»

Thứ tư, 22/01/2025, 22:04:07 PM (GMT+7)

TP.HCM: Dừng dự án quan trắc động đất

(21:45:15 PM 02/09/2012)
(Tin Môi Trường) - Dự án qua 4 năm đã lạc hậu về số liệu, thiếu nhân lực và theo Sở TN-MT TPHCM, cũng chỉ mang tính hỗ trợ, nếu thiếu cũng không ảnh hưởng lớn

 

UBND TPHCM vừa chấp thuận dừng dự án quan trắc động đất, sóng thần theo kiến nghị của Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT).

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở TN-MT, cho biết sau ảnh hưởng của thảm họa động đất, sóng thần ở Sumatra, Indonesia (năm 2004) và động đất ven biển Vũng Tàu gây chấn động TPHCM (năm 2006), UBND TP đã giao Sở TN-MT thực hiện dự án thiết lập hệ thống quan sát động đất khu vực Nam Bộ và các vùng lân cận nhằm ghi nhận và thông báo kịp thời các trận động đất, sóng thần.

Không cảnh báo được!

Ngay sau đó, Sở TN-MT đã phối hợp với Viện Vật lý địa cầu xây dựng đề án. Tuy nhiên đến nay, tiến độ thực hiện theo đề án vẫn chỉ dừng lại ở việc chấm 6 vị trí đặt trạm, chưa khởi động thêm bất cứ hạng mục nào. Do dự án đã nghiên cứu từ năm 2008 nên các số liệu hiện đã lạc hậu (bồi thường giải phóng mặt bằng, công nghệ thiết bị…), muốn tiếp tục thực hiện gần như phải nghiên cứu lại từ đầu. Hiện nay, TP không có kinh phí để thực hiện, sở cũng không có nhân lực để quản lý, vận hành.
Nhân viên làm việc tại cao ốc Flemington (quận 11-TPHCM)
đổ xô xuống đường khi tòa nhà rung lắc do dư chấn ngày 11-4-2012. Ảnh: TẤN THẠNH
 
Quan trọng nhất là các trạm này chỉ ghi nhận lại số liệu các trận động đất, sóng thần (sự việc đã xảy ra) chứ không có chức năng cảnh báo ngày giờ sẽ xảy ra động đất, thực tế trên thế giới cũng chưa có hệ thống nào cảnh báo được điều đó. Theo ông Nam, việc lập các trạm quan trắc có tính chất nghiên cứu lâu dài mà việc này phải do Viện Vật lý địa cầu thực hiện trong tổng thể chung, TP không thể đơn phương xây dựng hệ thống các trạm quan trắc được.

TS Lê Minh Huy, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu, cũng khẳng định hệ thống quan trắc này chỉ mang tính hỗ trợ, nếu thiếu cũng không ảnh hưởng lớn vì TP không có khả năng xảy ra động đất mà  chỉ ảnh hưởng từ nơi khác như ngoài khơi Vũng Tàu - Phan Thiết. Bên cạnh đó, một số khu vực lân cận TP đã có các trạm quan trắc: như Đà Lạt, Bình Định… sắp tới sẽ có thêm trạm Côn Đảo, Phú Quý… Các trạm này nằm trong hệ thống 30 trạm quan trắc động đất, sóng thần toàn quốc do Viện Vật lý địa cầu xây dựng và quản lý.

Phải có mới cảnh báo được?

Trong khi đó, cũng từ Viện Vật lý địa cầu, GS-TS Nguyễn Đình Xuyên lại khẳng định hệ thống 6 trạm quan trắc động đất, sóng thần TPHCM và Nam Bộ hoàn toàn có thể thực hiện chức năng cảnh báo. GS Xuyên cũng là người xây dựng đề án hệ thống quan trắc động đất khu vực TPHCM và lân cận. Đề án gồm 6 trạm quan trắc được trang bị bằng các máy địa chấn hiện đại, trung tâm số liệu đặt tại Sở TN-MT TPHCM.
Số liệu động đất ghi nhận được ở các trạm được truyền tự động về trung tâm bằng internet, radio hoặc qua vệ tinh. Tại trạm trung tâm, số liệu cũng được xử lý tự động đưa ra kết quả quan sát động đất (vị trí, độ mạnh...) nên không cần quá nhiều nhân lực quản lý như Sở TN-MT đã lo lắng. Tổng kinh phí dự án khoảng 10 tỉ đồng (thời điểm 2008). Sáu vị trí dự kiến xây trạm quan trắc động đất sóng thần là  quận Thủ Đức - TPHCM (trạm trung tâm), Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang và Bạc Liêu.
Các trạm quan trắc này là một bộ phận không thể tách rời của hệ thống mạng lưới quan trắc cả nước, nếu thiếu chúng mạng lưới trạm quốc gia không ghi nhận được đầy đủ động đất yếu và trung bình xảy ra ngoài phạm vi vùng Nam Bộ, kể cả vùng biển Vũng Tàu và lân cận. Hiện nay, số liệu về động đất, sóng thần cung cấp cho TP là từ Viện Vật lý địa cầu, tuy nhiên chủ yếu vẫn nhờ vào số liệu các trạm quan trắc nước ngoài như Nhật, Mỹ…
Số liệu này rất lâu mới được công bố và sai số khá lớn so với Việt Nam.  “TP vừa yêu cầu các cơ quan, đơn vị truyền thông phải thông báo, nhắn tin rộng rãi đến người dân cảnh báo động đất, sóng thần. Nhưng TP không có trạm quan trắc thì cảnh báo thế nào được!” - GS Xuyên nhấn mạnh. Hiện nay, TP có rất nhiều các công trình quan trọng về giao thông và nhà cao tầng, thiệt hại đối với con người và các công trình này lớn hơn rất nhiều lần so với kinh phí đầu tư các trạm quan trắc.

 Có thể xảy ra động đất lên đến 5 - 7 độ Richter

 

 

Kết quả khảo sát của Liên đoàn Địa chất Bản đồ miền Nam (đã được UBND TPHCM giao nghiên cứu đánh giá độ nguy hiểm động đất phục vụ công tác quy hoạch và xây dựng kháng chấn trong khu vực) cho thấy TPHCM nằm trên khu vực có nhiều đới đứt gãy: sông Sài Gòn hoặc giữa sông Vàm Cỏ Đông - sông Sài Gòn... Các đứt gãy này chạy qua hồ Dầu Tiếng, theo dọc sông Sài Gòn, tới sông Lòng Tàu và ra biển Đông. Ngoài ra, TPHCM còn chịu ảnh hưởng bởi một loạt đứt gãy gián tiếp khác như đới đứt gãy DakMil - Bình Châu, Hòn Khoai - Cà Ná, Mỹ Tho - Gò Công… Chính vì vậy, TPHCM có thể xảy ra động đất với mức độ lên đến 5 - 7 độ Richter. Thống kê từ năm 1967 cho thấy TP đã xảy ra khá nhiều trận động đất với mức độ từ 3-5 độ Richter.

 

(Nguồn: MINH KHANH/ NLĐ)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: TP.HCM: Dừng dự án quan trắc động đất

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI