Đó là thông tin từ cuộc họp của UBND TP.HCM về kế hoạch ứng phó khẩn cấp trong trường hợp hồ thủy lợi Dầu Tiếng bị vỡ đập hoặc xả lũ theo thiết kế, diễn ra vào chiều 31.7.
Ngập sâu từ 2,07 mét đến 11,97 mét
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM), đưa ra các tình huống khẩn cấp và cấp báo động của hồ Dầu Tiếng.
Theo đó, nếu mưa lớn kéo dài sinh lũ lớn, hồ Dầu Tiếng xả lũ với lưu lượng 3.600 m3/giây, thì thời gian lũ về đến H.Củ Chi (cầu Bến Súc - 42 km) là 6 giờ 34 phút, chiều sâu ngập là 5,71 mét; thời gian lũ về trung tâm thành phố (cửa kênh Thị Nghè - 133 km) là 27 giờ 20 phút, chiều sâu ngập là 2,07 mét.
Nếu vỡ đập chính hồ Dầu Tiếng kết hợp lũ cực hạn, thì thời gian lũ về đến H.Củ Chi (cầu Bến Súc - 42 km) là 2 giờ 8 phút, chiều sâu ngập là 11,97 mét; thời gian lũ về trung tâm thành phố (cửa kênh Thị Nghè - 133 km) là 23 giờ 18 phút, chiều sâu ngập là 2,38 mét.
Có 124 xã, phường thuộc 18 quận, huyện nằm trong khu vực trọng điểm ngập lụt, gồm 4 huyện: Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè; và 14 quận: Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Thạnh, Bình Tân, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, 2, 4, 7, 8, 9, 9, 10, 12.
Khẩn trương xây dựng kế hoạch ứng phó chi tiết
Theo ghi nhận của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tại khu vực Nam Bộ và hạ lưu sông Sài Gòn, thiên tai xảy ra khắp nơi trong khu vực, gây tổn thất to lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng và tác động xấu đến môi trường.
Trong vòng 11 năm từ 2000 - 2011, đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện 4 năm lũ lớn liên tiếp là 2000, 2001, 2002 và 2011; trong đó lũ năm 2000 được xem là lũ lịch sử, gây thiệt hại đến 4.626 tỉ đồng.
Đợt lũ hạ lưu sông Sài Gòn năm 2000 cũng được xem là năm lũ lớn, gây ngập úng trên diện rộng, thiệt hại khoảng 160 tỉ đồng.
Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cảnh báo, trước những ảnh hưởng ngày càng sâu sắc của biến đổi khí hậu, mức độ thiên tai ngày càng gia tăng về cả quy mô cũng như chu kỳ lặp lại, kèm theo những đột biến khó lường, gây cản trở trực tiếp đến sự phát triển bền vững.
Chủ trì cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà, cho rằng xảy ra thảm họa thường nằm ngoài dự tính, gây thiệt hại vô cùng lớn.
Để giảm nhẹ thiệt hại đến mức đối đa, ông Hà yêu cầu các quận, huyện, sở ngành khẩn trương xây dựng kế hoạch ứng phó chi tiết cho từng địa phương, từng đơn vị. Sau đó, thành phố sẽ tổng hợp chung cho cả thành phố để triển khai thực hiện.
Theo đó, phải tính toán, mô phỏng (trước khi sự cố bất ngờ xảy ra) cụ thể vùng nào bị ngập sâu, bao nhiêu dân phải di tản, đi tản đến đâu và bằng phương tiện gì cho an toàn, vấn đề cung ứng lương thực, thực phẩm, thuốc men, nguồn điện chiếu sáng như thế nào…