực nhờ tiền thu được từ hai lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, bởi nếu dùng nước thật lưu vực này chỉ nuôi được khoảng 500 nghìn người, trong khi đó vùng này có đến 17 triệu dân.
* Thiếu nước đang ngày càng nghiêm trọng
Theo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, sự thiếu hụt nguồn nước ở nhiều nơi dẫn đến cái nghèo của số đông - nhóm người được gọi là nghèo đói do môi trường đang ngày càng không ngừng tăng lên trên cả bình diện quốc gia lẫn quốc tế. Việc sở hữu những tài sản lớn và tiêu dùng lãng phí, cộng với một số dân không ngừng tăng khiến cho sự khan hiếm tài nguyên nước trở thành mối đe dọa chính của nền văn minh loài người.
Ngân hàng Thế giới dự báo trong 30 năm tới, dân số thế giới có thể đạt đến 8 tỷ người, làm tăng nhu cầu nước lên 650% khiến cho 26 quốc gia với 250 triệu dân sẽ lâm vào tình cảnh thiếu nước căng thẳng. Cứ sau 21 năm, nhu cầu sử dụng nước lại tăng gấp đôi.
Trong khi đó, ô nhiễm nguồn nước vẫn không ngừng tăng lên. 1/4 số hồ của Trung Quốc bị ô nhiễm, hàng ngàn hồ của Thụy Điển bị axit hóa, 3/4 lượng nước sông của Ba Lan bị nhiễm bẩn đến mức chỉ sử dụng cho nhu cầu công nghiệp cũng không đạt. Việc không tính đến khái niệm nước ảo là cội nguồn của tranh chấp nguồn nước do nước ngày càng trở nên khan hiếm trong khi nhân loại lại hướng đến một nền văn minh vật chất “giàu tức là có rất nhiều thứ”.
Tình trạng thiếu nước đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, do thiên nhiên và cả chính con người gây ra. Có những nghiên cứu cho rằng khí hậu ấm dần lên nhưng lưu lượng nước nhiều con sông ở cả châu Phi và châu Á đều có thể giảm đi từ 10 - 15%. Nước băng tan không bổ sung cho nguồn nước ngọt mà thường chảy ra biển thành nước mặn. Đến năm 2010, tình trạng hạn hạn và ô nhiễm môi trường có nguy cơ gây thiếu nước sạch tại 70 nước trên thế giới. Theo Viện Nước quốc tế, nông nghiệp thế giới sử dụng tới 70% lượng nước khai thác, mà 60% trong số này đang bị sử dụng không hiệu quả. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác dẫn đến cạn kiệt nguồn nước trong đó có việc rò rỉ, thất thoát nước qua hệ thống đường ống cung cấp nước và chứa nước.
Lượng nước hàng năm của Việt Nam có được khoảng 850 tỷ m3, trong đó khoảng 500 tỷ m3 là nước quá cảnh. Hiện nay, mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 400 - 450 tỷ m3. Điều này cho thấy lượng nước sử dụng đang phụ thuộc vào nguồn nước chảy từ nước ngoài. Các nước trên thượng nguồn các dòng sông xuyên biên giới hiện đang tích cực đắp đập giữ nước, thậm chí chuyển nước sang các dòng sông khác. Chỉ riêng lĩnh vực nước sinh hoạt, theo báo cáo của Dự án quốc gia “Đánh giá ngành nước Việt Nam”, có tới 8,5 triệu dân đô thị chưa có cơ hội dùng nước sạch, 21 triệu dân nông thôn còn xa lạ với khái niệm “nước hợp vệ sinh” và 41 triệu người khác chưa được cấp nước nhưng chất lượng nguồn nước chưa đáp ứng tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế. Nước ít, dùng nước lãng phí và làm ô nhiễm tất cả các hệ thống sông ngòi nội địa, khiến cho an ninh nguồn nước là mối đe dọa hàng đầu.
* Đảm bảo an ninh nguồn nước
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tranh chấp nguồn nước ngày càng căng thẳng, những giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước cấp bách mà Việt Nam đang cần thực hiện đòi hỏi nội hàm nước ảo được áp dụng và
quy định phù hợp trong các bộ luật. Một cuộc sống chất lượng nhưng tiết kiệm hợp lý là phương án duy nhất cứu rỗi loài người xét trên góc độ "nước ảo" - ông Nguyễn Đình Hòe, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đề xuất.
Theo ông Nguyễn Đình Hòe, tiêu dùng xa xỉ hay lãng phí cũng đều tước đoạt cơ hội của người khác, phản ánh sự thiếu hiểu biết và thiếu trách nhiệm. Trong tiêu dùng, ngày nay đã xuất hiện những quan điểm làm giàu bền vững “giàu là không cần đến rất nhiều thứ, biết đủ là giàu”. Giới sinh viên ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có những sáng kiến rất hay như “mỗi tuần ăn chay ít nhất 1 ngày”, “nếu đi bộ được thì không đi xe máy”, “đi chung xe máy để giảm tắc đường và ô nhiễm”, “đồ đạc dùng bền để không phải mua mới”, “dùng bút bi loại thay được ruột”, “dùng giấy 2 mặt”, “dùng cỡ chữ 12 thay cho cỡ chữ 14”, “bảo quản và chuyển giao giáo trình cho sinh viên năm dưới”, “đổi đồ dùng cho nhau để không cần mua đồ mới”…
Trong sản xuất, biện pháp được đề xuất là thay thế các loại cây trồng tốn nước bằng các giống cây trồng đòi hỏi ít nước hơn như giảm bớt lúa nước, thay bằng cây màu, cây ăn trái, cao su hay hồ tiêu ở những vùng đất phù hợp; sử dụng các loại công nghệ tiên tiến tiết kiệm nước và xử lý tái sử dụng nước thải, hạn chế tối đa xả nước thải chưa xử lý ra môi trường; thay thế xuất khẩu nước ảo sang nhập khẩu nước ảo, tăng cường các công trình lưu giữ nước trên đất liền, tham khảo mô hình Nhật Bản là hạn chế tối đa lượng nước chảy ra biển…