»

Thứ bảy, 18/01/2025, 05:15:14 AM (GMT+7)

Dựng lại rừng để cứu trái đất?

(07:43:45 AM 25/07/2019)
(Tin Môi Trường) - Một báo cáo khoa học vừa nêu ra viễn cảnh đầy lạc quan khi con người có thể tạm trì hoãn tác động của biến đổi khí hậu thêm 20 năm nếu có thể khôi phục diện tích rừng đủ lớn - cỡ bằng diện tích nước Mỹ. Nhưng có thật là mọi thứ dễ dàng như thế?

Dựng[-]lại[-]rừng[-]để[-]cứu[-]trái[-]đất?

Nguồn: i.kinja-img.com
 
Carbon là một trong các nguyên tố cấu tạo nên cơ thể sống của cây cối. Khi quang hợp, cây cối hấp thụ CO2, giữ lại carbon làm thức ăn và gửi lại oxy vào không khí. Một cây phong bạc có thể hấp thu tổng cộng 181kg khí CO2 trong vòng 25 năm.
 
Về lý thuyết, có thêm nhiều cây thì sẽ có thêm “công cụ” hấp thụ khí CO2, giảm tác động của hiệu ứng nhà kính. Nhưng Trái đất hiện còn trồng thêm được bao nhiêu cây xanh, trồng ở đâu, và rừng mới sẽ “xử lý” lượng khí thải carbon do con người tạo ra được đến mức nào?
 
Các câu hỏi đó đều được trả lời trong báo cáo đăng trên tạp chí uy tín Science ngày 4-7 của Đại học ETH Zurich (Thụy Sĩ). “Công trình của chúng tôi cho thấy rõ ràng việc dựng lại rừng là giải pháp chống biến đổi khí hậu tốt nhất có thể làm ngày nay”, đồng tác giả nghiên cứu Thomas Crowther cho biết.
 
Trồng mới 1.200 tỉ cây xanh
 
Cụ thể, nhóm nghiên cứu cho rằng chỉ cần tạo ra thêm 900 triệu hecta rừng, tương đương diện tích nước Mỹ, các cây xanh mới trồng này sẽ hấp thụ đến 205 tỉ tấn carbon, khoảng 2/3 lượng khí thải nhà kính do các hoạt động của con người gây ra. “Con số này đủ để chúng ta “câu giờ” thêm được 20 năm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”, nhà nghiên cứu Jean-Francois Bastin (Thụy Sĩ) nhận xét.
 
Cũng cần lưu ý nghiên cứu mới nhất xoay quanh việc dựng lại rừng (reforestation), tức trồng cây trên vùng đất đã từng là rừng hoặc khôi phục rừng đã chết/bị tàn phá, chứ không phải trồng rừng mới hoàn toàn (afforestation).
 
Crowther và đồng nghiệp đã nghiên cứu 80.000 ảnh chụp vệ tinh toàn cầu có độ phân giải cao để xác định vị trí rừng sẵn có và các khu vực có thể dựng lại rừng. Để tái tạo được diện tích rừng khổng lồ nói trên, cần trồng mới 1.200 tỉ cây xanh khắp hành tinh.
 
Theo trang The Conversation, để có thể đảm bảo mục tiêu giữ cho Trái đất không nóng lên quá 1,5 độ C trước khi kết thúc thế kỷ 21, như đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, chúng ta cần phải “tống” bớt CO2 ra khỏi khí quyển. Còn theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), để đạt được mục tiêu này, cần có thêm diện tích rừng xấp xỉ 1 tỉ hecta trước năm 2050.
 
Quá lạc quan?
 
Vì thế giải pháp khôi phục rừng như nhóm nghiên cứu Đại học ETH Zurich có thể giúp thỏa mãn cả hai điều kiện trên. Tuy nhiên, kịch bản “dựng lại rừng cứu Trái đất” này được cho là quá lạc quan và còn nhiều thiếu sót.
 
Laura Duncanson - nhà nghiên cứu rừng, hiện là phó giáo sư ĐH Maryland (Mỹ) - cho rằng các con số ước tính trong báo cáo của ETH Zurich quá đơn giản và quên tính đến các yếu tố như khác biệt thổ nhưỡng ở các vùng khác nhau trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ CO2 của rừng.
 
“Báo cáo đã làm rõ tiềm năng trong việc giảm khí thải nhà kính của việc dựng lại rừng, song vẫn còn phải thêm nhiều nghiên cứu liên quan nữa” - Duncanson nói với Hãng tin AFP.
 
Trong bài viết trên The Conversation, một số nhà nghiên cứu khác cũng cho rằng nhóm của Crowther đã đánh giá quá cao khả năng hấp thụ CO2 của rừng và chỉ tính đến CO2 trong khí quyển mà bỏ qua lượng CO2 có trong đất. Khi còn sống, cây xanh đóng vai trò hấp thụ CO2, nhưng khi chết đi và mục ruỗng, chúng sẽ “trả” lại CO2 vào không khí và vào đất.
 
Ngoài ra, nghiên cứu của Crowther cũng quá lạc quan khi tính toán diện tích rừng khôi phục có thể cứu Trái đất ngay mà quên rằng cây cối cần rất nhiều thời gian để lớn lên và thành rừng xanh.
 
Hai giáo sư ĐH London, Mark Maslin và Simon Lewis, lưu ý: theo IPCC, rừng được tái tạo chỉ có thể hấp thụ 57 tỉ tấn carbon vào cuối thế kỷ này, tức chỉ bằng 1/6 lượng CO2 có trong khí quyển, rất nhỏ so với con số đầy lạc quan 205 tỉ tấn carbon và tỉ lệ 2/3 trong nghiên cứu.
 
Myles Allen, giáo sư địa chất học ĐH Oxford, cho rằng tái tạo rừng có thể là một trong những chiến lược hiệu quả nhất, chứ còn xa mới có thể là “giải pháp chống biến đổi khí hậu tốt nhất mà nhân loại có được”.
 
Trong khi đó, Martin Lukac - giáo sư khoa học hệ sinh thái ĐH Reading (Anh) - cho rằng một trong những điểm yếu lớn nhất của nghiên cứu nói trên là dựa vào mô hình tính toán quá lạc quan.
 
Trong khi nhóm nghiên cứu của Crowther chỉ đưa ra kịch bản chung về hiệu quả của giải pháp tái tạo rừng, một bài báo khác công bố trên tạp chí Science Advances hôm 3-7 đưa ra cách tiếp cận rõ hơn: cần xác định các khu vực mà việc dựng lại rừng khả thi nhất và cho hiệu quả tốt nhất, thay vì trồng rừng khắp nơi.
 
Tác giả của nghiên cứu này - Robin Chazdon, nhà nghiên cứu sinh thái rừng, hiện là giáo sư danh dự ĐH Connecticut (Mỹ) - đã cùng đồng sự “chấm điểm” các khu rừng trên thế giới để xác định rừng nào đang giúp ích cho Trái đất nhiều nhất. Kết quả cho thấy: rừng mưa nhiệt đới ở các quốc gia như Brazil, Indonesia, Ấn Độ, Colombia, Madagascar đạt điểm cao nhất vì đây là những vùng có đa dạng sinh học lớn, vốn trước nay đóng vai trò quan trọng trong vòng tuần hoàn không khí và nước của hành tinh ta đang sống.
 
Nhóm của Chazdon cũng xác định các vùng có tiềm năng tái tạo rừng và nhận thấy các điểm này có diện tích tổng cộng 101 triệu hecta và rải rác khắp thế giới. Điều này chứng tỏ mỗi phần của hành tinh này đều có các vùng có thể mang lại hiệu quả lớn từ việc khôi phục rừng, và nhiều quốc gia có thể cùng tham gia vào nỗ lực này.
 
Cụ thể, có rất nhiều diện tích rừng có tiềm năng được tái tạo cao nằm ở các quốc gia châu Phi như Rwanda, Burundi và Uganda. Tuy nhiên, vấn đề là rất nhiều trong số các khu vực tiềm năng này lại là đất rừng bị chiếm dụng cho mục đích khác như chăn nuôi, trồng trọt.
 
Cũng không có gì khó hiểu khi vì cần đất để làm nông nghiệp, sản xuất mà người ta phải chiếm lấy đất rừng. Điều này cũng đặt ra thách thức: muốn dựng lại rừng, chính quyền địa phương phải cho người dân thấy trồng rừng trên mảnh đất đó sẽ mang lại lợi ích lớn hơn cách sử dụng hiện tại.
 
Dựng[-]lại[-]rừng[-]để[-]cứu[-]trái[-]đất?
Nguồn: miro.medium.com
 
Phải làm thế nào?
 
Glen Peters - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khí hậu quốc tế (Na Uy) - cho rằng phải mất cả 100 năm mới có đủ rừng trưởng thành để giảm lượng carbon đáng kể, trong khi mỗi năm lại có đến 40 tỉ tấn CO2 thải vào khí quyển thông qua việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
 
“Cách duy nhất chúng ta có thể đạt mục tiêu giữ cho Trái đất không nóng lên quá 1,5 độ C là ngưng phát khí thải từ nhiên liệu hóa thạch” - Peters nói với tạp chí National Geographic.
 
Điều này đồng nghĩa với ngưng xây mới các công trình hạ tầng có dùng nhiên liệu hóa thạch, đóng cửa nhà máy điện chạy than, phát triển năng lượng thay thế, chuyển sang di chuyển bằng xe điện thay vì xe dùng động cơ chạy xăng. Tuy vậy, không phải ngành nghề lĩnh vực nào cũng có thể tham gia cắt giảm nhiên liệu hóa thạch ngay, vì thế vẫn cần tác động của việc dựng lại rừng.
 
Tóm lại, khôi phục rừng là một giải pháp có thể đóng góp cho việc chống biến đổi khí hậu, nhưng không phải “viên đạn bạc” có hiệu quả thần kỳ, con người vẫn cần phải tiến hành cùng lúc nhiều biện pháp mới mong có thể tạm làm chậm lại quá trình Trái đất nóng lên.■
 
Giữ rừng trước khi nghĩ đến tái tạo rừng
 
Một thách thức khác, cũng là một điểm yếu khác trong nghiên cứu của Crowther, chính là để việc khôi phục rừng thực sự phát huy hiệu quả, cần đảm bảo diện tích rừng hiện hữu được giữ nguyên hoặc tăng thêm.
 
Điều này không hề dễ dàng vì nhu cầu gỗ, đất, nông nghiệp và khai khoáng của con người đã đẩy nhanh tốc độ rừng biến mất. Tại rừng mưa nhiệt đới Amazon, cứ mỗi phút lại có một khoảnh rừng to bằng sân bóng đá biến mất, theo trang Vox.
 
Kể từ buổi đầu của văn minh, con người đã đốn hạ khoảng 3.000 tỉ cây xanh, tương đương 43% số cây có trên Trái đất. Còn tính riêng trong gần 30 năm qua, tức từ năm 1990, thế giới đã mất đi diện tích rừng khoảng 1,3 triệu km2.
 
“Thay vì trồng rừng mới như một nguồn tài nguyên để bù đắp khí thải nhà kính, chúng ta hiện đang mất rừng và việc phá rừng này lại dẫn đến gia tăng lượng carbon thải vào khí quyển” - tác giả Umair Irfan viết trên Vox.
 
Chính vì thế, để đạt mục tiêu chống biến đổi khí hậu, trước khi nghĩ đến việc tái tạo rừng, các quốc gia cần phải tập trung vào việc bảo vệ và giữ rừng, ngăn chặn nạn phá rừng.
Tịnh Anh (TTCT)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Dựng lại rừng để cứu trái đất?

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Quái thú 230 triệu tuổi "lai" giữa cá sấu và chim

Quái thú 230 triệu tuổi "lai" giữa cá sấu và chim

(Tin Môi Trường) - Vào cuối kỷ Tam Điệp, miền đất nay là bang Wyoming của nước Mỹ tồn tại một quái thú kỳ lạ với chiếc mỏ như vẹt, mình khủng long. Nó được đặt tên là Beesiiwo cooowuse, một loài mới.

Tin Môi Trường
 Các nhà khoa học thế giới bàn về môi trường trái đất tại Quy Nhơn

Các nhà khoa học thế giới bàn về môi trường trái đất tại Quy Nhơn

(Tin Môi Trường) - Ngày 26-11, 130 nhà khoa học đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã về TP Quy Nhơn (Bình Định) tham dự hội nghị quốc tế lần thứ 4 về khoa học trái đất và môi trường.

VACNE 30 năm
 Cảnh báo: Lừa đảo hỗ trợ cập nhật sinh trắc học

Cảnh báo: Lừa đảo hỗ trợ cập nhật sinh trắc học

(Tin Môi Trường) - Theo ghi nhận của các chuyên gia Bkav, lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng gặp khó khăn khi cập nhật sinh trắc học trên các ứng dụng, kẻ xấu giả danh cán bộ ngân hàng vờ hỗ trợ cài đặt sinh trắc học để lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI